27/04/2021 -

Tìm hiểu ơn gọi

1333
Chút tâm tình ƠN GỌI Ước mơ - Phục vụ -Trung thành
ƠN GỌI
Ước mơ - Phục vụ -Trung thành

Hằng năm cứ đến ngày Chúa Nhật thứ IV Phục Sinh, hay còn được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, cả Giáo hội hướng đến việc cổ võ ơn thiên triệu trong bậc tu trì nói chung và cách riêng ơn gọi làm linh mục. Tôi không biết truyền thống này có tự bao giờ. Nhưng cứ dựa vào Lời Chúa của ngày Chúa nhật hôm nay trình bày hình ảnh Chúa Giêsu là người mục tử tốt lành là Đấng bảo vệ đoàn chiên, yêu thương săn sóc và hy sinh mạng sống cho đàn chiên, là nền tảng, là mẫu mực cho mọi vị chủ chăn được Ngài trao quyền chăn dắt đoàn chiên, thì cũng hiểu được Giáo hội mời gọi có thêm nhiều mục tử tiếp nối sứ mạng Mục Tử của Ngài.

Chẳng biết thế nào mà bầu khí của ngày lễ Chúa nhật hôm nay bỗng dưng trở nên vui hơn, nhộn nhịp hơn. Người ta thấy thấp thoáng những bộ tu phục tràn ngập đầy các nhà thờ như những bông hoa đầy màu sắc trong vườn hoa của Giáo hội. Như một ngày hội, những tờ giới thiệu ơn gọi được phát cho các bạn trẻ và các em thiếu nhi tại các Giáo xứ. Đám trẻ con được mặc những bộ tu phục của các Hội dòng thì xúng xính tươi cười, mặc dù chẳng hiểu tu là gì chỉ biết rằng hôm nay mình được làm bà sơ, làm linh mục giáo phận, thậm chí có em khoe mình là giám mục có nhẫn, gậy, tỏ vẻ khoái chí… người lớn đi theo thích thú chụp hình, đâu đó có người thốt lên: “Ước mong con mình mai sau lớn lên cũng đi tu, cũng được khoác trên người bộ tu phục thánh thiện như vậy.”

Ngày lễ cầu cho ơn gọi thiên triệu, là lời mời gọi tất cả các bạn trẻ dâng mình cho Chúa, và cũng là ngày mà Giáo hội đặc biệt cầu nguyện cho các linh mục, Tu sĩ những người đang sống đời dâng hiến. Tâm tình của ngày lễ cũng gợi lại trong tôi một chút suy tư khi nhìn lại hành trình ơn gọi của mình dựa vào sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi năm 2021 với chủ đề “Thánh Giuse: Ước mơ của ơn gọi.” Đặc biệt, trong năm kính nhớ thánh Giuse, vị Thánh gợi cho chúng ta với “ba từ khóa” cho ơn gọi của mỗi cá nhân.

 
Ước mơ

Sống trong cuộc đời này ai cũng có quyền ước mơ và thích ước mơ. Người ta ước mơ nhiều thứ, người ước mơ có nhiều tiền, người ước mơ thành công, nghề nghiệp ổn định, có địa vị xã hội, gia đình hạnh phúc… những ước mơ ấy tự bản chất của nó bao giờ cũng đẹp vì nó mang lại cho ta hy vọng lớn lao, những khát vọng và là động lực để ta vươn tới. Người sống có ước mơ là người biết hoạch định cho mình một hướng đi rõ ràng nhất. Nhưng khi họ đạt được lại cảm thấy nó chưa là tất cả, chưa thể lấp đầy những nỗi trống vắng trong tâm hồn. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Nếu chúng ta yêu cầu mọi người diễn đạt ước mơ cuộc đời của họ chỉ bằng một từ, sẽ không khó hình dung ra câu trả lời: “được yêu.” Chính tình yêu mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, bởi vì nó bày tỏ mầu nhiệm của sự sống. Thật vậy, chúng ta chỉ có sự sống nếu chúng ta cho đi; chúng ta chỉ thực sự sở hữu nó khi chúng ta quảng đại trao ban. Thánh Giuse có nhiều điều để nói với chúng ta về vấn đề này, bởi vì, qua những giấc mơ mà Thiên Chúa đã linh hứng cho ngài, ngài đã biến cuộc đời mình thành một món quà.”

