16/11/2020 -

Thỉnh Sinh

1091
Niềm vui phục vụ

Thấm thoát đã hơn một năm kể từ ngày tôi vào nhà dòng. Nhớ lại ý định thuở ban đầu thôi thúc tôi đi tu là chỉ muốn được đi khắp mọi miền đất nước để loan truyền về Chúa. Vì vậy tôi quyết định chọn linh đạo Đa Minh "Nói với Chúa, nói về Chúa" để thực hiện ước mơ này. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).

Chúa trao cho chúng ta tiếp tục sứ mạng của Người nơi trần gian, đó là ra đi rao giảng Tin Mừng, làm cho muôn dân trở nên môn đệ của Người. Và tôi cứ nghĩ rằng đi tu là được "ra đi rao giảng liền" giống như các tông đồ. Nhưng sau đó tôi hiểu rằng tôi cần được Chúa đào luyện và ban nguồn sức mạnh làm hành trang cho tôi qua đời sống cộng đoàn, học tập và làm việc như các tông đồ khi xưa đã ở lại bên Chúa trước khi được Ngài sai đi.

Khi xin Đức Giáo hoàng phê chuẩn Dòng Anh Em Giảng Thuyết, thánh phụ Đa Minh đã chọn tu luật thánh Augustinô để anh chị em theo đó trở nên người huynh đệ chí thiết, luôn biết tương trợ cho nhau như các thánh tông đồ đã sống. Chị em chúng tôi đây là những Thỉnh sinh, dù chưa được đi đến những giáo điểm truyền giáo xa xôi, nhưng chúng tôi vẫn có thể rao truyền Lời Chúa cách thiết thực và hiệu quả nhất ngay tại nơi mình đang sống bằng những hành động bác ái, yêu thương trong cộng đoàn.
             
Cha D. Byrne nói: “nếu không có sự hội nhập thích nghi giữa năng động sứ vụ với năng động của đời sống cộng đoàn, thì các cộng đoàn của chúng ta có nguy cơ biến thành những cộng đoàn chết về mặt tông đồ. Một cộng đoàn khép kín, chỉ lo sao cho các phần tử của mình yên ổn thì không phản ánh tinh thần mà thánh Đa Minh, một con người tông đồ muốn in sâu vào dòng.
       
Chính Chúa Giêsu cũng đã nói: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,39). Chúng ta không thể loan truyền Lời Chúa nếu không biết quan tâm yêu thương ngay chính những người xung quanh mình. Không cảm được sự khó khăn, thử thách nơi những người chị em đang phải gánh chịu, trong khi chúng ta lo lắng giúp đỡ tận nơi đâu, hay chính ta đã thực sự ý thức rằng mình cũng chính là nhân chứng cho cộng đoàn qua cách ứng xử, giao tiếp nhân bản. Do đó, các vị hữu trách luôn hướng dẫn cho chị em chúng tôi hiểu rằng cộng đoàn chính là nơi mà chị em chúng tôi cần rao giảng Tin Mừng, cộng đoàn là lời giảng về Đức Kitô bằng chính đời sống yêu thương và sự dấn thân.
       
Nét đặc sắc của thánh Đa Minh là dùng học hành để phục vụ việc giảng thuyết, và dành cho việc học một ý nghĩa, một đặc tính tông đồ. Noi theo tinh thần của cha thánh, chị em Thỉnh sinh cũng luôn hăng say trau dồi kiến thức thánh khoa cũng như các kỹ năng khác. Mỗi người được Chúa ban cho một khả năng chuyên môn khác nhau, vì thế việc chị em trao đổi kinh nghiệm, trao đổi kiến thức là một việc tông đồ mang lại biết bao lợi ích để mỗi người đều có những hành trang cho sứ vụ sau này.

Trong những công việc phục vụ của cộng đoàn, chị em Thỉnh sinh chúng tôi cũng được tham gia, để ít nhiều hiểu được phần nào sứ vụ của Hội dòng. Mỗi người mỗi công việc: Giáo dục, cấp dưỡng, chăm sóc bệnh nhân. Và tôi được tham gia công tác tại phòng thuốc của Tu viện. Phòng thuốc có tên là Martino, cái tên nghe sao mà thân thương ấm áp vì là tên của một vị thánh giàu lòng bác ái. Cơ sở của phòng khám chẳng mấy khang trang như những nơi khác, cách chữa trị cũng vô cùng đơn sơ, vậy mà những bệnh nhân đến đây đều cho biết là đỡ và khỏi bệnh rất nhiều. Một bác đã tóc bạc độ chừng 65 tuổi nói với tôi: “Tôi bị tai biến lần thứ hai và giờ đây tôi đã đỡ nhiều. Khi con cái bận không chở tôi đến đây được thì ở nhà tôi thấy thiếu thiếu gì đó. Sáng nào tôi cũng đến đây. Tôi có cảm giác bình an lắm Sơ ạ.”

