Khi nói đến sứ vụ tông đồ, trong đầu nó vẽ ra biết bao công việc lớn lao: rao giảng về Chúa bằng việc dạy giáo lý, chăm sóc bệnh nhân, giúp đỡ người nghèo, thực hiện những chuyến công tác đến những vùng miền xa xôi hẻo lánh của Tổ quốc…với những thành công rực rỡ bằng khả năng của mình. Có phải như vậy là đã đáp ứng với lời mời gọi của Thầy Giêsu:“Anh em hãy đi rao giảng cho muôn loài thụ tạo.” Với chủ đề cuối của Tổng hội X mà Hội Dòng đề ra cho năm nay:“Hoán cải và canh tân đời sống sứ vụ tông đồ” nó được mời gọi trở về tìm lại“điều gì thúc bách tôi dấn thân cho sứ vụ tông đồ?”
Sau một năm được sống trong môi trường Tập viện, 16 chị em lớp “Cây Đèn Chầu” của Nó được Hội dòng gửi đến các cộng đoàn để thực tâp sứ vụ. Nó sẽ đi đến cộng đoàn nào? Nó sẽ đi cùng với ai? Nó sẽ làm gì? Và rồi cũng đến lúc vác ba lô lên đường đi sứ vụ sau những ngày háo hức đợi chờ với niềm hăng say của một sinh viên thực tập.
Ngày đầu tiên nhận sứ vụ mới với một đoàn chiên con thật dễ thương nhưng, Nó không biết phải làm thế nào để làm quen với các em đây, vì đa số các em là người dân tộc thiểu số, Nó nói các em không hiểu, các em nói Nó cũng chẳng hiểu chi. Sau một buổi làm quen, Nó trở về với những ngôn ngữ mới học được từ các em “nước ngoài.” Hình như Nó đang đi “du học” thì đúng hơn là đi sứ vụ.
Ngày thường trong cộng đoàn Nó được trao cho công tác phụ lớp 3 tuổi. Trong đầu Nó bắt đầu hình dung ra cảnh một đám trẻ con nheo nhóc khóc đòi ba mẹ bám xung quanh, Nó cảm thấy rùng mình. Lớp của Nó phụ cũng chiếm đa phần là các bé trong làng Dân tộc Chu-ru, K’ho. Các bé khóc Nó chẳng biết cách nào để dỗ dành. Trưa về ăn cơm, Nó kể lại cho các Dì nghe. Một Dì chỉ cho Nó nói: “Thít!Wơu Me,” Nó ngơ mặt ra như muốn biết ý nghĩa của câu nói, nhưng Dì chỉ cười. Từ lúc đó cho đến khi nghỉ trưa Nó cứ lẩm bẩm mãi để thuộc cho được câu thần chú vừa học được. Và câu thần chú bắt đầu được Nó thực hiện ngay sau giờ Kinh trưa của cộng đoàn kết thúc. Xuống lớp, nhìn thấy một bé ngồi một mình trong góc lớp khóc gần giống với câu thần chú vừa nãy “Wơu Me…Wơu Ma.” Nó lại gần thì thầm vào tai em và dỗ dành: “Thít! “Wơu Me…!” mà chẳng hiểu mình đang nói gì. Và khi câu thần chú ấy được lặp lại vài lần thì bỗng dưng, đứa bé lấy tay gạt nước mắt và nín. Nhưng không phải tất cả các bé đều có thể nín ngay sau câu thần chú ấy. Sau này Nó mới hiểu câu thần chú này mang một ý nghĩa rất đơn giản với các bé: “Nín đi…về mẹ nha.” Cứ thế mỗi ngày Nó bắt đầu cảm thấy yêu các bé nhiều hơn. Các bé như những thiên thân đáng yêu dù có lúc Nó cũng thấy khó yêu.
Mỗi sáng Chúa nhật Nó được phụ nấu mì cho các em thiếu nhi ăn sáng trước Thánh lễ. Thỉnh thoảng vào những dịp lễ, Nó cũng được đi với các Dì vào thăm các anh chị em dân tộc thiểu số thăm hỏi, phát quà cho họ. Những lần như vậy Nó thấy mình được nhận nhiều hơn là cho.
