23/08/2024 -

Tản văn

106
Học gì từ đức khiêm nhường nơi Thánh Rosa?

Sau khi đọc chủ đề ngày lễ Thánh Rosa năm nay, "Lắng nghe lời Chúa để sống khiêm nhường theo gương thánh Rosa", tôi liền tìm lại cuốn sách về cuộc đời của Thánh Rosa để hiểu thêm về đức khiêm nhường của Người. Vì nếu không biết thánh Rosa đã sống khiêm nhường ra sao, thì làm sao tôi có thể noi gương Người để sống khiêm nhường được?

Chuyện kể rằng sự khiêm nhường đã ăn sâu vào tâm hồn Thánh Rosa đến mức mọi hoạt động của chị trong suốt cuộc đời dường như đều hướng tới sự từ bỏ bản thân, và thực hành mọi sự hạ mình, chấp nhận sỉ nhục và bị khinh chê. Thậm chí, sự khiêm nhường ấy đã khiến chị thường nói rằng: mình là một gánh nặng, vô dụng đối với thế giới, và là một sự ô nhục trước mắt thiên nhiên; chị không xứng đáng được nhìn thấy ánh sáng, và chỉ đáng bị chôn vùi trong lòng đất. (Trích từ cuộc đời thánh Rosa, dịch bởi Đinh Thị Ngời).

Đọc tới đây, trong đầu tôi nảy ra một suy nghĩ: có vẻ như sự khiêm nhường của thánh Rosa có phần tiêu cực. Chị coi mình là một gánh nặng, và vì thế mà tự nguyện chịu những hình phạt khắc nghiệt về thể xác, tự nguyền rủa chính mình. Tôi không muốn bàn đến việc cách sống đức khiêm nhường của thánh Rosa là đúng hay sai, nhưng tôi muốn gợi mở cho chúng ta – những người đang sống trong thời đại này – về cách thức sống khiêm nhường. Liệu rằng, cách sống khiêm nhường như thánh Rosa có còn phù hợp với thời đại chúng ta? Những suy nghĩ về đức khiêm nhường của thánh Rosa có tương thích với lối suy tư ngày nay?

Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ là không. Chúng ta không cần bắt chước hoàn toàn cách thức sống khiêm nhường của thánh Rosa. Chúng ta không nên coi thường thân xác mình, không tự nguyền rủa hay làm khổ bản thân. Điều này chắc chắn! Ngược lại, chúng ta phải biết chăm sóc và giữ gìn thân xác như món quà Thiên Chúa ban tặng. Chúng ta cũng cần học cách tôn trọng bản thân, vì nếu ngay cả chúng ta không tôn trọng chính mình, thì sao có thể mong người khác tôn trọng mình? Thánh Phaolô đã từng khẳng định: "Thân xác anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần, mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa" (1Cr 6,19).

Vậy, chúng ta phải hiểu đức khiêm nhường thế nào cho đúng?

Chúa Giêsu đã kêu gọi mỗi người: "Anh em hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường" (Mt 11,29). Sự khiêm nhường của Chúa được thể hiện rõ nét trong thánh ca tự hủy mà thánh Phaolô đã cảm nghiệm:

“Ðức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì, địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8).

Chấp nhận hủy mình ra không để Thiên Chúa được tôn vinh, đó là khiêm nhường!

Khi nói về khiêm nhường, chúng ta cũng không thể không nhắc đến Đức Maria – người nữ tỳ của Chúa. Khi chiêm ngắm việc Mẹ được sứ thần truyền tin, rồi khi nghe bà chị họ ca ngợi, "Em thật là người có phúc giữa muôn ngàn phụ nữ" (Lc 1,42), thái độ của Đức Mẹ không gì khác hơn là cất lên bài Magnificat để ca ngợi và chúc tụng Thiên Chúa – Đấng là nguồn mạch mọi ơn lành. Mẹ không nhận chút gì về cho mình, không coi đó là công trạng của mình.

Quy hướng mọi ơn lành đều phát xuất từ Chúa và sống tuân phục Người, đó là khiêm nhường!

Các nhà tu đức cũng khuyên chúng ta: để có được nhân đức khiêm nhường, mỗi người hãy học biết mình với tất cả những gì là của mình: biết điểm mạnh để phát huy và điểm yếu để khắc phục. Chỉ khi nào biết mình, ta mới sống đúng là mình. Có rất nhiều tình huống để phân biệt điều này trong cuộc sống thường ngày, và chúng ta có thể trả lời qua vài câu hỏi: khi được khen ngợi về một điều gì đó, tôi có thái độ nào? Tạ ơn Chúa và cố gắng phát huy nén bạc Chúa ban, hay chọn cách "khiêm nhường giả hiệu" và phủ nhận ân ban ấy? Khi bị khiển trách và phải đối diện với lời chê bai, tôi chọn cách nào? Tức giận hay vui vẻ đón nhận và tìm cách khắc phục? Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận cũng nhắc nhở về một khía cạnh của đức khiêm nhường: "Coi chừng khiêm nhượng giả hiệu khi con từ chối mà kỳ thực là thoái thác bổn phận dấn thân của con và sợ chịu sỉ nhục vì Chúa" (ĐHV số 514).

Nhận biết mình, trân quý và phát huy tất cả các ân ban của Chúa dành cho mình, đó là khiêm nhường!

Vậy chúng ta học gì nơi đức khiêm nhường của thánh Rosa?

Như đã nói, chúng ta không học theo lối suy tư và hành động hạ thấp bản thân như thế. Điều mà mỗi người chúng ta nên noi gương thánh Rosa là lòng khao khát và yêu mến đức khiêm nhường. Chính vì lòng khao khát và yêu mến này, thánh Rosa đã hành động như vậy. Còn chúng ta, chúng ta được mời gọi suy tư và hành động cụ thể để biểu lộ đức khiêm nhường ngay trong cuộc sống của mình. Bao lâu chúng ta chưa ý thức đủ về nhân đức ấy, bấy lâu chúng ta còn sống thiếu nền tảng, bởi lẽ "khiêm nhường là mẹ của mọi nhân đức".

Giờ đây, trên tòa cao Thiên Quốc, chắc hẳn thánh Rosa đang mỉm cười và chúc lành cho từng người chúng ta!

Hoa Dại
114.864864865135.135135135250