26/10/2024 -

Tin Giáo hội Hoàn Vũ

17
Bài giảng Đức Thánh Cha - Chúa nhật 30 Thường Niên năm B

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 30 Thường Niên năm B (24/10/2021) - Lời cầu xin với cả con tim
 

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
 

Tin Mừng của phụng vụ hôm nay kể về việc khi Chúa Giêsu ra khỏi thành Giê-ri-cô thì Người đã nhìn thấy Ba-ti-mê, một người mù ăn xin trên đường (x. Mc.10,46-52). Đây là một cuộc gặp gỡ quan trọng, cuộc gặp gỡ cuối cùng trước khi Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem để bước vào Cuộc Vượt Qua. Ba-ti-mê không nhìn thấy được, nhưng anh vẫn có thể nói được! Thật vậy, khi nghe tin Chúa Giêsu sắp đi qua, anh bắt đầu kêu lên: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” (câu 47). Anh đã kêu lên, kêu lên như thế. Các môn đệ và đám đông khó chịu vì tiếng kêu của anh và la rầy anh bắt anh im lặng. Nhưng anh ta càng hét to hơn: “Lạy con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” (câu 48). Chúa Giêsu nghe thấy, và ngay lập tức dừng lại. Thiên Chúa luôn lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, và Người không chút khó chịu trước tiếng kêu của Ba-ti-mê, trái lại, Người nhận ra rằng đó là niềm tin tràn đầy, một đức tin không ngại nài nỉ, gõ cửa lòng Chúa, cho dẫu có hiểu lầm và những lời trách móc. Và đây là gốc rễ của phép lạ. Thật vậy, Chúa Giê-su nói với anh: “Đức tin của anh đã cứu anh” (c. 52).
 

Đức tin của Ba-ti-mê được diễn tả trong lời cầu nguyện của anh. Nó không phải là một lời cầu nguyện rụt rè và truyền thống. Trước hết, anh gọi Chúa Giêsu là “Con vua Đa-vít”: nghĩa là anh nhận Người là Đấng Mêsia, là vị Vua phải đến thế gian. Sau đó, anh gọi Người bằng tên một cách tự tin: “Giêsu”. Anh ta không sợ Người, anh không thấy xa cách. Và vì vậy, từ trong trái tim mình, anh ta kêu lên với Chúa như người bạn trong tất cả bi kịch của mình: “Xin dủ lòng thương tôi!”. Chỉ lời cầu nguyện thế này: “Xin dủ lòng thương tôi!” Anh ta không xin Người một số tiền lẻ như khi anh xin những người qua đường. Không. Đối với người ta thì anh xin những đồng xu lẻ, còn đối với Chúa Giêsu, là Đấng làm được mọi sự nên anh xin mọi sự: “Xin dủ lòng thương tôi, xin dủ lòng thương đến tất cả những gì tôi là”. Anh không cầu xin một ân sủng, nhưng tự biểu lộ chính mình: anh cầu xin lòng thương xót cho chính con người của mình, cho cuộc sống của mình. Đó không phải là một lời thỉnh cầu nhỏ, nhưng nó thật cao đẹp, vì nó gợi lên lòng thương xót, nghĩa là lòng trắc ẩn, lòng thương xót của Chúa, sự dịu dàng của Người.
 

Ba-ti-mê không dùng nhiều ngôn từ. Anh chỉ nói điều chính yếu và phó thác mình vào tình yêu của Thiên Chúa, Đấng có thể làm cho cuộc sống của anh nở hoa trở lại bằng cách hoàn thành điều mà loài người không thể làm được. Vì lý do này, anh không xin Chúa bố thí, nhưng bày tỏ mọi sự, sự mù lòa và sự đau khổ của anh, vốn là điều nằm ngoài khả năng nhìn thấy. Sự mù lòa là phần nổi của tảng băng, nhưng trong tim anh chắc hẳn đã có những vết thương, những tủi nhục, những ước mơ tan vỡ, những sai lầm, hối hận. Anh cầu xin với cả con tim. Thế còn chúng ta? Khi chúng ta xin ơn, chúng ta hãy đặt vào trong lời cầu nguyện câu chuyện của chúng ta, những tổn thương, tủi hổ, những ước mơ vụn vỡ, những sai lầm và hối hận của mình.
 

Lạy ông GiêsuCon vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”. Hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện như thế. Và chúng ta hãy tự hỏi: “Lời cầu nguyện của tôi diễn ra như thế nào?”. Mỗi người trong chúng ta hãy tự hỏi: “Lời cầu nguyện của tôi diễn ra thế nào?” Tôi hãy nhớ lại xem, nó có chất chứa sự can đảm, sự van nài liên lỉ như lời cầu nguyện của Ba-ti-mê không, nó có cho thấy sự “nắm bắt” việc Chúa đang đi qua, hay nó tự thỏa mãn với việc thỉnh thoảng trao cho Người một lời chào trang trọng? Lời cầu nguyện nhạt nhẽo như thế chẳng giúp gì mấy. Và sau đó: lời cầu nguyện của tôi có “đầy dưỡng chất” không, nó có đặt một con tim trần tụi trước mặt Thiên Chúa không? Tôi có mang đến cho Người câu chuyện và những bộ mặt của cuộc đời tôi không? Hay là một lời cầu nguyện thiếu sức sống, hời hợt, được tạo nên từ những nghi lễ không có tình cảm và không có trái tim? Khi đức tin còn sống, lời cầu nguyện sẽ chân thành: nó không cầu xin vài đồng xu lẻ, nó không bị giảm xuống cho những nhu cầu của thời điểm này. Đối với Chúa Giêsu, Người có thể làm tất cả mọi thứ, và được nài xin mọi thứ. Chúng ta đừng quên điều này. Chúa Giêsu, Người làm được mọi thứ và tôi hãy kiên trì nài xin Người mọi thứ. Người luôn mong muốn được đổ ân sủng và niềm vui của mình vào trái tim chúng ta, nhưng tiếc rằng chúng ta lại là những người giữ khoảng cách, vì nhút nhát, lười biếng hoặc không tin tưởng. 
 

