15/02/2025 -

Tin Giáo hội Hoàn Vũ

18
Lời của các Đức Giáo hoàng gửi đến các lực lượng vũ trang


Từ ngày 8 đến 9/2/2025, tại Roma đã diễn ra sự kiện lớn lớn thứ hai của Năm Thánh 2025; đó là Năm Thánh của Lực lượng Vũ trang, Cảnh sát và An ninh. Cao điểm của sự kiện là Thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ sự tại Quảng trường Thánh Phêrô, với sự tham dự của khoảng 25 ngàn người thuộc các lực lượng vũ trang, cảnh sát và an ninh.
 

Năm Thánh của Lực lượng Vũ trang, Cảnh sát và An ninh nhắm đến tất cả thành viên của lực lượng quân đội và lực lượng cảnh sát, cảnh sát giao thông, nhân viên điều hành an ninh, cựu chiến binh, các hiệp hội quân sự khác nhau, học viện quân sự, các tuyên úy và các giáo hạt quân đội. Đây là những người xây dựng hòa bình, những người nam và người nữ sát cánh cùng những nhóm dân cư dễ bị tổn thương ở những khu vực đang bị căng thẳng và xung đột.
 

Từ ngữ Giáo hoàng theo gốc tiếng Latin có nghĩa là người xây dựng những cây cầu. Các lực lượng quân đội, cảnh sát, nhân viên an ninh, chiến binh, vv. là những đồng minh quan trọng của các Giáo hoàng để bảo vệ và thúc đẩy hòa bình tình huynh đệ. Bởi vì như Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII viết trong thông điệp “Pacem in Terris” (Hòa bình dưới thế): “Hòa bình trên trái đất, một khát vọng sâu sắc của con người ở mọi thời đại, chỉ có thể được thiết lập và củng cố khi tôn trọng trọn vẹn trật tự do Thiên Chúa thiết lập”. Tài liệu này cũng nói rằng “Hòa bình thực sự chỉ có thể được xây dựng dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau”. Những người xây dựng hòa bình là những người bảo vệ niềm tin này, là chất men có khả năng khiến gia đình nhân loại phát triển trong tình huynh đệ.
 

Quân đội bao gồm những người lính, đại diện cho nhiều quốc gia khác nhau nhưng trên hết là những người nam và người nữ khao khát Thiên Chúa và hòa bình, một món quà chỉ tìm thấy gốc rễ chân thực nhất của nó trong Chúa Giêsu. Đây là cái nhìn mà các Giáo hoàng nhìn thấy, trong chiều sâu thẳm nhất và chân thực nhất của nó, về thế giới quân đội.
 

Lời kêu gọi sống tình huynh đệ
 

Năm Thánh 1950 là Năm Thánh đầu tiên sau Thế chiến thứ hai kinh hoàng. Trong thông điệp phát thanh nhân dịp lễ Giáng sinh, vào ngày 23 tháng 12 năm 1949, Đức Giáo hoàng Piô XII đã bày tỏ hy vọng rằng Năm Thánh, sau thời kỳ rung chuyển bởi những cuộc giao tranh dữ dội giữa các quốc gia đối địch, sẽ là “năm của sự trở lại rộng khắp, năm của sự tha thứ lớn lao”. Đức Piô XII mời gọi trở lại với các kế hoạch của Thiên Chúa.
 

Chúng ta mong đợi trong Năm Thánh này, toàn xã hội sẽ quay trở lại với các kế hoạch của Thiên Chúa. Theo các kế hoạch của Thiên Chúa, tất cả mọi dân tộc, sống trong hòa bình chứ không phải chiến tranh, trong sự hợp tác chứ không phải cô lập, trong công lý chứ không phải sự ích kỷ của quốc gia, được định sẵn để tạo nên gia đình nhân loại vĩ đại, hướng tới sự hoàn thiện chung, trong sự tương trợ lẫn nhau và trong sự phân phối công bằng của cải, vốn là kho tàng của Thiên Chúa được giao phó cho con người. Anh chị em quý mến, nếu có dịp nào chúng ta thấy thuận lợi để khuyên nhủ những người cai trị các dân tộc nghĩ đến hòa bình thì Năm Thánh này có vẻ là thích hợp nhất. Nó là và cũng muốn có ý nghĩa là lời nhắc nhở mạnh mẽ và đồng thời là sự đóng góp cho tình huynh đệ giữa các dân tộc.
 