Thời gian sứ vụ của Nó tạm thời bị đình chỉ vì “Cô Vi” – một người khách không mời đang gần tới. Trước tiên là một tuần, hai tuần…và đến nay đã hơn 2 tháng, nó không được gặp các thiên thần của nó. Tình hình ngày càng căng thẳng với “Cô Vi” được cho là xuất thân từ thành phố Vũ Hán – Hoa Lục do chú Tập Cận Bình lãnh đạo. “Cô Vi” đã đi du lịch khắp thế giới, gõ cửa từng quốc gia làm cho mọi người mất ăn mất ngủ. Nhiều công ty xí nghiệp phải đóng cửa vì sợ “Cô Vi” ghé thăm bất thình lình. Các sinh hoạt, lễ nghi của các tôn giáo cũng đều dừng hoạt động để tránh sự có mặt của “Cô Vi”. Cả thế giới đang trong thời gian phải sống cách ly. Số lượng người chết được phương tiện truyền thông đưa lên ngày càng gia tăng vì đã làm bạn với “Cô Vi”.
Nó phải làm gì tiếp theo trong những ngày tháng sứ vụ còn lại? Đây là cơ hội cho Nó dừng lại để gặp gỡ với Thầy Giêsu nhiều hơn nữa. Để mỗi ngày trong những giây phút riêng tư với Thầy Giêsu, nó kín múc thêm nguồn sức mạnh tình yêu. Nó nhận thấy rõ hơn sứ vụ của mình lúc này là cầu nguyện chứ không phải chỉ là những hoạt động bên ngoài. Vì nếu cứ mải miết với những hoạt động bên ngoài mà quên đi mục đích chính của đời tu, quên đi động lực thúc đẩy Nó thi hành sứ vụ thì một lúc nào đó Nó sẽ kiệt sức. Như Mẹ Têrêsa Calcutta từng trả lời phỏng vấn của một nhà báo rằng: “Tôi làm được tất cả những điều ấy là nhờ cầu nguyện” Chính trong những giờ cầu nguyện, Mẹ đã gặp được Thầy Giêsu. Đến với những con người bần cùng bị xã hội bỏ rơi, Mẹ nhìn thấy chính Đức Kitô, và Mẹ đã chăm sóc họ như chăm sóc chính Đức Kitô. Qua bàn tay của Mẹ, rất nhiều người được phục hồi nhân phẩm, được chết như một con người và được biết Đức Kitô đang sống. Chính tình yêu Đức Kitô đã thôi thúc Mẹ đến với nhũng mảnh đời bất hạnh này.
“Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi đi làm tông đồ cho Chúa,” lời bài hát này cứ mãi vang vọng bên nó suốt thời gian thực tập sứ vụ. Vâng, tình yêu Đức Kitô chính là hồn tông đồ mà nó cần giữ lấy trong suốt hành trình sứ vụ, để dù nó làm việc gì cũng luôn hướng về Thầy Giêsu với một tình yêu được làm mới lại trong đời sống cầu nguyện.
Một lần nữa lời của Thánh Phaolô lại vang vọng trong tâm hồn cô sinh viên thực tập:“Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”(x.1Cr 9,16). Nhưng mặt khác, nó cũng không tránh khỏi nỗi lo lắng, sợ hãi trước những khó khăn. “ĐỪNG SỢ!” một âm thanh nhẹ nhàng nhưng chắc chắn của Thầy Giêsu hôm nào đã an ủi nó. Thầy đã hứa là sẽ luôn ở cạnh bên nó vì Thầy biết quá rõ những giới hạn và yếu đuối của nó. nó cảm thấy yên tâm hơn, ngủ ngon hơn, mọi chuyện đã có Thầy Giêsu.
Thưa Thầy Giêsu đáng kính của con!
Con cảm ơn Thầy vẫn luôn ở bên cạnh con trên mỗi chặng đường con đi. Con cảm ơn Thầy luôn là bờ vai vững chắc con cảm thấy yên tâm để tựa vào mỗi khi mệt mỏi. Con cảm ơn Thầy đã ở trên cùng một chiếc thuyền với con, là bến bờ cho thuyền con neo đậu mỗi khi cập bến. Con cảm ơn Thầy vì Thầy luôn là người hiểu con nhất. Và con cảm ơn Thầy vì đã luôn kiên nhẫn với những bất toàn, vụng về của con. Xin Thầy hãy nhắc nhở con trở về khi thấy con đi sai đường, làm sai ý Thầy. Xin cho con cũng biết “can đảm ra khỏi những thứ quen thuộc, tới những vùng ven và vượt ra khỏi những vùng ấy. Chính Thầy đã trở thành vùng ven. Vì thế, nếu con dám đi tới các vùng ven đó, con sẽ gặp thấy Thầy. Thật vậy, Thầy đã ở đó rồi.” (ĐTC Phanxicô, tông huấn hãy hân hoan vui sướng, số 135)
Cát Bụi Liti