Đối với Mễ Du, năm 2024 là một năm quan trọng: vào tháng 5, Bộ Giáo lý Đức tin đã công bố những quy định mới về các hiện tượng siêu nhiên được cho là giúp bật đèn xanh cho sự sùng kính, không cần phải Tòa Thánh tuyên bố về tính siêu nhiên. Và vào tháng 9, ghi chú có tựa đề “Nữ vương Hòa bình” dành riêng cho việc thực hành thiêng liêng của Mễ Du đã được công bố, trong đó tuyên bố hiện tượng Đức Mẹ là “Nihil obstat - không gì trở ngại”, nghĩa là công nhận cao nhất trong số những quy định mới. Kể từ đó, “những sứ điệp được cho là do các thị nhân nhận được đều được công bố với sự chấp thuận của Giáo hội”.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Trong những năm qua, sống tại giáo xứ Mễ du và gặp gỡ các tín hữu hành hương, Đức Tổng có trải nghiệm như thế nào?
Trước đây, tôi chưa từng đến Mễ Du. Nhưng là người Ý, và giống như nhiều người ở Ý, đã tiếp xúc với những người đã đến đó. Khi trở về từ Mễ Du, tôi luôn nhận thấy những người này dấn thân hơn ở mức độ thiêng liêng và nhân bản: trong nhà thờ, trong việc dạy giáo lý, trong các hoạt động bác ái. Họ dấn thân hơn nhiều so với trước đây. Tôi đã ở đó được ba năm: đó là một nơi bình thường, không có bất cứ điều gì đặc biệt nhưng nhờ ân sủng đã trở thành một nơi linh thiêng, nơi mọi người đến từ khắp nơi trên thế giới. Họ đến và ở đó họ bắt đầu cầu nguyện. Họ hiệp thông với Chúa Giêsu, và Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với họ. Lời cầu nguyện đơn giản: họ muốn thay đổi cuộc sống, sống tốt hơn trước, họ muốn giải quyết hoặc đối diện tốt những vấn đề mà họ đang có. Một sự thay đổi được gọi là hoán cải, diễn ra đặc biệt trong bí tích Hoà giải. Điều này thường xảy ra ở Mễ Du.
Đức Tổng ấn tượng điều gì nhất khi nhìn vào nhiều người hành hương?
Những người trẻ và người lớn đến đó. Họ đến mà không có bất kỳ sự bảo trợ nào. Tất cả đều đến với một mục đích: gặp Chúa và Đức Trinh Nữ Maria. Họ không đến để tìm điều gì đó hoặc để tham quan: đây không phải là nơi để du lịch. Nhưng ở đây những người trẻ và người lớn bắt đầu cầu nguyện. Cách đây khoảng 3 năm, khi vừa đến, trong lúc đang ngồi ở giữa những chiếc ghế dài ngoài trời phía sau nhà thờ, một gia đình Mỹ Latinh đến, với một cậu bé mười lăm tuổi được biết là một người trẻ nổi loạn thực sự. Nhưng chỉ sau năm phút, đã xưng tội... Và cha mẹ người trẻ này nhìn con mình với sự ngạc nhiên. Đó là một nơi ân sủng mà Chúa đã chọn để được gặp gỡ con người. Sự cho phép của Đức Thánh Cha có nghĩa là: anh chị em hãy đến! Hãy đến đó vì đó là một nơi ân sủng, nơi anh chị em gặp Chúa và Chúa gặp anh chị em.
Nhờ những quy định mới do Đức Thánh Cha ban hành, giờ đây thủ tục xem xét và tuyên bố về những trường hợp này tập trung nhiều hơn vào những hoa trái thiêng liêng.
Bộ Giáo lý Đức tin đã xem xét hai điểm có thể được ghi lại. Đầu tiên liên quan đến hoa trái. Từ khắp nơi trên thế giới, hàng ngàn hàng triệu người đến Mễ Du. Năm nay, hai triệu người đã đến. Gần 50.000 linh mục đã đến để cầu nguyện, để được hoán cải. Sau đó, những hoa trái rất quan trọng khác là nhiều ơn gọi. Rất nhiều người cầu nguyện. Yếu tố thứ hai được xem xét là sứ điệp. Mỗi sứ điệp đã được đối chiếu với đức tin của chúng ta và thấy rằng các sứ điệp tương ứng với đức tin. Những hoa trái rất tích cực, và những sứ điệp tích cực cho đức tin: điều này đã cho phép chúng ta nói rằng Mễ Du là một nơi của ân sủng.
