“Chính anh em hãy lánh riêng ra nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6, 31). Chắn hẳn ai trong chúng ta cũng từng nghe qua câu Tin Mừng này một vài lần trong đời. Tôi cũng vậy, tôi đã nghe rất nhiều, nhưng lần này, khi đọc đến đây tôi như bị khựng lại. Có lẽ, đại dịch Corona đang tác động trực tiếp đến đất nước Việt nam và đặc biệt tại chính thành phố tôi đang sống nên Lời Chúa muốn nói với tôi một điều gì đó...
Từ lâu lắm rồi thành phố Hồ Chí Minh đã được gắn với cái tên thành phố “hoa lệ” với nét đặc trưng là sự tấp nập và ồn ào. Thế mà bây giờ, chỉ vì một con virus bé nhỏ mà đã làm cho thành phố này im lặng như nín thở. Sự ồn ào ngày nào khiến tôi phải khó chịu; cảnh tượng chật kín xe vào những ngày tôi đến trường không còn nữa. Thay vào đó là tiếng xe cứu thương, trường học, công ty biến thành những bệnh viện dã chiến. Nhiều lúc tôi tự hỏi: “Chúa muốn gì đây?”. Câu hỏi này tưởng chừng như rơi vào thế bí nếu tôi không có đức tin.
Là một người hướng ngoại, thích sự ồn ào và những chốn đông vui, tôi rất sợ sự “thinh lặng” và chán ghét những nơi “thanh vắng”. Những ngày tháng đầu giãn cách tôi cảm thấy rất ngột ngạt. Nhiều lúc tôi trở nên bất lực với bản thân vì những giờ ở lại bên Chúa, tôi không thể cầm lòng cầm trí được quá năm phút. Tuy sống gần Chúa mà lòng tôi lại xa Chúa. Càng cố gắng tôi chỉ làm cho bản thân mình mệt mỏi hơn, cuối cùng tôi chọn phương án phó thác hoàn toàn trong bàn tay của Chúa. Hình như Người thấu suốt tâm can tôi. Thật may mắn, dịp tĩnh tâm năm tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Chính Chúa lại đong đầy sự trống vắng trong tâm hồn bằng tình yêu của Ngài. Những giây phút thinh lặng, những bài chia sẻ của Cha giảng phòng làm tôi cảm thấy bình an hơn bao giờ hết.
Dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp mà không có đấu hiệu dừng lại, số người nhiễm, người chết ngày càng tăng cao, bệnh viện thì không đủ nguồn nhân lực. Hình ảnh các bệnh nhân chiến đấu với hơi thở mong manh trên những chiếc giường bệnh xập xệ làm tôi không khỏi xót xa, thương cảm. Những gia đình chịu ảnh hưởng tâm lí khi có người thân bị nhiễm bệnh… và rất nhiều mối nguy hại khác đang đe dọa tinh thần. Điều này làm tôi hơi lo lắng nhưng tôi luôn tin rằng Chúa ở cạnh tôi. Tuy tôi không nhìn thấy Chúa như người trần mắt thịt nhưng tôi tin Chúa vẫn đang hiện diện bên cạnh tôi. Thay vì trách Chúa, tôi lại tạ ơn Ngài, tạ ơn vì đây là cơ hội lớn nhất mà tôi nhận được để tôi được ở gần Chúa hơn.
Là một sinh viên, cả ngày bận rộn với việc học, thời gian dành cho Chúa của tôi không nhiều. Những giờ đây, tôi thấy khoảng thời gian này quí giá biết bao. Qua thinh lặng và cầu nguyện tôi lướt thắng được mọi thứ và hơn cả là tôi có thể cảm nếm được tình yêu Chúa dành cho tôi. Thật vây: “Hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện; Hoa trái của cầu nguyện là đức tin; Hoa trái của đức tin là tình yêu; Hoa trái của tình yêu là phục vụ; Hoa trái của của phục vụ là an bình” (Mẹ Teresa Calcutta). Có thể thấy, hoa trái thinh lặng là nền tảng của cách nhân đức khác. Từ thinh lặng dẫn đến bình an. Và giờ đây, dịch bệnh trong con mắt tôi dường như đã có cái nhìn tích cực hơn bao giờ hết. Thay vì sợ hãi, tôi chọn cách phó thác và tin tưởng tuyệt đối. Chị Thánh Têrêsa đã nói: “Tin tưởng và chỉ tin tưởng mới dẫn chúng ta đến tình yêu”. Qủa thế, tình yêu thực sự lướt thắng mọi nỗi sợ hãi.
“Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì đó là điều Thiên Chúa muốn” (Tx5,18) Tôi muốn tạ ơn Chúa thật nhiều. Tạ ơn vì Chúa đã thương chọn gọi tôi sống đời dâng hiến, lại còn gìn giữ chị em tôi luôn bình an. Kể từ lúc nào một người thích sự ồn ào như tôi lại có thể yêu thích sự thinh lặng đến vậy. Ước chi, ngọn lửa yêu mến trong cuộc đời tôi đừng bao giờ tàn lụi và mong rằng tôi biết trân quí những giờ phút ở bên Chúa hơn nữa.
Xin cho tình yêu trong con đủ lớn để con cảm nhận được tình yêu Chúa. Xin cho mỗi Ki-tô hữu việc hiệp thông với nhau trong lời cầu nguyện, con tin rằng lời khẩn cầu đêm ngày của mỗi người chúng con sẽ làm động lòng trắc ẩn của Chúa. “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp” (1Cor 10, 13).
Anna Bông