Trước sự hiện diện của 35.000 tín hữu, Đức Phanxicô đã chủ tế thánh lễ trọng thể hôm Chúa Nhật ngày 8/9/2024, lễ trọng thể Sinh nhật Đức Maria, “Maria Helpim”, Đức Maria Phù hộ các Giáo hữu được tôn kính trong nước. Dưới bầu trời xán lạn, ngài khuyến khích người Công giáo Papua New Guinea hãy mở ra cho Thiên Chúa và tha nhân. Nhắc lại rằng vùng đất Đại Dương được hiệp nhất với Chúa, không hề tách rời, ngài đã suy niệm về những khoảng cách và sự gần gũi thiêng liêng.
“Welkam Papa Santu”. Chào mừng Đức Thánh Cha bằng tiếng Tok Pisin, tiếng Creole địa phương trên cơ sở tiếng Anh. Khoảng một trăm vũ công truyền thống từ giáo phận Bereina, một trong những tỉnh miền trung Papua New Guinea, mặc trang phục đính cườm và đội lông vũ lấp lánh, đã chào đón Đức Phanxicô trong thánh lễ công khai đầu tiên của ngài ở Papua New Guinea, thánh lễ thứ ba của một Người kế vị Thánh Phêrô trên đất nước này. “Hôm nay chúng tôi tôn vinh Đức Giáo hoàng. Ngài đưa Chúa Kitô đến đất nước chúng tôi và tôn trọng nền văn hóa của chúng tôi. Chỉ có Giáo hội mới có thể làm được điều này”, cha John Paul Aihi giải thích, cha đội chiếc mũ đội đầu truyền thống có gắn lông vũ màu đồng, dẫn đầu đoàn rước các vũ công trước bục với các họa tiết dân tộc được trang trí cho việc cử hành Thánh lễ. Theo chính quyền địa phương, tại sân vận động John Guise và khu vực lân cận, nơi có 35.000 tín hữu, một số người đã đến sớm từ 2 giờ sáng để chuẩn bị cho thánh lễ bắt đầu 6 giờ sau đó. Khi họ không đi bộ được hàng trăm cây số trong bốn ngày, giáo dân đã góp tiền để trang trải chi phí đi lại của họ đến thánh lễ này ở thủ đô.
Bệnh điếc và câm của trái tim do tâm trí khép kín
Trong Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Anh này, Đức Thánh Cha đã khuyến khích người Công giáo Papua hãy mở ra và trở nên gần gũi. “Hỡi dân tộc Papua, đừng sợ, hãy mở ra,” ngài khích lệ trong bài giảng trước hàng chục ngàn tín hữu đang tụ tập tại sân vận động này, nơi đã được sử dụng cho Thế vận hội Thái Bình Dương, nhưng khác với sân vận động mà Đức Gioan Phaolô II cử hành Thánh lễ cầu nguyện cho ơn gọi vào tháng 5 năm 1984.
Trước đông đảo các nữ tu Thừa Sai Bác Ái và những người hành hương cũng đến từ Philippines, Đức Thánh Cha Phanxicô, dựa vào câu chuyện Thánh Marcô trong bài Tin Mừng trong ngày, đã suy niệm về sự xa cách và sự gần gũi. Lấy gương người câm điếc, sự xa cách và sự cô lập về mặt thể lý, Đức Phanxicô nói về sự câm điếc của những người tự cắt đứt mối hiệp thông và tình bạn với Thiên Chúa. Ngài quả quyết: “Hơn cả tai và lưỡi, trái tim của chúng ta bị phong tỏa”, ngài nhấn mạnh và đồng thời lấy làm tiếc về bệnh điếc nội tâm và bệnh câm của trái tim do sự khép kín đối với Thiên Chúa hay với người khác, biểu hiện ở sự ích kỷ, thờ ơ, oán giận, hận thù, sợ chấp nhận rủi ro và tham gia. “Tất cả những điều này khiến chúng ta xa cách Thiên Chúa, xa cách với anh chị em và cả với chính mình, và xa cách với niềm vui sống,” Đức Thánh Cha lưu ý và đồng thời đề xuất “sự gần gũi của Chúa Giêsu” như một đối trọng, một liều thuốc giải độc cho bệnh câm điếc của con người.
Mở ra với Thiên Chúa, với Tin Mừng và tha nhân
“Khi chúng ta cảm thấy xa cách, hoặc khi chúng ta chọn giữ sự xa cách – xa Chúa, xa anh chị em, xa những người khác với mình – thì khi đó chúng ta khép mình lại, chúng ta tự rào cản nơi chính mình và chúng ta kết thúc bằng việc chỉ quanh quẩn quanh cái tôi của chúng ta, điếc trước Lời Chúa và tiếng kêu của người lân cận, và do đó không có khả năng nói chuyện với Thiên Chúa và với người lân cận của chúng ta,” Đức Thánh Cha tiếp tục nói với các dân tộc Thái Bình Dương và Papua, quốc gia lớn nhất trong khu vực sau Úc.
“Hỡi anh chị em, những người đang sống ở vùng đất xa xôi này; từ Thái Bình Dương có lẽ anh chị em có cảm giác bị tách rời, bị tách khỏi Chúa, bị tách khỏi loài người. Và điều đó không ổn. Không. Anh chị em hiệp nhất, hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần, hiệp nhất trong Chúa,” Đức Phanxicô kêu gọi và đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của sự mở ra. Ngài nói: “Mở ra với Thiên Chúa, mở ra với anh chị em chúng ta, mở ra với Tin Mừng và biến Tin Mừng thành chiếc la bàn cho cuộc sống của chúng ta”. “Can đảm lên, đừng sợ, hỡi dân tộc Papua! Hãy mở ra! Hãy mở ra cho niềm vui của Tin Mừng, hãy mở ra cho cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, hãy mở ra cho tình yêu thương anh chị em mình.”
Vào cuối thánh lễ có sự tham dự của Thủ tướng James Marape, thuộc Tin Lành Phục Lâm, người đã gặp riêng chính thức trước khi rời sân vận động, Đức Hồng y John Ribat đã cảm ơn Đức Phanxicô. ĐHY tuyên bố : “Chuyến tông du của Đức Thánh Cha tới đất nước thân yêu của chúng con, Papua New Guinea, đến thật đúng lúc. Nó mang lại cho chúng con những phúc lành, sự bình an, khích lệ và làm đức tin của chúng con sâu sắc hơn. Chúng con rất biết ơn về buổi cử hành Thánh Thể mà chúng con vừa cử hành với Đức Thánh Cha. Nó hợp nhất chúng con với Giáo hội Rôma.”
Tý Linh
(theo Delphine Allaire – Đặc phái viên của Vatican News ở Cảng Moresby)
Nguồn: https://xuanbichvietnam.net/