22/07/2024 -

Tản văn

656
Hành lý cho SỨ VỤ mới

Sau mỗi dịp khấn Dòng, Hội dòng tôi thường có các chị em chuyển đổi cộng đoàn. Khoảnh khắc nhận thư bổ nhiệm (Bài sai) vẫn là những khoảnh khắc đợi chờ đầy cảm xúc nhất. Cũng như cuộc đời sẽ cho ta nếm trải đủ cay đắng ngọt bùi, thì “bài sai” cũng sẽ đưa người tu sĩ qua những khó khăn thử thách trong cuộc sống và sứ vụ. Nhưng đó sẽ là một trạm dừng để lý tưởng, mục đích và ý nghĩa của đời tu được nuôi dưỡng và được làm mới mỗi ngày. Câu hỏi đặt ra là; chúng ta cần mang theo những “hành lý” nào trên đường thực thi sứ vụ mới để không quá cồng kềnh đến nỗi làm ảnh hưởng đến mục đích của chuyến đi?
Trong đời dâng hiến, ai cũng đã từng đôi ba lần có “bài sai” chuyển cộng đoàn. Hẳn rất nhiều lần chúng ta phải đắn đo, suy nghĩ hàng giờ, hàng ngày xem mình cần chọn những gì và bỏ những gì, những thứ mình mang đi có cần thiết, có hữu dụng với tính chất và mục đích của chuyến đi hay không? Những lần thu dọn “hành lý” để đến cộng đoàn mới đều cho tôi những kinh nghiệm về sự “chọn lựa và từ bỏ” trên. Và rồi tôi nhận ra rằng, mình đang cần một hành trình với rất nhiều thứ “không”: không lịch trình, không của cải, không điểm đến cố định, không có kế hoạch cho tương lai… Và cần hơn một hành trình với nhiều thứ “có” mà tôi phải mang theo bên cạnh mình suốt đời, như Hiến pháp và Nội quy của Dòng đã chỉ dẫn, đó là:

Đời sống cầu nguyện

Hiến pháp Chị Em Đa Minh Việt Nam nhắc nhở chúng ta rằng: “Việc loan báo Tin Mừng phải bắt nguồn từ việc kết hợp mật thiết với Thiên Chúa”
 [1]. Thế nên, một đời sống cầu nguyện, kết hợp với Chúa chính là “hành lý” đầu tiên và quan trọng nhất mà chúng ta phải chuẩn bị cho những cuộc “lên đường” của đời tu. “Hành lý” ấy không thể chuẩn bị trong một ngày, hai ngày nhưng là sự chuẩn bị liên lỉ từng phút, từng giây khi chị em đến và ở lại với Chúa Giêsu trong các giờ kinh nguyện, Thánh lễ, hồi tâm, suy gẫm, lãnh nhận các bí tích, và sống sự hiệp thông trong tình huynh đệ cộng đoàn. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, trước khi ra đi thi hành sứ vụ, thì người được sai đi cần phải “đi vào một cuộc gặp gỡ cá vị và mới mẻ với Đức Giêsu Kitô… và không ngừng làm điều này mỗi ngày.[2] trong suốt cuộc đời dâng hiến. Vì theo Đức Thánh Cha Phanxico “nếu không có cầu nguyện và kết hợp với Chúa, những việc làm của chúng ta trở nên trống rỗng và lời rao giảng của chúng ta không có hồn, vì nó không được sinh động hóa bởi Chúa Thánh Thần.[3] Quan trọng là thế, nhưng ít khi ta kiểm tra xem mình đã chuẩn bị kỹ càng và chu đáo hay chưa. Đương nhiên là Chúa luôn ở trong lòng ta, nhưng việc ý thức chuẩn bị và mang theo gói “hành lý” này bên mình, đến những nơi ta đến sẽ làm cho ta xác tín hơn, mạnh mẽ hơn và bớt lo lắng hơn khi phải đến một nơi xa lạ, khi phải gặp gỡ những con người chưa một lần quen biết. Vì Chúa sẽ là bạn đồng hành trên mỗi bước đường ta sẽ đi, là người mở đường những nơi ta sẽ đến.