Nhiều người trong chúng ta, khi cầu nguyện, không tin rằng Chúa có thể làm phép lạ.
 

Tôi nhớ lại câu chuyện - mà tôi đã chứng kiến - về một người cha của cô bé chín tuổi mà các bác sĩ đã nói rằng con của anh sẽ không qua khỏi đêm đó; anh ấy đang ở trong bệnh viện và anh ta bắt một chiếc xe buýt và đi bảy mươi cây số đến đền thờ Đức Mẹ. Nhà thờ đã đóng cửa và anh ấy bám vào cánh cổng và dành cả đêm để cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cứu lấy con gái con! Lạy Chúa, xin cho con gái con được sống!”. Anh ta đã cầu nguyện với Đức Mẹ suốt đêm, khóc lóc với Chúa, khóc từ trái tim. Rồi đến sáng, anh quay lại bệnh viện thì thấy vợ khóc. Và anh ấy nghĩ, “con gái mình chết rồi.” Và vợ anh ta nói: “Người ta không hiểu gì hết, thực sự không hiểu, các bác sĩ nói đó là một điều kỳ lạ, con bé có vẻ được chữa lành.” Chúa đã nghe thấy tiếng kêu của người đàn ông cầu xin mọi sự. Đây không phải là một câu chuyện: Tôi đã thấy điều này ở giáo phận khác. Chúng ta có can đảm này trong lời cầu nguyện không? Từ Đấng có thể ban cho chúng ta mọi thứ, chúng ta cầu xin mọi điều, như Ba-ti-mê, anh là một bậc thầy vĩ đại, một bậc thầy vĩ đại về cầu nguyện. Và anh Ba-ti-mê có thể là một tấm gương cho chúng ta về đức tin cụ thể, bền bỉ và can đảm. Và xin Đức Mẹ, Đức Trinh Nữ cầu nguyện, dạy chúng ta hết lòng hướng về Chúa, tin tưởng rằng Người chăm chú lắng nghe mọi lời nguyện xin.
 

Nguồn: vaticannews.va/vi

 

Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 30 Thường Niên năm B (28/10/2018) - Lắng nghe, gần gũi và làm chứng
 

(Bài giảng thánh lễ bế mạc Đại hội thường lệ lần thứ 15 của Thượng hội Đồng Giám mục)
 

Anh chị em thân mến,
 

Biến cố mà chúng ta vừa nghe, chính là biến cố cuối cùng trong số những biến cố mà Thánh Mác-cô thuật về những hoạt động của Chúa Giê-su khi Ngài lên đường. Ngay sau đó Ngài sẽ đi về Giê-ru-sa-lem, nơi Ngài sẽ chịu chết và phục sinh. Vì thế, Bác-ti-mê chính là người cuối cùng đi theo Chúa Giê-su trên con đường của Ngài: từ người hành khất bên vệ đường thành Giê-ri-cô, anh trở thành môn đệ của Chúa Giê-su, và cùng với những người khác đi về Giê-ru-sa-lem. Chúng ta cũng đã cùng đi trên một con đường, chúng ta đã tổ chức xong Thượng Hội Đồng Giám Mục, và giờ đây Tin Mừng nhấn mạnh tới ba bước đi có tính căn bản đối với con đường Đức Tin.
 

Trước tiên, chúng ta hãy ngắm nhìn anh Bác-ti-mê: Tên của anh có nghĩa là “con ông Ti-mê”. Và bản văn nhấn mạnh tới yếu tố đó: “Bác-ti-mê, con ông Ti-mê” (Mc 10,46). Nhưng với sự đề cao trong Tin Mừng, một nghịch lý đã trở nên rõ ràng: Người cha đã vắng mặt. Bác-ti-mê nằm một mình bên vệ đường, không nhà cửa, cũng không cha mẹ: Anh không được ai yêu thương, nhưng đã bị bỏ rơi. Anh còn bị mù lòa và chẳng có ai lắng nghe anh; khi anh muốn nói, thì người ta lại muốn bắt anh phải thinh lặng. Nhưng Chúa Giê-su đã lắng nghe tiếng kêu than của anh. Và khi Ngài gặp anh, Ngài đã để cho anh được nói. Không khó để đoán ra việc Bác-ti-mê muốn xin cái gì: Rõ ràng là một người mù sẽ ước muốn có được thị giác và muốn được nhìn thấy. Nhưng Chúa Giê-su đã không vội vã, Ngài dành thời gian để lắng nghe. Đó là bước đi đầu tiên trên con đường Đức Tin: lắng nghe. Đó là hoạt động mục vụ lắng nghe: lắng nghe trước khi nói.
 

