07/10/2024 -

Tản văn

21
Vang vọng những lời kinh

Tháng Mân Côi về, không khí lại trở nên rộn ràng với những âm thanh quen thuộc của lời kinh Kính Mừng vọng lên từ các giáo xứ và trong mỗi gia đình. Hình ảnh ấy luôn gợi lên trong tôi bao ký ức thân thương, nơi những buổi chiều cuối thu, khi nắng vàng ấm áp rải nhẹ khắp con đường quê, và những đứa trẻ như tôi hăm hở tụ họp đọc kinh cùng gia đình.

Tôi nhớ rõ hình ảnh của mình năm nào, bỏ vội chén cơm, chân vội vàng thoăn thoắt chạy để kịp nhập bọn với lũ bạn ra nhà bà hàng xóm. Chúng tôi tung tăng chạy dưới những hàng tre rậm rạp, len lỏi giữa bóng tối mờ ảo, chốc chốc phải rảo bước thật nhanh mỗi khi đi qua những chỗ vắng vì sợ ma. Mỗi đứa tay cầm một tràng chuỗi Mân Côi do chính mình tự làm từ những hạt cây nhặt ven đường. Ngày đó, không phải đứa nào cũng có chuỗi hạt đẹp, chuỗi nào càng dài, càng nhiều hạt là tự hào lắm. Chúng tôi chẳng hiểu nhiều về ý nghĩa sâu xa của Kinh Mân Côi, nhưng lại rất thích cái cảm giác ngồi bệt trên nền gạch đỏ cũ, râm ran đọc Kinh Mân Côi cùng cha mẹ, anh chị trong ánh đèn dầu vàng vọt, lập loè từ những ngôi nhà tranh mộc mạc. Hình ảnh ấy, âm thanh ấy, giờ đây vẫn như in trong tâm trí, khiến tôi bồi hồi mỗi khi tháng Mười trở lại.

Những buổi kinh Mân Côi với tôi không chỉ là thời gian cầu nguyện, mà còn là khoảnh khắc ấm áp của tình làng nghĩa xóm, nơi người lớn và trẻ con cùng nhau chia sẻ không gian đức tin. Sau mỗi giờ kinh, chúng tôi háo hức đợi phần thưởng, có khi là nắm bỏng gạo, mấy cái kẹo hay trái chuối… Trong cái thời kỳ thiếu thốn đó, những món quà nhỏ bé ấy lại là niềm vui lớn, là kỷ niệm khó quên trong tâm hồn trẻ thơ.

Nhớ lại thời ấy, tôi càng thấm thía tình thương yêu của bà ngoại. Chiều nào bà cũng ngồi trên chiếc võng cũ dưới gốc cau bên trái nhà, miệng nhóp nhép nhai trầu, tay mân mê đếm từng hạt Chuỗi. Cứ tầm 5 giờ chiều bà lại gọi chị em tôi đến và bắt học hết các kinh trong cuốn sách Kinh toàn niên cũ. Những câu kinh ấy, dù dài đến đâu, vẫn được truyền tụng từ đời này sang đời khác, như một cách để giữ gìn đức tin và chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân. Đối với anh chị em tôi, đó là sự học vẹt, nhưng đối với ngoại, đó là sự tiếp nối một truyền thống đạo đức mà bà đã thuộc lòng từ những năm tháng xa xưa.

Thời gian trôi, tôi đã xa quê và xa dần những buổi đọc kinh Mân Côi nơi thôn xóm. Giờ đây, cuộc sống thay đổi, con người hiện đại hơn, và những buổi kinh gia đình không còn đông đủ như xưa. Các bà các cụ vẫn giữ thói quen cầm tràng hạt, nhưng lớp trẻ thì dường như đã thưa dần. Đám trẻ con như chúng tôi ngày ấy, giờ đã có nhiều thứ hấp dẫn hơn. Chiếc điện thoại thông minh, trò chơi điện tử, và bao nhiêu thú vui khác đã thay thế cho những lần tụ tập quanh manh chiếu cũ để đọc kinh. Những món quà nhỏ như bỏng hay kẹo giờ cũng chẳng còn đủ sức thu hút bọn trẻ.

Nhìn lại mình, đôi lúc cũng thấy lòng lạc lõng trong dòng đời vội vã. Chuỗi kinh Mân Côi ngày càng ít được tôi nhớ đến trong sự hối hả của cuộc sống. Nhưng mỗi khi mệt mỏi, khi cuộc đời quá đỗi phức tạp, tôi lại nhớ về những buổi chiều bên bà ngoại, nhớ tiếng kinh ấm áp vang lên trong ngôi nhà nhỏ bé. Và tôi chợt nhận ra, Kinh Mân Côi không chỉ là lời cầu nguyện, mà là sự gắn kết, là sợi dây nối dài yêu thương giữa quá khứ và hiện tại, giữa tôi và Đức Mẹ.

Tháng Mân Côi lại về, mỗi lần cầm tràng hạt trên tay, tôi cảm thấy mình như đang trở về với những ký ức đẹp đẽ, trở về với sự an yên của tuổi thơ, với lòng tin yêu không phai mờ theo năm tháng. Và trong sự nhỏ bé của mình, tôi tin mình luôn được Mẹ nâng đỡ, chở che.

Lạy Mẹ Mân Côi, xin gìn giữ và che chở chúng con trong sự bình an của Mẹ, như Mẹ đã từng che chở chúng con trong những năm tháng hồn nhiên nhất.

Mưa HẠ
114.864864865135.135135135250