09/11/2024 -

Tin Giáo hội Hoàn Vũ

58
Bài giảng Đức Thánh Cha - Chúa nhật 32 Thường Niên năm B

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 32 Thường Niên năm B (07/11/2021) - Thái độ sống đức tin cách giả hình
 

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
 

Khung cảnh được Tin Mừng mô tả trong phụng vụ hôm nay diễn ra bên trong Đền Thờ Giêrusalem. Chúa Giêsu nhìn, Ngài nhìn những gì đang diễn ra ở nơi đây, nơi linh thánh nhất, và Ngài nhận thấy cách các kinh sư thích đi lại để được chú ý, chào đón, tôn kính, và có những chỗ danh dự. Và Chúa Giêsu nói thêm rằng “họ nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh lâu giờ để được người ta thấy” (Mc 12, 40). Đồng thời, cái nhìn của Ngài thoáng thấy một cảnh khác: một bà góa nghèo, chính là một trong những bà góa bị bóc lột bởi những kẻ quyền thế, bỏ vào kho bạc tất cả những gì bà có để sống (c.44). Tin Mừng nói điều đó, bà bỏ vào kho bạc tất cả những gì bà có để nuôi thân. Tin Mừng đặt chúng ta trước sự tương phản nổi bật này: những người giàu cho của dư thừa để được người ta thấy, và một phụ nữ nghèo âm thầm dâng cúng tất cả những gì mình có. Hai biểu tượng về thái độ của con người.
 

Chúa Giêsu nhìn thấy hai cảnh tượng. Và chính động từ này – “nhìn” – tóm tắt giáo huấn của Ngài: về những người sống đức tin cách hai mặt, như các kinh sư này, “cần phải tránh” đừng trở nên như họ; đang khi bà góa, cần phải “nhìn” bà để coi bà là khuôn mẫu. Chúng ta hãy lưu ý đến điều đó: tránh những kẻ giả hình và nhìn vào bà góa nghèo.
 

Trước tiên, tránh những kẻ giả hình, tức là canh chừng đừng xây dựng đời mình trên việc tôn thờ ngoại hình, vẻ bề ngoài, chăm sóc quá mức hình ảnh của mình. Và nhất là, lưu ý đừng uốn đức tin theo các lợi ích của chúng ta. Các kinh sư này đã che đậy thói hư danh của họ bằng danh Thiên Chúa và, tệ hơn nữa, sử dựng tôn giáo để quản lý các công việc của họ, lạm dụng quyền bính của mình và bóc lột người nghèo. Ở đây, chúng ta thấy thái độ này xấu xa đến độ chúng ta thấy ở những nơi, trong nhiều chỗ, ngày nay vẫn còn, óc giáo sĩ trị, sự kiện đạp lên trên những người hèn mọn, bóc lột họ, “đánh đập” họ, cảm thấy mình hoàn hảo. Đó là sự tồi tệ của óc giáo sĩ trị. Đây là một lời cảnh báo cho mọi thời và cho mọi người, cho Giáo hội và cho xã hội: đừng bao giờ lợi dụng vai trò của mình để chà đạp người khác, đừng bao giờ kiếm lợi trên xương máu của người yếu đuối! Hãy tỉnh thức, để đừng rơi vào thói hư danh, để đừng bị ám ảnh bởi vẻ bề ngoài, mất đi bản chất và sống trong sự hời hợt. Chúng ta hãy tự hỏi – điều này sẽ giúp chúng ta –: trong những gì chúng ta nói và làm, chúng ta có muốn được đánh giá cao và được thưởng công hay chúng ta muốn phục vụ Thiên Chúa và tha nhân, nhất là người yếu đuối nhất ? Hãy đề phòng lòng dối trá, thói giả hình (hypo-crisie), vốn là một căn bệnh nguy hiểm của tâm hồn! Đó là một lối suy nghĩ hai mặt, phán xét hai mặt, như chính từ ngữ đã nói: “phán xét bên dưới”, xuất hiện một cách “hypo”, bên dưới, có một tư tưởng khác. Hai mặt, những người có một tâm hồn nước đôi, sự hai mặt của tâm hồn.
 

