Cần thẩm định cẩn thận trong việc thay đổi chính sách
Đức Hồng y Tổng Giám mục của Tokyo kêu gọi sự thẩm định cẩn thận trong những thay đổi chính sách đột ngột, đặc biệt là khi chúng ảnh hưởng đến hàng triệu người trên khắp thế giới, cũng như cần quan tâm đến món quà quý giá của Chúa - phẩm giá con người.
Trong khi nói rằng việc đóng cửa cơ quan viện trợ phát triển quốc tế của Mỹ (USAID) có thể là một động thái nhằm khắc phục tình trạng tham nhũng có thể xảy ra trong hệ thống vì lợi ích của người dân, Đức Hồng y nói thêm: “Chúng tôi muốn tin tưởng và hy vọng rằng quyết định do chính phủ Hoa Kỳ hiện tại đưa ra cũng dựa trên ý định phục vụ tốt hơn cho người dân của mình”. Ngài kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ ít nhất hãy tôn trọng các cam kết đã đưa ra “vì chúng là một phần của các kế hoạch và hoạt động dài hạn”.
Ảnh hưởng đến các tổ chức từ thiện
Các cơ quan Công giáo và các tổ chức Kitô giáo khác đã giúp nuôi sống hàng triệu người đói bị ảnh hưởng bởi nạn đói và chiến tranh và đã tái định cư những người tị nạn. Đức Hồng y Kikuchi lưu ý rằng phần lớn tiền của USAID đã được dùng để chống lại HIV và AIDS.
Các chuyên gia viện trợ của Hoa Kỳ lo ngại rằng các khoản cắt giảm sẽ đe dọa đến sự tồn tại của các tổ chức từ thiện. Tờ báo The Tablet đưa tin, Dịch vụ cứu trợ Công giáo (CRS) đã nhận được 64 phần trăm trong số gần 1,5 tỷ đô la tiền quỹ của tổ chức từ chính phủ vào năm 2022.
Kêu gọi sự hỗ trợ lẫn nhau
Trong khi đồng ý rằng nên giảm thiểu sự phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài và các quốc gia Nam bán cầu phải tự lực về tài trợ và quản lý hoạt động của mình, Đức Hồng y Kikuchi đã kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế lẫn nhau trong bối cảnh hiện tại.
Trong một cuộc họp trực tuyến ngày 13/2/2025, hơn 100 thành viên của Caritas quốc tế đã tập trung để thảo luận về tình hình hiện tại. Đức Hồng y Kikuchi lưu ý: “Có vẻ như không ai biết chính xác điều gì sẽ xảy ra”, khi chỉ ra tình hình ảm đạm mà các tổ chức bác ái phải đối mặt do sự cắt giảm tài trợ.
Nguồn: https://www.vaticannews.va/