....Mẹ ơi! Phục vụ là gì?
Có phải chăng là những ngày tháng hy sinh vất vả vì con?
Có phải chăng là cưu mang, sinh thành và dưỡng dục?
Phải chăng là làm lụng vất vả, nhường cho con từng miếng cơm nóng, lo cho con từng chiếc áo? Phải chăng là những đêm dài thao thức vì con?
Phục vụ là gì vậy những cô chú nông dân?
Có phải chăng là bán mặt cho đất, bán lưng cho trời? Phải chăng là đổ những giọt mồ hôi xuống mặt đất cằn cỗi để làm ra những sản phẩm cho nhân thế hưởng dùng?
Phục vụ là gì hả Soeur?
Có phải chăng là dạy trẻ, là mở các lớp hướng nghiệp? hay có phải là làm mục vụ, dạy giáo lý, coi ca đoàn, đánh đàn, tập hát?
Phải chăng là đi vào những vùng sâu vùng xa để chung sống với anh chị em dân tộc?
Có phải là tiến đến các trường Đại học để hướng dẫn các cô cậu sinh viên?
Hay chăng là đi làm bếp công việc của một “hậu phương” hay là đảm nhận “chức vụ quản gia”? Có phải không là cứu chữa bệnh nhân và làm công việc bác ái từ thiện?
Phục vụ là gì vậy - thưa Cha?
Đó có phải là lãnh vai trò của một mục tử để chăm sóc “nuôi nấng và chăn dắt đoàn chiên” mà Cha được trao phó?
Xã hội ơi! cho tôi hỏi phục vụ là gì?
Có phải là mang đến môi trường sống? là liên kết những con người? là nơi cho ta công ăn việc làm? hay là nơi tạo nên cuộc đời, là nơi “chứa” ta trong hành trình trần gian?
Xin cho con biết phục vụ là gì ạ, Giáo Hội hỡi?
Có phải là người cha thiêng liêng để đưa đoàn con “khá đông” bước đi, được nuôi sống, được hướng dẫn và dạy bảo những điều đạt tới thiên phúc?
Có hay chăng là đảm nhận vai trò của người mẹ trong việc yêu thương, lo lắng, chăm sóc cho đời sống tâm hồn của người con?
Hay có phải là người anh, người chị luôn thấu hiểu, lắng nghe và bảo vệ các em?
Lạy Chúa của con! Với Chúa, phục vụ là gì vậy?
Xin cho con hiểu câu nói của Chúa: “Ta đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. ”
Đó có phải là từ bỏ những vinh quanh, uy quyền để mặc lấy để chung chia thân phận yếu hèn?
Hay có phải là kẻ tôi tớ để rửa chân cho các môn đệ? Hoặc giả chăng là chết đi, là hy sinh mạng sống để ban ơn cứu độ cho thế gian.
Con gái à!
Đó chính là tình yêu, là con người trọn vẹn của Mẹ dành cho con và anh chị em của con.
Đó là sự hy sinh cho bao người, là lao động vì sự sống cần được nuôi dưỡng.
Đó là sự dâng trao cả thanh xuân và cuộc đời cho người khác.
Đó là tấm lòng của con người miệt mài, của một trái tim nuôi sống đoàn chiên.
Đó là tạo nhịp sống cho trần gian.
Đó là con thuyền dẫn đưa con và bao người bước đi tới bến bờ Thiên Chúa.
Trái tim của Ta! Đó là vì yêu con, vì con chính là thân thể của Ta, là mạng sống của Ta.
Vậy hóa ra, ai sống cũng đều mang sứ mạng của người phục vụ, và thực thi cách trọn vẹn phải không ạ.
“Cuối cùng, công việc của tôi là phục vụ cho xã hội.” Đó là câu nói của một bác sĩ người Vũ Hán TQ trong cuộc chiến đấu chống virus corona.
Những hình ảnh của các bác sĩ, y tá, những nhân viên y tế đang ngày đêm chiến đấu với con virus nhỏ bé nhưng khủng khiếp và quái ác. Họ làm việc trong bệnh viện với thời gian vượt sức con người (20h/ngày). Bệnh viện trở thành nhà vì họ không dám về bởi sợ lây bệnh cho người thân, nhưng phải nói đúng hơn, làm sao họ có thể về bởi bao hơi thở trên giường bệnh đang dần vụt tắt.