Món quà ấy được khai mở qua bốn giấc mơ của Thánh Giuse (Mt 1,20; 2,13.19.22). Đó là những lời kêu gọi của Chúa, nhưng không dễ dàng để chấp nhận chúng. Bởi mỗi lần mơ thì Thánh Giuse phải thay đổi kế hoạch của mình và chấp nhận rủi ro hy sinh. Chắc rằng, chẳng ai chúng ta muốn mình trải qua những giấc mơ như Thánh Giuse. Thật vậy, bước vào đời sống dâng hiến, chúng ta cũng đem theo những ước mơ, và ước mơ cùng đích của chúng ta là sống và họa lại hình ảnh của Chúa Kitô, là phục vụ tha nhân là cứu rỗi các linh hồn. Đó là lý tưởng cao đẹp, là dấu ấn tình Chúa khắc ghi trong chúng ta. Chị em chúng ta chắc hẳn ai cũng ghi nhớ ngày mình bước vào dòng, ngày ta từng bước tiến lên qua các giai đoạn của hành trình của ơn gọi để khám phá ra mầu nhiệm của Tình yêu dâng hiến. Có người nói rằng, ngày đẹp nhất là ngày ta tuyên khấn, tôi hoàn toàn phủ nhận. Chính cái cảm giác thuộc về Chúa thật hạnh phúc như lời bài hát đâu đó: “Ngày hạnh phúc Chúa ơi, cuộc giao duyên đất trời, đưa con vào tình sử, để hiến thân trọn đời…” (Gieo Bước-Trần Định).

Tình yêu dâng hiến là lời đáp trả, là món quà ta dâng cho Chúa. Thế nhưng để biến cuộc đời mình thành một món quà dâng cho Chúa thì ai cũng có kinh nghiệm trải qua những “giấc mơ.” Vậy, những giấc mơ đó là gì? Tôi thiết nghĩ đó chính là những lúc chúng ta boăn khoăn chọn lựa đâu là ý Chúa và Chúa muốn tôi làm gì? Hay những lúc gặp phải những khó khăn, tôi sẽ phải đối diện như thế nào? Những giấc mơ đó đôi khi tôi sẽ không tin và sẽ không dám hành động. Vậy tại sao Thánh Giuse lại tin vào những giấc mơ như thế? Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Vì lòng ngài hướng về Thiên Chúa; tâm hồn ngài đã hướng chiều về Thiên Chúa. Một dấu hiệu nhỏ cũng đủ để “cái tai nội tâm” chú tâm của ngài nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa.” Vậy làm sao ta nhận ra được dấu hiệu đó? Tôi thiết nghĩ đó là chúng ta phải “tinh tế,” nghĩa là không cần đợi phải nói. Điều này thật ý nghĩa trong đời sống cộng đoàn, cái tinh tế đó chính là chúng ta hiểu được nhau, đôi khi chẳng cần nói nhưng cũng đủ làm cho ta hiểu được người bên cạnh ta đang nghĩ gì, đang muốn gì. Chính cái tinh tế ấy sẽ làm cho mỗi người trong cộng đoàn gần nhau, nhận ra điều đang cần nơi mỗi người, như thế thì đời sống của ta cũng nhẹ nhàng như lời kinh ta đọc ta cầu nguyện tựa bông hoa huệ nhẹ nhàng hương sắc trắng ngần, và tỏa ngát mùi hương tinh khiết.

Những giấc mơ của Thánh Giuse đã dẫn ngài đến những trải nghiệm mà ngài không bao giờ tưởng tượng được. Nó bất ổn ở trong tâm khi biết Maria có thai nhưng đã làm cho ngài trở thành cha của Đấng Cứu Thế, bất ổn về chỗ ở khiến ngài phải chạy trốn sang Ai Cập, nhưng đã cứu được mạng sống của gia đình mình. Giấc mơ thứ ba báo trước việc ngài trở về quê hương, giấc mơ thứ tư khiến ngài thay đổi kế hoạch đến Nazareth. Giữa tất cả những biến động này, Thánh Giuse đã tìm thấy sự can đảm để làm theo ý Thiên Chúa.