Nhưng nhiều người trong số những kẻ đang tháp tùng Chúa Giê-su thì lại nhắc nhở Bác-ti-mê rằng, anh phải thinh lặng (xc. Mc 10,48). Đối với những người môn đệ đó, người nghèo túng chính là một sự gây nhiễu trên đường, là một cái gì đó không được dự kiến trong chương trình đã được ấn định trước. Họ đặt nước đi của họ đàng trước nước đi của Thầy; họ coi những lời của mình hơn lời của người khác; họ đi theo Chúa Giê-su, nhưng lại có những kế hoạch riêng trong đầu. Đó là một mối nguy mà người ta luôn luôn phải lưu tâm tới. Trái lại, đối với Chúa Giê-su, tiếng kêu cầu của những người van xin sự giúp đỡ không phải là sự gây nhiễu có khả năng cản đường, nhưng là một vấn đề cuộc sống. Lắng nghe cuộc sống là điều quan trọng đối với chúng ta biết chừng nào! Con cái của Cha Trên Trời sẽ luôn lắng nghe những người anh chị em của mình: không tán gẫu vô ích, nhưng lắng nghe những nhu cầu của tha nhân chúng ta. Lắng nghe với Đức Ái, với sự kiên nhẫn như Thiên Chúa vẫn thể hiện đối với chúng ta, với lời cầu nguyện thường xuyên được lập đi lập lại của chúng ta. Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi, Ngài luôn vui mừng khi chúng ta kiếm tìm Ngài. Chúng ta cũng hãy cầu xin cho được ơn có một con tim biết sẵn sàng lắng nghe. Nhân danh những người lớn chúng tôi, Cha muốn nói với các bạn trẻ rằng: Xin hãy thứ lỗi cho chúng tôi, nếu chúng tôi không thường xuyên lắng nghe các con; nếu chúng tôi, thay vì mở con tim của các con ra, thì lại nói quá nhiều vào tai các con. Với tư cách là Giáo hội của Chúa Giê-su, chúng tôi muốn lắng nghe các con với tất cả tình mến, trong niềm tin tưởng đơn giản rằng, cuộc sống của các con vô cùng quý báu đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa luôn trẻ trung và cũng rất yêu thương những người trẻ; và trong niềm tin tưởng rằng, cuộc sống của các con cũng rất quý báu đối với chúng tôi, đúng là rất cần để tiến về phía trước.
 

Sau khi lắng nghe thì đến bước thứ hai, đó là đồng hành trên con đường Đức Tin: biến mình thành tha nhân. Chúng ta hãy ngắm nhìn Chúa Giê-su, Ngài đã không cử bất cứ ai trong số đám người đang đi theo Ngài đến gặp Bác-ti-mê, không, Ngài trực tiếp gặp gỡ anh cách cá nhân. Ngài nói với anh: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (Mc 10,51). Anh muốn gì: Chúa Giê-su đã đặt mình vào trong hoàn cảnh của Bác-ti-mê, Ngài không làm ngơ giả điếc trước những mong chờ của anh; tôi sẽ làm: hành động chứ không chỉ nói; cho anh: không phải theo những tưởng tượng mà chúng chỉ thích hợp với một người nào đó, nhưng là cho anh, trong hoàn cảnh của anh. Thiên Chúa làm như thế, và liên hệ một cách cá nhân đến mối tương quan đầy tình mến đối với từng cá nhân. Việc hành động theo cách của Ngài sẽ làm sáng tỏ sứ điệp của Ngài: Đức Tin nẩy mầm như thế trong cuộc sống.
 

Đức Tin đi xuyên qua cuộc sống. Nếu như Đức Tin chỉ tập trung vào những công thức có tính giáo điều, thì nó sẽ có nguy cơ chỉ tác động tới cái đầu mà không hề đụng chạm tới con tim. Và nếu nó chỉ tập trung vào công việc thì sẽ có nguy cơ trở thành duy luân và tự giới hạn trên bình diện xã hội. Trái lại, Đức Tin là cuộc sống: nó hệ tại ở chỗ sống Tình Yêu của Thiên Chúa, tức Tình Yêu đã biến đổi cuộc sống chúng ta. Chúng ta không được phép trở nên duy học thuyết, cũng không được phép duy hành động; chúng ta được kêu gọi tiếp tục thực hiện những công trình của Thiên Chúa theo cách thức của Ngài, và cụ thể là trong sự gần gũi: hoàn toàn gần gũi với Ngài, trong sự hiệp thông với nhau, gần gũi những người anh chị em của mình. Gần gũi: đó là mầu nhiệm để tiếp tục trao đi điều cốt lõi của Đức Tin, chứ không phải một khía cạnh thứ yếu nào đó.
 

Biến mình thành tha nhân có nghĩa là, mang sự mới mẻ của Thiên Chúa vào trong cuộc sống của những người anh chị em, và phương dược khắc trị cơn cám dỗ của toa thuốc viết sẵn cũng nằm ở đó. Chúng ta hãy tự hỏi mình xem, liệu có phải chúng ta đang là những Ki-tô hữu có khả năng trở thành tha nhân, có khả năng rời bỏ cái nhóm riêng của mình, để ôm ghì lấy những người “không thuộc về nhóm chúng ta”, cũng như những người mà Thiên Chúa đang kiếm tìm cách sục sôi hay không? Luôn luôn có cơn cám dỗ mà nó thường được Kinh Thánh nói tới: rửa tay để chứng tỏ mình vô tội. Đám đông mà bài Tin Mừng hôm nay nói tới, đã làm như thế. Ca-in đã làm điều đó với A-ben, và Phi-la-tô thì làm điều đó với Chúa Giê-su: rửa tay để chứng tỏ mình vô can. Trái lại, chúng ta hãy noi gương Chúa Giê-su, và như Ngài, hãy làm cho đôi tay của mình bị vấy bẩn. Ngài vốn là đường (xc. Ga 14,6), nhưng đã dừng lại trên đường vì Bác-ti-mê; Ngài vốn là ánh sáng cho thế giới (xc. Ga 9,5), nhưng đã cúi mình xuống trước một người mù. Chúng ta nhận ra rằng, Chúa Giê-su đã khiến cho đôi tay của Ngài bị vấy bẩn vì mỗi người chúng ta, và khi chúng ta ngắm nhìn Thánh Giá cũng như khi rời khỏi việc ngắm nhìn đó, chúng ta hãy nhớ rằng, Thiên Chúa đã biến mình thành tha nhân của tôi trong tội lỗi và cái chết. Ngài đã biến mình thành tha nhân của tôi: tất cả đều bắt đầu từ đó. Và nếu vì Tình Yêu đối với Ngài, chúng ta cũng trở thành những người tha nhân, thì chúng ta sẽ trở thành những người mang đến sự sống mới: không phải là những bậc thầy của mọi người, cũng chẳng phải là những chuyên viên về đời sống thiêng liêng, nhưng là những chứng nhân của Tình Yêu cứu độ.
 

