21/04/2022 -

Tản văn

695
Vâng phục


Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này cho con. Tuy vậy xin đừng để ý con thể hiện, mà là ý Cha” (Lc 22, 42). Giữa vườn cây vắng, tâm hồn Chúa Giêsu thao thức. Một bên là nỗi sợ hãi bao trùm, một bên là ý Cha và ơn cứu độ cho nhân loại. Vâng phục – một chọn lựa không hề dễ dàng!

Vâng phục là làm theo ý bề trên chỉ dẫn, sai phái. Đôi khi vâng phục còn là nghe lời những người tuy không lớn hơn ta, nhưng chịu trách nhiệm chính trong công việc của ta đang làm. Ngay từ thuở bập bẹ những tiếng đầu tiên, cha mẹ đã dạy con bảo “dạ” thưa “vâng.” Cha mẹ gọi, nó đáp “vâng” và chạy lại. Cha mẹ nhờ cậy, nó đáp “dạ” và thi hành. Sự vâng phục giản dị như thế là nền móng cho mọi sự vâng phục sau này.

Quả thực nếu không có sự vâng phục, mọi trật tự trong thế giới này sẽ bị phá vỡ hết. Con cái chẳng còn vâng lời cha mẹ, học trò chẳng biết nghe lời chỉ bảo hướng dẫn của thầy cô, bạn bè chẳng biết tôn trọng nhau… đó thật là một thế giới kinh khủng! Và nếu Chúa Giêsu chẳng vâng theo ý Chúa Cha, hẳn thế giới loài người vẫn còn đang chìm mãi trong bóng tối của tội lỗi và khổ đau. Vâng phục không chỉ là từ ngữ hiện diện trong những công việc quan trọng mà còn trong những chọn lựa hết sức tầm thường, nhỏ bé. Đôi khi vâng lời không phải vì chuyện hơn thua hay vai vế mà vâng nghe nhau để cùng nhau hoàn thành ước nguyện chung.

Thế những vâng phục cũng có nghĩa là từ bỏ mình. Giữa nỗi sợ hãi những gì sắp xảy đến cho mình, lựa chọn của Chúa Giêsu thật không dễ dàng gì. Khi là người lãnh đạo, Chúa đã dạy bảo các môn đệ và dân chúng nhiều điều. Người cũng có quyền lực trên các tà thần và thể hiện quyền năng qua vô số những phép lạ. Cuộc đời một ngôn sứ lẫy lừng lại chấm dứt một cách đau đớn như vậy sao? Ngài cũng là Thiên Chúa thật như Cha, lẽ nào lại chịu bị người đời nhục mạ và giết chết cách thê thảm như vậy sao? Thế nhưng lựa chọn của Chúa Giêsu vẫn là “xin đừng để ý con thể hiện, mà là ý Cha.” Bởi lẽ Chúa hiểu rằng, lời xin vâng của Ngài không phải là dấu chấm hết cho cuộc đời Ngài mà lại là chìa khóa mở cửa giải thoát cho toàn thể nhân loại.

Giữa cuộc sống hiện đại hôm nay, cá nhân con người được đề cao. Người ta ca tụng những con người thành công, những vị thiên tài. Mọi người cổ võ sự khẳng định chính mình và hướng các em nhỏ thể hiện những năng lực của bản thân từ rất sớm. Đó là một bước tiến rất lớn, nhưng cũng tiềm ẩn trong đó nguy cơ của tính kiêu căng và sự bất tuân phục. Một lý do hết sức đơn giản là khi ta thấy mình hơn, mình giỏi, ta biết mình có khả năng thì việc vâng nghe lời khuyên hay sự hướng dẫn của người khác dường như không còn cần thiết nữa. Một khi ta để cái tôi điều khiển con người mình thì không ai có thể hợp tác và chỉ dẫn thêm được gì nữa. Điều đó không chỉ xảy ra trong xã hội hay đối với những người ở đâu đó xa xôi mà len lỏi trong tâm hồn mỗi con người và thậm chí có trong cả đời tu. Khi tôi làm lớn, tôi muốn mọi người phải nghe theo mọi sự sắp đặt của tôi. Khi tôi phải nghe theo lời của người khác, tôi tìm cách bắt bẻ, khó chịu, cằn nhằn và tìm đủ mọi thứ lý do để từ chối trách nhiệm hay biện minh cho sự bất tuân của mình. Tôi vâng phục không phải vì tôi yêu mến đức tính tốt đẹp ấy nhưng là tôi vâng để bảo vệ quyền lợi của mình. Tôi vâng theo những gì tôi muốn và tôi từ chối những gì tôi không thích. Nếu vâng phục theo cách đó thì thật là tai hại!

Vâng phục luôn luôn đi kèm với từ bỏ. Vâng mà chưa phục thì chưa trọn vẹn và đúng nghĩa vì chưa có sự từ bỏ trong đó. Vẫn có những lúc cuộc sống đòi hỏi ta phải vâng theo những gì ta không muốn, thậm chí là vâng theo cả những gì làm tổn hại đến bản thân ta. Sự vâng phục của Chúa Giê-su chính là sự vâng phục như thế! Vâng phục đến mức hy sinh cả mạng sống mình cho một tình yêu lớn lao.

Qủa vậy, không có tình yêu thì không thể vâng phục. Noi gương tình yêu của Chúa Giê-su, nhiều vị thánh khiêm nhường trong lời khấn từ bỏ ý riêng mình để chấp nhận mọi sự khắt khe và đón lấy những hy sinh âm thầm. Với tình yêu nồng cháy, nhiều vị truyền giáo vâng lời dạy của Chúa Giêsu là làm cho muôn dân được nhận biết Tin Mừng, sẵn sàng đến những vùng đất truyền giáo xa xôi và bỏ cả mạng sống mình. Nếu không có tình yêu, làm sao hàng ngàn hàng vạn tu sĩ  sống lời khấn vâng phục, phục vụ trong mọi nẻo đường, đồng hành với bao kiếp người ở mọi miền thế giới. Và hàng vạn, hàng tỉ con người khiêm nhường vâng lời nhau, công tác với nhau xây dựng thế giới,...

Chính Chúa đã ban cho con người quyền tự do quyết định, nhưng cũng chính Người đã làm gương cho nhân loại về sự vâng phụ trọn hảo. Vâng phục chính là một phương thế để con người được gắn kết với nhau và thế giới được tốt đẹp hơn.

 
Maria Diệu Huyền
114.864864865135.135135135250