Và để chữa trị căn bệnh này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn vào bà góa nghèo. Chúa tố giác việc bóc lột người phụ nữ này, người mà để dâng cúng, đã phải trở về nhà không còn chút gì để nuôi sống bản thân. Thật quan trọng biết bao khi giải phóng sự thánh thiêng khỏi những mối liên hệ với tiền bạc! Và lại, Chúa Giêsu đã từng nói điều đó: không thể làm tôi hai chủ. Hoặc bạn phụng sự Thiên Chúa – và chúng ta nghĩ rằng Ngài sẽ nói “hoặc là ma quỷ”, không – hoặc là Thiên Chúa hoặc là tiền bạc. Đó là một ông chủ, và Chúa Giêsu nói rằng chúng ta không được phục vụ nó. Nhưng, đồng thời, Chúa Giêsu ca ngợi sự kiện bà góa này bỏ tất cả những gì bà có vào kho bạc. Bà không còn gì cả, nhưng bà tìm thấy nơi Thiên Chúa mọi sự của mình. Bà không sợ mất đi những gì mình có, bởi vì bà tin tưởng vào cái “bao la” của Thiên Chúa, và cái “bao la” của Thiên Chúa này gia tăng niềm vui của người cho đi. Điều này cũng làm cho chúng ta nghĩ đến một bà góa khác, bà góa của ngôn sứ Êlia, đã sẵn sàng làm một chiếc bánh với chút bột và chút dầu cuối cùng của mình; Êlia nói với bà: “Hãy cho tôi ăn” và bà đã cho ông; và hũ bột sẽ không bao giờ vơi, một phép lạ (x. 1V 17, 9-16). Đối diện với lòng quảng đại của con người, Chúa luôn đi xa hơn, Ngài quảng đại hơn. Nhưng đó là Ngài, chứ không phải lòng tham lam hà tiện của chúng ta. Thế rồi Chúa Giêsu đề nghị bà như là một bậc thầy của đức tin: bà không thường xuyên đến Đền Thờ để rửa sạch lương tâm, bà không cầu nguyện để được thấy, bà không phô trương đức tin của mình, nhưng cho đi bằng tấm lòng của mình, cách quảng đại và nhưng không. Những đồng xu của bà có một âm thanh đẹp hơn những lễ vật to lớn của người giàu, vì chúng diễn tả một đời sống dâng hiến cho Thiên Chúa cách chân thành, một đức tin không sống theo vẻ bề ngoài nhưng dựa trên sự tin tưởng vô điều kiện. Chúng ta hãy học hỏi nơi bà: một đức tin không trang sức bên ngoài, nhưng chân thành bên trong; một đức tin được làm nên bởi tình yêu khiêm tốn đối với Thiên Chúa và anh chị em.
 

Và giờ đây, chúng ta cũng hướng lòng về Đức Trinh Nữ Maria, Đấng, với một tâm hồn khiêm nhường và trong sáng, đã biến cả cuộc đời mình thành một quà tặng cho Thiên Chúa và cho dân của mình.
 

Nguồn: xuanbichvietnam.net

 

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 32 Thường Niên năm B (11/11/2018) - Sự tận hiến trọn vẹn
 

Anh chị em thân mến,
 

Giai thoại Tin Mừng hôm nay (Xc Mc 12,38-44) kết thúc một loạt giáo huấn của Chúa Giêsu trong đền thờ Jerusalem và nêu bật hai nhân vật tương phản nhau: ông kinh sư và bà góa. Nhưng tại sao họ lại trái nghịch nhau? ông kinh sư (scriba) đại diện những người quan trọng, giàu sang, có ảnh hưởng, còn bà góa đại diện cho những người rốt cùng, người nghèo yếu. Trong thực tế, phán đoán quyết liệt của Chúa Giêsu đối với các kinh sư không nhắm tới toàn thể lớp người này, nhưng Ngài chỉ nói về những trong trong số họ khoa trương địa vị xã hội của họ, hãnh diện là rabbi, nghĩa là “thầy”, họ thích được kính trọng và chiếm chỗ nhất (Xc vv.38-39).
 