Làm chứng chính là bước thứ ba. Chúng ta hãy chiêm ngắm những người môn đệ đã gọi Bác-ti-mê: Họ không đến với người hành khất để trao cho anh vài đồng xu, hay để khuyên răn anh vài nhời; họ đến nhân danh Chúa Giê-su. Trong thực tế, họ chỉ nói với anh có ba câu, mà ba câu đó đều có nguồn gốc từ Chúa Giê-su: “Can đảm lên, đứng dậy, Người gọi anh đấy!” (Mc 10,49). Trong Tin Mừng, chỉ có Chúa Giê-su mới nói: Can đảm lên, vì chỉ mình Ngài mới làm cho con tim được hồi sinh. Trong Tin Mừng, chỉ có mình Chúa Giê-su mới nói: Hãy đứng dậy!, để chữa lành tâm hồn và thể xác. Chỉ có Chúa Giê-su mới kêu gọi những người đi theo Ngài hãy thay đổi cuộc sống của họ, bằng cách là Ngài giúp họ đứng bằng hai chân trên mặt đất, cũng như mang ánh sáng của Thiên Chúa vào trong sự tăm tối của cuộc sống. Giống như Bác-ti-mê, nhiều người con trai và con gái cũng như nhiều bạn trẻ đang lên đường kiếm tìm ánh sáng trong cuộc đời. Họ đang tìm kiếm Tình Yêu đích thực. Và giống như Bác-ti-mê, bất chấp việc đang có nhiều người, nhưng anh chỉ kêu cầu một mình Chúa Giê-su thôi, thì những người trẻ cũng đang đang kêu gào cuộc sống như vậy, nhưng thường chỉ nhận được những lời hứa trống không, cũng như chỉ thấy được một ít người thực sự quan tâm tới họ.
 

Việc ngồi đó để chờ đợi những người anh chị em đang trên đường tìm kiếm đến gõ cửa nhà chúng ta, đó là điều không thuộc về Ki-tô giáo; chúng ta phải đến với họ, và ở đây, đừng mang cái tôi của mình tới, nhưng hãy mang Chúa Giê-su đến cho họ. Ngài đang sai chúng ta đi giống như các môn đệ ngày xưa, để chúng ta nhân danh Ngài mà khích lệ họ cũng như giúp họ đứng dậy. Ngài sai chúng ta đi để chúng ta nói với mọi người rằng: “Thiên Chúa xin bạn hãy để cho mình được yêu thương bởi Ngài”. Thay vì mang tới sứ điệp cứu độ có khả năng giải phóng ấy, chúng ta lại thường mang tới chính cái tôi của chúng ta, những “toa thuốc” của chúng ta và những “nhãn hiệu” Giáo hội của chúng ta biết là dường nào! Thay vì biến Lời Chúa thành của mình, chúng ta lại thường chào bán những ý tưởng riêng của chúng ta như thể đó là Lời Ngài vậy! Người ta thường cảm thấy gánh nặng nơi các tổ chức của chúng ta hơn là sự hiện diện bằng hữu của Chúa Giê-su biết là dường nào! Và rồi chúng ta sẽ trở thành một NGO, trở thành một tổ chức bán chính phủ, nhưng lại không trở thành cộng đoàn của những người được cứu độ biết sống niềm vui của Thiên Chúa.
 

Hãy lắng nghe, biến mình thành tha nhân và làm chứng. Trong bài Tin Mừng hôm nay, con đường Đức Tin đã kết thúc theo một cách thức hết sức tuyệt vời và ngỡ ngàng với Lời của Chúa Giê-su: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” (Mc 10,52). Ở đây, Bác-ti-mê đã không đọc Kinh Tin Kính, và ngoài ra cũng chẳng làm điều gì đặc biệt cả; anh chỉ kêu xin Lòng Thương Xót. Việc cảm thấy mình cần tới ơn cứu độ chính là sự khởi đầu của Đức Tin, là con đường trực tiếp dẫn tới cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su. Đức Tin đã cứu thoát Bác-ti-mê không hệ tại ở chỗ ông có những hình ảnh rõ ràng về Thiên Chúa, song hệ tại ở chỗ kiếm tìm Ngài, mong muốn gặp gỡ Ngài. Đức Tin chính là một câu hỏi của sự gặp gỡ chứ không phải là lý thuyết. Chúa Giê-su đến thông qua sự gặp gỡ, và con tim của Giáo hội sẽ đập trong sự gặp gỡ. Vì thế, không phải các bài giảng của chúng ta sẽ mang lại công hiệu, nhưng là chứng tá cuộc sống của chúng ta.
 

Và Cha xin cám ơn chứng tá của tất cả anh chị em, những người đã tham dự vào cuộc “cùng lên đường” này. Chúng ta đã làm việc cùng nhau với sự tự nguyện trong niềm mong ước muốn được phục vụ Thiên Chúa và Dân Người. Cầu xin Chúa chúc lành cho những bước đi của chúng ta, để chúng ta có khả năng lắng nghe những người trẻ, trở thành tha nhân của họ, và trao cho họ chứng tá từ niềm vui cuộc sống của chúng ta: Chúa Giê-su.

