04/04/2022 -

Tản văn

557
Cho bàn tay xòe ra

Ngày xửa ngày xưa, có một cậu thiếu niên thông minh giàu có, muốn gì được nấy. một hôm cha mẹ mua cho cậu chiếc gương cổ rất huyền bí. Cậu rất háo hức, khi đưa gương về cậu để chỗ tốt nhất trong phòng, cậu soi gương mọi lúc. Ô kìa, lạ thật. Chiếc gương cho thấy gương mặt cậu sao mà u ám quá. Cậu làm đủ trò, nhưng gương mặt cậu trong gương vẫn không thay đổi xíu nào. Một ngày kia, cậu đi mua đồ chơi. Trên đường về nhà, cậu thấy một em bé đang ngồi khóc, cậu đến hỏi vì sao và biết được cậu bé nhỏ đang lạc mất cha mẹ. Cậu dúi vào tay đứa bé đủ thứ đồ chơi và cả những viên kẹo cậu mới vừa mua, cậu chọc cho cậu bé cười. Rồi cả hai dắt tay nhau đi kiếm cha mẹ nó. Cuối cùng cả hai tìm được cha mẹ cậu nhỏ đang hớt hải tìm con, họ rất sung sướng. Thấy muộn, cậu chạy vội về nhà. Bước vào nhà, chỗ đặt chiếc gương có một luồng sáng. Ngạc nhiên cậu đến gần và nhận ra rằng tia sáng từ chính cậu chiếu vào chiếc gương cùng với niềm hạnh phúc dâng trào trong lòng. Mặt cậu rạng rỡ. Lúc đó, cậu hiểu tại sao chiếc gương ấy lại kỳ bí: Nó chỉ phản ánh trung thành niềm vui của chủ nhân khi quên đi chính mình và chìa tay cho người khác.[1]

Cậu bé trong câu chuyện trên và trong sứ điệp Mùa chay 2022 của Đức Thánh cha với chủ đề: “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu chúng ta không sờn lòng. Vậy bao lâu còn cơ hội (kairos), chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người” (Gl 6, 9- 10a). Mùa chay, thời gian thuận tiện cho việc canh tân cá nhân và cộng đoàn. Thánh Phaolô nói với chúng ta về một kairos: một thời điểm thích hợp để gieo điều tốt trong cái nhìn của một mùa gặt trong tương lai. Trong cuộc sống chúng ta, lòng tham, sự kiêu ngạo, mong muốn chiếm hữu, tích lũy và tiêu thụ chiếm ưu thế đã nhiều lúc làm cho bàn tay chúng ta nắm chặt lại. Mùa chay đến mời gọi chúng ta hoán cải, thay đổi não trạng, để sự thật và vẻ đẹp của cuộc sống có thể đạt được không phải ở việc tích lũy quá nhiều nhưng là ở việc gieo điều tốt và cho bàn tay mình mở ra, đến và chia sẻ.

Trong đời sống cộng đoàn, không nắm giữ cho riêng mình điều gì, có được bao nhiêu ơn huệ Chúa ban hãy đem ra mà dùng như trong thư Thứ nhất của thánh Phêrô đã nói: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em hãy dùng mà phục vụ người  khác” (1Pr 4,10). Chia sẻ kinh nghiệm trong công việc cho những chị em mới, đỡ nâng chị em những lúc cần giúp đỡ, tận tâm với những trách nhiệm được giao, nhiều khi đưa bàn tay mình ra để cùng nhau xách cùng một xô nước, chỉ nhau cách xếp túi ni lông, cùng nhau múa một bài để làm vui chị em, cho đôi tay mình cử động để bao nhiêu cây củi trên xe được xuống “gần” chị em hơn để xếp thành đống, hay để bàn tay mình đụng chạm đến những giọt nước mắt của những trẻ mầm non khóc đòi mẹ, và cũng có khi xòe bàn tay mình ra để “đỡ” lấy những điều mà mình không muốn.