Vâng theo ý định của Thiên Chúa.[4]

Mặc dù chị em nhận bài sai qua sự sắp xếp của Bề trên, nhưng chúng ta luôn xác tín đó là sứ vụ mà chính Chúa Giêsu muốn và mời gọi chúng ta cộng tác vào chương trình cứu độ của Ngài. Ngài muốn sử dụng chúng ta như những cánh tay, những bước chân của của Ngài để đem tình yêu Thiên Chúa đến với muôn người. Thế nên, dù trong môi trường, hoàn cảnh, vai trò nào, công việc nào…tất cả đều là sứ vụ mà chúng ta được Chúa ủy thác qua trung gian là Hội dòng “để tiếp tục sứ mạng loan báo Tin Mừng cho muôn dân
[5] đặc biệt những anh chị em chưa nhận biết Chúa. Đây cũng chính là sứ mạng nền tảng của chị em Đa Minh Rosa lima: “ý thức mình được sai đến với muôn dân, để chuyên tâm củng cố đức tin cho dân Chúa và nhiệt thành đem ánh sáng chân lý đến mọi biên cương qua các thời đại.”[6] Muốn thế, chị em “phải để Đức Kitô biến đổi mình trở thành hình ảnh của Người mỗi ngày[7] trong sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa ngang qua Hội dòng và những người có trách nhiệm.

Chứng tá đời sống[8]

Người ta thường nói lời nói lung lay, gương lành lôi cuốn,” chỉ qua những gương sống và việc lành thì danh Chúa mới được lan xa và tình người mới được thắp sáng. Thế nên, được sai đi thi hành sứ vụ, chị em hiểu rằng: “việc làm chứng của đời sống sẽ soi sáng đường đi, mang lại hy vọng và tình yêu” (ĐTC Phanxicô). Trong môi trường hoạt động của mình, đặc biệt là ngay trong cộng đoàn chị em thuộc về, chị em nhất thiết phải là những “chuyên viên hiệp thông”
[9] từ trong suy nghĩ cho đến lời nói và hành xử. Giữa một xã hội, đâu đâu cũng thấy những con người mang trong mình một bề dày lịch sử về những đau khổ, bệnh tật, tổn thương và mất mát, dường như nó là những phần buộc phải “trích” ra để trả cho cuộc đời, thì một cử chỉ quan tâm, một ánh mắt cảm thông, một sự phục vụ trong khiêm tốn và nhất là một cung cách sống niềm tin vào Thiên Chúa sẽ trở thành niềm vui và vẻ đẹp của Tin Mừng và của việc đi theo Chúa.

"Đời con Chúa ơi sao quá mọn hèn mà Chúa đã gọi con bước lên. Sai con đi tới cuộc đời, trở nên như men giữa lòng người, sai con đi làm muối đất ướp cho mặn đời
[10] Trong cuộc đời dâng hiến, biết bao lần ta đã hát những câu hát này trong sự xác tín mà đầy hoài niệm như thế? Có bao lần ta nỗ lực để tìm câu trả lời: Tại sao Chúa gọi và sai ta đi làm nhân chứng cho Ngài? Thiết nghĩ câu trả lời làm thỏa đáng nhất cho cuộc đời theo Chúa của ta chỉ có thể có được khi ta dấn thân phục vụ trong sứ vụ của mình. Đối với người tu sĩ Đa Minh Rosa Lima, trước khi trở thành “người được sai đi” chị em phải là người “ở lại với Chúa” để được chính Chúa giáo huấn cùng tăng thêm sức mạnh. Trong khi thi hành sứ vụ, chắc chắn không thiếu những lúc gian nan, thử thách, nhụt chí, khô khan, đau yếu, tội lỗi… Nhưng suy cho cùng, thánh thiện là gì, nếu không phải bắt đầu lại từ việc; ở với Chúa, vâng phục thánh ý Ngài và sống chứng tá cho tình yêu của Ngài.

ĐGH Phanxicô trong một cuộc nói chuyện với các Chủng Sinh và Tập Sinh có nói: “Có hai con đường để ra đi, một là hướng về gặp gỡ Đức Giêsu, hướng về tính siêu việt, đường kia là hướng về tha nhân để loan báo Đức Giêsu. Hai con đường này đi đôi với nhau. Nếu chúng ta chỉ thực hiện một trong hai thì chẳng lợi ích gì”. Khi nỗ lực bước đi với những gói “hành lý” đó, đời sống thánh hiến và sứ vụ của chúng ta chắc chắn thành công, hạnh phúc, an vui và thánh thiện như Chúa muốn.

CatBui
[1]X. Hiến Pháp Chị Em Đa Minh Việt Nam, số 71 
[2] Tông Huấn “Niềm Vui của Tin Mừng” (Evangelii Gaudium) số 3
[3] Đức Thánh Cha Phanxicô – Bài Giáo Lý 7 về Kinh Tin Kính (22/05/2013)
[4] NQ số 63
[5] NQ số 63/3
[6] HP 70
[7] Đức Thánh Cha Phanxicô – Bài Giáo Lý 2 về Kinh Tin Kính (10/04/2013)
[8] NQ số 71
[9] Đức Thánh Cha Phanxicô – Tông Thư “Năm Đời Sống Thánh Hiến” (2014)
[10] Chúa Cất Tiếng Gọi Con – Việt Khôi
114.864864865135.135135135250