Nguồn: daminhtamhiep.net

 

Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 30 Thường Niên năm B (25/10/2015) - Lòng thương xót của Thiên Chúa
 

(Bài giảng thánh lễ bế mạc Đại hội thường lệ lần thứ 14 của Thượng hội Đồng Giám mục)
 

Tất cả 3 bài đọc của Chúa nhật này đều trình bày cho chúng ta lòng cảm thương của Thiên Chúa, tình phụ tử của Chúa, được biểu lộ chung kết trong Đức Giêsu.
 

Giữa thảm họa quốc gia, dân tộc bị kẻ thù lưu đày, tiên tri Giêrêmia tuyên bố rằng “Đức Chúa đã cứu dân Người, số còn sót lại của Ít-ra-en !” (31:7). Tại sao Người cứu họ? Bởi vì Người là Cha của họ (x. câu 9); và với tư cách là một Người Cha, Người chăm sóc con cái Người và đồng hành với họ trên đường đi, nâng đỡ “kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ” (31:8). Tình phụ tử của Người mở ra cho họ một con đường tiến về phía trước, một con đường an ủi sau bao nhiêu nước mắt và nỗi buồn lớn lao. Nếu dân tộc vẫn trung thành, nếu họ kiên trì tìm kiếm Thiên Chúa ngay cả ở một vùng đất xa lạ, Thiên Chúa sẽ biến cảnh tù đày của họ thành tự do, biến sự cô đơn của họ thành sự hiệp thông: những gì dân tộc gieo trong nước mắt ngày hôm nay, họ sẽ gặt hái trong niềm vui vào ngày mai (x. Tv 125:6).
 

Chúng ta cũng đã diễn tả, với Thánh Vịnh, niềm vui là hoa trái của ơn cứu độ của Chúa: “Bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan” (câu 2). Người tin là người đã trải nghiệm hành động cứu độ của Chúa trong cuộc đời mình. Chúng ta, những mục tử, đã trải nghiệm ý nghĩa của việc gieo giống trong khó khăn, đôi khi trong nước mắt, và vui mừng vì ân sủng của một vụ mùa vượt quá sức lực và khả năng của chúng ta.
 

Đoạn trích từ Thư gửi tín hữu Do Thái cho chúng ta thấy lòng thương cảm của Chúa Giêsu. Người cũng “đầy yếu đuối” (5:2), để Người có thể cảm thương đối với những người đang sống trong sự ngu dốt và sai lầm. Chúa Giêsu là vị thượng tế vĩ đại, thánh thiện và vô tội, nhưng cũng là vị thượng tế đã mang lấy sự yếu đuối của chúng ta và bị cám dỗ như chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi (x. 4:15). Vì lý do này, Người là trung gian của giao ước mới và dứt khoát mang lại cho chúng ta ơn cứu rỗi.
 

Tin Mừng hôm nay liên quan trực tiếp đến Bài đọc thứ nhất: như dân Israel được giải thoát nhờ tình phụ tử của Thiên Chúa, thì Bartimê cũng được giải thoát nhờ lòng thương xót của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu vừa rời khỏi Giêricô. Mặc dù Người mới chỉ bắt đầu cuộc hành trình quan trọng nhất của mình, cuộc hành trình sẽ đưa Người đến Giêrusalem, Người vẫn dừng lại để đáp lại tiếng kêu của Bartimê. Chúa Giêsu xúc động trước lời cầu xin của anh và dấn thân vào hoàn cảnh của anh. Người không bằng lòng bố thí cho anh, mà muốn đích thân gặp gỡ anh. Người không chỉ dẫn hay trả lời anh, nhưng hỏi anh: "Anh muốn tôi làm gì cho anh?" (Mc 10:51). Có vẻ như đó là một câu hỏi vô nghĩa: một người mù có thể mong muốn điều gì nếu không phải là được sáng mắt? Tuy nhiên, với câu hỏi trực diện này, trực tiếp nhưng tôn trọng, Chúa Giêsu cho thấy Người muốn lắng nghe nhu cầu của chúng ta. Người muốn nói chuyện với mỗi người chúng ta về cuộc sống của chúng ta, về hoàn cảnh thực tế của chúng ta, để không có gì bị che giấu khỏi Người. Sau khi Bartimê được chữa lành, Chúa nói với anh: "Đức tin của anh đã cứu anh" (câu 52). Thật đẹp khi thấy Chúa Kitô ngưỡng mộ đức tin của Bartimê, Ngài tin tưởng vào anh ta như thế nào. Ngài tin vào chúng ta, nhiều hơn chúng ta tin vào chính mình.
 

Có một chi tiết đặc biệt hay. Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ của Ngài đi gọi Bartimê. Các môn đệ nói với người mù bằng hai kiểu nói mà Chúa Giêsu sử dụng trong phần còn lại của bài Tin Mừng. Trước hết các môn đệ nói với người mù: “Hãy can đảm lên!”, một từ có nghĩa đen là “hãy tin tưởng, hãy phấn khởi!”. Thực vậy, chỉ có cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu mới mang lại cho con người sức mạnh để đương đầu với những tình cảnh trầm trọng nhất. Thành ngữ thứ hai là: “Hãy đứng lên!” giống như Chúa Giêsu nói với bao nhiêu bệnh nhân, cầm tay họ và chữa lành họ. Các môn đệ của Ngài không làm gì khác hơn là lập lại những lời khích lệ và có sức giải thoát của Chúa Giêsu, dẫn người mù đến thẳng với Chúa, mà không giảng giải gì. Cả các môn đệ Chúa Giêsu ngày nay cũng được kêu gọi làm như vậy, nhất là ngày nay: nghĩa là đặt con người tiếp xúc với lòng Thương Xót cảm thương cứu độ. Khi tiếng kêu của nhân loại trở nên mạnh mẽ hơn, như nơi ông Bartimê, không có câu trả lời nào khác ngoài những lời nói của Chúa Giêsu mà chúng ta nhận làm của mình và nhất là noi theo tâm hồn của Chúa. Những tình trạng lầm than và xung đột, đối với Thiên Chúa, là những dịp thực hành lòng thương xót. Ngày nay là thời kỳ của lòng thương xót!
 

