25/10/2016 -

Tập Viện

2042
Đức Maria với lời

                            

ĐỨC MARIA VỚI LỜI XIN VÂNG


 

Tháng Mân Côi đang dần khép lại nhưng lòng sùng kính đối với Mẹ Maria không bao giờ ngưng trong lòng các Kitô hữu, trong đó có bạn và tôi. Qủa vậy, không chỉ trong tháng mười, nhưng còn trong từng ngày sống, con cái Mẹ luôn hướng về Mẹ với tình con thảo trong niềm tin yêu, mộ mến.

Trong bài viết này, tôi xin chia sẻ một vài suy tư về mối tương quan giữa Đức Maria với lời “ Xin vâng”, từ đó rút ra những bài học cho bạn và tôi trong cuộc sống hằng ngày.
 

Mẹ sẵn sàng đón nhận lời “Xin vâng”

 

Thiên Chúa đã thực hiện kế hoạch Cứu độ theo suốt dòng lịch sử. Qua bao thế hệ, qua mọi thời. Nhưng chương trình đó được chính thức bắt đầu, khi Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel loan báo ý định cứu độ đó cho Đức trinh nữ Maria và đề nghị Đức Maria làm thân mẫu Ngôi Hai Thiên Chúa.

  Đức Maria đã lấy trí khôn và đức tin chăm chú theo dõi lời đề nghị của Thiên Chúa, đã lấy đức mến và lòng khiêm nhường mà chấp nhận. Đức Maria đã khiêm tốn nói lên rằng: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (x. Lc 1,38).


 Thoạt khi Đức Maria nói lời “Xin vâng”, thì Ngôi Hai Thiên Chúa đã bỏ “trời” xuống trần gian Nhập Thể trong cung lòng Đức Maria bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Có thể nói, lời “Xin vâng” của Đức Maria là “chìa khóa” cho việc cứu chuộc loài người. Đức Maria đã cộng tác trong chương trình yêu thương của Thiên Chúa, vì Mẹ không muốn tất cả loài người bị nhận chìm trong tội lụy.

  Nhìn lại biến cố Truyền Tin ta thấy ngay thái độ sẵn sàng của Mẹ. Khác với tư tế Da-ca-ri-a, dù ông là một con người đầy kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như trong đời sống tâm linh, ông là người chuyên lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa và cầu nguyện cho dân.Vậy mà, khi đối diện với sứ thần ông đã sợ (x. Lc 1,12). Thái độ sợ hãi đó,  nói lên việc ông đã chưa sẵn sàng để đón nhận lời của sứ thần và cũng là lời của Thiên Chúa.

Còn Mẹ chúng ta thì ngược lại, dù lúc đó tuổi đời của mẹ chừng mười lăm. Là thân phận nữ nhi, nhưng lại khá bình tĩnh trước lời truyền tin của sứ thần. Khác với tư tế Da-ca-ra-a, thiếu nữ Maria không chút sợ hãi nhưng chỉ bối rối (x. Lc1,28). Cái bối rối thường tình của một trinh nữ khi nhận một sứ điệp quan trọng không những cho mình mà cho cả nhân loại. Thái độ bối rối là thường tình, vì Đức Maria ý thức rất rõ, đây là giây phút quan trọng và ý nghĩa nhất của cuộc đời: Một trinh nữ sẽ cưu mang Con Đức Chúa Trời. Đáp tiếng “Xin vâng” có nghĩa là sẵn sàng nhận một cuộc “phiêu lưu mạo hiểm” mới, một cuốc sống mới. Mẹ đã từ bỏ một cuộc sống bình yên thường ngày của một cô gái thôn quê, để đi vào một hành trình nhiều biến đổi,  nhiều thách đố,  nhiều gian nan trong cuộc đời. Thái độ bối rối cũng nhanh chóng lùi xa để nhường chỗ cho một quyết định dứt khoát: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (x.Lc 1,38). Giờ đây, cuộc đời Mẹ luôn có Chúa đồng hành và Ngôi Lời chính là nguồn sống của Mẹ.
 

Mẹ là trung gian, là cầu nối giữa Thiên Chúa với con người
 

Ngay sau biến cố truyền tin, Đức Maria đã vội vã lên đường (x. Lc1,39). Đây là một hình ảnh đẹp và mang nhiều ý nghĩa. Với lời “Xin vâng”, Ngôi Lời đã cư ngụ trong lòng Mẹ. Cùng với Ngôi Lời, Mẹ đã vội vã lên đường đến với người chị họ Ê-li-sa-bét. Cuộc gặp gỡ này mang đồng thời hai ý nghĩa: một là để loan báo niềm vui của chính mình, cũng là niềm vui của toàn thể nhân loại; hai là đem niềm vui có Chúa chung chia với người chị họ.

