29/07/2022 -

Tâm lý

389
Sự tha thứ giải phóng tâm hồn và xua tan sợ hãi


Chỉ được phép xem thường ai đó nếu chúng ta có ý định cúi xuống và giúp họ đứng lên”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nhắc đến câu thành ngữ này để diễn tả cách đặc biệt sâu sắc về những gì đã được biểu lộ nơi một vĩ nhân của thời đại chúng ta: Nelson Mandela, người có ngày sinh 18 tháng 7, một ngày được Liên Hiệp Quốc kỷ niệm là Ngày Quốc tế.


Trong cuộc nội chiến bất bạo động của mình, với quyết tâm trở thành “kẻ mơ mộng không bao giờ lùi bước”, như cách ông thích tự mô tả về mình, Mandela đã minh chứng một cách đích xác rằng không ai vượt trội hơn người khác bởi vì tất cả chúng ta đều có phẩm giá như nhau. Và cũng chính vì lý do này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng một cách diễn đạt thân thương rằng “không ai được cứu một mình” (x. Fratelli Tutti, 54). Đối với nhà lãnh đạo Nam Phi, người đã phải gánh chịu hậu quả cho những ý tưởng về công bằng và bình đẳng của mình bằng 27 năm tù, thì sự thống trị của người da trắng đối với người da đen là không thể chấp nhận được, nhưng ngược lại cũng không.


Đó là lý do tại sao, khi cuối cùng được trả tự do vào ngày 11 tháng 2 năm 1990, và vài năm sau, được bầu làm tổng thống của đất nước mình, Mandelalại hoàn toàn từ chối mọi lời chiêu dụ để trả thù cho người da đen nhưng thay vào đó là bắt tay vào một tiến trình can đảm nhằm hòa giải và hàn gắn những vết thương sâu sắc mà chế độ phân biệt chủng tộc (Apartheid) đã gây ra cho người dân Nam Phi. Quyết tâm này đã đem về cho ông giải Nobel Hòa bình, và chín năm sau khi qua đời, quyết tâm này vẫn còn làm cho ông trở thành một trong những nhân vật truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất cho các thế hệ mới.
 

Như Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lưu ý trong thông điệp nhân Ngày Nelson Mandela năm nay, nhà lãnh đạo Nam Phi “đã cho thấy rằng mỗi người trong chúng ta đều có khả năng - và trách nhiệm - để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người”. Cho tất cả mọi người. Không chỉ cho một phía mà thôi. Bởi vì, như một trong những câu nói được trích dẫn nhiều nhất của ông mời gọi rằng, “Thật quá dễ dàng để đạp đổ và phá hủy. Các anh hùng là những người kiến tạo hòa bình và xây dựng.” Nhưng điều gì đã giúp Mandela có thể chịu đựng được việc bị tước đoạt tự do trong gần 30 năm cuộc đời, và sau đó lại trở thành nhà kiến tạo hòa bình khiến mọi người phải cảm phục và tiếp tục cảm phục? Đó chính là sự tha thứ.


Chắc chắn Madiba, một cách gọi khác của Mandela nơi bộ tộc quê hương của mình, đã không dễ dàng tha thứ cho những kẻ tra tấn mình; đó không chỉ là một cuộc xâm lược “không đem lại giá trị nào”. Bản thân ông cũng tâm sự rằng trong những giây phút đầu tiên sau khi ra tù, tức giận là cảm xúc chủ yếu của ông. Nhưng chính tại đoạn quan trọng đó trong cuộc đời (và trong lịch sử Nam Phi), như ông kể lại, ông đã được nghe lời khuyên này từ Chúa: “Nelson, đang khi ở trong tù, con đã được tự do; bây giờ con đã tự do, thì đừng trở thành tù nhân của họ.” Do đó, Mandela quyết định không tiếp tục sa lầy trong quá khứ mà để cho sự cay đắng qua đi. Sau này ông đã nhận thức rằng “sự tha thứ giải phóng tâm hồn. Nó xua tan sợ hãi. Đó là lý do tại sao sự tha thứ là một vũ khí lợi hại đến như vậy”.


Khó ai biết được ngày hôm nay Mandela sẽ nghĩ gì về tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng sự tha thứ phải được coi là “một quyền của con người, bởi vì tất cả chúng ta đều có quyền được tha thứ”. Con gái Makaziwe của ông đã cho chúng ta biết về điều này trong một cuộc phỏng vấn với Vatican Media vào tháng 12 năm ngoái. Trước câu hỏi của chúng tôi về lời dạy lớn nhất mà cô lãnh hội được từ cha mình, cô trả lời: “Không ai sinh ra đã ghét người khác vì màu da, văn hóa hoặc niềm tin tôn giáo của họ - chúng ta được dạy để ghét và nếu chúng ta được dạy để ghét, thì chúng ta cũng có thể được dạy để yêu, vì tình yêu đến với tinh thần con người một cách tự nhiên.”

 

Tác giả: Alessandro Gisotti - Nguồn: L'Osservatore Romano (22/7/2022)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên

https://giaophanvinhlong.ne

114.864864865135.135135135250