05/11/2024 -

Tin Giáo hội Hoàn Vũ

38
ĐTC cử hành Thánh lễ cầu nguyện cho các Hồng y và Giám mục qua đời trong năm qua

“Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”. Đức Thánh Cha bắt đầu bài giảng với lời cầu xin của một trong hai tên gian phi bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha gọi anh là "môn đệ của giờ cuối cùng", người chỉ gặp Chúa ở cuối cuộc đời.
 

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: "những hơi thở cuối cùng của người xa lạ này trong Tin Mừng lại trở thành một cuộc đối thoại đầy sự thật. Trong khi Chúa Giêsu 'bị liệt vào số những kẻ gian ác' như ngôn sứ Isaia đã nói (Is 53,12), thì một giọng nói bất ngờ vang lên và nói: chúng ta chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!' (Lc 23,41)".
 

Ước muốn cuối cùng: được Chúa đón nhận
 

Người bị kết án này, theo Đức Thánh Cha, đại diện cho tất cả chúng ta, và chúng ta có thể biến lời cầu xin của anh thành lời cầu nguyện của mình: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến con”.
 

Nhận thấy mình bất lực trước cái chết, tất cả những gì anh mong muốn tìm kiếm chính là một trái tim đón nhận anh. Anh không cầu xin với tâm hồn đau đớn của kẻ thất bại nhưng tràn đầy hy vọng. Và Chúa luôn lắng nghe lời cầu nguyện của tội nhân, cho dù vào phút cuối. Đức Thánh Cha nói: "Bị đâm thâu bởi nỗi đau, Trái Tim Chúa Kitô mở ra để cứu thế giới. Cả khi đang hấp hối, Người đón nhận tiếng kêu của người đang chết. Chúa Giêsu chết với chúng ta, bởi vì Người đã chết cho chúng ta".
 

Chúa Giêsu, Đấng vô tội chịu đóng đinh, đáp lại lời kêu cầu của kẻ có tội bị đóng đinh: "Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43). Đức Thánh Cha nhận định rằng việc Chúa nhớ đến rất hữu hiệu vì đó là hành động giàu lòng thương xót. "Kẻ bị kết án được cứu chuộc; người lạ trở thành bạn đồng hành; một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi trên thập giá sẽ dẫn đến an bình vĩnh cửu".
 

Tôi có để mình được gặp Chúa không?
 

Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: "Tôi gặp Chúa Giêsu như thế nào? Hay đúng hơn, tôi để mình được Chúa Giêsu gặp như thế nào? Tôi có để mình được ngài gặp hay khép kín trong sự ích kỷ, trong nỗi đau, trong sự đầy đủ của mình? Tôi có cảm thấy mình như một tội nhân để mình được gặp Chúa hay tôi cảm thấy mình công chính và nói: “Con không cần Ngài. Hãy đi đi!"?
 

Tôi có đón nhận, gần gũi, cảm thông và thương xót người khác không?
 

Từ việc Chúa Giêsu nhớ đến những người bị đóng đinh bên cạnh Người, thương xót họ cho đến hơi thở cuối cùng của Người, Đức Thánh Cha suy tư rằng có những cách thế khác nhau để tưởng nhớ con người và sự vật. Chúng ta có thể nhớ đến những sai lầm, nhớ những việc còn dang dở, nhớ bạn bè và kẻ thù. Nhưng chúng ta nhớ đến con người thế nào? Chúng ta nhớ đến những người đã bên cạnh chúng ta trong những biến cố của cuộc đời như thế nào?" Chúng ta đón nhận họ hay xét đoán họ?
 

Đức Thánh Cha khẳng định rằng hướng về trái tim của Thiên Chúa, con người ở mọi thời đại có thể hy vọng được ơn cứu độ, ngay cả khi "đối với những kẻ không hiểu biết dường như họ đang đi vào cõi tiêu diệt” (Kn 3,2). Toàn bộ lịch sử được gìn giữ trong ký ức của Thiên Chúa, bởi vì Người là thẩm phán đầy lòng cảm thông, giàu lòng thương xót. Chúa gần gũi chúng ta như một thẩm phán gần gũi, cảm thông và thương xót. Còn chúng ta có gần gũi với người khác, có cảm thông và thương xót không?
 

Với niềm tin vào Thiên Chúa gần gũi, cảm thông và thương xót, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho các Hồng Y và Giám Mục đã qua đời trong 12 tháng qua. (CSR_4808_2024)


Hồng Thủy - Vatican News
Nguồn: https://www.vaticannews.va/

114.864864865135.135135135250