04/07/2020 -

Tập Viện

1454
Họa sĩ - Bước đời thánh hiến

Trong một giờ học kĩ năng sinh hoạt, một trò chơi được đưa ra với đề nghị: “Ai có khả năng tuân thủ luật chơi thì tham gia.” Cả lớp tỏ dấu đồng thuận bằng cách đưa tay. Thế là cả lớp tự nguyện bước vào cuộc chơi. Trò chơi rất đơn giản, chỉ cần vẽ theo một bức tranh có sẵn nhưng yêu cầu của trò chơi là: Tranh nguyên mẫu sẽ được che khuất bằng hai tờ giấy A4, tranh mẫu chỉ được hé lộ từng centimet, người chơi chỉ cần vẽ những chi tiết xuất hiện khi kéo tranh mẫu lên, vẽ rất cẩn thận, đúng tỉ lệ, giống chi tiết vừa xuất hiện.

Thật đơn giản nhưng lại không đơn giản khi thực hiện. Sự bí mật ẩn bên dưới luôn là sự tò mò rất lớn, đã làm cho không ít người nôn nóng và chép tranh mẫu nhiều hơn số centimet quy định. Khi vẽ được 50% bức tranh, nhiều người có thể đoán được tranh mẫu là gì và vẽ theo kinh nghiệm về hình ảnh đó và lệch ra khỏi mẫu. Không ít người có cảm nghĩ và mạnh dạn thêm những chi tiết hầu giúp bức tranh bớt đơn điệu như: vẽ thêm sỏi đá, hoa, cỏ trên đường; bầu trời thì thêm mây, mặt trời, hay chim, bướm,…

Nhưng cũng không ít người rất kiên nhẫn, kéo từng centimet một và vẽ theo những gì vừa mới xuất hiện. Tuy cũng có cảm nghĩ về hình mẫu bên dưới, về những ý tưởng để thêm cho bức tranh nhưng trên hết vẫn là tuân thủ luật mà trò chơi đã đưa ra. Việc tự do tự nguyện bước vào cuộc chơi thì cũng cần tự do tự nguyện tuân thủ luật chơi.

Kết quả cuối cùng của trò chơi là gì? Có rất ít người vẽ giống tranh mẫu, 80 – 90% tranh được thêm các họa tiết khác hay tỉ lệ không giống tranh mẫu, có những tranh dư chiều ngang, khan hiếm chiều dọc. Luật chơi đã rất rõ ràng, chỉ cần sao chép giống tranh mẫu. Vì thế, chỉ có ít người chiến thắng. Đây không phải là trò chơi nhằm rèn luyện kỹ năng hội họa, nên nhiều bức tranh đẹp, phong phú kia vẫn thua cuộc vì đã không thực hiện đúng luật chơi, chỉ bởi “người được gọi thì nhiều nhưng được chọn lại ít.”

Nhìn ngắm và so sánh tranh vừa vẽ với nguyên tác, đã khơi gợi trong tôi nhiều suy nghĩ về đời dâng hiến. Tranh nguyên mẫu kia là gì? Tại sao không để trọn vẹn bức tranh để rồi sao chép mà phải hé lộ từng centimet? Sự ẩn khuất ấy như là chân lý mà tôi đang bước theo. Dẫu tôi xác tín rằng, tôi đang bước theo một Thiên Chúa là tình yêu, nhưng tình yêu ấy chưa được bày tỏ cách tỏ tường vì sự hạn chế của con người nên Thiên Chúa trình bày điều đó cho tôi cách tiệm tiến qua các giai đoạn huấn luyện mà tôi đang từng bước, từng bước kinh qua. Cái hình mẫu lý tưởng mà tôi đang chầm chậm họa lại, có thể đó là gương thánh thiện của các thánh, mẫu gương về sự hy sinh phục vụ…tất cả đều phản ánh một Thiên Chúa tình yêu. Để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, con Thiên Chúa, không gì khác hơn là noi gương các thánh, cụ thể là sống theo linh đạo của Đấng sáng lập. Với bức tranh sao chép giống nguyên mẫu 100% cũng nói lên được sự kiên trì và khát khao ước muốn nên giống Chúa 100%.

Nhưng làm thế nào để trở nên “đồng hình đồng dạng”? Tuân thủ đúng luật chơi sẽ giúp cho việc sao chép tranh thành công. Khi thêm chi tiết cho tranh theo chủ quan là vi phạm luật chơi, và tranh mới vẽ chưa chắc đẹp bởi những người tham gia chơi không phải là họa sĩ. Chỉ có một họa sĩ tài ba là Đấng “toàn Chân, toàn Thiện, toàn Mỹ” là hình mẫu lí tưởng đáng để cho mọi người noi theo. Những quy định luật lệ dành cho trò chơi thế nào thì những số tu luật, hiến pháp, nội quy, công cụ hữu hiệu cho đời tu thế ấy. Nhưng trong thực tế đời sống, có mấy ai kiên trì tuân thủ luật trọn hảo để nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô? Sẽ có lúc thích thêm hoa, thêm lá, sẽ có lúc thích thoải mái nên giảm bớt luật này, giản lược luật kia… nhưng chính về lòng yêu mến Chúa Ki-tô, muốn trở nên một với Người  như bao cha ông đi trước, cuộc đấu tranh nội tâm chắc chắn sẽ xuất hiện và phần thưởng dành cho người chiến thắng sẽ thuộc về…

 
Xương Rồng Tím
 
114.864864865135.135135135250