10/04/2020 -

Tiền Tập Viện

1260
Dấu ấn của biến cố
DẤU ẤN CỦA BIẾN CỐ

Đức Giêsu – con người có ảnh hưởng làm thay đổi cả thế giới nhờ những chân lý Ngài rao giảng và nhờ cuộc đời Ngài đã sống. Biến cố Ngài đến thế gian không chỉ mang tính lịch sử nhưng cao quý hơn là mang đến ơn cứu độ cho những ai tin vào Ngài. Thế giới hôm nay cũng đang chống chọi với một biến cố thời đại mang tên "đại dịch Covid-19". Tuy những gì đang diễn ra nơi hành tinh này chẳng mấy tốt đẹp nhưng nhờ tin vào Đức Giêsu – con người của biến cố xưa kia mà con cảm thấy hạnh phúc vì mình được sống trong biến cố hôm nay.

Đến với nhân loại cách đây hơn 2000 năm, sự hiện diện của Đức Giêsu đã có tác động rất lớn đến nhiều người, nhiều thế hệ. Ba mươi ba năm sống trên trần gian với ba năm cuối đời rao giảng, Thầy Giêsu đã mang đến cho con người ánh sáng mới về đức tin, về tình yêu, về chân lý và sự thật. Mức độ ảnh hưởng nơi con người ấy không dừng lại khi mất đi sự hiện diện về thể lý nhưng phát triển và thông truyền đến nhiều người và nhiều nơi trên cõi đất này nhờ đức tin và lời chứng của các thế hệ trước. Họ là các tông đồ, các môn đệ, những người được Chúa đụng chạm, chữa lành. Nơi biến cố Chúa Giêsu đến thế gian đã có nhiều người được cứu vớt khỏi tình trạng tội lỗi nhờ tình thương của Ngài và cả sự đáp trả của con người qua đức tin. Những con người may mắn ấy không hẳn là những người công chính, đạo đức nhưng có thể là những người tội lỗi, người ngoài đạo như ông Lêvi, người phụ nữ phạm tội ngoại tình hay người đàn bà Canaan … Qua những trang Tin Mừng, các thánh sử đã cho thấy có rất nhiều người được diễm phúc ấy. Tuy nhiên, cùng một biến cố, nhưng có người được cứu, kẻ thì lại mất. Họ mất vì họ không tin, không đón nhận Đức Giêsu là Đấng phải đến thế gian. Tiếc thay, đó lại là những người lãnh đạo tôn giáo, những người học hỏi, đào sâu Kinh Thánh và một trong những môn đệ thân tín của Ngài. Điều này xảy ra cũng là để ứng nghiệm lời cụ già Simeon đã từng tiên báo: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được trỗi dậy." (Lc2,34) Thế đó, cùng trong một biến cố, một sự việc nhưng mỗi người mỗi cái nhìn, nhận định khác nhau.

Chúa Giêsu ơi!  Con đang sống trong biến cố thời đại – biến cố mang tên đại dịch Covid-19. Thế giới và hậu thế sẽ nhắc nhớ đến biến cố trong tương lai. Dù nó chưa qua đi và đang hoành hành nhân loại, nhưng những giá trị của biến cố này thật đặc biệt cho con, nhất là trong mùa chay thánh năm nay. Con có cảm tưởng như mình đang sống trong cảnh thế chiến thứ III – một thế chiến tuy không đổ máu, không có sự đấu tranh giữa người với người nhưng nó lại gây ra hậu quả to lớn cho nhân loại. Con người đang phải đối diện với sự sợ hãi, đau khổ. Nhân loại đang phải đương đầu, cùng nhau cộng tác để đẩy lui bóng tối phủ vây. Bầu khí ảm đạm và đau thương này, giúp con đi sâu vào mầu nhiệm thương khó của Chúa. Đây có lẽ là mùa chay đặc biệt nhất trong những mùa chay đã đi qua trong cuộc đời con. Nó đặc biệt không chỉ vì đây là "MÙA CHAY trong MÙA DỊCH" nhưng đây là khoảng thời gian gợi lên trong con những tâm tình sâu lắng. Nó sâu lắng không chỉ vì cảnh ưu sầu, ảm đạm của áng mây đen đang bao phủ thế giới, nhưng sâu lắng bởi con được chìm sâu và nhìn lại chính mình cách nghiêm túc và chân thật hơn.