Sự hiện diện của Ngôi Lời đã mang lại bầu khí tràn ngập niềm vui, đến nỗi khi hai người mẹ mới gặp nhau, mới chào nhau thôi, mà trong lòng bà Ê-li-sa-bét, Thánh Gio-an đã nhảy lên vui sướng (x.Lc1,41).  Lúc đó, được Thánh Thần tác động, bà Ê-li-sa-bét đã thốt lên: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng dã nhảy lên vui sướng” (x Lc 1,43-44).  Còn phần Đức Maria, thì cất lời ca tụng: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (x Lc1,46-47). Với sự hiện diện này, Đức Maria đóng vai trò trung gian giữa Ngôi Lời Thiên Chúa với con người.

 Vai trò này đặc biệt nổi bật trong tiệc cưới Cana. Là người nữ, Mẹ nhạy cảm trước nỗi khó khăn và lúng túng của chủ tiệc nên đã can thiệp và phép lạ đã xảy ra: nước biến thành rượu, phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu đã mang đậm dấu ấn của Mẹ Người.
Có thể nói, cả cuộc đời của Mẹ đã gắn kết với lời “Xin vâng”. Kể từ giây phút đáp lời “xin vâng”, Mẹ đã gắn kết cuộc đời mình với Ngôi Lời. Như đã nói, đón nhận và sống theo lời “xin vâng” không bao giờ là một chọn lựa đơn giản, với Mẹ cũng không có ngoại trừ. Cuộc đời Mẹ từ đây in đậm những bước chân gian nan. Đó là những bước chân về Bêlem, bước chân sang Aicập, bước chân tìm con trong đền thờ, bước chân theo con rong ruổi khắp nơi và cuối cùng là bước chân lên đồi Canvê. Một khi đã đón nhận lời xin vâng vào trong cuộc đời mình, Mẹ không quản ngại những khó khăn gian nan nhưng một lòng theo con đến cuối hành trình.

Là con cái Mẹ, bạn và tôi,  chúng ta cần xác tín rằng lời “xin vâng” của Mẹ Maria cũng phải là nền móng, là điều căn bản cho đời sống đức tin của chúng ta. Tuy nhiên chúng ta cũng cần ý thức rằng, lời “xin vâng” không chỉ thốt ra một lần là đủ, mà nó còn phải là lời đáp trả không ngừng trong từng ngày sống, hôm qua, hôm nay và trong suốt cuộc đời dâng hiến của chúng ta. Hơn thế nữa, cùng với tiếng “xin vâng” ấy là cả một quá trình dấn thân, một sự từ bỏ liên lỉ mà bất cứ một người môn đệ nào theo Chúa cũng phải sẵn sàng đón nhận.

Con đường trần gian có lúc thẳng lúc cong, có những đoạn nhỏ hẹp và khúc khuỷu, cũng có cả những mùi khổ đau, của cô đơn và lạnh giá…bên cạnh đó, cũng có những niềm vui, hạnh phúc,… Những điều ấy như một phần tất yếu và làm nên hương vị của cuộc sống. Và những nẻo đường ấy, những lối đi ấy có thể vượt qua được với những ai có lòng tin, với những  người sẵn sàng cất lên tiếng “xin vâng” và chấp nhận tất cả như Mẹ Maria xưa. Dù chưa biết Chúa sẽ đưa mình đi tới đâu, nhưng Mẹ vẫn hoàn toàn tin tưởng vào chương trình yêu thương của Thiên Chúa dành cho loài người. Chính lòng tin ấy đã giúp Mẹ vượt thắng mọi khó khăn và xứng đáng đón nhận những hồng ân cao cả mà Thiên Chúa đã dành cho Mẹ.

Noi gương Mẹ Maria, cùng với lời “xin vâng” được lặp lại trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta, là những người bước theo Chúa trong hành trình đức tin,  luôn can đảm dấn thân để trở nên những chứng tá của lòng Chúa thương xót, đồng thời cũng biết chết đi cái “tôi” của mình mỗi ngày, để sự sống của Chúa được tỏ hiện nơi chúng ta. Amen.
                                               

                                                       Mary Thái Nguyễn

114.864864865135.135135135250