Nhiệm vụ bảo vệ hòa bình
 

Trong Năm Thánh 1975, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã chủ sự Thánh lễ đồng tế trọng thể vào Chúa Nhật ngày 23 tháng 11 tại Quảng trường Thánh Phêrô, với sự tham dự của hơn 16.000 binh lính. Họ là đại diện đông đảo của các quân nhân đến từ hai mươi quốc gia. Ngài nhấn mạnh: “Anh chị em là những người lính; và chắc chắn hình ảnh miêu tả anh chị em được phác họa bằng sức mạnh, nỗ lực, kỷ luật, tài năng, sự táo bạo và giá trị. Nhưng người lính không vì lý do này mà không cần đến người khác, tức là tự mình là đủ trong sự táo bạo của tuổi trẻ; người lính này có thể cầu nguyện không? Họ có cầu xin Chúa tha thứ không?”. Đức Giáo hoàng Phaolô VI cũng đặt câu hỏi - Tại sao anh chị em lại đến Roma? Ngài giải thích: “Anh chị em đã đến bởi vì anh chị em cũng là con người; và con người cần Chúa, Chúa Kitô, tôn giáo, sự cứu rỗi; và cảm thấy sự cấp thiết phải thỏa mãn cơn khát của mình khi tiếp xúc với Con Thiên Chúa”. Đức Phaolô VI cầu mong việc sử dụng vũ khí đem lại sức mạnh cho công lý và hòa bình.
 

Anh chị em đã đến đây vì hơn ai hết, anh chị em cần hòa bình; và anh chị em muốn và phải làm việc vì hòa bình. Và ở đây, ký ức về những cuộc chiến tranh gần đây - hai cuộc chiến tranh thế giới và các cuộc nội chiến liên tục - trở nên đau đớn và ám ảnh vì những thương vong mà chúng gây ra, những mạng sống trẻ thơ bị cướp đi, và quá nhiều máu vô tội đã đổ ra! Xin cho ký ức của chúng ta luôn trung thành và tôn kính đối với nhiều người đã khuất, và xin cho sự bình an trong lòng thương xót của Chúa Kitô Cứu Thế luôn ở cùng linh hồn bất tử của họ! Do đó, đối với anh chị em, vũ khí không được mong muốn dùng để tấn công, mà chỉ để phòng vệ, luôn luôn và mọi nơi; và một sự phòng vệ, nếu Thiên Chúa muốn, không đòi hỏi phải sử dụng vũ khí, nhưng chỉ có xu hướng tăng cường sức mạnh cho công lý và hòa bình (x. Rm 13, 4; Lc 3, 14; 14, 31): nghĩa là trong sự phòng ngừa, trong sự đồng thuận trung thành, trong sự hợp tác rộng lượng, trong sự tha thứ quảng đại. Cuối cùng, tại đây, sự hiện diện của anh chị em trở thành lời biện minh tuyệt vời: anh chị em đến để tôn vinh công lý, bảo đảm nền văn minh, trật tự, sự tôn trọng trong mỗi dân tộc và giữa các quốc gia. Hòa bình là thành quả của công lý này. Hãy để vũ khí của anh chị em là biểu tượng và sự phòng vệ: và dưới ánh sáng này, chức năng của anh chị em trong xã hội dân sự sẽ có ý nghĩa trọn vẹn.
 

Một sự dấn thân hàng ngày
 

Năm 2000, hàng ngàn binh lính đã cử hành Đại Năm Thánh với Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người đã tuyên bố hòa bình là “quyền cơ bản của mỗi con người”. Đức Gioan Phaolô II, con của một người lính Ba Lan, nhắc lại “công việc hòa giải ở các quốc gia bị tàn phá bởi những cuộc chiến tranh phi lý”, sự viện trợ được cung cấp “cho những người dân bị thiên tai tàn phá”. Trong bài giảng vào ngày 19 tháng 11 của Năm Thánh, ngài đã nhấn mạnh sự dấn thân hằng ngày đối với hòa bình. Đức Gioan Phaolô II nói rằng Chúa Kitô là hòa bình của chúng ta.
 