 Nhưng có một số cám dỗ đối với những người theo Chúa Giêsu. Tin Mừng làm nổi bật ít là 2 cám dỗ. Không có môn đệ nào dừng lại như Chúa Giêsu đã làm. Họ tiếp tục tiến bước, tiến hành như thể không có gì xảy ra. Nếu anh Bartimê là người mù, thì họ là những người điếc: vấn đề của ông không phải là vấn đề của họ. Tình trạng này cũng có thể là nguy cơ của chúng ta; đứng trước những vấn đề liên lỉ, tốt hơn nên tiếp tục tiến bước, không để cho mình bị phiền toái. Theo cách thức ấy, giống như các môn đệ, chúng ta ở với Chúa Giêsu, nhưng không suy nghĩ như Chúa. Ta ở trong nhóm của Ngài, nhưng nếu ta không cởi mở tâm hồn, thì sẽ mất đi lòng ngưỡng mộ, lòng biết ơn và lòng nhiệt thành, và có nguy cơ trở thành những người quen thuộc với ơn thánh. Chúng ta có thể nói về Chúa, làm việc với Chúa, nhưng sống xa tâm hồn của Chúa, một tâm hồn hướng về ngừơi bị thương. Đó là một cám dỗ: một thứ linh đạo ảo ảnh: chúng ta có thể tiến qua sa mạc của nhân loại mà không thấy điều thực sự hiện hữu, nhưng chỉ thấy điều chúng ta muốn thấy; chúng ta có khả năng kiến tạo những quan niệm về thế giới, nhưng chúng ta không chấp nhận điều mà Chúa đặt trước mắt chúng ta. Một niềm tin không biết ăn rễ trong đời sống của dân chúng thì nó khô cằn, và thay vì là một ốc đảo xanh tươi, thì lại tạo nên những sa mạc khác.
 

Có một cám dỗ thứ hai, đó là rơi vào một đức tin đã hoạch định. Chúng ta có thể tiến bước với dân Chúa, nhưng chúng ta đã có lịch trình tiến hành, qui định trước tất cả: chúng ta biết đi đâu và cần bao nhiêu thời gian; tất cả đều phải tôn trọng nhịp độ của chúng ta, và mọi điều bất tiện đều làm phiền chúng ta. Chúng ta có nguy cơ trở thành những người trong Tin Mừng mất kiên nhẫn và khiển trách ông Bartimê. Trước đó họ đã khiển trách các trẻ em (Xc 10,13), nay họ trách người hành khất mù: ai gây phiền toái hoặc không thích hợp thì bị loại bỏ. Trái lại Chúa Giêsu muốn bao gồm, nhất là những người bị gạt ra ngoài lề và kêu lên Ngài. Những người, như Bartimê, có đức tin, vì biết mình cần ơn cứu độ là cách thức tốt nhất để gặp Chúa Kitô.
 

Và sau cùng, Bartimeo lên đường theo Chúa Giêsu (Xc v.52). Không những anh ta phục hồi được thị giác, nhưng còn hiệp với cộng đoàn những người đồng hành với Chúa Giêsu.
 

 Anh chị em tham dự Thượng Hội đồng thân mến, chúng ta đã đồng hành với nhau. Tôi cám ơn anh chị em vì con đường chúng ta đã đi chung với cái nhìn hướng về Chúa và anh chị em, trong sự tìm kiếm những con đường mà Tin Mừng chỉ cho thời đại chúng ta ngày nay để loan báo mầu nhiệm tình yêu gia đình. Chúng ta hãy tiếp tục con đường mà Chúa muốn. Chúng ta hãy xin Chúa một cái nhìn được chữa lành và cứu độ, biết loan truyền ánh sáng, vì nhắc nhớ vẻ huy hoàng đã soi chiếu. Không bị lu mờ vì sự bi quan và tội lỗi, chúng ta hãy tìm kiếm và thấy vinh quang của Thiến Chúa, chiếu tỏa trong con người đang sống.
 

Nguồn: archivioradiovaticana.va

 

Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng Chúa nhật 30 Thường Niên năm B (28/10/2012) – Bartimê, con ông Timê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường
 

(Bài giảng thánh lễ bế mạc Đại hội thường lệ lần thứ 13 của Thượng hội Đồng Giám mục)
 

