Trong bài giảng, Đức Thánh Cha khởi đi từ câu “Lạy Thiên Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7) trích từ thư gởi tín hữu Do Thái. Ngài nói: Với những lời này, tác giả Thư gửi tín hữu Do Thái diễn tả sự tuân phục trọn vẹn của Chúa Giêsu đối với kế hoạch của Chúa Cha. Hôm nay, chúng ta đọc lại những lời ấy trong ngày lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh, cũng là Ngày Đời Sống Thánh Hiến, trong bối cảnh Năm Thánh Hy Vọng, với biểu tượng ánh sáng xuyên suốt phụng vụ. Và tất cả anh chị em, những người đã chọn con đường các lời khuyên Phúc Âm, đã thánh hiến chính mình như “Tân Nương trước sự hiện diện của Chàng Rể, được bao phủ bởi ánh sáng của Người” (Thánh Gioan Phaolô II, Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến, số 15), để bước vào chính kế hoạch nhiệm mầu của Chúa Cha, vốn được khởi đi từ thuở tạo thiên lập địa. Kế hoạch ấy sẽ được hoàn tất trọn vẹn vào ngày tận thế, nhưng ngay từ bây giờ, nó đã được tỏ hiện qua “những kỳ công Thiên Chúa thực hiện nơi thân phận mỏng giòn của những con người được Người kêu gọi” (số 20).
Đức Thánh Cha suy tư về các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, và mời gọi các tu sĩ nam nữ trở thành những người mang ánh sáng cho thế giới hôm nay.
Ánh sáng của sự khó nghèo
Sự khó nghèo bắt nguồn từ chính sự sống của Thiên Chúa, nơi sự trao hiến trọn vẹn và vĩnh cửu giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (số 21). Khi sống đức khó nghèo, người thánh hiến sử dụng mọi sự một cách tự do và quảng đại, trở nên người mang lại phúc lành cho thế giới. Họ biểu lộ vẻ đẹp của vạn vật trong trật tự của tình yêu, loại bỏ mọi thứ có thể làm lu mờ vẻ đẹp ấy – như ích kỷ, tham lam, lệ thuộc, hay việc sử dụng bạo lực và mục đích gây chết chóc – và đón nhận những gì làm tỏa sáng vẻ đẹp ấy: sự thanh đạm, lòng quảng đại, chia sẻ và tình liên đới. Như Thánh Phaolô nói: “Tất cả thuộc về anh em, nhưng anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa” (1Cr 3,22-23).
Ánh sáng của sự khiết tịnh
Sự khiết tịnh cũng bắt nguồn từ mầu nhiệm Ba Ngôi, phản chiếu “tình yêu vô biên liên kết Ba Ngôi Thiên Chúa” (số 21). Qua việc từ bỏ tình yêu hôn nhân và qua sống đời khiết tịnh, người thánh hiến khẳng định sự ưu việt tuyệt đối của tình yêu Thiên Chúa, được đón nhận với một trái tim không chia sẻ và mang tính hôn ước (x. 1Cr 7,32-36). Tình yêu ấy trở nên nguồn mạch và khuôn mẫu cho mọi tình yêu khác.
Trong một thế giới thường bị chi phối bởi những hình thức tình cảm méo mó, nơi nguyên tắc “điều gì làm tôi thích” thúc đẩy người ta tìm kiếm nơi người khác sự thỏa mãn nhu cầu hơn là niềm vui của một cuộc gặp gỡ đích thực, sự khiết tịnh thánh hiến trở nên một con đường chữa lành cho căn bệnh cô lập. Nó mở ra một cách yêu thương tự do và giải phóng, đón nhận và tôn trọng mọi người, không ép buộc hay loại trừ ai. Thật là một liều thuốc bổ cho tâm hồn khi được gặp gỡ những tu sĩ có khả năng xây dựng những mối tương quan trưởng thành và tràn đầy niềm vui như thế! Họ là hình ảnh phản chiếu tình yêu Thiên Chúa (x. Lc 2,30-32).
Ánh sáng của sự vâng phục
Sự vâng phục cũng được nói đến trong bài đọc hôm nay, qua mối tương quan giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha, diễn tả “vẻ đẹp giải phóng của một sự lệ thuộc mang tính con thảo, không phải nô lệ, nhưng tràn đầy ý thức trách nhiệm và được thúc đẩy bởi sự tin tưởng lẫn nhau” (số 21). Đó là ánh sáng của Lời Chúa trở thành quà tặng và đáp trả tình yêu, một dấu chỉ ngôn sứ cho xã hội chúng ta, nơi người ta có xu hướng nói nhiều nhưng ít lắng nghe. Sự vâng phục thánh hiến là liều thuốc giải cho chủ nghĩa cá nhân cô lập, thay vào đó thúc đẩy một mẫu mực tương quan dựa trên sự lắng nghe chân thành, nơi “nói” và “nghe” được tiếp nối bằng hành động cụ thể, ngay cả khi phải từ bỏ sở thích, chương trình và ưu tiên của bản thân. Chỉ như thế, con người mới có thể cảm nghiệm trọn vẹn niềm vui của sự trao hiến, chiến thắng sự cô đơn và khám phá ý nghĩa đời mình trong kế hoạch lớn lao của Thiên Chúa.
Kết luận: Trở về với nguồn cội
Đức Thánh Cha nhắc đến chủ đề của Ngày này, “trở về với nguồn cội”, một chủ đề được nhấn mạnh trong đời sống thánh hiến ngày nay. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta rằng sự trở về nguồn cội quan trọng nhất của mọi sự thánh hiến chính là trở về với Đức Kitô và lời “xin vâng” của Người đối với Chúa Cha. Sự canh tân không chỉ diễn ra qua các cuộc họp hay hội thảo – dù chúng rất hữu ích – nhưng trước hết là trước Nhà Tạm, trong sự thờ phượng, tái khám phá các Đấng Sáng Lập như những con người của đức tin, và cùng với các ngài, lặp lại trong lời cầu nguyện và sự hiến dâng: “Lạy Thiên Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7).
Nguồn: https://www.vaticannews.va/