Những bóng dáng của các Giám Mục, Linh mục, tu sĩ đã bất chấp nguy hiểm để lao mình vào phục vụ, chăm sóc cho các bệnh nhân. Đáng lí ra, họ có thể làm việc ở nơi an toàn hơn. Nhưng không, lương tâm không cho phép họ làm điều đó, “họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo”
Và đó là những nhà khoa học đang ngày đêm thức giấc, miệt mài với công việc nghiên cứu, nhằm đưa ra những phương thuốc chữa trị sớm nhất cho người bệnh và thế giới.
Đó là những người thân của các bênh nhân. Dầu biết hiểm nguy, nhưng làm sao bỏ mặc, dẫu biết mạng sống của mình đang “ ngàn cân treo sợi tóc”nhưng làm sao có thể theo lối “MAKENO,” ích kỷ chỉ lo cho mình. Họ vẫn yêu thương, quan tâm, đồng hành với người bệnh. Họ trở thành chỗ nương tựa, nguồn động viên và an ủi cho bệnh nhân.
Đó là tấm lòng cúa các nhà hảo tâm, với những hành động đầy cao cả và yêu thương. Họ đã dùng tài lực, vật lực và cả trí lực để cộng tác vào việc ngăn chặn dịch.
Dó cũng là lời kinh, tiếng nguyện cầu của biết bao cõi lòng của cả người không tôn giáo, cũng như người có tôn giáo. Bên cạnh đó là hình ảnh “hiệp lực”cầu nguyện của các Kito hữu. Những Thánh lễ, các cử hành phụng vụ, các sinh hoạt tôn giáo...phải tạm đình chỉ. Cứ có cảm giác con virus này ngoài khả năng “bẩm sinh”là gây bệnh và giết người, thì còn có một khả năng khác là “BẮT ĐẠO”vậy. Nhưng ngẫm suy kỹ thì chính vì nó mà lời nguyện của tín hữu như trở nên mạnh hơn, khẩn thiết hơn, chân thành hơn, các cử hành phụng vụ diễn ra mang tính “xuyên lục địa.”
Và trên hết đó chính là nỗ lực chiến đấu của các bệnh nhân. Họ phục vụ được gì bây giờ nữa? Thưa đó là sức mạnh nội tâm trong họ, là hy vọng, là từng nhịp đập hơi thở của họ, đó là bình an họ cảm nhận được ngay trong nỗi đau họ đang gánh chịu.
Qua tất cả, con như nhận ra đươc rằng: Dù ở vai trò, địa vị, chức vụ nào cũng được: Đức Giáo Hoàng, Giám mục, Linh mục, tu sĩ hay là vị Tổng thống, thủ tướng đến những người dân thường.....dù làm công việc tri thức hay lao động chân tay, dù vất vả hay nhẹ nhàng, dù nguy hiểm hay trong sự bảo vê an toàn, dù sang chảnh hay thấp hèn....điều quan trọng chính là thái độ của ta khi làm việc bổn phận, ta có đặt hết cả con người, tâm hồn, hết “lòng, sức, linh hồn và trí khôn” vào chăng? đó mới là điểm tạo nên giá trị cho công việc và cả con người.
“Tôi sẽ dùng hết sức lực của tôi để phục vụ”(trích câu nói trong một cuộc phỏng vấn ngắn với bác sĩ người Ý) và có lẽ đây cũng là lối đi là hành trang sắp tới của con, như một con đường vạch sẵn.
Năm Tập tới là năm tập của sứ vụ, và với những gì đang diễn ra trong thời điểm này, những gì mà trong giây phút này con cảm nhận được từ Mẹ, các tu sĩ, các bác sĩ, những nhà thiện nguyện... đó là điều mà con có bổn phận phải kế thừa và phát huy. Có lẽ sẽ rất khó, tựa như giới hạn cần vượt qua, như thử thách cần chiến thắng, như lý tưởng cần vươn tới và động lực để thực thi, đó là những điều mà Chúa, mọi người ngày hôm nay đã làm, đang làm và mãi làm vì tha nhân....con sẽ mang đi trong lối bước “Phục vụ là sứ vụ.”
LYLILO