Điều tệ hơn nữa là sự khoa trương của họ thuộc lãnh vực tôn giáo, vì - Chúa nói - họ cầu nguyện dài dòng để được người ta thấy (v.40) và lợi dụng Thiên Chúa để được mang danh là những người bảo vệ luật của Chúa. Và thái độ tự cao và háo danh ấy khiến họ coi rẻ những người chẳng đáng kể hoặc ở trong tình trạng kinh tế bất lợi như các góa phụ.
 

Chúa Giêsu vạch trần lối cư xử sai trái như thế: Ngài tố giác sự áp bức những người yếu do sự lợi dụng tôn giáo, và Ngài nói rõ rằng Thiên Chúa đứng về phía những người rốt cùng. Và để ghi sâu bài học này trong tâm trí các môn đệ, Chúa nêu cho họ một thí dụ sống động: một bà góa nghèo, với địa vị xã hội không có gì, vì không còn chồng để bảo vệ các quyền lợi của bà, và vì thế họ thường dễ trở thành mồi cho những chủ nợ vô lương tâm, những kẻ này truy nã những người yếu đòi họ trả tiền. Bà góa này, đi bỏ tiền trong hòm dâng cúng ở đền thờ, bà chỉ bỏ 2 đồng tiền là tất cả những gì bà còn lại và bà bỏ tiền ấy một cách không để không ai thấy, hầu như thể xấu hổ. Nhưng chính trong sự khiêm tốn ấy, bà đã thực hiện một cử chỉ đầy ý nghĩa về tôn giáo và tinh thần. Cử chỉ đầy hy sinh ấy không thoát khỏi cái nhìn chăm chú của Chúa Giêsu, trong cử chỉ của bà góa, Chúa thấy nổi bật sự tận hiến trọn vẹn và Chúa muốn dạy các môn đệ ngài về thái độ ấy.
 

Giáo huấn mà ngày hôm nay Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta, giúp chúng ta phục hồi điều cốt yếu trong cuộc sống và giúp có một tương quan cụ thể thường nhật với Thiên Chúa.
 

Anh chị em thân mến, cái cân của Chúa khác với những cái cân của chúng ta. Ngài không đo lường theo lượng nhưng theo phẩm chất, Chúa dò xét con tim, nhìn xem ý hướng tinh tuyền. Điều này có nghĩa là việc chúng ta “dâng” cho Thiên Chúa trong kinh nguyện và cho tha nhân trong đức bác ái phải luôn luôn tránh thái độ vụ lễ nghi và vụ hình thức, cũng như thái độ tính toán, và trái lại phải biểu lộ sự nhưng không. Đúng như Chúa Giêsu đã làm. Chúa Giêsu đã không buộc chúng ta phải trả tiền để được cứu chuộc! Chúa đã cứu chuộc chúng ta nhưng không. Chính vì thế, Chúa Giêsu đề cao bà góa nghèo và quảng đại ấy như mẫu gương về đời sống Kitô cần noi theo. Chúng ta không biết tên bà góa, nhưng chúng ta biết tâm hồn của bà - chúng ta sẽ gặp lại bà trên trời, và chắc chắn chúng ta sẽ đến chào bà, và đó là điều đáng kể trước mặt Chúa. Khi chúng ta bị cám dỗ muốn xuất hiện trổi vượt và tính toán những cử chỉ vị tha của chúng ta, khi chúng ta quá quan tâm đến cái nhìn của người khác, khi chúng ta muốn trở thành những con công, thì hãy nghĩ đến người đàn bà ấy, chúng ta sẽ được giúp đỡ để cởi bỏ những gì dư thừa để đi tới điều thực sự đáng kể và sống khiêm tốn.
 