Các anh em giám mục, quý ông, quý bà, và anh chị em thân mến,
 

Phép lạ chữa anh mù Bartimeo có thế đứng quan trọng trong cấu trúc Phúc Âm thánh Marcô. Nó được đặt ở cuối phần gọi là “chuyến lên Giêrusalem”, nghĩa là cuộc hành hương cuối cùng của Chúa Giêsu về Thành Thánh, để tham dự lễ Vượt Qua, trong đó cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh chờ đợi Người. Để lên Giêrusalem từ thung lũng Giócđan Chúa Giêsu đi ngang qua thành Giêricô, và cuộc gặp gỡ với anh mù xảy ra, khi Người ra khỏi thánh phố - theo lời của tác giả Tin mừng là, “khi Người rời khỏi Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông lớn” (10:46). Đây là đám đông mà ngay sau đó sẽ tung hô Chúa Giêsu là Đấng Messiah khi Người vào thành Giêrusalem. Người ngồi ăn xin bên vệ đường là Bartimaeus, tên của người này có nghĩa là “con trai của Timaeus”, như tác giả Tin mừng kể lại cho chúng ta. Tất cả Phúc Âm thánh Marcô là một lộ trình đưc tin, được khai triển từ từ theo trường học của Chúa Giêsu. Các môn đệ là các tác nhân đầu tiên của lộ trình khám phá đó, nhưng cũng có những người khác có vai trò đáng kể, trong đó có cả anh mù Bartimeo nữa. Phép lạ chữa anh là phép lạ cuối cùng Chúa Giêsu làm trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Và không phải tình cờ việc chữa lành một người có đôi mắt đã mất đi ánh sáng. Chúng ta cũng biết từ các văn bản khác rằng tình trạng mù lòa có ý nghĩa to lớn trong các sách Phúc âm. Nó tượng trưng cho con người cần ánh sáng của Thiên Chúa, ánh sáng của đức tin, nếu họ muốn biết thực tại một cách chân thực và bước đi trên con đường của cuộc sống. Điều cốt yếu là phải thừa nhận sự mù lòa của mình, nhu cầu của mình đối với ánh sáng này, nếu không, người ta có thể vẫn mù lòa mãi mãi (x. Ga 9:39-41).
 

Do đó, tại thời điểm then chốt đó trong tường thuật của thánh Marcô, Bartimaeus được coi là một hình mẫu. Anh ta đã không mù từ lúc mới sinh, nhưng đã mất đi khả năng nhìn thấy. Anh là người đã mất đi ánh sáng và ý thực được điều đó, nhưng đã không mất niềm hy vọng. Anh biết tiếp nhận khả thể gặp Chúa Giêsu và tin tưởng nơi Người để được chữa lành. Thật thế, khi nghe biết Chúa Giêsu đi ngang qua trên đường, anh kêu lên: “Lạy Đức Giêsu, con vua Đavít, xin thương xót tôi!” (Mk 10:47) và anh lập lại lời kêu xin mạnh hơn (c. 48). Và khi Chúa Giêsu gọi anh lại và hỏi anh muốn gì nơi Người, anh thưa: “Lạy Thầy, xin cho tôi lại thấy” (c. 51). Bartimeo diễn tả người nhận biết bệnh tật của mình và kêu lên Chúa, tin tưởng được chữa lành. Lời kêu xin của anh đơn sơ, chân thành và gương mẫu, giống như lời kêu xin của người thu thuế “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13), lời cầu ấy đã đi vào trong truyền thống lời cầu kitô. Trong cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, được sống với đức tin, anh mù Bartimeo có được trở lại ánh sáng đã mất, và với nó là phẩm giá tràn đầy của mình: anh đứng dậy và đi trở lại con đường, mà từ lúc đó có một người hướng dẫn là Đức Giêsu, và anh đi cùng một con đường Đức Giêsu đi. Thánh sử không nói gì về Bartimeo nữa, nhưng nơi anh thánh sử giới thiệu với chúng ta ai là người môn đệ: đó là người theo Chúa Giêsu trên đường với ánh sáng đức tin.
 

Thánh Agustinô đã suy tư và đưa ra một nhận xét rất đặc biệt về gương mặt của anh mù Bartimeo, nó cũng có ý nghĩa đối với chúng ta ngày nay: đó là sự kiện thánh sử Marcô không chỉ kể tên của người được sáng mắt mà cả tên của cha anh ta nữa, anh là Bartimeo con của Timeo. Và thánh nhân kết luận rằng: “Bartimaeus, con trai của Timaeus, đã sa sút từ một vị trí rất thịnh vượng, và giờ đây được coi là đối tượng của sự khốn khổ khét tiếng và đáng chú ý nhất, bởi vì, ngoài việc bị mù, anh ta còn phải ngồi ăn xin. Và đây cũng là lý do tại sao thánh Marcô đã chọn chỉ đề cập đến người mà việc phục hồi thị lực đã mang lại cho phép lạ một danh tiếng lan rộng như chính sự khét tiếng mà sự bất hạnh của người đàn ông này đã đạt được” (On the Consensus of the Evangelists, 2, 65, 125: PL 34, 1138). Đó là lời của Thánh Augustinô.
 

Sự diễn giải này, rằng Bartimaeus là một người đã sa ngã khỏi tình trạng “thịnh vượng lớn”, khiến chúng ta phải suy nghĩ. Nó mời gọi chúng ta suy ngẫm về thực tế rằng cuộc sống của chúng ta chứa đựng những của cải quý giá mà chúng ta có thể mất, và tôi không nói đến của cải vật chất ở đây. Trong viễn tượng này, anh mù Bartimeo có thể diễn tả những người sống trong các vùng đất xưa kia đã được truyền giảng Tin Mừng, nơi ánh sáng đức tin đã suy yếu đi, họ đã xa rời Thiên Chúa, và không coi Người quan trọng đối với cuộc sống của họ nữa. Vì thế họ là những người đã mất đi một sự giầu có lớn; họ đã rơi xuống từ một phẩm giá cao trọng, không phải phảm giá kinh tế hay quyền lực trần gian, nhưng là phẩm giá kitô; họ đã mất đi định hướng vững chắc của cuộc sống và đã trở thành những người ăn mày ý nghĩa cuộc sống, thường khi một cách vô thức. Họ là biết bao nhiêu người cần được tái truyền giảng Tin Mừng, nghĩa là cần có một cuộc gặp gỡ mới với Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, là Đấng có thể tái mở đôi mắt cho họ và chỉ đường cho họ. Phúc Âm mà phụng vụ hôm nay đề nghị có một ý nghĩa đặc biệt đối với chúng ta, những người trong các ngày qua đã đương đầu với sự cấp thiết tái loan báo Chúa Kitô.
 

