Đức Hồng y nói thêm rằng ngoại giao đòi hỏi “một cách tiếp cận vượt ra ngoài logic của xung đột, và ủng hộ đối thoại toàn diện”, “kiên nhẫn và xây dựng lòng tin giữa các bên”, và vì lý do này “điều cần thiết là phải tin vào ‘chủ nghĩa đa phương’ và tăng cường vai trò của các thể chế quốc tế”. Nhưng để “tạo ra hòa bình”, ngài nhấn mạnh, cần phải có “lòng can đảm”, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh, và cả “công lý và sự tha thứ, ba giá trị dường như ngày càng vắng bóng trong xã hội đương đại”.
Cần mang lại dấu hiệu hy vọng cho cả người Israel và người Palestine
Trả lời câu hỏi liên quan đến lệnh ngừng bắn ở Gaza, Đức Hồng y Parolin hy vọng rằng lệnh này có thể “vĩnh viễn, chấm dứt nỗi đau khổ của người dân Palestine” ở Dải Gaza “và phần còn lại của Palestine”. Ngài nói: “Giờ đây chúng ta cần mang lại dấu hiệu hy vọng cho cả hai bên: người Israel và người Palestine”.
Cộng đồng quốc tế cần giúp cho Syria
Đối với Syria, Đức Hồng y nói rằng cần có sự đồng hành “trên con đường hòa nhập và chung sống hài hòa”. Ngài hy vọng rằng cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia láng giềng, sẽ giúp đất nước này duy trì được sự toàn vẹn về mặt lãnh thổ, “giúp đỡ người dân thoát khỏi cảnh nghèo đói mà chiến tranh đã gây ra trong những năm dài này”.
Kitô hữu Trung Đông là thành phần thiết yếu và không thể thiếu
Thực tế chính trị xã hội khó khăn ở Trung Đông dẫn đến câu hỏi về vai trò mà Kitô hữu có thể có ở miền đất này ngày nay. Đức Hồng y Parolin xác định rõ rằng Kitô hữu ở Trung Đông không phải là một thiểu số mà là một “thành phần” thiết yếu và không thể thiếu, “luôn đóng góp vào sự phát triển và tiến bộ của đất nước họ”. Về Thánh Địa, theo Đức Hồng y, “mọi Kitô hữu đều có thể đến đó một cách tự do và không bị hạn chế”; ngài không quên nhắc đến những địa điểm thánh thiêng khác ở Ai Cập, Libăng, Syria và Jordan.
Nguồn: https://www.vaticannews.va/