Xin Đức Trinh Nữ Maria, phụ nữ nghèo đã tận hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa nâng đỡ chúng ta trong quyết tâm dâng cho Chúa và trao ban cho anh chị em, không phải một cái gì đó của chúng ta, nhưng là dâng tặng chính chúng ta như một hiến vật khiêm tốn và quảng đại.
 

Nguồn: vaticannews.va/vi

 

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 32 Thường Niên năm B (08/11/2015) - Cho “tất cả những gì bà có để sống”
 

Anh chị em thân mến, chào anh chị em với mặt trời đẹp như thế này!
 

Đoạn Tin Mừng Chúa nhật hôm nay gồm 2 phần: phần đầu mô tả những thái độ các môn đệ Chúa Kitô cần tránh, và phần hai đề nghị một lý tưởng gương mẫu của Kitô hữu.
 

Chúng ta hãy bắt đầu với phần thứ I: những điều mà chúng ta không nên làm. Trong phần đầu Chúa Giêsu phê bình những luật sĩ, những chuyên gia về đạo giáo 3 khuyết điểm được biểu lộ trong lối sống của họ, đó là: kiêu ngạo, tham lam và giả hình. Chúa nói: họ thích được chào ở nơi công cộng, được chỗ nhất trong các hội đường và chỗ đầu trong các bàn tiệc” (Mt 12,38-39). Nhưng dưới cái vẻ sang trọng ấy có dấu ẩn sự giả dối và bất công. Trong khi họ khoa trương nơi công cộng như thế, họ dùng quyền bính để “nuốt chửng gia cư của các bà góa” (Xc v.40) là những người cùng với các kẻ mồ côi và ngoại kiều, bị coi là những người yếu thế và ít được bảo vệ nhất. Sau cùng, các luật sĩ “cầu nguyện dài lời để cho người ta thấy” (v.30). Ngày nay cũng có những nguy cơ có những thái độ như thế. Ví dụ khi người ta tách rời kinh nguyện khỏi công lý, vì ta không thể phụng tự Thiên Chúa và đồng thời gây hại cho người nghèo. Hoặc khi ta nói yêu mến Thiên Chúa, và lại đặt hư danh, lợi lộc ở trên Thiên Chúa.
 

Và trong chiều hướng ấy có phần hai của bài Tin Mừng hôm nay. Cảnh tượng diễn ra trong Đền thờ Jerusalem, đúng ra là tại nơi dân chúng bỏ tiền dâng cúng. Có nhiều người giàu bỏ bao nhiêu đồng tiền, và có một phụ nữ nghèo, góa phụ, chỉ bỏ hai đồng xu nhỏ. Chúa Giêsu quan sát kỹ lưỡng người đàn bà ấy và ngài lưu ý các môn đệ về sự tương phản trong cảnh tượng. Những người giàu có khoa trương cho đi những điều dư thừa, trong khi bà góa, kín đáo và khiêm tốn, cho “tất cả những gì bà có để sống” (v. 44); vì thế, Chúa Giêsu nói - bà đã cho nhiều hơn tất cả những người khác. Do sự nghèo khó cùng cực của bà, lẽ ra bà có thể chỉ cúng một đồng cho đền thờ và một đồng kia giữ lại cho mình. Nhưng bà không muốn dâng cúng Thiên Chúa nửa chừng; bà dâng tất cả. Trong sự nghèo khó của bà bà hiểu rằng, có Chúa là có tất cả; bà cảm thấy được Chúa hoàn toàn yêu thương và đáp lại bà yêu Chúa trọn vẹn. Gương của bà già ấy thật là đẹp dường nào!
 