Trong cuộc sống của chúng ta chẳng ai thích bất ổn. Ngược lại, ai cũng muốn mình được yên ổn, chúng ta mong sự yên ổn trong cộng đoàn, trong công việc, trong vị trí ta được đặt để, bởi nếu có những “giấc mơ” thì sẽ làm đảo lộn kế hoạch của chúng ta. Trong cộng đoàn, chúng ta dễ rơi vào tâm trạng bất ổn khi được gợi ý yêu cầu làm một điều gì đó mới mẻ hay khác với sở thích cá nhân. Phản ứng bột phát là phản kháng, lối phản xạ này có thể do một cách vô thức với ý muốn duy trì tình trạng ổn định hoặc nhằm bảo vệ tự do cá nhân. Do đó “Chúng ta cần can đảm gạt ra những chương trình, tiện ghi của mình để thưa tiếng Xin vâng với Thiên Chúa không miễn cưỡng hay cam chịu” (Patris Corde, 4).
 
Phục vụ
 
Nếu như Thánh Giuse là con người của những giấc mơ, và những giấc mơ ấy đã đánh dấu hành trình của Thánh Giuse khiến ngài hành động thì từ khóa thứ hai mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói đến là ơn gọi phục vụ.

Thánh Giuse được trình bày như một người sẵn sàng lên đường theo lệnh của Chúa. Chính sự phục vụ của Thánh Giuse là một biểu hiện cụ thể của việc trao tặng chính mình. Tìm kiếm và chuẩn bị một nơi để cho Chúa Giêsu có thể chào đời, ngài đã làm hết sức mình để bảo vệ Chúa khỏi cơn thịnh nộ của vua Hêrôđê, ngài lập tức trở về Giêrusalem khi Chúa Giêsu bị lạc, ngài đã nuôi sống gia đình bằng công việc của mình ngay cả khi ở đất nước xa lạ. Ngài thích nghi với những hoàn cảnh khác nhau với thái độ của những người không nản chí khi cuộc sống không diễn ra như mong muốn nhưng ngài vẫn sẵn lòng để phục vụ. Sự chăm sóc yêu thương của ngài đã trải dài qua nhiều thế hệ. Sự bảo vệ chu đáo của ngài đã khiến ngài trở thành Đấng Bảo trợ của Giáo hội, là mẫu mực cho các gia đình, là gương sáng cho nhân loại noi theo. 

Mỗi ngày sống mới là một cuộc lên đường đối với chúng ta. Lên đường để khám phá những điều tốt lành trong cuộc sống. Lên đường để phục vụ và yêu mến tha nhân. Lên đường để loan báo niềm vui của Tin Mừng. Cuộc lên đường nào cũng đòi chúng ta phải từ bỏ những ràng buộc, những cái vốn yên ổn nơi ta đang ở để ra đi thi hành sứ mạng của Dòng. Chính nhờ sự từ bỏ hy sinh đó, chúng ta chắc chắn sẽ tới đích. Giáo hội và xã hội rất cần bóng dáng của những người sống đời tận hiến. Chính sự có mặt của những người sống đời tận hiến phục vụ như là một nhắc nhở rằng: con người có khả năng sống yêu thương, phục vụ như Đức Kitô đang sống và sống quảng đại hy sinh dấn thân cho người khác.

Những ngày Mùa Chay vừa qua, theo dõi trên trang Wed của dòng, hình ảnh các chị em trong Dòng chúng ta đang đi đến với các chị em ở những vùng sâu vùng xa, xây những căn nhà tình thương cho những người nghèo, nấu những bữa ăn, chuyển trao những phần quà cho những người ở làng phong, thăm và hỗ trợ chi phí cho những bệnh nhân mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo đang điều trị…tất cả những gì chị em chúng ta làm, không chỉ dùng lại là công việc tông đồ bác ái của Hội dòng chúng ta, nhưng là sự ra đi để đến với các anh chị em của ta, là đồng cảm, là phục vụ và được kêu gọi trở thành những bàn tay cần cù của Chúa Cha dang rộng ra với con cái của Người và là chứng từ của một đời sống được đánh động bởi tình yêu Thiên Chúa.

