22/02/2025 -

Tin Giáo hội Hoàn Vũ

18
Những tín hiệu đáng mừng cho Kitô giáo toàn cầu năm 2025

Mở rộng tầm nhìn, đón nhận tin mừng về sự phát triển của Kitô giáo toàn cầu năm 2025

Góc nhìn của phần lớn Kitô hữu còn hạn chế. Chúng ta thường chỉ có thể thấy hoạt động của Thiên Chúa trong cộng đoàn hội thánh địa phương và những người xung quanh. Điều này đôi khi có thể khiến chúng ta nản lòng.

Tuy nhiên, khi mở rộng tầm nhìn của mình trên toàn cầu qua báo cáo năm 2025 từ Trung tâm Nghiên cứu Kitô giáo Toàn cầu thuộc Chủng viện Thần học Gordon-Conwell, chúng ta sẽ thấy một số xu hướng mang tin mừng cho Nước Chúa. Những xu hướng đáng khích lệ này tiếp nối từ năm 2024.

1. Kitô giáo tiếp tục phát triển

Dù bạn có mong đợi điều gì thì Kitô giáo vẫn không ngừng lớn mạnh trên toàn thế giới. Hiện nay, có hơn 2,64 tỷ Kitô hữu. Kitô giáo đã vượt qua mốc 2 tỷ trong thế kỷ này và dự kiến sẽ đạt 3 tỷ trước năm 2050. Trong khi dân số thế giới, với hơn 8 tỷ người, tăng trưởng hàng năm ở mức 0,88%, thì Kitô giáo lại phát triển với tốc độ nhanh hơn, 0,98%. Khoảng một phần ba dân số thế giới là Kitô hữu.

2. Số người không theo tôn giáo nào đã chững lại

Ở nhiều nơi, có vẻ như nhiều người đang xa rời tôn giáo, nhưng điều này có lẽ không còn đúng ở Hoa Kỳ và chắc chắn không còn đúng trên toàn cầu. Từ năm 1900 đến 1970, số người vô thần trên thế giới đã tăng vọt từ 3 triệu lên hơn 700 triệu. Tuy nhiên, kể từ đó, sự tăng trưởng đã chậm lại đáng kể. Hiện nay, có khoảng 906 triệu người không theo tôn giáo nào, và con số này đang tăng trưởng 0,19% mỗi năm. Dự kiến số người vô thần sẽ sớm giảm xuống còn 867 triệu vào năm 2050.

3. Chủ nghĩa vô thần đang suy giảm

Mặc dù số người không theo tôn giáo nào vẫn tiếp tục tăng chậm, nhưng chủ nghĩa vô thần toàn cầu đã đạt đỉnh điểm với quần ống loe và nhạc disco. Năm 1970, có hơn 161 triệu người vô thần, nhưng con số này đã giảm xuống còn 137 triệu vào năm 2000. Một giai đoạn tăng trưởng ngắn ngủi vào đầu thế kỷ 21 đã đẩy số người vô thần toàn cầu lên gần 147 triệu vào năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay, con số này đã giảm xuống còn 145 triệu, giảm 0,2% mỗi năm. Dự kiến đến năm 2050, số người vô thần sẽ giảm còn 133 triệu.
Năm 1970, có hơn 161 triệu người vô thần trên toàn cầu, nhưng con số này đã giảm xuống còn 145 triệu hiện nay và dự kiến sẽ giảm xuống còn 133 triệu vào năm 2050, theo @CSGC. Chia sẻ trên X


4. Tin Lành nằm trong số những nhóm Kitô giáo phát triển nhanh nhất

Mọi cộng đoàn trong Kitô giáo đều đang phát triển, nhưng cộng đoàn Tin Lành là một trong những nhóm phát triển nhanh hơn cả. Hiện nay, có 420 triệu tín hữu Truyền giảng Phúc âm, tăng trưởng với tốc độ 1,47% mỗi năm. Từ năm 2000, số tín hữu Tin Lành đã tăng thêm 150 triệu. Trong 25 năm tới, con số này dự kiến sẽ tăng thêm 200 triệu, đạt gần 621 triệu vào năm 2050.

