23/05/2022 -

Tản văn

596
Bao dung - nét đẹp trong đời sống cộng đoàn

Đời sống cộng đoàn là một trong năm yếu tố làm nên ơn gọi Đa Minh. Vậy cộng đoàn là gì và đâu là nét đẹp của đời sống cộng đoàn?

Theo quan điểm của tôi: Cộng đoàn chính là “ngôi nhà yêu thương”, nơi đó có những người chị em cùng học hỏi, cùng chung sống cho một lý tưởng cao đẹp của cuộc đời mình để cùng chia sẻ và hiệp thông với nhau trong cùng một sứ vụ của dòng. Vì con người vốn được dựng nên “giống hình ảnh Thiên Chúa”, một Thiên Chúa Ba Ngôi, nên tự bản chất con người hiện hữu là “hiện hữu với”; con người sống, là “sống cộng đoàn”. Tuy nhiên, bất kỳ ai khi bước vào đời sống cộng đoàn đều có chung một cảm nhận: sống đời sống cộng đoàn không đơn giản chút nào.

Với bản thân tôi cũng vậy, khi cảm nhận về đời sống cộng đoàn, tôi cũng đối diện với nhiều khó khăn. Mặc dầu,  trong đời sống cộng đoàn niềm vui nhiều nhưng nỗi buồn cũng không thiếu vắng. Điều này, khiến tôi băn khoăn khắc khoải và tôi tự đặt cho mình những câu hỏi: Tôi phải làm gì? Phải sống ra sao? Phải ứng xử thế nào? Việc yêu thương và hiệp nhất với những chị em hợp với mình có khi còn khó, đối với những chị em mà mình chẳng ưa thích còn khó hơn. Vì thế, những thao thức của tôi xin được  gởi trao cho Thầy Chí Thánh, xin Thầy soi sáng để tôi nhận ra: đâu là điều thiết yếu giúp tôi sống chan hòa và làm cho cộng đoàn học viện của tôi đang sống được thăng tiến và triển nở, đồng thời giúp tôi sống trong cộng đoàn hạnh phúc và bình an.

Với hơn mười năm sống trong cộng đoàn với niềm vui, hạnh phúc xen lẫn những khổ đau, tôi nghiệm ra được yếu tố và đó cũng là nét đẹp không thể thiếu trong đời sống cộng đoàn đó là: “Lòng bao dung”.


1. Bao dung để đón nhận, tha thứ và chấp nhận nhau

Chính nhờ lòng bao dung của Thiên Chúa mà Ngài đã quy tụ mọi người trong một cộng đoàn để họ nên một. Điều này khiến tôi suy nghĩ và tự hỏi: Sao Chúa không chọn những người tài giỏi, thánh thiện, tốt lành và đạo đức để người huấn luyện không phải vất vả và khi ấy cộng đoàn sẽ không có vấn đề, mọi người sẽ sống tốt với ơn gọi của mình. Nhưng tôi cảm nhận một điều rằng: một cộng đoàn mà chỉ là sự bùng nổ của chủ nghĩa anh hùng thì không phải là một cộng đoàn đích thực, mà cộng đoàn chỉ được hình thành khi mỗi thành viên chấp nhận rằng họ không dự tính làm những chuyện vĩ đại, không dự định trở thành anh hùng, mà chỉ đơn giản sống mỗi ngày với niềm hy vọng mới. Cộng đoàn chỉ được hình thành khi mỗi người nhận ra sự bình thường của mình, những điều kiện của nhân sinh, đồng thời tạ ơn Thiên Chúa đã đặt để trong thân thể hữu hạn những hạt giống vĩnh cửu được nhìn thấy qua những cử chỉ nhỏ bé yêu thương và tha thứ hằng ngày như lời Chúa đã nói: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc2,17).

Cộng đoàn là tập hợp những cá nhân mà họ được kêu gọi để sống và chia sẻ các giá trị Tin Mừng với nhau. Mỗi cộng đoàn Kitô hữu phải nhận ra rằng không chỉ người yếu mới cần đến người mạnh mà cả người mạnh cũng không thể tồn tại nếu không có người yếu. Loại trừ người yếu là giết chết tình huynh đệ.

Trong thực tế, tôi nhận thấy cộng đoàn luôn gồm những người chưa hoàn thiện và tồn tại song song cả hai yếu tố: tốt, xấu. Chính vì thế, chúng ta cần đón nhận những yếu đuối của nhau để bổ sung nâng đỡ và giúp nhau cùng đi lên trong yêu thương, đồng thời giúp nhau cùng lớn lên trong việc gặp gỡ Thiên Chúa. Để làm được điều này không phải là một điều dễ mà cần phải có lòng bao dung. Chính lòng bao dung là yếu tố giúp sống chan hòa yêu thương dù cho có những khác biệt. Tại sao vậy? Bởi lòng bao dung bao gồm trong đó sự yêu thương và tha thứ, khoan dung và độ lượng, không chấp nhất. Bao dung không có chỗ cho ghen tương, ích kỷ, trái lại nó giúp cho chị em có thể sống chung và làm việc cùng nhau.

Những ai đã một lần vấp ngã về sự yếu đuối của mình mới cần lòng bao dung của Chúa và của anh chị em mình như thế nào, như lời bài hát: “Khi tôi lầm lỡ mới biết sớt chia với người lỡ lầm...” Để rồi khi phải đối diện với những yếu đuối va vấp của chị em, thì chính tôi phải biết cảm thông và có lòng bao dung với họ. Trong một cộng đoàn, cần lòng bao dung hơn nữa nơi người lãnh đạo, vì nhờ đó, những người bề dưới có thể tin tưởng, cậy dựa, sẵn sàng bộc bạch hết con người của mình mà không sợ bị khiển trách, lên án. Người có lòng bao dung thì ai cũng muốn đến gần, họ như suối nguồn mát trong mà ai cũng có thể ngụp lặn trong đó để tâm hồn được lắng dịu, bình an.


