Khi màn đêm buông xuống, một cơn gió nhẹ phảng phất hồn con, nó dẫn đưa hồn con đến bên Thánh Thể Chúa dưới ánh đèn chầu mập mờ, hồn con nặng trĩu bởi biết bao nỗi băn khoăn, khắc khoải. Con muốn nói với Chúa về nỗi thao thức trong lòng con, thao thức của một người tập sinh bé nhỏ của Chúa.
Như Chị Tê-rê-sa chỉ sống trong bốn bức tưởng nhưng chị luôn mang một nỗi khao khát ra đi truyền giáo, con cũng thế dù bị vây kín trong bốn bức tường tu viện con cũng ao ước được bước ra với gia đình nhân loại này, con muốn thăm viếng họ, an ủi họ, nâng đỡ họ và con còn muốn làm một nghĩa cử cao đẹp nào đó cho những linh hồn đã ra đi. Thật sự con không thể ngồi yên ổn nơi này, không thể sống trong sự an toàn của riêng mình trong khi gia đình nhân loại đang vùng vẫy trong đau khổ, lòng con thổn thức mỗi khi nghe tin về cơn đại dịch Covid -19 đang lan tràn khắp thế giới, con xót xa khi nhìn thấy con số người chết cứ tăng vọt mỗi ngày, những nạn nhân quằn quoại với mầm bệnh cố giành dựt sự sống, những y bác sỹ chấp nhận lao mình vào cuộc chiến vì yêu, những ngôi thánh đường phải đóng cửa, các lớp giáo lý phải nghỉ học, những đường phố chẳng còn bóng người, những vị mục tử vì bảo vệ linh hồn đàn chiên mà phải hy sinh trở thành của lễ hiến tế cho nhân loại. Con chẳng biết phải làm gì, cầm chuỗi hạt Mân Côi trên tay mà hai dòng nước mắt hòa lẫn với kinh cầu, ngay cả trong lời cầu nguyện con cũng bối rối chẳng biết phải xin gì nên đã gói trọn vỏn vẹn trong lời cầu: ‘‘Xin Chúa gìn giữ linh hồn và thân xác họ.’’ Đó là nỗi thao thức của con và con muốn nói với Chúa về nỗi thao thức ấy, con tin Chúa sẽ cảm thấu được tất cả.
Con nhớ mãi cái đêm định mệnh ấy, một đêm buồn tê tái khiến nỗi thao thức trong con càng lớn mạnh, con gọi đêm đó là ‘‘đêm của tiếng gọi.’’ Chúa biết điều ấy. Khi tất cả ngọn đèn đã tắt, mọi thứ đi vào sự tĩnh lặng, kim đồng hồ tích tắc báo hiệu 0h thì lúc đó hồn con bỗng thức tỉnh cùng với cơn gió se lạnh, con chẳng sao ngủ tiếp được. Tiếng xe cứu thương bỗng vang lên khiến con giật hồn, dường như chỉ có mình con nghe được tiếng kêu ấy vì tất cả đã chìm sâu vào giấc ngủ, con chợt nghĩ: ‘‘Có phải chăng đó là tiếng kêu cứu của một linh hồn đang thoi thóp trong cơn đại dịch bệnh?’’ Những hình ảnh đại dịch lần lượt hiện ra trong tâm trí con, lúc này con mới thấy lòng mình đau quặn, tim con bắt đầu thổn thức đập cùng nhịp với nhịp đập của họ. Con thấy mình thật ích kỷ vì trước đến giờ con chỉ biết sống hạnh phúc trong thế giới nhỏ của riêng mình. Con trằn trọc suốt đêm chẳng sao ngủ được, nỗi thao thức về nhân loại cứ mãi vây kín tâm trí con.
Lạy Chúa, con muốn nói với Chúa về đêm định mệnh ấy, bởi nó cứ mãi thúc bách nỗi thao thức trong con, một tập sinh nhỏ bé như con sẽ làm được gì cho nhân loại lúc này? Con không thể bước ra khỏi bức tường Tu viện, càng không thể lao mình vào cuộc chiến với họ, con tưởng chừng mình vô dụng và bất lực trước mọi sự và dường như Thiên Chúa đã bỏ rơi, đức tin của con bắt đầu bị thử thách. Con sấp mặt xuống trước Thánh Thể Chúa, bỗng một tiếng nói vọng trong lòng con: ‘‘Tập sinh bé nhỏ của Chúa, chính con phải là người thắp lên những tia sáng hy vọng chứ?’’ Con ngước nhìn thánh giá Chúa và nói: ‘‘vậy con phải làm gì?’’ Nhưng Chúa vẫn thế, vẫn im lặng chẳng nói một lời. Đưa mắt nhìn Nhà tạm con vô tình thấy cây đèn chầu bé nhỏ, con nhận ra một điều rằng: cây đèn chầu vẫn ở yên một chỗ, gần kề bên Thánh Thể Chúa mà cũng chẳng làm được gì, nhưng chính ngọn đèn chầu lại là dấu hiệu cho mọi người tin rằng nơi này có sự hiện diện của Chúa. Đèn chầu chỉ có thể là chính nó khi nó chiếu tỏa tia sáng ngọn đèn của mình. Trong đêm tối nó trở nên ý nghĩa và giá trị hơn. Lúc này, lòng con bỗng bừng sáng, con nhận ra rằng một tập sinh thánh thiện là dấu hiệu có sự hiện diện của Chúa. Cũng như cây đèn chầu, con chỉ có thể là chính con khi con biết thắp lên những tia sáng đức tin, những tia sáng hy vọng.