Các cộng đoàn Ngũ Tuần/ Đặc sủng cũng tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Mặc dù hiện đang tăng trưởng với tốc độ 1,25% mỗi năm, nhưng dự kiến số lượng tín hữu của các cộng đoàn này sẽ bùng nổ trong những thập kỷ tới. Vào năm 1900, chưa đến 1 triệu người tự nhận mình là Kitô hữu Ngũ Tuần. Đến năm 2050, con số này sẽ vượt quá 1 tỷ.

5. Kitô giáo bùng nổ tại Châu Phi và Châu Á

Tại nhiều khu vực ở Nam bán cầu, tuy sự bách hại vẫn diễn ra gay gắt, nhưng Kitô giáo vẫn phát triển mạnh mẽ ở mọi nơi. Hiện nay, cứ 3 Kitô hữu thì có 2 người sống ở Nam bán cầu. Đức tin Kitô giáo thậm chí còn gia tăng ở Trung Đông.

Hiện tại, có hơn 750 triệu Kitô hữu đang sinh sống tại Châu Phi, và con số này đang tăng trưởng với tốc độ 2,59% mỗi năm. Số Kitô hữu ở Châu Phi gần bằng tổng số ở Châu Âu, Nga và Bắc Mỹ cộng lại (823 triệu). Châu Á có 416 triệu Kitô hữu, con số này tăng trưởng 1,6% mỗi năm. Dự kiến đến năm 2050, Châu Phi sẽ là nơi sinh sống của hơn 1,2 tỷ Kitô hữu, và gần 600 triệu người sẽ sống ở Châu Á.

 
Số Kitô hữu sống ở Châu Phi (750 triệu) gần bằng tổng số ở Châu Âu, Nga và Bắc Mỹ cộng lại (823 triệu). Dự kiến đến năm 2050, Châu Phi sẽ là nơi sinh sống của hơn 1,2 tỷ Kitô hữu, theo @CSGC. Chia sẻ trên X

6. Các thừa tác viên và nhà truyền giáo tiếp tục được kêu gọi và sai đi

Con số các thừa tác viên bản xứ, những người phục vụ sứ mạng Kitô giáo trong bối cảnh của họ, đã đạt gần 13,6 triệu người, và đang tăng trưởng 0,91% mỗi năm. Tổng số này dự kiến sẽ đạt 17 triệu vào năm 2050.

Các nhà truyền giáo, những người phục vụ tại quốc gia khác, ngoài quê hương của mình, đang tăng trưởng 1,15% và đạt 450.000 người vào năm 2025. Dự kiến khoảng 600.000 nhà truyền giáo sẽ phục vụ trên toàn thế giới vào năm 2050.

7. Số vụ tử đạo đã giảm

Mặc dù sự bách hại vẫn là một vấn đề lớn đối với Kitô hữu ở nhiều nơi, nhưng số tín hữu bị giết vì đức tin trong khoảng thời gian 10 năm đã giảm đi đáng kể. Năm 1970, có hơn 3,7 triệu Kitô giáo tử đạo trong vòng 10 năm. Con số này đã giảm xuống còn 1,6 triệu vào năm 2000 và hiện là 900.000. Tuy nhiên, dự kiến số vụ tử đạo sẽ tăng nhẹ lên khoảng 1 triệu vào năm 2050.

8. Thêm nhiều nhóm ngôn ngữ có bản dịch Tân Ước

Năm 1900, chỉ có 228 nhóm ngôn ngữ có bản dịch Tân Ước. Ngày nay, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 2,07%, đã có khoảng 2.500 ngôn ngữ có bản dịch Tân Ước. Với việc tiếp tục chú trọng vào nỗ lực dịch thuật, công việc truyền giáo và tiến bộ công nghệ, dự kiến đến năm 2050 sẽ có khoảng 4.400 ngôn ngữ có bản dịch Tân Ước.

9. Tỷ lệ phần trăm người chưa được tiếp cận Tin Mừng đang giảm 

Năm 1900, hơn một nửa dân số thế giới (54,3%) chưa được tiếp cận Tin Mừng. Nhờ công việc của các nhà truyền giáo trong quá khứ và hiện tại, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 27% và hiện đang giảm với tốc độ hàng năm là -0,45%.

Aaron Earls
G. Võ Tá Hoàng
https://research.lifeway.com/
Nguồn: https://www.hoangcatholic.com/
114.864864865135.135135135250