2. Bao dung để cảm thông

Người ta nói “nhân vô thập toàn”, không ai là không có sai lỗi, tôi cũng vậy. Vì thế, khi sai phạm, tôi rất cần lòng bao dung của Chúa và của anh chị em mình. Chính lòng bao dung sẽ giúp tôi vươn lên, vực tôi dậy, tin tưởng vào Chúa, vào chị em, vào cuộc sống. Còn gì vui hơn khi lỗi lầm mà được mọi người tiếp tục đón nhận và cho tôi cơ hội để làm lại, như lời thánh vịnh: “Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung” (Tv32,1). Thế nhưng, nghĩ lại thật đáng buồn vì không thiếu những lần tôi vô tình loại người chị em mình chỉ vì thiếu lòng bao dung.

Một điều đặt ra trong đầu tôi, nếu có lòng bao dung, tôi đã không dễ lên án, xét đoán hay ghen tị với người khác. Có những việc chính mắt mình xem là thế nhưng không phải là thế. Do đó, nếu chỉ xét bề ngoài thì tôi dễ dàng lên án, nhưng nếu có lòng bao dung tôi sẽ tôn trọng và chờ đợi chị em để hiểu hơn những gì chị em đang làm. Hơn nữa, lòng bao dung sẽ giúp tôi cầu nguyện, lắng nghe, gặp gỡ, đối thoại chia sẻ chân thành, yêu thương, giúp tôi dễ dàng đón nhận người khác và cùng chị em xây đắp cộng đoàn mỗi ngày nên tốt hơn, yêu thương hơn.


3. Bao dung để đối thoại

Trong đời sống cộng đoàn, có thể có những bất đồng ý kiến, ngay cả những đố kỵ, những thiếu khoan dung, những xung đột trầm trọng. Tất cả những điều này không có gì đáng ngạc nhiên đối với đời sống cộng đoàn. Điều quan trọng là những lúc bất đồng ý kiến, nên cần có sự đối thoại để đi đến sự thống nhất. Nhưng muốn đối thoại cần có sự lắng nghe và đồng cảm nhất định. Thực tế trong cộng đoàn, đặc biệt là dòng nữ nhiều khi vẫn có sự chênh lệch khá lớn về trình độ dẫn đến việc khó gần nhau trong đối thoại.

Tuy nhiên, chính lòng bao dung sẽ giúp cho các chị em xích lại gần nhau để lắng nghe và đối thoại để rồi những chị em khá hơn một chút có thể dễ dàng lắng nghe những chị em thấp kém và ngược lại những chị em giỏi hơn thì biết khiêm tốn hơn trong đời sống với chị em. Điều này khiến cho những chị em thấp kém không còn cảm thấy tự ti nữa.

Như thế, lòng bao dung sẽ giúp xây dựng cộng đoàn với những con người biết chia sẻ và yêu thương. Mặt khác, ta thấy phải chăng bao dung được mời gọi yêu thương những người do yếu đuối đã làm những điều không tốt, vì “vị thánh nào cũng có quá khứ, tội nhân nào cũng có tương lai”, nên lòng bao dung giúp tôi có đủ kiên nhẫn để chờ đợi chị em mình. Do đó, để hiểu và có cùng cảm xúc với chị em cần phải có thời gian, đặc biệt là có con tim bao dung để có thể mở rộng, hầu đón nhận ngay cả những chị em có cảm xúc khác với mình.

Tóm lại, để cộng đoàn là một gia đình thực sự thì chị em biết lấy lòng bao dung để ngồi lại bên nhau, cùng nhau sớt chia những niềm vui, những khắc khoải lo âu cũng như niềm hạnh phúc cho nhau: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay. Chị em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 131,1).

Một cộng đoàn dù lý tưởng và cao đẹp đến đâu mà thiếu lòng bao dung thì đời sống thật ngột ngạt, luôn phải đề phòng, dè chừng, thậm chí loại trừ và lên án nhau. Nhưng với lòng bao dung chị em đi vào cuộc dấn thân thực sự dám sống cho nhau và sống vì nhau.

Sau cùng lòng bao dung giúp mỗi người trong cộng đoàn có một sự tinh tế nhạy bén nhận ra nhu cầu của cộng đoàn,của từng người và chung tay góp sức mình với mọi người để xây dựng cộng đoàn mỗi ngày nên tốt hơn.

 
Lạy Chúa, sống trong cộng đoàn mà biết bao nhiêu “cái tôi” đang được bảo vệ một cách kỹ càng, vì chúng nói lên những cái riêng tư, những cái mà người khác muốn bước vào phải được tôi đích thân đón tiếp họ. Xin cho con ý thức rằng: sống trong một cộng đoàn luôn có xung đột “nội tại” và trong tâm hồn luôn có giao tranh giữa kiêu ngạo và khiêm nhường, ích kỷ và đại lượng, hận thù và yêu thương, tha thứ và không chịu tha thứ, cởi mở và đóng kín... biết để Chúa chiếm hữu, thanh tẩy và chiếu soi. Xin cho con luôn khiêm nhường và phó thác cho lòng thương xót của Chúa ngự trị trong tâm hồn, để mỗi ngày con càng trở nên thánh thiện và đẹp lòng Chúa hơn. Amen.

 
Anna Phan Thị Lễ 
114.864864865135.135135135250