24/03/2017 -

Tản văn

1158
Lặng để...

LẶNG ĐỂ…

Lặng để nghe tiếng sóng, sóng ru trong tâm hồn ta...

Bạn đã bao giờ thấy tầm quan trọng của dấu lặng trong âm nhạc hay chưa? Có thể chúng ta rất ít khi để ý đến nó, nhưng ta thử nghĩ xem nếu một bản nhạc mà không có dấu lặng thử hỏi bản nhạc đó có hay không? Nếu một bản nhạc không có dấu lặng, chúng ta sẽ chẳng bao giờ nghe được tiếng vọng của thanh âm, và những ngân nga của một giai điệu du dương. Chúng ta cứ hát một hơi dài, nó vừa không hay vừa không có điểm nhấn, không để cho người hát có sức để hát tiếp. Vì thế, tác giả Vũ Uyên đã từng nói: “Khi bạn thưởng thức âm nhạc, bạn cũng phải học cách thưởng thức những khoảng lặng”. Một bài văn cũng vậy, nó cũng phải có dấu chấm, dấu phẩy thì câu văn mới trọn vẹn và làm nên một bài văn hoàn chỉnh.

Cuộc sống ngày hôm nay con người luôn tất bật với công ăn việc làm, đa phần cái gì cũng “ăn liền”, thử hỏi trong ngày sống của chúng ta có mấy lúc chúng ta để cho mình có những giây phút lặng. Điều đó cũng ảnh hưởng đến cả đời tu chúng ta nữa. Có lúc chúng ta thấy lặng chẳng có ích gì cho chúng ta cả. Nhưng bạn đã bao giờ khám phá ra ý nghĩa của sự lặng chưa?

 Lặng đưa con người ta về với con người thực của mình, về với cõi lòng của mình. Qua việc lặng chúng ta sẽ thấy con người mình rõ hơn với những “cơn sóng”, “sóng” có thể là “sóng” của tương quan của chúng ta với tha nhân, tương quan với Chúa, tương quan với muôn loài muôn vật. Qua những phút giây  lặng chúng ta sẽ biết được những tương quan đó đã tốt đẹp chưa? Chúng ta cần chấn chỉnh lại điều gì cho phù hợp. Lặng mới giúp ta thực sự lắng nghe để thấu hiểu và đón nhận người khác một cách chân thực như chính họ, và giúp ta bước vào những mối tương quan bền vững hơn.“Người ta sẽ tin bạn không phải vì bạn nói nhiều, nhưng vì bạn biết thinh lặng để lắng nghe” (Paul Xardel).

 Giới trẻ rất thích động, có thể nói động là một sở thích và hình như không thể thiếu trong ngày sống. Cho nên các bạn luôn đeo headphone ở tai cả ngày mà không chán, và cứ thế volume vặn “max”. Nhiều phụ huynh đã phản ánh, vì chúng cứ đeo heaphone và không để ý gì đến ai cả, bố mẹ có sai bảo gì, có dặn dò gì chúng cũng chẳng thèm nghe. Điều đó làm các phụ huynh thật khó chịu. Các bạn sợ rằng khi lặng con người thật của mình sẽ lộ ra và mình phải đối diện với con người thật của mình, với những cái là của mình. Các bạn sợ phải thay đổi chúng. Lặng mình mới thấy con người của mình còn biết bao thiếu sót.

 Lặng để thưởng thức. Một vị truyền giáo được sai đến sống giữa những người thổ dân nghèo khó. Ngay hôm đầu hiện diện, vị truyền giáo đã cảm thương người dân nghèo ở đây vô cùng. Ngài tìm việc cho họ, xin nguồn trợ giúp để người dân được no đủ. Từ khi có vị truyền giáo, ngôi làng trở nên bớt hiu quạnh, dân chúng vui tươi hơn, hạnh phúc hơn. Nhìn thấy những thành quả gặt hái được, vị truyền giáo mỉm cười vui sướng.

Ngồi trong túp lều bằng lá đơn sơ, bao nhiêu dự án nâng cao đời sống người dân được hoạch định trong đầu óc ngài… Bỗng dưng, có tiếng bước chân sột soạt của ai đó. Trước cửa chợt hiện ra khuôn mặt sạm nắng, nhăn nheo của một thổ dân trong làng, ông ta giơ tay chào rồi nói lớn: “Ngày mai, tôi sẽ tặng cho cha một món quà, nhớ nhé!” Vị truyền giáo mỉm cười, gật đầu tỏ vẻ biết ơn và ngài bắt đầu tưởng tượng đến lũ chuột đồng sẽ được nhận ngày mai, như món quà tặng! Trời còn rất sớm, ánh bình minh mới le lói cuối chân trời.

Vị truyền giáo im lặng chiêm niệm về Thiên Chúa. “Soạt” tiếng động làm vị truyền giáo giật mình thảng thốt. Trên vách lá, lộ ra một lỗ hổng mới bị tay ai đó xé toạc. Chợt có tiếng người thổ dân ríu rít gọi: “Cha lại đây xem này! Vị truyền giáo đến gần lỗ hổng, ghé mắt nhìn qua, Ngài thấy một mặt trời rực rỡ chiếu sáng. “Tặng cha đó!” Người thổ dân nói và biến mất, nhanh như khi ông vừa xuất hiện. Vị truyền giáo lặng người đứng chiêm ngắm mặt trời rực hồng đang vẽ lên bầu trời những chuyển động đầu tiên rất linh thiêng, rất tinh khôi, và kỳ diệu.

