Giáo hội là tiếng nói và người bảo vệ quyền trẻ em
Trong tài liệu Đức Thánh Cha lưu ý rằng địa vị xã hội của trẻ em đã thay đổi rất nhiều trong suốt lịch sử loài người. Trước đây các em bị xem thường, như chưa có giá trị của một người, nhưng ngày nay, “ngay từ khi sinh ra, mỗi con người đều là chủ thể của các quyền bất khả xâm phạm và phổ quát”. Do đó, Đức Thánh Cha nhắc rằng việc bảo vệ quyền trẻ em là một “trách nhiệm nghiêm túc của cha mẹ, của cộng đồng dân sự và của Giáo hội”; Giáo hội coi đó là “nghĩa vụ và hình thức bác ái đầu tiên”.
Quyền được bao bọc bởi tình yêu thương
Nhắc lại lời Thánh Gioan Phaolô II trong thông điệp Redemptor hominis (Đấng Cứu chuộc con người) nói rằng trẻ em có nhu cầu và quyền “được các bà mẹ ông bố và gia đình công nhận, chào đón và hiểu biết, để có được sự tin tưởng; được bao bọc trong tình cảm và trải nghiệm sự an toàn về mặt cảm xúc, bất kể các em có sống với cha mẹ hay không, để khám phá ra căn tính của mình; và, có tên, có gia đình và quốc tịch, cùng với sự tôn trọng và danh tiếng tốt, để tận hưởng sự ổn định về mặt cảm xúc trong điều kiện sống và giáo dục của các em”.
Mục đích của Ngày Trẻ em Thế giới
Ở phần trung tâm của tài liệu, Đức Thánh Cha tóm tắt 5 điểm các mục đích đã khiến ngài thiết lập Ngày Trẻ em Thế giới, ngày mà ngài yêu cầu được cử hành cả ở cấp độ “Giáo hội hoàn vũ” và “các Giáo hội địa phương”.
Điểm đầu tiên là lên tiếng về quyền lợi của các trẻ em bằng cách đặt “sự quan tâm giống như Chúa Giêsu dành cho các em vào trung tâm hoạt động mục vụ của Giáo hội”.
Do đó, điểm thứ hai, cần phải “thúc đẩy trải nghiệm của Giáo hội” ở mọi cấp độ để cộng đồng Kitô hữu “ngày càng trở thành một cộng đồng giáo dục có khả năng loan báo Tin Mừng bằng tiếng nói của những người bé mọn”.
Điểm thứ ba, hãy để Giáo hội hoàn vũ “mặc lấy cảm xúc của những người bé nhỏ”, để Giáo hội “cố gắng loại bỏ ‘các dấu hiệu quyền lực và mặc lấy sức mạnh của các dấu hiệu’ để trở thành một ngôi nhà chào đón và đáng sống cho tất cả mọi người, bắt đầu từ trẻ em”.
Điểm thứ tư là giúp cho trẻ em ngày càng nhận biết và yêu mến Chúa Giêsu hơn theo di sản đức tin và truyền thống của Giáo hội.
Và điểm cuối cùng “nêu bật, cả trong việc chuẩn bị giáo lý lẫn trong việc cử hành, Giáo hội là mẹ”.
Bảo vệ quyền trẻ em là sứ vụ của Giáo hội hoàn vũ cũng như địa phương
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng việc thành lập Ủy ban Tòa Thánh về Ngày Trẻ em Thế giới sẽ có nhiệm vụ điều phối và thúc đẩy các sáng kiến của các ủy ban tổ chức quốc gia và khu vực, cũng như cộng tác với các văn phòng mục vụ của các Giáo hội và Hội đồng Giám mục địa phương “để Ngày Trẻ em Thế giới không còn là một sự kiện biệt lập và do đó việc chăm sóc mục vụ cho trẻ em ngày càng trở thành một ưu tiên có chất lượng về mặt truyền giáo và sư phạm”.
Nguồn: https://www.vaticannews.va/