Ngày hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta rằng thước đo không phải là lượng, nhưng là sự trọn vẹn. Có một sự khác biệt giữa lượng và sự trọn vẹn tất cả. Bạn có thể có bao nhiêu tiền bạc, nhưng lại trống rỗng: không có sự sung mãn trong tâm hồn bạn. Trong tuần này, anh chị em hãy suy nghĩ về sự khác biệt giữa số lượng và sự trọn vẹn. Đây không phải là vấn đề ví tiền, nhưng là con tim. Có sự khác biệt giữa ví tiền và con tim.. Có những thứ bệnh đau tim, hạ thấp con tim xuống hàng ví tiền.. Và điều này không tốt! Yêu mến Thiên Chúa “hết lòng” có nghĩa là tín thác nơi Chúa, nơi sự quan phòng của Chúa,và phụng sự Chúa nơi anh chị em nghèo khổ nhát mà không chờ đợi được báo đáp.
 

Tôi xin phép kể cho anh chị em một giai thoại, xảy ra trong giáo phận trước đây của tôi. Ở bàn ăn có một bà mẹ và 3 đứa con nhỏ; người cha đi làm, họ đang ăn món thịt sườn Milano… Trong lúc đó có người gõ cửa và những đứa bé, 5, 6, 7 tuổi, đứa lớn nhất nói với mẹ: “Mẹ ơi, có người ăn mày xin ăn”, và bà mẹ vốn là một tín hữu Công Giáo tốt, hỏi các con: “Chúng ta làm sao đây”. “Mẹ ơi, cho họ ăn đi!”. Bà mẹ đáp: “Tốt lắm”. Rồi bà cầm xiên và dao, cắt một nửa miếng thịt của mỗi đứa con. “A, mẹ ơi, đừng làm như vậy. Mẹ lấy thịt ở trong tủ lạnh ấy”. Nhưng bà mẹ đáp: “Không, chúng ta làm 3 cái bánh mì kẹp thế này!”
 

Những đứa con đã học điều này là làm việc bác ái thực sự không phải là cho đi của dư thừa, nhưng là cho những điều cần thiết. Tôi chắc chắn rằng chiều hôm ấy ba đứa con hơi đói… Nhưng phải làm như thế.
 

Đứng trước những nhu cầu của người khác, chúng ta được kêu gọi hãy hy sinh một cái gì đó, như những đứa trẻ, hy sinh một nửa miếng thịt sườn, hy sinh cái gì không thể thiếu được, chứ không phải chỉ cho đi đồ dư thừa; chúng ta được kêu gọi dành thời giờ cần thiết, không những thời giờ thừa thãi; chúng ta được kêu gọi cho ngay tài năng của chúng ta, không chút do dự, không phải sau khi đã sử dụng vào những mục tiêu cá nhân hoặc của nhóm chúng ta.
 

Chúng ta hãy cầu xin Chúa nhận chúng ta vào trường của bà góa, người mà Chúa Giêsu, giữa sự kinh ngạc của các môn đệ, đã đưa lên tòa và giới thiệu như thầy dạy Phúc Âm sống động. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, người phụ nữ nghèo đã dâng hiến tất cả cuộc sống cho Thiên Chúa vì chúng ta, chúng ta hãy xin ơn được một trái tim thanh bần, nhưng giầu lòng quảng đại vui tươi và nhưng không.
 

Nguồn: archivioradiovaticana.va

 

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 32 Thường Niên năm B (11/11/2012) - Hai bà góa trong Kinh Thánh
 

Anh chị em thân mến,
 

Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật này trình bày cho chúng ta 2 bà góa như mẫu gương đức tin. Hai bà được trình bày song song với nhau: một bà trong Sách Các Vua quyển thứ I (17,10-16), và bà thứ hai trong Tin Mừng theo thánh Marcô (12,41-44). Cả hai bà đều rất nghèo túng, và chính trong thân phận ấy hai bà chứng tỏ một niềm tin mạnh mẽ nơi Thiên Chúa. Người phụ nữ thứ I xuất hiện trong loạt trình thuật về ngôn sứ Elia. Trong thời kỳ hạn hán, vị ngôn sứ này nhận được lệnh của Chúa đi tới miền Sidon, tức là ra ngoài Israel, nơi lãnh thổ dân ngoại. Tại đó ngôn sứ gặp bà góa ấy và xin bà cho nước để uống và một chút bánh để ăn. Bà góa ấy trả lời là mình chỉ còn một nắm bột và một ít dầu, nhưng vì ngôn sứ nài nỉ và hứa với bà rằng nếu bà nghe lời, thì bà sẽ không thiếu bột và dầu nữa, bà ấy đã nghe ngôn sứ và được tưởng thưởng.
 