Còn ai tốt hơn các bạn, những người lính và cảnh sát thân mến, các chàng trai và cô gái, có thể làm chứng rằng tình trạng bạo lực và các thế lực xấu xa hiện có trên thế giới có sức làm tan rã sự gắn kết của xã hội. Anh chị em đấu tranh chống lại chúng mỗi ngày: thực ra anh chị em được kêu gọi bảo vệ người yếu thế, bảo vệ người trung thực, thúc đẩy sự chung sống hòa bình giữa các dân tộc. Mỗi người trong anh chị em đều phù hợp với vai trò của một người lính canh, người nhìn xa trông rộng để xua đuổi nguy hiểm và thúc đẩy công lý và hòa bình ở khắp mọi nơi. Tôi xin gửi lời chào trân trọng nhất đến tất cả anh chị em, những người đã đến Roma từ nhiều nơi trên thế giới để cử hành Năm Thánh đặc biệt của mình. Anh chị em là đại diện của những đội quân đã từng đối đầu với nhau trong suốt chiều dài lịch sử. Hôm nay, anh chị em đang họp mặt tại Mộ Thánh Phêrô để mừng Chúa Kitô, “bình an của chúng ta, là Đấng đã làm cho đôi bên nên một, và đã phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét” (Ep 2,14). Anh chị em đã đến để dâng lên Người, Đấng hiện diện một cách huyền nhiệm và đích thực trong Bí tích Thánh Thể, những ý nguyện và sự dấn thân hằng ngày của mình trong tư cách là những người xây dựng hòa bình.
 

Những cây cầu và những người gieo hạt
 

Năm 2016, trong buổi tiếp kiến ​​Năm Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chào đến đại diện của lực lượng vũ trang và cảnh sát đến từ nhiều nơi trên thế giới, những người đã hành hương đến Roma nhân dịp Năm Thánh đặc biệt Lòng Thương Xót. Chủ đề cơ bản của sự kiện này, “Cánh cửa của Người luôn mở,” nhắc nhở chúng ta rằng lòng thương xót có vị trí to lớn trong thế giới quân đội. Đức Thánh Cha nhấn mạnh vai trò cơ bản của quân đội trong việc đảm bảo an ninh cho người dân và các thể chế ở mọi khu vực trên thế giới. Ngài nói với các quân nhân: hãy là công cụ hòa giải.
 

Nhiệm vụ của lực lượng thực thi pháp luật - quân đội và cảnh sát - là đảm bảo môi trường an toàn, để mọi người dân có thể sống trong hòa bình và thanh thản. Trong gia đình, trong những lĩnh vực khác nhau mà anh chị em làm việc, hãy trở thành công cụ hòa giải, người xây dựng cầu nối và người gieo rắc hòa bình. Trên thực tế, anh chị em được kêu gọi không chỉ ngăn ngừa, quản lý hoặc chấm dứt xung đột, mà còn góp phần xây dựng một trật tự dựa trên chân lý, công lý, tình yêu và tự do, theo định nghĩa về hòa bình của Thánh Gioan XXIII trong Thông điệp “Pacem in Terris”. Việc khẳng định hòa bình không phải là một việc dễ dàng, đặc biệt là khi chiến tranh làm khô héo trái tim và gia tăng bạo lực và hận thù. Tôi khuyên anh chị em đừng nản lòng. Hãy tiếp tục hành trình đức tin và mở lòng mình với Thiên Chúa là Cha nhân từ, Đấng không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta. Trước những thách thức hằng ngày, hãy để niềm hy vọng của người Kitô giáo tỏa sáng, đó là niềm tin chắc chắn về chiến thắng của tình yêu trên hận thù và của hòa bình trước chiến tranh.
 

Các Lực lượng gìn giữ hòa bình
 

Lời của các Giáo hoàng gửi đến những người đại diện cho thế giới quân sự luôn là lời mời gọi đứng về phía con người, công lý và hòa bình. Một lời khuyên răn vang vọng mạnh mẽ trong Năm Thánh hy vọng này. Trong số những người xây dựng hòa bình, có hơn 76.000 người nam và nữ của Liên Hiệp Quốc và đến từ hơn 120 quốc gia. Họ tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột ở Châu Phi, Châu Á, Châu Âu và Trung Đông. Họ bảo vệ dân thường, bảo vệ nhân quyền và củng cố các thể chế ở một số nơi nguy hiểm và bất ổn nhất thế giới.
 

Kể từ chiến dịch đầu tiên vào năm 1948, hơn 4.300 lính gìn giữ hòa bình đã thiệt mạng khi thực hiện nhiệm vụ tại các chiến trường quốc tế phức tạp. Chúng ta không thể quên những quốc gia bị chia cắt bởi những cuộc xung đột vẫn còn đẫm máu trên thế giới ngày nay. Và chúng ta không thể quên những người gìn giữ hòa bình đang bảo vệ vô số người tị nạn chạy trốn chiến tranh và bảo vệ tương lai của các dân tộc.


Vatican News
Nguồn: https://www.vaticannews.va/
114.864864865135.135135135250