Cho bàn tay xòe ra, nhiều lúc không chỉ là những cử động mà ngay chính trong con người của mình cũng biết mở ra, đến gạt bỏ đi những cái nhìn định kiến, biết mở lời hơn với những người chị em mình khó gần. Thiên Chúa người gieo hạt giống, Người mà ngày ngày dùng bàn tay của mình vãi đi khắp nơi những hạt giống khác nhau, với lòng quảng đại “tiếp tục gieo nơi nhân loại những hạt giống tốt” (Fratelli tutti 54). Trân quý thời gian hiện tại để gieo điều tốt, trao đi còn làm cho chúng ta hạnh phúc hơn. Những hành động, hoa quả đầu tiên của lòng tốt xuất hiện trong chính chúng ta và trong các mối tương quan hằng ngày của chúng ta, cả trong những hành động tử tế bé nhỏ. Trong Chúa, không có hành vi yêu thương nào cho dù nhỏ bé, và không có “cố gắng quảng đại: nào bị mất đi” (x. Evangelii gaudium, 279).

Không chỉ xòe bàn tay đến với tha nhân, nhưng chúng ta xòe bàn tay ra với chính mình, cho mình có cơ hội giao hòa với Chúa, thả lỏng mình ra với những suy nghĩ mà trước đó làm cho con người mình bị gò bó, sợ hãi. Đôi khi là sự buông bỏ để ân sủng của Chúa lấp đầy. Nếu trước đây là sự mặc cảm về tội lỗi mà mình không dám đến gần Chúa, ngước mắt thẳng đối diện với Ngài thì giờ đây Ngài vẫn tiếp tục gọi mời đến gần bên và Ngài sẵn sàng giang tay đón chờ mình trở về. “Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu…” (Lc 15, 20).

Lời mời gọi của Đức Thánh Cha: “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí” thật có ý nghĩa trong Mùa Chay. Trước những nỗi thất vọng cay đắng vì bao mong muốn tan vỡ, trước những nỗi bận tâm vì những thử thách phía trước, trước sự chán nản vì chính bản thân thiếu nhiệt tâm, nhìn chung quanh thiếu nhiệt huyết, chúng ta bị cám dỗ rút vào ích kỷ cá nhân và dửng dưng trước những đau khổ của người khác.

Chúng ta đừng mệt mỏi khi làm việc bác ái cho người lân cận. Trong Mùa Chay này, thực hành bố thí bằng cách vui vẻ cho đi (x. 2Cr 9,7). Nếu quả thật cả cuộc sống chúng ta gieo điều tốt, trao đi nhưng cử chỉ đẹp thì chúng ta hãy đặc biệt tận dụng Mùa Chay này để chăm sóc những người thân cận, để gần gũi với những chị em đang bị thương trên đường đời (x. Lc 10, 25-37). Mùa Chay là thời điểm thuận lợi để tìm kiếm chứ không trốn tránh những người đang cần giúp đỡ; để đi đến chứ không phớt lờ những người đang cần một đôi tai cảm thông và một lời tốt lành; để thăm viếng chứ không bỏ rơi những người phải chịu đựng sự cô đơn. Chúng ta hãy thực hành lời kêu gọi làm việc tốt cho tất cả mọi người, dành thời gian để yêu thương những người yếu nhất và không được bảo vệ, những người bị bỏ rơi và bị khinh thường, những người bị phân biệt đối xử và bị gạt ra ngoài lề xã hội (x. Fratelli tutti 193).

 
Thành Tâm Thỉnh Sinh
 


TÀI LIỆU THAM KHẢO
Sứ điệp mùa Chay năm 2022 của Đức Thánh Cha. https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-02/su-diep-mua-chay-2022-duc-thanh-cha.html
Thành Tâm Thỉnh Sinh
114.864864865135.135135135250