Đừng để mình có quá nhiều tự do. Trong tâm trí luôn giữ ý ngay lành, tâm hồn bình thản, biết tạo niềm vui nội tâm, sống lạc quan...
Con người vốn là loài yếu đuối. Mạnh mẽ đó, nhưng cũng gục ngã đó tức thì. Nhiều khi ta cũng nỗ lực nhiều lắm, nhưng khi đối diện với cám dỗ, ta vẫn thất bại như thường. Sống đời khiết tịnh với những đòi hỏi của nó trong thế giới này thật chẳng dễ dàng chút nào. Bản thân yếu đuối đã đành, những thách đố đến từ thế giới bên ngoài vẫn cứ nhan nhản chung quanh. Chúng ta hãy cùng đào sâu hơn về chúng qua việc tìm ra những trợ giúp khả dĩ có thể giúp người tu sĩ sống đời độc thân vì Nước Trời sao cho sinh hoa kết quả dồi dào một cách cụ thể, dựa trên những nguyên tắc mà chúng ta đã nói đến khi tìm hiểu về việc “làm sao để sống đời khiết tịnh cho ý nghĩa.”
Về bản thân, người tu sĩ cần học để biết giá trị và ý nghĩa đúng đắn của thân xác, phái tính nam nữ với những đặc trưng về thể lý, tâm lý và tâm linh. Biết cách chăm sóc cho thân xác mình cách chu đáo, đúng mức. Phải có ý hướng ngay lành trong tra cứu, học hỏi giới tính để không ngụp lặng trong tính dục. Phải cố gắng tạo sự hiệp thông qua việc mở ra với thiên nhiên, với người khác. Phải cố gắng hành xử sao cho tế nhị, lịch thiệp, có chừng mực, đặc biệt với người khác phái, ngay cả trong cái nhìn, lời nói, cử chỉ. Biết quan tâm, lo lắng, chăm sóc người khác, đặc biệt là các đối tượng tông đồ của mình nhưng phải cẩn trọng, biết giới hạn dừng lại và tránh những gì khiến cho sự thân mật và riêng tư có đất nảy sinh. Không nên gặp gỡ, trò chuyện với người khác phái khi không cần thiết. Rèn luyện ý chí của mình sao cho thật vững mạnh. Cẩn thận với những lôi kéo tính dục xảy đến trong trí tưởng tượng. Tốt nhất là phải mạnh mẽ chặn ngay từ đầu. Chúng ta không thể ngăn cản chuyện có lúc nào đó những xung động tính dục có thể trồi lên trong người, nhưng đừng tạo điều kiện cho nó, đừng đồng thuận với nó, dù chỉ một chút nhỏ.
Cơ thể và phòng ốc nên trong tình trạng sạch sẽ và ngăn nắp. Tổ chức thời gian làm việc sao cho hợp lý, chặt chẽ, tránh để thời gian nhàn rỗi. Đừng để mình có quá nhiều tự do. Trong tâm trí luôn giữ ý ngay lành, tâm hồn bình thản, biết tạo niềm vui nội tâm, sống lạc quan. Biết tìm cho mình những thú vui tao nhã, phát huy những tâm tình trong sáng, vun trồng khát vọng thanh cao, chú tâm nghiên cứu sách vở kinh điển hữu ích, thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật chân chính, nghe nhạc không lời. Biết sống quân bình trong các mối tương quan, cân bằng các đam mê, tuân thủ giờ giấc sinh hoạt, tham gia các hoạt động chân tay, thể thao điều độ. Cẩn thận trong việc đọc sách báo, phim ảnh, đừng để những học thuyết sai lạc lung lay mình, làm mình mất đi định hướng và quyết tâm ban đầu. Phải luôn xét mình, nhận định, cảnh giác để thấy những suy yếu mà điều chỉnh. Các mối tương quan phải lành mạnh và có một giới hạn để biết làm chủ đúng mức, từ cái nhìn, sự đụng chạm tiếp xúc. Không nên nói những câu bông đùa, nhạy cảm liên quan đến phái tính và tránh những cơ hội gây dịp tội. Cũng phải luôn ghi nhớ rằng phải trải qua một quá trình rèn luyện cực khổ thì mới có thể làm chủ được chính mình. Vì thế, không được nản chí hay bỏ cuộc. Trong mọi sự, việc hãm mình, khổ chế, kỷ luật bản thân luôn là điều rất cần thiết, miễn là nó không thái quá.
