02/05/2023 -

Tâm lý

273
Tuyệt vọng thật sự là gì?


Có một câu ngạn ngữ rằng, Chúa không bao giờ cho chúng ta điều chúng ta không chịu đựng nổi. Tôi đồng ý thế. Chúa không bao giờ cho chúng ta điều chúng ta không chịu nổi...


Trong vở nhạc kịch Những người khốn khổ, có một bài hát làm ám ảnh được nhân vật Fantine, người phụ nữ hấp hối hát lên, cô bị vùi dập bởi gần như mọi thứ bất công có thể có trên đời. Bị chồng bỏ rơi, bị chủ quấy rối, rơi vào cảnh bần cùng, bệnh tật và hấp hối, thế mà chuyện làm cô lo lắng nhất là số phận của con gái sau khi cô qua đời. Cô hát lên bài hát ai oán này. Và tôi nghĩ rằng, lời hát này khá quen thuộc với nhiều người trong chúng ta.


 Nhưng có những giấc mơ không thể thành

 Có những cơn bão không thể vượt qua

 Tôi có một giấc mơ về đời mình

 Nó quá khác với địa ngục tôi đang sống

 Nó quá khác bây giờ

 Cuộc đời đã giết đi

 Giấc mơ tôi từng mơ

 

Gần đây, khi thực hiện bài phỏng vấn về chuyện tự tử, có người hỏi tôi, rằng liệu tôi có xem tự tử là hành động của tuyệt vọng không. Tôi trả lời rằng không, ít nhất là với hầu hết vụ tự tử, rồi nêu ngược lại câu hỏi này: Tuyệt vọng thật sự là gì? Tuyệt vọng nghĩa là gì?

 

Từ tuyệt vọng có gốc từ la-tinh nghĩa là “không có hy vọng”. Từ điển thường định nghĩa tuyệt vọng là động từ, nghĩa là hành động từ bỏ hy vọng hoặc nản lòng trước hoàn cảnh khó khăn. Tôi không có vấn đề gì với định nghĩa đó. Nhưng cái mà tôi thấy có vấn đề và cần được xem xét triệt để là cách hiểu chuyện này trong cả Giáo hội và xã hội, cụ thể là xem nó như thất bại tận cùng về đạo đức và tôn giáo, là tội tận cùng chống lại Thiên Chúa và bản thân. Tuyệt vọng thường được hiểu là tội không thể tha thứ, là tình trạng chết tồi tệ nhất. Nói tóm lại, tuyệt vọng được hiểu là việc tệ nhất mà người ta có thể làm.

 

Tôi tin chúng ta cần xem lại chuyện này, cả về cách hiểu tình trạng con người chúng ta và nhất là cách chúng ta hiểu Thiên Chúa. Khi có người bị tan nát tinh thần do hoàn cảnh, sự bất công, tàn bạo, bệnh tật, đau đớn, tai nạn, hoặc bởi tội lỗi của người khác đến nỗi họ không thể nào tìm ra bất kỳ hạt giống hy vọng nào trong bản thân, vậy đó có phải là lựa chọn đạo đức không? Đây có phải là thất bại đạo đức không? Đây có thật sự là tội tồi tệ nhất, sự phạm thượng không thể tha thứ nhất hay không? Đáng buồn thay, chúng ta thường nghĩ như vậy.

 

Có một câu ngạn ngữ rằng, Chúa không bao giờ cho chúng ta điều chúng ta không chịu đựng nổi. Tôi đồng ý thế. Chúa không bao giờ cho chúng ta điều chúng ta không chịu nổi, nhưng hoàn cảnh, tai nạn, áp bức và tự nhiên đôi khi lại làm thế. Có một đoạn đả phá quan niệm sai lầm trong quyển sách của bà Kate Bowler, Mọi chuyện đều có lý do: Lại một lời dối trá tôi thích (Everything Happens For a Reason: And Other Lies I’ve Loved). Chúng ta phải cẩn thận về cách hiểu những diễn đạt mộ đạo chẳng hạn như “Chúa không bao giờ cho chúng ta điều chúng ta không chịu nổi”.

 

Thánh vịnh nói rằng Thiên Chúa đặc biệt gần gũi với những ai có tâm hồn tan nát và Ngài sẽ cứu rỗi họ. Chúa Giêsu đã đưa điều này thành tâm điểm trong giáo huấn và mục vụ của Ngài. Chúa Giêsu không chỉ đặc biệt yêu thương những ai có tâm hồn tan nát, mà Ngài còn đồng nhất với sự tan nát của họ (Thánh Mátthêu) và cam đoan với chúng ta rằng họ sẽ vào nước trời trước những người giàu, người quyền thế. Với Chúa, người tan nát là những người mà Thiên Chúa đặc biệt yêu thương.

 

Với sự thật đó, chúng ta thật sự tin rằng Thiên Chúa sẽ đẩy những người chết với tấm lòng tan nát và dường như không còn chút hy vọng, vào địa ngục sao? Chúng ta thật sự tin rằng Thiên Chúa sẽ đẩy Fantine vào địa ngục sao? Thiên Chúa nào lại làm như thế? Thiên Chúa nào lại nhìn một con người quá tan nát đến nỗi mất hết mọi hy vọng rồi xem đó là sự xúc phạm tận cùng với tình yêu và lòng thương xót của Ngài? Thiên Chúa nào lại nhìn một người tan nát tâm hồn rồi xem đó là sự xúc phạm đến tình trạng con người? Chắc chắn đó không phải là Thiên Chúa mà Chúa Giêsu dạy chúng ta tin.

 

Và cũng như thế, khi chúng ta nhìn điều này từ góc nhìn của sự thông hiểu và cảm thương nhân văn. Con người nào lại nhìn sự tan nát của người khác và xem đó là tội lỗi nặng nề, là sự phạm thượng chứ? Con người nào lại chê trách về đạo đức một người đã gặp phải vô số hoàn cảnh bi thương, chết chìm giữa biển thất vọng, đau đớn và những giấc mơ tan vỡ chứ? Con người nào xem Những người khốn khổ mà lại nghĩ có thể Fantine sẽ vào địa ngục chứ?

 

Trong phúc âm theo thánh Mác-cô, ngay trước khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, Chúa Giêsu đã kêu lên, “Lạy Chúa, sao Chúa bỏ con?” Rồi Ngài trút linh hồn vào tay Chúa Cha. Trong hiểu biết kinh điển về đoạn này, chúng ta thường diễn giải: Chúa Giêsu bị cám dỗ rơi vào tuyệt vọng, nhưng Ngài đã chiến đấu để chống cự, và thay vào đó, với lòng hy vọng, Ngài phó mình cho lòng thương xót Thiên Chúa. Tôi nghĩ rằng, xét tận cùng đây chính là điều mà hầu hết những người mà chúng ta nghĩ là chết khi họ đã từ bỏ hy vọng, cụ thể là họ bị tan nát tinh thần, họ quy phục trước điều họ không rõ, là vòng ôm của Thiên Chúa.

 

Chúng ta cần thông hiểu hơn nhiều khi phán xét về sự tuyệt vọng. Bởi vì có những cơn bão không thể vượt qua!


Ronald Rolheiser, 
J.B. Thái Hòa dịch

Nguồn: https://giaophanlongxuyen.org/

114.864864865135.135135135250