 
 
Trung thành
 
Cùng với lời kêu gọi của Thiên Chúa, đáp lại lời mời gọi từ sự phục vụ quảng đại thì từ khóa thứ ba trong cuộc sống hàng ngày của thánh Giuse đó là lòng trung thành.

Sự trung thành của Thánh Giuse chính là sự kiên trì âm thầm phục vụ Thiên Chúa và các kế hoạch của Người. Vào một thời điểm đặc biệt khó khăn trong cuộc đời, ngài đã suy nghĩ kỹ càng về những việc phải làm (Mt 1,20), sự kiên trì miệt mài khi ngài là một người thợ mộc khiêm tốn (Mt 13,55), một sự kiên trì thầm lặng. Lặng im không phải là hèn nhát, lặng im không phải buông xuôi, lặng im không phải thoái thác cho định mệnh nhưng lặng im để để thực hiện thánh ý của Chúa trên đời mình. Chính bài học thầm lặng này đã truyền cảm hứng cho cuộc sống hàng ngày của vô số người cha, người lao động và người Kitô hữu.

Vậy sự sự trung thành như vậy của Thánh Giuse được nuôi dưỡng như thế nào? Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Đó chính là dưới ánh sáng lòng thành tín của Thiên Chúa. Những lời đầu tiên mà Thánh Giuse đã nghe trong giấc mơ là lời mời gọi đừng sợ, vì Thiên Chúa luôn trung thành với những lời hứa của Người” (Mt 1,20). Lời mời gọi “đừng sợ” theo dọc hành trình ơn gọi của chúng ta, khi ta quay trở lại mối tình đầu của mình đó chính là lời đáp trả “Xin vâng” khi ta tiếp tục tiến bước. Sự trung thành này là bí mật của niềm vui. Đó là niềm vui của sự đơn sơ, niềm vui được trải nghiệm hàng ngày mà Đức Giáo Hoàng muốn chúng ta xây dựng: “Thật tốt biết bao nếu bầu khí, đơn sơ và rạng rỡ, điều độ và đầy hy vọng này tràn ngập khắp các chủng viện, nhà dòng và nhà xứ của chúng ta!” Ngày hôm nay, ta hãy thử lật lại Album hình ảnh của ngày ta tuyên khấn. Ta sẽ tìm thấy biết bao khuôn mặt tươi vui với nụ cười rạng rỡ, để mừng vui cho một cuộc đời can đảm dâng hiến cho Chúa, cho sứ mạng mà Đức Kitô trao ban. Nụ cười tươi nhất trong album này chính là nụ cười của người dâng hiến. Thiếu vắng nụ cười này, thì không thể sống đời môn đệ của Chúa Giêsu.

“Ở đâu có tu sĩ ở đó có niềm vui.” Chúng ta hãy xây dựng niềm vui cho nhau, niềm vui của những con người thánh hiến trong tương quan mật thiết với Chúa, niềm vui ở lại trong tình yêu của Đức Kitô, ở lại trong lời cầu nguyện, trong tình huynh đệ cộng đoàn với bầu khí vui tươi thánh thiện. Ước mong sao những “giấc mơ” trong đời chúng ta được hóa giải bằng sự vâng phục theo Thánh ý Chúa, phục vụ Người trong những người anh chị em qua sự trung thành. Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta, cách riêng qua lời chuyển cầu của Thánh Giuse cho chúng ta biết chuyên tâm thực thi ý Chúa, quảng đại đón nhận nhau trong tình bác ái bao dung và sẵn sàng lên đường để đem tình thương Chúa cho mọi người.

                                                                                 Hoàng Nguyên

 
114.864864865135.135135135250