13/02/2025 -

Tin Giáo hội Hoàn Vũ

5
Mẹ Têrêsa Calcutta được ghi vào lịch chung Rôma


Sắc lệnh ghi việc cử hành lễ tưởng nhớ Thánh Têrêsa Calcutta trong lịch nghi thức Rôma, vào ngày 5 tháng Chín, như một lễ nhớ không bắt buộc, cho biết : “Sống Tin Mừng một cách sâu xa và táo bạo, Thánh Têrêsa Calcutta là chứng nhân cho phẩm giá và đặc ân của sự phục vụ khiêm nhường. Bởi vì ngài muốn không chỉ là người cuối cùng mà còn là tôi tớ của những người cuối cùng, ngài đã trở thành mẫu mực của lòng thương xót và hình ảnh đích thực của người Samaritanô nhân hậu,”
 

Sắc lệnh nói trên được ký bởi Bộ trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Đức Hồng y Arthur Roche, sau đó xác định rằng “do đó, cần phải đưa vào tất cả các lịch và sách phụng vụ để cử hành Thánh lễ và Phụng vụ các Giờ kinh, một lễ nhớ mới, sử dụng các văn bản phụng vụ kèm theo sắc lệnh này, sẽ được các Hội đồng Giám mục dịch, phê chuẩn và xuất bản sau khi được Bộ này xác nhận”.
 

Mẹ Têrêsa Calcutta, gương mẫu của lòng thương xót 
 

Ngoài ra, Đức Hồng y Arthur Roche giải thích rằng việc ghi vào lịch này, “được Đức Thánh Cha mong muốn là một sự đáp ứng trước những yêu cầu của các giám mục, các tu sĩ và các hiệp hội tín hữu, và dựa trên ảnh hưởng linh đạo của Thánh Têrêsa Calcutta trên khắp thế giới, mong muốn đề nghị Mẹ như một chứng từ đặc biệt về niềm hy vọng cho những người bị bỏ rơi trong cuộc sống”. Đây cũng là lý do tại sao, Đức Hồng y người Anh cho biết thêm, “trong bài giảng của ngài trong Thánh Lễ cử hành nghi thức phong thánh cho Thánh Têrêsa Calcutta (ngày 4 tháng 9 năm 2016), Đức Thánh Cha Phanxicô đã giới thiệu ngài như một đường dẫn quảng đại của lòng thương xót Chúa, giống như “muối” mang lại hương vị cho mọi thứ và “ánh sáng” soi sáng bóng tối, thấm nhuần mọi thứ Mẹ đảm nhận”. Vị đứng đầu Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích cũng nhắc lại rằng với “sứ mạng của mình ở các vùng ngoại vi của các thành phố và ở các vùng ngoại vi hiện sinh”, Thánh Têrêsa Calcutta “tiếp tục cho đến ngày nay, như một chứng từ hùng hồn về sự gần gũi của Thiên Chúa với người nghèo giữa những người nghèo”.
 

Đức tin và linh đạo
 

Rõ ràng trong các văn bản phụng vụ của lễ này, “lời cầu nguyện nhập lễ mở ra cho chúng ta tâm điểm linh đạo của nó: lời mời gọi làm thỏa mãn cơn khát của Chúa Giêsu Kitô trên Thập Giá bằng cách đáp ứng nhu cầu của những người bị thiệt thòi nhất bằng tình yêu”. Đó là lý do tại sao “chúng ta cầu xin Thiên Chúa Cha để noi gương Ngài, chúng ta có thể phục vụ Chúa Kitô hiện diện nơi anh chị em đang đau khổ của chúng ta”. Đối với Sách Bài đọc, Đức Hồng y khẳng định, bài đọc đầu tiên là một đoạn văn từ ngôn sứ Isaia về việc ăn chay đẹp lòng Thiên Chúa (x. Is 58, 6-11), tiếp theo là Thánh vịnh 33: “Tôi sẽ chúc tụng Chúa mọi lúc”. “Bài Tin Mừng, trước đó là alleluia, nêu bật việc mạc khải các mầu nhiệm Nước Trời cho những kẻ bé mọn (x. Mt 11,25) và bao gồm bản văn tuyệt vời của Tin Mừng theo Thánh Mátthêu, sau khi liệt kê các công việc của lòng thương xót, chứa đựng những lời sau đây, được Mẹ Teresa làm cho sống động một cách tuyệt vời: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (x. Mt. 25, 40)”.
 

Về “Phụng vụ Các Giờ Kinh, và sau phần ghi chú hạnh các thánh, bài đọc thứ hai của Kinh Sách là một văn bản được lấy từ bức thư mà thánh nữ viết cho Cha Joseph Neuner vào năm 1960, trong đó, bằng cách mở rộng tâm hồn, Mẹ biểu lộ bóng tối của sự vắng bóng Thiên Chúa mà qua đó Mẹ đã sống trong nhiều năm, nhưng qua đó Mẹ đã vui vẻ dâng lên Thiên Chúa, để bằng cách trung thành chịu đựng thử thách này, nhiều linh hồn có thể được soi sáng”. Các văn bản phụng vụ kết thúc bằng “lời ca ngợi trong sách Tử đạo danh lục Rôma, giờ đây đặt Mẹ ở vị trí hàng đầu trong các lễ ngày 5 tháng Chín”.
 

Người nhỏ con, nhưng tình yêu lớn lao
 

Đức Hồng Y hy vọng rằng việc đưa việc cử hành Thánh Têrêsa Calcutta vào Lịch chung Rôma “giúp chúng ta chiêm ngưỡng người phụ nữ này, ngọn hải đăng của niềm hy vọng, nhỏ con nhưng có tình yêu lớn lao, làm chứng cho phẩm giá và đặc ân phục vụ khiêm nhường trong việc bảo vệ toàn thể sự sống con người và của tất cả những người bị bỏ rơi, bị khước từ và bị khinh miệt ngay cả trong lòng sâu kín của mẹ chúng”.
 

Mẹ Têrêsa sinh ra trong một gia đình người Albania ở Skopje vào ngày 26 tháng 8 năm 1910 và được đặt tên là Gonxha Agnes. Từ khi còn nhỏ, cha mẹ ngài đã làm cho ngài quen sống bằng cách ca ngợi Chúa và giúp đỡ những người gặp khó khăn nhất.
 

Luôn sẵn sàng hướng về người nghèo và người thiếu thốn, Mẹ cũng dấn thân mạnh mẽ vào việc bảo vệ sự sống sơ sinh. Trong bài phát biểu tại lễ trao giải Nobel Hòa bình vào ngày 17 tháng 10 năm 1979, Mẹ tuyên bố rằng “kẻ hủy diệt hòa bình lớn nhất […] là phá thai”. Mẹ Teresa được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước vào ngày 19 tháng 10 năm 2003. Mẹ “đã thắp lên ngọn lửa tình yêu, anh chị em phải tiếp tục công việc này. Thế giới cần nó,” Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II tuyên bố trước cộng đồng tín hữu.


Tý Linh
(theo Augustine Asta – Vatican  News)
Nguồn: https://xuanbichvietnam.net/

114.864864865135.135135135250