Gần bảy mươi năm cuộc đời, chứng kiến khoảng hai mươi lăm ngàn lần bình minh lên, nhưng đây là lần đầu tiên vị truyền giáo biết ngây ngất trước quà tặng quá đi tuyệt vời của Thiên Chúa. Hoá ra những người thổ dân hạnh phúc hơn ông rất nhiều, vì họ “thưởng  thức” được biết bao quà tặng quý giá mà Tạo Hoá ban tặng hàng ngày. Từ đó vị truyền giáo trở nên trầm ngâm hơn, nụ cười ngài sâu lắng hơn. Vị truyền giáo nhận ra, những gì ông trao ban thực quá nhỏ bé.

Cuộc sống quanh ta có biết bao điều kỳ diệu. Ngay mỗi ngày sống của chúng ta đã là một phép lạ rồi. Cụ thể nhất là cơ thể của chúng ta, mỗi bộ phận với sự vận hành đều đặn, chính xác và liên kết hài hoà chặt chẽ với nhau trong suốt những năm tháng của đời người, cũng đủ chứng thực về sự kỳ diệu và độ tinh tế mà Đấng Tạo Hoá đặt để nơi con người. Cứ tưởng tượng chỉ một ngón tay đau khi thức dậy, một cú ngã bất ngờ, một cái hụt chân… đều có thể làm ta thay đổi toàn bộ cuộc sống và nhịp sinh hoạt. Lúc ấy, chúng ta sẽ thấy nguyên việc ta sống bình thường đã là một phép màu cả thể.

Rộng hơn, nhìn vào thiên nhiên, chúng ta thấy, thiên nhiên là cuốn sách tình yêu vĩ đại được Thiên Chúa “viết ra”, hầu nói cho con người biết về tình thương của Ngài dành cho họ. Nhưng trong thực tế, không phải tất cả chúng ta đều nhận ra sứ điệp yêu thương ấy của Thiên Chúa. Nhiều người chỉ biết nhìn vào những gì mình làm ra để tự thán phục và ca ngợi mình, còn mọi sự khác dù có lớn lao trong vũ trụ cũng là chuyện bình thường phải có, thậm chí là tầm thường. Họ chẳng khi nào biết một ngày được sinh ra thế nào!

Những phát minh lớn nhỏ trong thế giới, cách nào đó đều họa lại những gì đã có trong thiên nhiên. Người thưởng thức được thiên nhiên là người khôn ngoan bậc nhất, vì họ thưởng lãm được sự vĩ đại và kỳ diệu của vũ trụ. Người khám phá ra thiên nhiên là quà tặng, là người giầu có nhất, vì họ đã ôm trọn mọi tặng vật của Thượng Đế.

Về điểm này chắc chúng ta phải thực sự tiếc bởi chúng ta cũng không khác gì nhà truyền giáo trên. Đã bao giờ chúng ta dừng lại để chiêm ngắm một bông hoa; đã bao giờ chúng ta biết thưởng thức một làn gió mát; đã bao giờ chúng ta biết tạ ơn Chúa về những cơn mưa rào đột xuất xảy đến giữa thời tiết oi bức… Thật là đáng tiếc nếu mỗi người trong chúng ta không biết thưởng thức những gì là quà tặng của tạo hóa ban tặng cách nhưng không. Chúng ta cứ tấp nập với việc này rồi lại đến việc kia và cứ thế bộ máy quay cuồng hoạt động hết một ngày và nhìn lại chúng ta thấy mình sao trống rỗng chẳng có ý nghĩa gì cả.

Lặng để mạnh hơn. Mạnh ở đây là mạnh cả về mặt thể lí lẫn tâm linh. Thể lí chúng ta cần được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả hoặc chúng ta cần có giờ giải lao giữa các buổi học cũng như các hoạt động khác. Nhờ đó chúng ta sẽ có sức để tiếp tục với ngày mới kế tiếp hoặc các hoạt động tiếp theo. Một võ sĩ chuẩn bị để thi đấu họ cũng cần có thời gian để luyện tập cho mình các chiêu thức, luyện nội công nhờ đó họ mới có thể thắng nổi đối phương.

Chúa Giê-su trước khi công khai đi rao giảng, Ngài đã thinh lặng trong khoảng thời gian ba mươi năm, nhờ đó khi đi bước vào sứ vụ Ngài đã hoàn thành sứ vụ Chúa trao một cách hoàn hảo. Những lời Ngài nói ra đầy sự khôn ngoan của Thần Linh, đến nỗi người nghe đều phải thán phục ông này là một tiên tri, một ngôn sứ phải đến.

Muốn có đời sống nội tâm sâu sắc chúng ta cần có những khoảng lặng, lặng để lắng nghe Lời Chúa. Lời Chúa đó muốn tôi thay đổi điều gì? Chúa dạy tôi điều gì? Tôi phải làm gì để sống đẹp lòng Chúa hơn?... Chỉ có những phút giây lặng bên Chúa ta mới có thể nghe được và thay đổi.

Trong mùa chay thánh này, thiết nghĩ chúng ta nên dành những khoảng lặng nhiều hơn. Thực hành phút hồi tâm là một trong những việc rất tốt và hữu ích vì nó giúp chúng ta nhìn lại một ngày sống của mình với những gì mình đã làm được hoặc chưa. Những lời nói hành vi của mình như thế nào đối với tha nhân? Suy nghĩ của mình có tốt hay không? Những giây phút nào, những việc làm nào có ý nghĩa nhất? Tôi có thấy Thiên Chúa trong các biến cố của tôi hay không?

Một chút suy tư của đứa trẻ bước vào đời cùng với Mùa Chay thánh ý nghĩa nhất. Mong các bạn đón nhận.

Hoa Hướng Dương

114.864864865135.135135135250