Đoạn Kinh Thánh này có điều gì đó đặc biệt muốn nói với chúng ta khi chúng ta đang vật lộn với nhu cầu cấp thiết phải công bố Chúa Kitô một lần nữa ở những nơi mà ánh sáng đức tin đã yếu đi, ở những nơi mà ngọn lửa của Thiên Chúa giống như những cục than âm ỉ, kêu gào được khuấy lên, để chúng có thể trở thành ngọn lửa sống mang lại ánh sáng và hơi ấm cho cả ngôi nhà.
 

Công cuộc truyền giáo mới áp dụng cho toàn bộ đời sống của Giáo hội. Trước hết, công cuộc này áp dụng cho mục vụ thông thường, phải được thúc đẩy nhiều hơn bởi ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, để thắp sáng trái tim của các tín hữu thường xuyên tham gia vào việc thờ phượng cộng đồng và tụ họp vào ngày của Chúa để được nuôi dưỡng bằng lời Chúa và bằng bánh sự sống vĩnh cửu. Ở đây, tôi muốn nêu bật ba chủ đề mục vụ đã xuất hiện từ Thượng hội đồng.
 

Chủ đề đầu tiên liên quan đến các bí tích khai tâm Kitô giáo. Người ta đã tái khẳng định rằng giáo lý thích hợp phải đi kèm với việc chuẩn bị cho Bí tích Rửa tội, Thêm sức và Thánh thể. Tầm quan trọng của Bí tích Giải tội, bí tích của lòng thương xót của Thiên Chúa, cũng đã được nhấn mạnh. Hành trình bí tích này là nơi chúng ta gặp gỡ lời kêu gọi nên thánh của Chúa, được gửi đến tất cả các Kitô hữu. Trên thực tế, người ta thường nói rằng những người đóng vai chính thực sự của công cuộc truyền giáo mới là các thánh: họ nói một ngôn ngữ dễ hiểu với tất cả mọi người thông qua tấm gương cuộc sống và các công việc bác ái của họ.
 

Thứ hai việc tái truyền giảng Tin Mừng gắn liền với sứ mệnh đến với dân ngoại. Giáo Hội có nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng loan báo Sứ điệp cứu độ cho những ai chưa nhận biết Chúa Kitô. Có biềt bao nhiêu môi trường tại Á châu, Phi chậu và Đại dương châu, trong đó dân chúng chờ đợi được loan báo Tin Mừng. Vì thế cần phải cầu xin Chúa Thánh Thần để Người dấy lên trong Giáo Hội năng động truyền giáo mới, với các tác nhân là các nhân viên mục vụ và giáo dân. Việc loan báo Tin Mừng cũng cần thiết đối với các nước đã đươc truyền giáo xưa kia. Tất cả mọi người đều có quyền hiểu biết Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người. Vì thế mọi kitô hữu linh mục, tu sĩ và giáo dân nam nữ đều có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng.
 

Điểm thứ ba liên quan tới các tín hữu đã lãnh bí tích Thánh Tẩy, nhưng không sống các đòi buộc của nó, đặc biệt tại các nước bị tục hóa nhất. Giáo Hội đặc biệt chú ý đến họ, để giúp họ tái gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô và tái khám phá ra niềm vui của đức tin và thực hành đạo trở lại trong các cộng đoàn. Ngoài các phương pháp truyền thống, Giáo Hội cũng tìm sử dụng các phương pháp mới, với các ngôn ngữ mới thích hợp với các nền văn hóa khác nhau của thế giới, trong việc đề nghị chân lý của Chúa Kitô, với thái độ đối thoại và tình bạn bắt nguồn từ Thiên Chúa tình yêu, qua các đại hội như “Sân của dân ngoại”, sứ mệnh truyền giáo đại lục vv...
 

Anh chị em thân mến, Bartimaeus, sau khi lấy lại được thị lực từ Chúa Giêsu, đã gia nhập vào đám đông các môn đệ, chắc chắn trong số đó có những người khác giống như anh, những người đã được Thầy chữa lành. Những người truyền giáo mới cũng giống như vậy: những người đã có kinh nghiệm được Chúa chữa lành, thông qua Chúa Giêsu Kitô. Và đặc điểm của tất cả họ là một trái tim vui mừng, reo lên cùng với Thánh Vịnh gia: “Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan” (Tv 125:3). Hôm nay, chúng ta cũng hướng về Chúa Giêsu, Đấng cứu chuộc con người và ánh sáng muôn dân, với lòng biết ơn vui mừng, biến lời cầu nguyện của Thánh Clement thành Alexandria thành lời cầu nguyện của riêng chúng ta: “Cho đến bây giờ, con đã lang thang trong hy vọng tìm thấy Chúa, nhưng vì Chúa đã soi sáng cho con, lạy Chúa, con tìm thấy Chúa qua Chúa và con đón nhận Chúa Cha từ Chúa, con trở thành người đồng thừa kế của Chúa, vì Chúa đã không ngần ngại nhận con làm anh em của Chúa. Vậy chúng ta hãy loại bỏ, hãy loại bỏ mọi sự mù quáng đối với chân lý, mọi sự ngu dốt: và hãy xóa bỏ bóng tối che khuất tầm nhìn của chúng ta như sương mù trước mắt, chúng ta hãy chiêm ngưỡng Thiên Chúa thật ...; vì một ánh sáng từ thiên đàng chiếu xuống chúng ta, những người bị chôn vùi trong bóng tối và bị giam cầm trong bóng tối của cái chết, [một ánh sáng] trong sáng hơn mặt trời, ngọt ngào hơn cuộc sống trên trái đất này” (Protrepticus, 113: 2 – 114:1). Amen.
 

Nguồn: archivioradiovaticana.va


Văn Việt (tổng hợp)
Nguồn: https://hdgmvietnam.com/

114.864864865135.135135135250