Bà góa thứ hai, được trình bày trong Tin Mừng, được Chúa Giêsu để ý trong Đền thờ Jerusalem, ngay cạnh hòm tiền, nơi dân chúng bỏ tiền dâng cúng. Chúa Giêsu thấy rằng người đàn bà ấy bỏ 2 đồng tiền nhỏ vào hòm tiền; bấy giờ Ngài gọi các môn đệ và giải thích rằng số tiền bà góa ấy bỏ vào hòm nhiều hơn số tiền của những người giàu có, vì trong khi những người giàu cúng những điều dư thừa, thì bà góa này cho tất cả những gì bà có để sống” (Mc 12,44).
 

Từ hai giai thoại Kinh Khánh, được liên kết với nhau một cách khôn ngoan, ta có thể rút ra một giáo huấn quí giá về đức tin. Đức tin xuất hiện như thái độ nội tâm của những người đặt cuộc sống của mình trên nền tảng Thiên Chúa, trên lời Chúa và hoàn toàn tín thác vào Chúa. Cuộc sống của bà góa, trong thời cổ, tự nó là một thân phận thiếu thốn trầm trọng. Vì thế, trong Kinh Thánh, các quả phụ và cô nhi là những người mà Thiên Chúa chăm sóc đặc biệt: họ không còn sự nương tựa trần thế, nhưng Thiên Chúa vẫn là vị Hôn Phu, là người Cha của họ.
 

Tuy nhiên, Kinh Thánh nói rằng hoàn cảnh túng thiếu khách quan, trong trường hợp này là thân phận góa phụ, vẫn không đủ: Thiên Chúa luôn đòi hỏi sự tự nguyện gắn bó trong niềm tin, và được biểu lộ trong tình yêu đối với Ngài và tha nhân. Không ai nghèo túng đến độ không thể cho đi một cái gì đó. Thực vậy cả hai bà góa hôm nay đều chứng tỏ niềm tin của họ bằng cách thực hiện một cử chỉ bác ái: một bà thi hành cử chỉ ấy đối với vị ngôn sứ, và bà thứ hai thi hành việc làm phúc. Qua đó họ chứng tỏ sự hiệp nhất không thể tách rời giữa đức tin và đức ái, cũng như giữa lòng mến Chúa và yêu người - như Tin Mừng chúa nhật tuần trước nhắc nhở chúng ta. Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả, mà chúng ta kính nhớ hôm qua (10-11), đã khẳng định rằng: “Trên cán cân công lý của Chúa không phải trọng lượng của dâng cúng là đáng kể, nhưng là trọng lượng của con tim. Bà goá trong Tin Mừng đã đặt vào hòm tiền của đền thờ hai đồng xu nhỏ và vượt quá tiền dâng cúng của những người giàu. Không cử chỉ từ nhân nào thiếu ý nghĩa trước mặt Chúa, không có lòng từ bi nào mà không có hoa trái” (Bài giảng về chay tịnh dec.mems., 90,3).
 

Đức Trinh Nữ Maria là mẫu gương tuyệt hảo của người tận hiến trọn vẹn qua sự tín thác nơi Thiên Chúa; với niềm tin ấy mẹ nói với Sứ Thần “Này tôi đây” và đón nhận thánh ý Chúa. Xin Mẹ Maria cũng giúp mỗi người chúng ta, trong Năm Đức Tin này, củng cố niềm tín thác nơi Thiên Chúa và nơi Lời ngài.
 

Nguồn: archivioradiovaticana.va


Nguồn: https://hdgmvietnam.com/

114.864864865135.135135135250