Cuộc đời con sẽ trở nên giá trị và ý nghĩa hơn khi con biết thắp lên những tia sáng ấy. A! Cuối cùng nỗi thao thức của con đã được Chúa tháo gỡ, nó không còn là nỗi thao thức tuyệt vọng nữa nhưng là nỗi thao thức mang mầm móng của hy vọng. Chúa muốn con dùng chính thân hình bé nhỏ làm những việc bé nhỏ nhưng với một tình yêu lớn, còn đã tìm ra được cách hy sinh hãm mình. Có thể đối với mọi người có những việc quá nhỏ bé chẳng đáng giá gì nhưng đối với con nó là tất cả. Con coi đó như một lời cầu xin lải nhải bên tai Chúa, chắc chắn ngày nào đó Chúa sẽ nhìn con mà xót thương. Chúa sẽ không đi qua một cách vô tình đâu, con tin chắc thiện chí của con sẽ giúp gia đình nhân loại tìm được sự bình an và cơn dịch mau chấm dứt.
Hôm nay, cũng bên Thánh Thể Chúa, con muốn nói với Chúa về nỗi thao thức của con với tâm thế của một kẻ hy vọng. Con kể cho Chúa nghe về những chiến dịch hy sinh hãm mình của con là:
Từ khi mở mắt ra cho đến khi chợp ngủ, con luôn tìm kiếm những hy sinh bé nhỏ: lượm một cọng rác, quét một cái sân, giúp đỡ chị em, thinh lặng những nơi kỷ luật, nhịn một lời nói bất hòa... con luôn cố gắng không bỏ qua một cơ hội nào, để không một linh hồn nào bị tuột mất.
Mỗi khi đọc kinh Mân Côi, con hay ngủ gật nên từ khi thực hiện chiến dịch mới, con mau mắn lấy vũ khí ra ngày khi con biết mình vừa mới gật gù một cái, đó là “cây kim” con đâm khắp nơi trên thân mình cho đến khi nào tỉnh mới thôi... và cứ như thế con lại say sưa đọc kinh Mân Côi nài xin Mẹ cứu giúp nhân loại.
Con chẳng biết phải hãm mình sao không cho ai biết, không để lỗi luật, cuối cùng con tìm ra một cách là khi ngủ con nằm úp mặt như phủ phục trước mặt Mẹ Maria, con bỏ gối và xếp mền gọn sang một bên, cho dù nửa đêm cơn gió lạnh khiến con co lại nhưng con quyết không đắp, đầu và mình con có nhức mỏi đến mấy con vẫn chịu đựng. Lần đầu thực hiện, một đêm con phải thức giấc bao lần, cứ thấy mình lật lên con lại cố gắng lật xuống, có khi hai tay con tê cứng con vẫn làm vì con khao khát những linh hồn ra đi vì dịch bệnh mà chưa kịp sám hối.
Giờ Chầu Thánh Thể con không chỉ thấy con và Chúa nhưng còn cả toàn nhân loại, con đặt họ trong tim và khi đến trước Thánh Thể Chúa, con lại trao họ vào trong Bí tích tình yêu của Ngài để rồi họ cũng được yêu thương như chính Chúa đã yêu con.
Con tin một ngày nào đó Chúa sẽ hiểu và Chúa sẽ đoái thương nhận lời cầu bé nhỏ của con. Chúa sẽ xót thương đến nỗi khốn khổ mà đứa con bé bỏng của Chúa đang gánh thay cho những nạn nhân trong cơn đại dịch, và cuối cùng tình yêu thương và lòng thương xót của Chúa sẽ bị khuất phục trước những sự hãm mình của con. Tuy nó bé nhỏ nhưng rất lợi hại. Nghĩ đến điều ấy con cảm thấy thích thú vô cùng.
Lạy Chúa, hôm nay con muốn nói với chúa nỗi thao thức ấy bởi lẽ nó được thắp sáng hơn, con đã tìm ra được giá trị và ý nghĩa cuộc đời con, con không còn sống cho chính mình nữa nhưng là sống cho tha nhân. Hạnh phúc của con không còn bị giới hạn trong thế giới riêng mình nữa nhưng nó được mở ra nhờ những tiếng kêu cứu của họ. Bây giờ con chỉ muốn tiếp tục sống, sống trọn giây phút còn lại với tất cả những người sống bên con. Con biết sứ mạng của con lúc này không phải là bước ra bốn bức tường để truyền giáo nhưng là ở lại trong bốn bức tường để sống triệt để hơn với sứ mạng của con, là cầu nguyện cho toàn nhân loại. Con tin sức mạnh của lời cầu nguyện, những hy sinh bé nhỏ, những việc hãm mình ngớ ngẩn sẽ giúp con kéo được mọi ơn thánh xuống trên toàn nhân loại. Một tập sinh bé nhỏ của Chúa chỉ biết thắp lên những tia sáng đức tin, những tia sáng hy vọng như
thế thôi
MARIA TERESA NGỌC HUYỀN