Con đã từng chứng kiến, từng nghe tin báo của những cái chết ra đi đột ngột. Sự ra đi ấy có thể là của người thân, người bạn hay chỉ là những người con quen biết. Con đã có những phút giây lắng mình để thấy sự mong manh, chóng qua của phận người trước những sự ra đi ấy. Nhưng có lẽ cảm thức ấy chỉ thoáng qua đến rồi đi, vì con vẫn cho rằng sự sống của mình không thể ngắn ngủi như vậy, tương lai còn dài và chờ đợi con phía trước. Con vượt mình ra khỏi những suy nghĩ của cái chết hiện tại. Nhưng biến cố Covid-19 này cho con một cái nhìn chân thật mong manh của phận người. Con người đã có những phát minh to lớn, đưa mình vượt xa những giới hạn của địa lí để phóng mình vào vũ trụ bao la. Con người cũng có thể tạo ra những vũ khí có sức tiêu diệt, phá đổ hàng loạt. Nhưng đứng trước con virus nhỏ bé, con người bất lực và hàng chục ngàn người đã gục ngã. Người già chết, trẻ cũng ra đi, người giàu chết, kẻ nghèo cũng chung số phận, … Virus đã không trừ một ai. Con tự hỏi: "Đến bao giờ tới lượt con?" Sự chết có thể đã gần bên con bởi con virus ấy đang ở đâu đó trước cửa nhà hay quanh quẩn đâu đây.

Nhưng lạy Chúa, từ cái nhìn về sự yếu đuối này, con càng thêm sự tin tưởng vào Chúa. Ngài quyền năng và giàu lòng thương xót nên sẽ không để con đánh mất niềm tin. Phải chăng Chúa giả vờ ngủ quên để giũa lúc sóng gió, con vẫn biết ra sức chèo chống, cộng tác với nhau. Và rồi khi mọi sự bế tắc, con chỉ biết bám víu vào Ngài? Quả thật, trong những lúc này con chỉ biết trông chờ vào sự giải thoát và chữa lành của Chúa. Phương thế con chọn để tìm được sự an ủi nơi Chúa trong khoảng thời gian đặc biệt này là suy niệm về cuộc thương khó của Chúa. Đây là cơ hội là lúc thuận tiện về cả thời gian, không gian và bầu khí để con chiêm ngắm hình ảnh Chúa đau khổ nhưng một lòng cam chịu, nhục nhã nhưng khiêm nhường, cô đơn nhưng vẫn một mực tín thác nơi Chúa Cha.

Tuần Thánh năm nay, đoàn con cái Chúa không thể chung bước với Ngài nơi những quảng trường đông người hay tại các thánh đường tấp nập như mọi năm. Nhưng ở đâu đó tại các gia đình, cộng đoàn hay có thể một mình nơi những khu cách ly, chúng con cũng đang cùng đồng hành, cùng tưởng niệm mầu nhiệm thập giá của Chúa. Mầu nhiệm ấy dường như sống động hơn, gắn kết với Chúa hơn bởi chúng con cũng đang mang trên mình những đau khổ của biến cố thời đại. Khi gánh lấy những đau khổ của bệnh tật, chúng con mới cảm nghiệm được Chúa đã đau như thế nào khi bị quân lính vây đánh. Khi sống một mình trong khu cách ly, không người thân, không sự quan tâm, chúng con thấu hiểu được nỗi cô đơn của Chúa trong vườn cây dầu và trên thập giá; khi lao mình vào công tác chăm sóc, cứu chữa cho các bệnh nhân (có khi đến kiệt sức), có lẽ bài học về tinh thần phục vụ càng thấm nhuần trong chúng con và khi chứng kiến sự ra đi vĩnh viễn của những người thân, nỗi đau nầy như hòa vào dòng chảy của sự đau đớn tột cùng của Mẹ dưới chân thập giá. Xin cho chúng con  được thông phần đau khổ với Chúa như là cách thế chúng con chia sẻ gánh nặng cho Ngài.

Chúa đau khổ và nhân loại chúng con cũng đang đau khổ, nhưng đau khổ của Ngài có sức cứu độ nhân loại. Nếu chúng con đánh mất niềm hy vọng vào Chúa thì có lẽ sự đau khổ của chúng con sẽ trở nên vô nghĩa, nhiều khi rơi vào bế tắc mà than trách Chúa. Đau khổ của chúng con chỉ sinh hoa trái khi chúng con biết tháp nhập vào mầu nhiệm đau khổ của Chúa. Chúa đã đi qua con đường đau khổ và chiến thắng để đến được hạnh phúc vinh quang là sự Phục sinh. Chúng con đang sống trong niềm hy vọng vào một ngày mai bóng đen bao phủ của dịch bệnh qua đi để nhường chỗ cho bầu trời sáng rực và sự bình an cho chúng con. Thế đó, nơi đau khổ con cảm nghiệm được sự gần gũi, thân thương của nhân loại chúng con với Chúa hơn.
                                                                                                   Maria Nguyễn Huyền

 
114.864864865135.135135135250