13/03/2023 -

Tâm lý

407
Mạng xã hội có phải là nơi để phơi bày cuộc sống?

Gần đây tôi có thấy một vài caption được coi là của giới tu hành, kiểu như “mình đi tắm nhé”, kèm theo hình ảnh minh họa là một chiếc khăn vắt trên vai, hay một caption khác; “bỗng dưng đổ bệnh” với hình ảnh nhợt nhạt, tóc tai bù xù, mặc đồ bộ nằm vắt vẻo trên giường… Những dòng status tâm trạng, đôi khi nó là bằng chứng tố cáo một nội tâm bất ổn của một người chưa tìm được hướng đi đúng đắn cho mình, chưa định hình về mặt tính cách.

Mạng xã hội (MXH) (Facebook, Zalo, Instagram, Twitter, Tiktok… ) đã  rất quen thuộc và trở thành “món ăn” không thể thiếu của con người trong xã hội hiện đại. Nơi đây mọi tâm trạng; buồn, vui, hạnh phúc, khổ đau,… đều được public và lưu giữ lại trên timeline, nhất là với những người thích chia sẻ, thích bày tỏ chính kiến cá nhân. Có khi chỉ là những dòng status rất vu vơ chẳng có thông điệp gì của một thời “ăn chưa no nghĩ chưa tới” nhưng lại được gọi với cái tên nghe rất thời thượng và hấp dẫn “tương tác”

Trang cá nhân là “tài sản riêng” của mỗi người, “mình thích thì mình đăng”, nói như trend của giới trẻ hiện nay là “mình đẹp mình có quyền”. Điều đó không sai, tuy nhiên, ở góc độ nào đó, nếu tôi phơi bày cuộc sống của mình ra để “tương tác” hay mong nhận được sự quan tâm, thấu hiểu từ những  “comment” của người khác thì tôi đã quá sai lầm. Mỗi người có một cuộc sống riêng, một công việc và nhiều sự quan tâm khác, chẳng ai có thì giờ để quan tâm đến tâm trạng của mình đâu. Họ chỉ nghĩ tôi là người rảnh rỗi, không có việc gì làm ngoài việc lên MXH kể lể hôm nay tôi ăn gì, mặc gì hay đau ốm ra sao... Còn người thật sự quan tâm đến tôi thì không cần phải dõi theo tôi qua MXH.

Tôi không phủ nhận hiệu quả tích cực mà MXH mang lại, nhưng tôi cũng bắt đầu nhận ra những nguy cơ của việc chia sẻ mọi thứ trong cuộc sống của mình lên mạng xã hội. Tôi hạn chế dùng MXH, không còn hay viết lên những dòng tâm trạng của mình, không phải vì tôi không có tâm trạng mà vì cảm thấy viết ra là điều không cần thiết, nó chỉ khiến tôi cảm thấy mất thời gian và gây phiền toái cho những người mà tôi từng kết bạn khi họ không có nhu cầu đọc những status của tôi.

Mùa Chay là mùa được mời gọi hồi tâm, sám hối trở về với Chúa. Con đường trở về với Chúa phải có sự “động chạm” cách trực tiếp đến Thiên Chúa và những khí cụ hữu hình mà Chúa dùng qua Giáo Hội để ban ơn cứu độ cho chúng ta là các Bí tích chứ không phải là sự “động chạm” bàn phím.

Như người phụ nữ Samari đã gặp Chúa bên bờ giếng Giacóp và bà đã được Chúa cho thỏa “cơn khát” nước hằng sống, hay người phụ nữ băng huyết đã tìm gặp Chúa và cố gắng chạm vào tua áo của Chúa và bà được chữa lành. Cũng vậy, để có một Mùa Chay thánh thiện với một tâm hồn được chữa lành, chúng ta cần đến nhà nguyện, cần đến Thánh Thể, cần đến Bí tích Hòa Giải, cần đến cộng đoàn. Đó là những nơi sống động nhất cần chúng ta “tương tác” để lãnh nhận ơn ơn cứu độ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 55, năm 2021 rằng: “những ai tham gia truyền thông xã hội, hãy tích cực truyền thông bằng cách gặp gỡ mọi người trong thực tế đời sống của họ, để có thể nhìn thấy trực tiếp, cảm nhận và đụng chạm vào những thực tại sinh động tươi mới của con người hôm nay. Nhờ đó tất cả những thông điệp, câu chuyện, tin tức, hình ảnh chúng ta chia sẻ cho nhau mới chân thực và có giá trị”
[1]

Từ bây giờ, nếu có chia sẻ điều gì lên MXH thì đó chỉ là những thông điệp có ý nghĩa cho cuộc sống và hữu ích cho người tham gia MXH.
CatBui
 

[1] X. Phanxicô, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội 2021
114.864864865135.135135135250