Chính Đức Tổng tham gia vào việc công bố các sứ điệp vào mỗi tháng. Cụ thể đó là gì?
Rất đơn giản: khi có một sứ điệp, người nhận viết ra và gửi cho tôi bằng ngôn ngữ mà người này viết, nghĩa là tiếng Croatia. Ngay lập tức họ dịch sang tiếng Ý cho tôi. Quá trình này rất thú vị: có ít nhất hai sự trung gian rất quan trọng của con người: vì lý do này chúng ta luôn nói về “những sứ điệp giả định” ngay cả khi chúng ta ủng hộ đến mức ở cuối sứ điệp chúng tôi viết: “với sự chấp thuận của Giáo hội”. Nhưng cẩn thận, các sứ điệp được cho là “giả định” vì đi qua hai trung gian của con người: Đức Mẹ không viết, mà là người nhận viết. Trung gian thứ hai là dịch từ tiếng Croatia sang tiếng Ý: hai ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau. Chúng tôi nói rằng sứ điệp là tốt, phù hợp với đức tin và chúng tôi mời mọi người đọc và suy ngẫm vì tích cực. Sứ điệp không thêm gì vào Mặc khải, nhưng làm phong phú. Ngày nay, sứ điệp giúp sống đức tin tốt hơn.
Chúng ta biết không có mặc khải tư, do đó các lần hiện ra của Đức Mẹ, không thêm bất cứ điều gì vào Mặc khải. Chúng ta phải có thái độ nào và chúng ta phải tránh những nguy cơ nào? Bởi vì đôi khi có nguy cơ bị cuốn vào việc muốn biết quá mức về “bí mật”, một sự tò mò có phần khải huyền.
Tháng Năm năm ngoái, Bộ Giáo lý Đức tin đã công bố các quy định cơ bản để hiểu quyết định về Mễ Du. Bộ này nhắc lại rằng trước hết Mặc khải, Lời Chúa, chỉ là Kinh Thánh và Mặc khải này kết thúc với sách Khải huyền của Thánh Gioan. Điều này không có nghĩa là Chúa Thánh Thần không thể sử dụng các sứ điệp và mặc khải tư được trao phó cho con người và phục vụ cho việc thực hiện tốt hơn một Mặc khải đích thực. Tất cả những điều này không bổ sung gì cho Mặc khải, nhưng có thể hữu ích. Đây chính là tầm quan trọng của sứ điệp. Ngày nay, các sứ điệp có thể hữu ích để thực hiện Mặc khải mà Chúa đã thực hiện một lần và mãi mãi.
Đức Tổng đã gặp các thị nhân Mễ Du chưa?
Có. Và tôi có thể nói rằng họ là những người bình dị, họ có gia đình, họ có những vấn đề mà mọi gia đình đều có.
Nhưng mỗi người đều có ơn gọi riêng! Họ là những người giản dị, những người tốt. Tôi không có gì để nói. Chúng tôi thường gặp nhau, uống cà phê cùng nhau. Họ là những người lớn lên trong đức tin, mỗi người theo cách riêng của họ, và trở nên khôn ngoan, ngày càng khôn ngoan. Mỗi người đều có sứ vụ, cuộc sống riêng.
Đức Tổng đã học được gì trong ba năm ở giáo xứ Mễ Du?
Có ân sủng ở đó. Tôi học được rằng Chúa, với ân sủng của Người, luôn luôn đồng hành với chúng ta. Tôi học biết Chúa có một kế hoạch trong cuộc sống của chúng ta và đồng hành với chúng ta. Người yêu thương chúng ta.
Tại Mễ Du, Đức Mẹ tự nhận là “Nữ Vương Hòa Bình”. Một sứ điệp hơn bao giờ hết có ý nghĩa trong thời đại chúng ta.