Về đời sống thiêng liêng, cố gắng xây dựng một tình yêu thiết thân với Chúa. Nếu không có yếu tố này, các yếu tố khác xem như vô dụng. Muốn vậy, phải năng cầu nguyện, tìm hiểu, học hỏi về Chúa. Tình yêu và tương quan với Chúa được hình thành và phát triển qua những nỗ lực của bản thân trong đời sống thường ngày, khi chu toàn những bổn phận, khi thực thi những việc bác ái âm thầm dù là nhỏ bé, khi tinh ý nhận ra những an bài của Ngài hay khi bất chợt nhận được một ơn soi sáng nào đó. Cứ thế, từng chút từng chút một, ta sẽ thấy mình với Chúa trở nên rất gần gũi với nhau. Cũng cần phải nhớ rằng cuộc sống và Kinh Thánh không bao giờ tách biệt nhau. Kinh Thánh không phải là cuốn sách lịch sử, kể về những chuyện xa xưa, nhưng là phản ánh từng biến cố đang xảy đến với ta ở hiện tại. Ta nhìn thấy chính mình trong Kinh Thánh. Cuộc sống của ta cũng chính là một quyển Kinh Thánh sống động, nơi đó, ta nghe lời Chúa nói với mình cách rất rõ ràng. Để sống tốt đời khiết tịnh, cũng cần phải năng đến với các bí tích để được ơn Chúa phù trì, đặc biệt là bí tích Thánh Thể và bí tích Hoà Giải. Sùng kính Mẹ Maria và các thánh, xin các Ngài cầu bàu cho. Hơn bao giờ hết, người tu sĩ, đặc biệt là các tu sĩ trẻ cần có một vị linh hướng. Phải thành thực, cởi mở với lòng khiêm nhường với vị này để được giúp đỡ và hướng dẫn đúng cách. Ngoài ra, cũng cần phải thực thi tình huynh đệ bác ái trong cộng đoàn. Nâng đỡ nhau, chia sẻ với nhau chân thành, tập sống lan toả tình yêu cho người khác.
Các nhà tâm lý cũng nói đến việc thăng hoa tính dục. Tính dục là một xung năng. Thay vì kiềm hãm nó hay đè nén nó, hãy cố gắng làm thăng hoa nó, chuyển xung năng đó thành xúc cảm rồi thành một tình yêu phổ quát dành cho hết tất cả mọi người. Mỗi khi đòi hỏi của tính dục trồi lên, nếu ta thoả mãn nó thì cũng chỉ trong phút giây đó mà thôi. Tính dục sẽ tiếp tục đòi hỏi, và tần suất càng ngày càng cao. Một khi đã thoả mãn tình dục, những xung năng của nó đã bị phóng ra ngoài. Với một người sống đời khiết tịnh trong đời tu, việc thoả mãn là điều không được phép, nhưng nếu cứ đè nén, ráng căn răng chịu đựng thì đến một lúc nào đó, nó sẽ lớn lên, vượt khỏi tầm kiểm soát của mình, bùng phát ra và gây nên những hậu quả khôn lường. Vì thế, người tu sĩ cần dùng ý chí để điều chỉnh nó, cố gắng để tâm bình thản lại, chuyển sức mạnh của tính dục vào trong những hoạt động khác. Thật ra, chỉ cần sau một khoảng thời gian ngắn bình tâm, những cám dỗ sẽ dần dần dịu lại, sự thúc bách sẽ không còn mạnh nữa, và ta sẽ có thêm sức để làm nhiều việc khác với một sự năng nổ hơn.
Trên bình diện huấn luyện, ngoài việc phải nêu gương sáng, những người có trách nhiệm cần có một sự cảm thông và kiên nhẫn đối với những người thụ huấn, đặc biệt là những người có tuổi đời còn trẻ và đã từng có những kinh nghiệm xấu về tính dục. Không nên tỏ ra gắt gỏng, nóng tính hay đe doạ. Cũng đừng bao giờ lấy mình làm tiêu chuẩn rồi bắt các tu sĩ trẻ phải noi gương mình. Mỗi người có một khó khăn riêng nên cũng cần có một phương pháp đúng đắn để giúp họ vượt qua và đạt tới sự trưởng thành tâm cảm. Huấn luyện đòi hỏi một quá trình dài, nên cũng cần thời gian để một tu sĩ trẻ đảm đương được lời mời gọi để sống độc thân vì Nước Chúa.
Biết rằng nói thì rất dễ, làm mới khó. Những chỉ dẫn trên đây là kinh nghiệm của những bậc thầy, là những người đã phải đấu tranh rất nhiều, trải qua biết bao xương máu mới có thể rút tỉa ra được những bài học đắc giá như thế. Chúng ta cần cả một đời để noi theo, để huấn luyện bản thân mình. Và chắc chắn, cũng sẽ không thể tránh khỏi những sa ngã. Nhưng nếu chúng ta có lòng, chắc chắn Chúa sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ. Yếu đuối của chúng ta vẫn còn đó, nhưng ơn Ngài luôn đủ cho ta.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Nguồn: https://giaophanlongxuyen.org/tin-tuc/nhung-tro-giup-cho-doi-song-khiet-tinh-trong-doi-tu.html
Bài tiếp theo: Khiết tịnh – một câu chuyện nội tâm