07/12/2022 -

Tản văn

278
Đọc lại cuộc đời

Mỗi sự việc chúng ta trải qua, mỗi con người ta gặp trong cuộc đời, mỗi một khoảng thời gian qua đi với niềm vui nỗi buồn đều sẽ để lại trong lòng ta những suy nghĩ và bài học nhất định. Bài học đó là kết quả của việc suy ngẫm và nghiệm lại những biến cố, là thành quả của việc gặp gỡ của kiến thức và thực tế mà người ta vẫn thường gọi là kinh nghiệm. Ai chưa từng “đọc lại cuộc đời” khi mà chính khi tìm lấy ý nghĩa sau những trải nghiệm là thang đo của đời người như Jean Jacques Rousseau  đã từng khẳng định: “Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất.” Phải! Trải nghiệm phong phú đưa tới những kinh nghiệm phong phú, càng ngẫm càng suy, càng đọc lại thì càng hiểu ý nghĩa của những giây phút trong cuộc đời.

 “Đọc lại cuộc đời” là hành động lặp đi lặp lại của những phút hồi tâm. Nhớ lại những biến cố đã trải qua và tìm ra ý nghĩa đích thực của chúng, đặc biệt là cái ý nghĩa mà khi sự việc đang xảy ra tâm ta chưa đủ tĩnh để phát hiện. Nghiệm lại những ơn huệ để tạ ơn, nghiệm lại những mất mát để hồi sức, nghiệm lại những thành công để tăng sức mạnh, nghiệm lại những thất bại để hoàn thiện kỹ năng, nghiệm lại tất cả để rút kinh nghiệm. Đúng! Chúng ta tìm thấy kinh nghiệm là những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo được tích lũy trong thực tiễn, bằng những hoạt động cụ thể của chính bản thân ta hay của người khác, đã khắc phục được những khó khăn mà với những đột phá và sáng tạo góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác, trong sinh hoạt và phục vụ tha nhân. Và kinh ngiệm đó chính là những bước chân vững vàng của quá trình trưởng thành của chúng ta.       

 Bạn không thể tạo ra kinh nghiệm, nếu bạn không trải qua nó (Albert Camus). Quả thế, mỗi ngày sống trôi qua với những kí ức đọng lại. Sau một ngày sống ta gặt hái cho chính mình điều gì? Phải chăng là một ngày trống rỗng và nhạt nhòa? Một ngày bình yên và an nhàn? Hay một ngày với những trải nghiệm đầy ý nghĩa? Bạn sẽ tự nhủ “Ôi, một ngày như bao ngày” rồi sống một cách máy móc và tẻ nhạt hay bạn tự dặn lòng “Hôm nay là một món quà, tôi sẽ khám phá và mở ra với niềm háo hức” rồi bằng tất cả sự trân trọng bạn mở từng giây từng phút và gặt lấy một ngày ý nghĩa.

Phải viết thì mới có cái để đọc. Bạn đã viết gì để đọc được gì? Ta đã viết khi mang theo những cảm xúc mà hành xử, xử lí và vượt qua biến cố và đọc khi nhớ lại và phân tích điều đúng điều sai, điều hợp lí và điều không hợp lí. Viết những điều tưởng chừng đã quên mà đọc lại thì rất rõ ràng. Viết những hành vi tưởng chừng vô ý thức mà hóa ra đọc lại thì thấy nguyên nhân rõ ràng.

Có bao giờ ta tự hỏi, kinh nghiệm của người khác đáng giá thế nào đối với chính ta? Điển hình như các câu ca dao tục ngữ, châm ngôn… Đó là kho tàng kiến thức đúc kết bao đời, từ nỗi đau thất bại và nước mắt tiếc nuối của bao người, bao thế hệ. Làm sao ta có thể quên kể đến sách. Chìa khóa của tri thức, của cả một đời người với những trăn trở suy tư chảy từ con tim qua ngòi bút lên trang giấy trắng. Lời của ông bà, cha mẹ, của thầy cô… của những người đi trước với những chuyện kể và những trải nghiệm của riêng họ ta có thể biến thành kinh nghiệm của chính bản thân ta.

Đọc lại cuộc đời, đọc lại những trải nghiệm và kinh nghiệm là bước đi vô cùng quan trọng trên lộ trình mỗi người hoàn thiện bản thân. Chúng ta chỉ có thể trưởng thành qua những lỗi lầm và sai phạm thế nên việc gì phải khép lại những thách thức đó nhưng hãy mở toang nó ra và đọc lại, để tìm thấy sức mạnh từ chính yếu đuối đó, tìm thấy đường đi nơi chính ngõ cụt ấy.

Thay vì chỉ suy nghĩ, chỉ nói, chỉ lên kế hoạch, chúng ta hãy hành động. Hãy khám phá mỗi giây phút sống và lưu giữ chúng bằng việc đọc lại để tìm thấy ý nghĩa đích thực và làm rạng rỡ những gì sẽ tới.

Thanh Huyền_TS
114.864864865135.135135135250