Một trong những sứ điệp đầu tiên được cho là có từ năm 1981 có nội dung rất sâu sắc về vấn đề này. Sứ điệp nói: hòa bình, hòa bình, hòa bình, hòa bình hãy ngự trị. Nhưng cẩn thận: không phải hoà bình giữa chúng ta, nhưng trước tiên là giữa Chúa và chúng ta, rồi sau đó là giữa chúng ta với nhau. Điều này rất nền tảng. Khi người Do Thái ra khỏi Ai Cập, Chúa đã phán qua ngôn sứ Môsê: nếu các ngươi muốn sống tự do, có một số quy tắc phải tuân theo, đó là các Điều răn. Đối với hòa bình, Thiên Chúa là nền tảng. Trong các điều răn, chúng ta được trao cho một số điều để sống: tôn trọng sự sống và không giết người, gia đình là điểm tham chiếu cơ bản, chúng ta hãy tôn trọng nhau. Nếu chúng ta sống như thế, chúng ta sống trong hòa bình. Trái lại, nếu chúng ta không sống như vậy chiến tranh sẽ đến.
Một đặc điểm khác khiến sứ điệp Mễ Du trở nên đặc biệt hợp thời là sự kiện được cho là Đức Mẹ hiện ra ở một vùng đất mà nhiều tôn giáo cùng tồn tại và gần đây đã xảy ra nhiều vụ bạo lực khủng khiếp. Có những sứ điệp đề cập đến chủ đề này. Đức Tổng có thể nói gì về điều này?
Từ chúng tôi sử dụng là đối thoại. Dia logos, cuộc đối thoại giữa chúng ta, nhưng logos có nghĩa là: Tôi giới thiệu với bạn căn tính của tôi, tôi trình bày với bạn lối sống, cách suy nghĩ, tin, cách làm của tôi. Bạn giới thiệu cho tôi căn tính của bạn. Qua đối thoại, chúng ta có thể hiểu nhau hơn, mỗi người vẫn giữ được căn tính sắc của mình. Nếu chúng ta đánh mất căn tính của mình, chúng ta sẽ không còn đối thoại nữa. Và rồi thảm kịch xảy ra. Có nhiều tôn giáo khác nhau ở đó, nhiều lối sống khác nhau. Chúng ta cần phải đối thoại. Và ở đó, tại Mễ Du, chúng ta có một căn tính rõ ràng: đối với chúng ta, Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa duy nhất.
Những quy định mới được Bộ Giáo lý Đức tin công bố vào tháng 5 năm ngoái là sự thể hiện tinh thần mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô và tương ứng với thái độ hết sức quan tâm đến đức tin của lòng sùng kính đơn sơ và bình dân. Khía cạnh này quan trọng như thế nào?
Chúng ta cần thiết lập những điểm tham chiếu đức tin rất vững chắc. Đức tin bình dân được củng cố bằng cách đặt Mẹ Thiên Chúa làm điểm quy chiếu tuyệt đối. Mẹ Thiên Chúa sẽ đồng hành cùng bạn trong cuộc gặp gỡ này. Khi những người đơn sơ đến với mọi vấn đề của mình, họ gặp được Mẹ Thiên Chúa, người đã chịu đau khổ như họ. Hình ảnh Đức Mẹ Sầu Bi có ở hầu hết các giáo xứ: Mẹ đã chịu đau khổ như bạn, và đồng hành cùng bạn đến với Chúa Giêsu, Đấng ban cho bạn sức mạnh để sống tốt. Thay đổi cuộc sống không phải là rời xa gia đình, rời xa công việc... khi bạn quay trở lại cuộc sống trước đây, bạn đã thay đổi từ bên trong. Bạn biết rằng với Chúa, tôi có thể đối diện với mọi vấn đề. Đây là đức tin của người đơn sơ. Đó là Kinh Mân Côi, Thánh Thể và tôn thờ Thánh Thể. Mùa hè năm ngoái, tôi chứng kiến khoảng 40.000 người trẻ thờ lạy Thánh Thể trong sự thinh lặng tuyệt đối. Ở đó, trong bánh đã biến đổi, có sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu Kitô. Chúa nhìn tôi, tôi nhìn Chúa, Chúa nói chuyện với tôi, tôi nói chuyện với Chúa. Nhiều người đã nói với tôi: Tôi cảm thấy Chúa nói với tôi ở đó.
Từ những gì Đức Tổng đã nói với chúng con và từ những gì chúng con đọc trong Ghi chú của Bộ về hiện tượng Mễ Du, chúng ta có thể kết luận bằng cách gửi lời mời mọi người tham gia cuộc hành hương này không?
Văn kiện nêu rõ: hãy đến Mễ Du vì đó là nơi của ân sủng.
Nguồn: https://www.vaticannews.va/