Dù chỉ mới chỉ là Thỉnh Sinh nhưng đối với bệnh nhân, chúng tôi như những vị tông đồ của Chúa. Ban đầu khi nhận công tác tôi cũng khá lo lắng và bỡ ngỡ, nhưng tôi tập phó thác và nghĩ rằng cố gắng thời gian đầu rồi mọi việc sẽ ổn. Ngày ngày trôi qua tôi không còn cảm thấy khó khăn hay nặng nề nữa. Có những bệnh nhân ban đầu đến với tôi trong sự tuyệt vọng và muốn buông xuôi. Một bệnh nhân tai biến đến phòng khám với nửa người bị liệt, nói năng rất khó khăn và tâm lý buồn chán. Từ lúc nằm liệt trên giường phải ngồi xe lăn, phải nhờ đến người khác mỗi khi di chuyển hoặc vệ sinh vì đau cơ cứng khớp. Nhưng với sự cố gắng và kiên trì dần dần di chuyển đi bằng gậy và đến khi họ tự bước đi trên đôi chân của mình mà không cần đến sự trợ giúp của ai hay bất cứ dụng cụ y tế nào. Một cảm xúc vỡ òa trong  hạnh phúc với biết bao sự cố gắng và chỉ cần như thế đã là đã đủ cho tôi “Nụ cười của bệnh nhân là niềm vui của người thầy thuốc”.

Có những lúc tôi cũng cảm thấy khó khăn vì tương tác chỉ một phía, có lúc cũng muốn bỏ cuộc. Nhưng “Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12,9), tôi cầu nguyện rất nhiều để có thêm sức mạnh và sự kiên trì, và không quên lời cầu nguyện cho bệnh nhân thêm nghị lực và sự bình an. Chúa luôn ban cho những kẻ hằng tin tưởng cầu xin người “Ai xin thì sẽ được ”(Mt 7,7) mỗi lần tôi chữa trị cho một ai, điều đầu tiên tôi muốn chữa bằng một phương dược đơn giản nhưng không kém phần hiệu quả đó là nụ cười, vì tôi tin rằng “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” và thầm thì cầu nguyện với Chúa rằng: “Lạy Chúa, bệnh nhân trước mặt con đây chính là Ngài” và như thế khi tôi chăm sóc cho bệnh nhân là đang chăm sóc cho chính Chúa.
      
Có những hôm tôi mệt lả vì quá đông bệnh nhân, đuối sức vì phải tập những ca tai biến liệt người thụ động dùng rất nhiều sức. Theo lẽ thường tôi sẽ rất dễ cau có, khó chịu nhưng nghĩ rằng cái mệt mỏi của tôi có là gì so với bệnh tật mà họ đang phải gánh chịu và từ đó tôi càng phải hy sinh thông cảm nhiều hơn. Tôi không làm vì tiền bạc. Tôi làm vì tôi nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Giêsu đau khổ nơi anh chị em tôi. (Mẹ Têrêsa Calcutta). Và tôi tin rằng chỉ có tình yêu mới có thể thôi thúc, như chính thánh Phao lô đã cảm nghiệm và thốt lên rằng “Chính tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi”(2Cr 5,14). Có một bệnh nhân mới đến chữa trị hỏi tôi rằng: “Ở đây các Sơ chữa bệnh cách gì mà hay thế? con nghe người ta nói nên đến đây chữa thử”. Tôi đáp lại bằng một nụ cười thân thương: “Dạ các Sơ ở đây chữa bệnh bằng tình yêu.” Thật vậy, tôi nghĩ rằng không phải do chúng tôi chữa được mà chính Đức Kitô trong chúng tôi đã chữa, đã ban tặng niềm vui và sự bình an cho họ.

Đẹp thay bước chân người đi rao giảng Tin Mừng, băng qua núi đồi, băng qua sóng ngàn và đi khắp thế gian.” Cái ý định ban đầu thôi thúc tôi đi tu trên vạn nẻo đường, giờ đây không còn là nỗi lo lắng nữa, vì mỗi nơi tôi hiện diện là nơi đó có Đức Kitô. Và tôi hiểu rằng một người tông đồ đích thực của Chúa thì dù ở bất cứ nơi đâu, trong giai đoạn nào, hoàn cảnh nào, thì vẫn có thể làm sáng danh Chúa, dù là Thỉnh sinh, Tập viện hay đã Tuyên khấn hoặc thậm chí là già yếu nằm trên giường bệnh vẫn có thể rao giảng Lời Chúa. Vì Chúa sẽ sử dụng ta theo khả năng, ý muốn và chương trình của Người.

 
Maria Nguyễn Vui

 
114.864864865135.135135135250