10/10/2024 -

Tản văn

71
Tôi thường tự hỏi: Đời tu là gì? Và bậc sống này có gì tốt hơn so với những bậc sống khác? Bởi vì tôi đã nhiều lần ngã lòng và muốn đi theo một ngã rẽ riêng. Nhưng có một điều gì đó trong sâu thẳm tâm hồn cứ giữ tôi và hướng tôi bước đi trong đời sống thánh hiến. Vì thế, tôi bắt đầu để ý tâm hồn và cảm xúc của mình, để gắng tìm ra điều đã níu giữ tôi ở lại trong đời tu. Trải qua những vấp ngã và những khó khăn, tôi nhìn lại và nhận ra rằng đời tu không là gì khác hơn là “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3, 30). Chính khi sống giá trị này, tôi mới được hạnh phúc giữa những khó khăn, thử thách. Và có lẽ, chính hạnh phúc trong đau khổ là điều giữ tôi ở lại trong đời tu.

Mỗi người sinh ra trong đời đều mang trong mình một cái tôi cá nhân. Cái tôi càng lớn, chúng ta càng khó hạ mình trước người khác. Vì thế mà Đức Giê-su đã nói với các môn đệ của mình rằng, ai muốn vào Nước Trời thì phải nên như trẻ thơ (x.Mt 19, 13-15), bởi lẽ trẻ thơ thì hồn nhiên, đơn sơ, và không biết đến sự “tự ái”. Tôi phải lu mờ đi trong chính tôi nghĩa là cái tôi của tôi phải phai mờ đi, để không còn cái tôi nào khác ngoài Đức Ki-tô ở trong tôi. Nếu tôi lu mờ đi trong chính tôi thì trong tôi không còn ý riêng nữa. Khi không còn bị ảnh hưởng bởi ý riêng, tôi được tự do và bình an vui sống theo dòng chảy của Thánh ý Thiên Chúa. Nhờ đó, qua những biến cố trong cuộc sống, trong những trái ý, trong những va chạm… tôi được lớn lên và đạt tới mức trưởng thành trong đời tu.

Việc tập từ bỏ ý riêng, đối với tôi khi mới bắt đầu, là một điều khó khăn với nhiều nước mắt. Nhưng qua mỗi ngày, khi tôi càng biết “ngoan ngùy” trước sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, biết coi những trái ý trong đời sống hằng ngày như là thánh ý của Chúa, thì khi ấy, tôi càng cảm nhận sâu sa hơn niềm vui trong tâm hồn, giống như kinh nghiệm của tổ phụ Gia-cóp, đã chiến thắng Chúa khi vật lộn với Người (St 32). Mỗi khi từ bỏ “ý mình” để theo “ý Chúa”, tôi cũng mỉm cười và nói “Con quyết không buông Người ra!”. Kết quả, tôi thấy tâm hồn mình được bình an. Cứ như thế, sau mỗi lần nuốt nước mắt để dẹp bỏ ý riêng, tôi nhận thấy rằng: thực ra nói là “bỏ mình”, nhưng kỳ thực khi bỏ mình rồi, mình chẳng những không mất gì cả, mà lại tìm được chính mình và ơn bình an sâu thẳm cho chính mình cũng như cho tất cả những người sống chung quanh mình.

Đời tu có giá trị hay không là hoàn toàn tùy thuộc vào chính mỗi người chúng ta và cách mà ta đang sống. Với tôi, đời tu thật hạnh phúc khi tôi trở nên mờ nhạt hơn mỗi ngày qua việc từ bỏ ý riêng của mình và sống lý tưởng: “tôi sống nhưng không phải là tôi sống nhưng là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2, 20).

 
Maria
114.864864865135.135135135250