Trong thánh lễ kính nhớ 20 năm ngày mất của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, khởi đi từ chính những kinh nghiệm lao tù của Đức Cố Hồng Y, ĐHY Giovanni Battista Re, niên trưởng Hồng y đoàn, nói: ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận là chứng nhân vĩ đại trong đời sống đức tin của một người không chỉ sống đức tin nhưng còn chịu đau khổ vì chính đức tin của mình trong suốt 13 năm tù đày.
Roma – Sáng thứ Sáu, ngày 16/9/2022, ĐHY Giovanni Battista Re, niên trưởng Hồng y đoàn, đã chủ sự lễ giỗ 20 năm ngày mất của ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tại Vương cung Thánh đường Santa Maria in Trastevere. Hiện diện trong thánh lễ còn có ĐHY Gorge Pell, ĐHY Lazzaro You Heung-Sik – Tổng trưởng bộ Giáo sĩ, các linh mục đến từ Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, Liên tu sĩ Việt Nam tại Roma và các tín hữu cũng như các bạn bè thân hữu cùng các đại diện của các tổ chức đang tiếp tục cầu nguyện với ngài tại các vùng nước Ý, cũng như tại các nước khác của châu Âu.
Mở đầu bài giảng, ĐHY chủ tế nhắc lại kinh nghiệm giữa ngài và Đức Cố Hồng Y Phanxicô qua những lần gặp gỡ. Theo ấn tượng của ĐHY chủ tế về Đức Cố Hồng Y Phanxicô, ngài là người tử tế, hiền lành, và luôn có phong thái bình an dù đã đi qua cuộc đời đầy đau khổ.
Đức Cố Hồng Y Phanxicô – Chứng nhân vĩ đại trong đời sống đức tin
Trong bài giảng, ĐHY chủ tế đề cập về ba bản văn quan trọng vốn phản ánh tinh thần của Đức Cố Hồng Y Phanxicô.
Chọn Chúa hơn là việc của Chúa. ĐHY chủ tế chia sẻ: khi Đức Cố Hồng Y Phanxicô giảng cho giáo triều Roma năm 2000. Chọn lựa nền tảng của ĐHY nằm ở việc ngài phân biệt rõ giữa việc chọn Chúa và chọn công việc của Chúa. Nhớ lại kinh nghiệm khi mới bị bắt, biệt giam, ĐHY nghĩ tới đoàn chiên đang đau khổ và không phục vụ được, kinh nghiệm này khiến cho ĐHY bị dằn vặt, bị nỗi đau lớn nhất. Vào một đêm, ĐHY nghe được tiếng nói trong tâm hồn có lời phân biệt rất rõ ràng: Công việc của Chúa là quan trọng, nhưng Chúa mới là nền tảng, kinh nghiệm này đã đem lại sự bình an để đi qua 13 năm lao tù của ĐHY với sự bình an vì ngài tin ngài luôn có Chúa ở cùng.
Chứng nhân hoà giải. ĐHY chủ tế đề cập về sự hoà giải trong Tin mừng: nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình (Mt 5, 20-26). ĐHY Re nhắc lại nếu chúng ta không có trái tim hoà bình, thì sự hiệp thông và lời cầu nguyện của chúng ta sẽ không làm Thiên Chúa vui lòng. Nơi Đức Cố Hồng Y Phanxicô, ngài là chứng nhân sống lời mời gọi trên của Đức Giêsu, và đã sống sự hoà giải để hiệp thông với anh chị em của mình.
Sống mật thiết với Đức Mẹ. ĐHY chủ tế đề cập đến cuộc phỏng vấn của Đức Cố Hồng Y Phanxicô với báo Quan sát viên Roma, trong đó Đức Cố Hồng Y Phanxicô đề cập đến việc ngài bị bắt vào ngày 15/8/1975, lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, và được trả tự do vào ngày 21/11/1988, lễ Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ sau 13 năm tù đày. Biến cố này khiến ĐHY nhớ lại kinh nghiệm khi còn là một linh mục trẻ trên chuyến hành hương tới Lộ Đức: lời Đức Mẹ hứa với thánh nữ Bernadette về “niềm vui và đau khổ ở đời này” không chỉ ứng nghiệm với thánh nữ, nhưng còn ứng nghiệm với chính ngài. Nơi Đức Cố Hồng Y Phanxicô, ngài có lòng yêu mến đặc biệt với Đức Mẹ và cả cuộc đời, sứ mạng đều xoay quanh Đức Mẹ.
Cuối cùng, ĐHY chủ tế nhắc lại, chúng ta có một chứng nhân vĩ đại trong đời sống đức tin và ước mong mẫu gương của Đức Cố Hồng Y Phanxicô đồng hành trong hành trình đức tin của mỗi người chúng ta.
Văn Cương, SJ - Vatican News
Nguồn: vaticannews.va/vi
Nguồn: vaticannews.va/vi