Đây là chuyến viếng thăm Vatican đầu tiên của cộng đồng Phật giáo Mông Cổ, một tôn giáo chiếm đa số ở quốc gia châu Á này, trong khi người Công giáo chỉ có hơn 1200 tín hữu. Tuy nhiên, đây là một vùng đất của đối thoại và chung sống hòa bình.
Về điều này, trong buổi gặp gỡ Đức Thánh Cha nhận xét rằng, sự hiện diện của phái đoàn Phật giáo Mông Cổ tại Roma là một dấu hiệu về “mối quan hệ thân thiện và lâu dài giữa Tòa Thánh và dân tộc Mông Cổ”. Một tình bạn thực sự mà Đức Thánh Cha đã trải nghiệm trong chuyến tông du lần thứ 43 đến đất nước này.
Đức Thánh Cha nhắc đến cuộc gặp gỡ vào ngày 03/9/2023 với 11 nhà lãnh đạo thuộc các tôn giáo khác nhau. Tại sự kiện này ngài đã nhấn mạnh rằng tôn giáo phải phục vụ điều tốt đẹp và khuyến nghị không nhầm lẫn niềm tin với bạo lực.
Ngài nói: “Hôm đó, cùng với các đại diện của các tôn giáo, chúng ta đã suy tư về niềm khao khát tâm linh sâu sắc của tất cả mọi người nam nữ, điều mà chúng ta có thể so sánh với một sự kết hợp vĩ đại của các anh chị em bước đi trong cuộc đời với đôi mắt hướng về trời cao”.
Đức Thánh Cha còn nhắc lại thời kỳ khó khăn nhưng rất hưng thịnh của những năm 1990, khi đất nước trải qua một cuộc đổi mới tôn giáo sâu sắc, cũng nhờ vào sự cống hiến của Phật giáo. Ngài lưu ý: “Bằng cách khôi phục các thực hành tâm linh truyền thống và đưa vào sự phát triển của đất nước, Mông Cổ đã khôi phục được di sản tôn giáo phong phú của mình, đồng thời thể hiện nỗ lực cho một quá trình chuyển đổi dân chủ thành công”.
Đức Thánh Cha khen ngợi “cam kết tự do tôn giáo và đối thoại giữa các tôn giáo khác nhau đã vun trồng một môi trường tôn trọng đối với mọi truyền thống, thúc đẩy một xã hội không chỉ phong phú về mặt vật chất, nhưng giàu những giá trị thiết yếu cho tình liên đới huynh đệ. Bằng cách thúc đẩy những giá trị này, các tôn giáo đóng một vai trò cơ bản trong việc xây dựng một xã hội công bằng và gắn kết”.
Sau đó, hướng về Năm Thánh, Đức Thánh Cha giải thích, theo truyền thống Kitô giáo, Năm Thánh là thời gian hành hương, hòa giải và hy vọng. Và trong bối cảnh hiện nay với thảm họa thiên nhiên và xung đột của con người, Năm Thánh kêu gọi chúng ta hướng tới mục tiêu chung là xây dựng một thế giới hòa bình hơn, thúc đẩy sự hòa hợp giữa các dân tộc và hướng tới ngôi nhà chung của chúng ta.
Từ đây, ngài nói rõ: “Niềm khao khát hòa bình phổ quát thách đố tất cả chúng ta hành động một cách cụ thể: đặc biệt, với tư cách là những nhà lãnh đạo tôn giáo bắt nguồn từ giáo lý của mình, chúng ta có trách nhiệm hướng dẫn nhân loại từ bỏ bạo lực và đón nhận một nền văn hóa hòa bình”.
Nguồn: https://www.vaticannews.va/