25/01/2025 -

Tin Giáo hội Hoàn Vũ

19
Năm thánh cho giới Truyền thông 2025:

Năm Thánh Truyền Thông: Mariagrazia Fanchi (Đại học Công giáo) – “Các nhà báo được kêu gọi tạo nên sự khác biệt trong không gian thông tin bị chiếm lĩnh bởi những nội dung với mục đích khác”

“Các bạn được kêu gọi tạo nên sự khác biệt trong một thế giới mà không gian thông tin đang bị chiếm lĩnh cách ồ ạt bởi những nội dung mang các mục đích khác nhau”. Đây là thông điệp mà Mariagrazia Fanchi, Giám đốc Trường Cao học về Truyền thông, Truyền thông và Giải trí thuộc Đại học Công giáo Sacro Cuore, đã gửi đến các nhà báo tham dự hội nghị với chủ đề “2025: AI và Ranh giới của Truyền thông”. Sự kiện này do Văn phòng Truyền thông Xã hội của Hội đồng Giám mục Ý tổ chức tại Rôma nhân dịp lễ thánh Phanxicô de Sales và Năm Thánh Truyền Thông.

Trong bài trình bày “Những thách thức của truyền thông ngày nay,” bà Fanchi đã dựa trên ba nguyên tắc quan trọng được John Hartley đưa ra vào năm 2015: mọi người đều có thể đóng góp vào truyền thông đại chúng (không phân biệt chuyên môn nghề nghiệp), việc sản xuất truyền thông bị phân tán (đa dạng địa điểm nằm ngoài các trung tâm truyền thống), và giá trị của nội dung truyền thông được đánh giá dựa trên các tiêu chí mới (khả năng gây xúc động hơn là chất lượng chuyên môn, và dễ tiếp cận hơn tính độc đáo hay sáng tạo trong ngôn ngữ). “Trong bối cảnh mới của truyền thông,” bà nhận xét, “sự đóng góp của người dùng vào quá trình sản xuất nội dung lần đầu tiên đã trở thành điều không thể thiếu”.

Sự thay đổi mạnh mẽ trong môi trường truyền thông

Để minh họa, bà Fanchi dẫn chứng các số liệu thống kê gần đây, cho thấy rằng vào năm 2024, 35% người trưởng thành tại Ý thường xuyên đăng tải hình ảnh, video hoặc các nội dung khác lên mạng. Bà giải thích, “Quá trình số hóa đã mở ra cơ hội để người dùng tham gia vào sản xuất nội dung, tạo nên một môi trường truyền thông phong phú – có lẽ đối với một số người là quá tải”.

Bà cũng đưa ra một dữ liệu đáng lo ngại: “Chỉ trong một phút trực tuyến, trung bình mỗi người cung cấp hơn 100 thông tin cá nhân”. Trước thực trạng này, khi được hỏi làm thế nào để quản lý sự thay đổi, bà nhấn mạnh rằng bối cảnh hiện tại được đặc trưng bởi sự phong phú thông tin, dư thừa và bão hòa nội dung, cá nhân hóa dữ liệu, tiêu chuẩn hóa, khả năng lưu trữ không giới hạn và mất quyền được lãng quên.

Bà Fanchi cho rằng: “Quá trình phân tán cũng dẫn đến sự mất thứ bậc trong nội dung và nguồn tin”. Thực tế cho thấy rằng từ năm 2020, các công cụ tìm kiếm đã trở thành nguồn thông tin chính, vượt qua các phương tiện truyền thông truyền thống về độ tin cậy trong mắt công chúng. Trong khi đó, mạng xã hội, dù bị đánh giá là ít đáng tin nhất, lại là kênh phổ biến nhất để cập nhật thông tin.

Niềm tin vào mạng xã hội và sự thất vọng của người trẻ

Bà tiếp tục: “Niềm tin vào mạng xã hội và các kênh riêng đang ngày càng tăng, và việc sử dụng mạng xã hội làm nguồn thông tin chính đang dần trở thành xu hướng – đặc biệt là ở giới trẻ”. Tuy nhiên, chính việc này lại tạo ra cảm giác thất vọng và bất mãn ngày càng lớn. Một nghiên cứu năm 2024 do Bộ Doanh nghiệp và Sản xuất tại Ý thực hiện cho thấy rằng, 75% trẻ em từ 8-15 tuổi cảm thấy thất vọng hoặc không hài lòng với những trải nghiệm trực tuyến của mình, đặc biệt là vì các nội dung và người dùng không phù hợp.

Bà cũng lưu ý rằng, đối với người trưởng thành, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chính trị hoặc sức khỏe, họ thường xuyên gặp phải các nội dung sai lệch hoặc bị bóp méo. “Quy mô và tốc độ của những thay đổi trong hệ thống truyền thông tạo ra một bầu không khí không chắc chắn lan rộng,” bà nói. Điều này càng trở nên nghiêm trọng với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo sáng tạo (AI). “Chúng ta đang nắm trong tay một công cụ vô cùng mạnh mẽ, nhưng lại chưa hiểu hết tác động của nó”.

Những thách thức của AI trong truyền thông

Bà Fanchi liệt kê các thách thức chính mà AI sáng tạo đặt ra đối với hoạt động truyền thông: đảm bảo tính xác thực, bảo vệ giá trị sáng tạo của con người, đảm bảo nội dung có ý nghĩa, bảo vệ thông tin doanh nghiệp, sửa chữa các sai lệch hoặc định kiến trong dữ liệu, nhận diện nội dung do AI tạo ra, và vượt qua những lo ngại trong việc sử dụng công nghệ mới này. Theo bà, “Chúng ta đang sống trong một giai đoạn đầy cơ hội nhưng cũng chứa đựng những thách thức mà chưa chắc chúng ta có thể vượt qua”.

Nhu cầu tìm kiếm nội dung “tốt” và tương lai của nghề báo chí

Bà cũng nhận xét rằng trong thế giới thông tin rộng lớn, cả người trẻ và người lớn đều khao khát được tiếp cận những nội dung “tốt”, nhưng họ gặp khó khăn trong việc định hướng. “Nhiều người trẻ tìm đến các nhóm nhỏ, như trên WhatsApp, để chia sẻ nội dung, bởi điều đó khiến họ cảm thấy an toàn hơn”.

Đối với nghề báo, bà cho rằng ngành này đang đối mặt với khủng hoảng. “Ngành báo chí không ổn không phải là điều mới mẻ. Điều khiến tôi lo ngại là sự sụt giảm mạnh số lượng người đăng ký vào các chương trình thạc sĩ báo chí, trong khi nhu cầu trở thành nhà sáng tạo nội dung lại tăng lên”. Những người viết nội dung cho các phương tiện truyền thông không muốn làm nhà báo", một ngành mà "tính chuyên nghiệp cho phép chia sẻ nội dung gốc và lấy từ các nguồn được chứng nhận". Theo bà, nhà báo chuyên nghiệp có vai trò quan trọng trong việc chia sẻ các nội dung gốc, lấy từ nguồn tin đáng tin cậy. Tuy nhiên, các nhà sáng tạo nội dung, dù có nhiều tài năng, lại thường bị các nền tảng buộc phải chạy theo logic thương mại.

Do đó, bà kết luận rằng cần có sự can thiệp từ các nhà xuất bản và nền tảng, để thay đổi các quy tắc vận hành, giúp lĩnh vực này trở nên tích cực và bền vững hơn.

Alberto Baviera
G. Võ Tá Hoàng
Theo https://www.agensir.it/

Nguồn: https://www.hoangcatholic.com/
114.864864865135.135135135250