05/10/2024 -

Tin Giáo hội Hoàn Vũ

8
Tại Thượng Hội đồng, lắng nghe những người cảm thấy bị loại trừ khỏi Giáo hội

Sáng, thứ Sáu ngày 4 tháng 10, lễ Thánh Phanxicô Assidi, Hội nghị chung lần thứ hai của Đại hội Thượng hội đồng đã bắt đầu bằng lời chào mừng Đức Thánh Cha và tất cả những ai mang tên thánh Phanxicô. 351 thành viên có mặt trong phòng đã lắng nghe các báo cáo từ năm bàn bằng các ngôn ngữ khác nhau, từ đó nảy sinh những câu hỏi chung về chính khái niệm tính hiệp hành, “không phải như một kỹ thuật nhưng như một phong cách”, và về các chủ đề như vai trò của phụ nữ, sự hiện diện của giáo dân, sự “tích cực” lắng nghe “những người không tuân theo mệnh lệnh của Giáo hội”. Các diễn giả của các nhóm cho biết, chính Giáo hội “trong một thế giới của những đứa trẻ mồ côi” có thể đại diện cho “gia đình của những người không có gia đình”, như đã tường thuật trong cuộc họp báo hàng ngày tại Văn phòng Báo chí của Tòa Thánh.
 

Tất cả các đặc sủng không nhất thiết là những thừa tác vụ
 

Đặc biệt, sáng nay tại hội trường Phaolô VI, “chúng ta đã nhiều lần nhắc lại hình ảnh Giáo hội là Thân thể Chúa Kitô, do đó quy tụ nhiều thành viên, nghĩa là nhiều thừa tác vụ và đặc sủng, nhưng trong một thân thể duy nhất”. Theo nghĩa này, chủ đề về vai trò của phụ nữ và giáo dân đã được phân tích. “Sự phân biệt là cần thiết”, “mọi đặc sủng đều quan trọng nhưng không phải tất cả đều phải là những thừa tác vụ”.
 

Vai trò và đóng góp của phụ nữ
 

Theo các tham luận viên, một số nhóm đã được mời gọi suy nghĩ, mà không có “những cách tiếp cận mang tính ý thức hệ và thành kiến”, về câu hỏi liệu một số vấn đề “được đưa ra theo ‘mốt’ và ý thức hệ hay bởi sự phân định thực sự của Giáo hội”. Trong cùng khuôn khổ này, phẩm giá bình đẳng của các tín hữu qua bí tích rửa tội đã được tái khẳng định, trong khi liên quan đến việc trao ban các chức thánh cho phụ nữ, người ta yêu cầu “đào sâu nghiên cứu về một số thừa tác vụ, chẳng hạn như thừa tác vụ an ủi” và “không được quên sự đóng góp của phụ nữ trong quá khứ và hiện tại”.
 

Các thành viên của Thượng Hội đồng nhấn mạnh đến “phẩm giá bình đẳng và việc đồng trách nhiệm của tất cả những người đã được rửa tội đối với Giáo hội”. Trên cơ sở này, người ta có thể đặt câu hỏi về “sự tham gia của phụ nữ, giáo dân và giới trẻ vào quá trình đưa ra quyết định của đời sống Giáo hội”. Và còn về mối quan hệ nam-nữ, một số nhóm kêu gọi “xác định những nỗi sợ hãi và e ngại đằng sau một số quan điểm, bởi vì những nỗi sợ hãi này trong Giáo hội đã dẫn đến thái độ phớt lờ và khinh thường phụ nữ”. Vì vậy, “nhận diện để chữa lành, để phân định.”
 

Giáo dân, ngôn ngữ, khuôn mặt của người nghèo
 

Một số bàn ngôn ngữ đã chỉ ra rằng ở một số điểm trong Tài liệu Làm việc, giáo dân chỉ được nhắc đến một vài lần, cũng như gia đình là “Giáo hội tại gia”. Mối tương quan giữa các Giáo hội địa phương và các nền văn hóa cũng phải được đào sâu hơn, bởi vì mỗi Giáo hội địa phương được “rèn giũa” bởi một nền văn hóa trong khi vẫn là chính mình. Theo chiều hướng này, vấn đề về ngôn ngữ cũng được nêu lên, kêu gọi sự “đơn giản” của nó và sự thay đổi của “một số công thức vốn là thành quả của quan điểm lấy Châu Âu làm trung tâm và phương Tây”. Cuối cùng, một số bàn làm việc đưa ra lời mời gọi kép “bắt đầu từ kinh nghiệm và thực tế mục vụ, bởi vì cuộc sống quan trọng hơn lý thuyết” và “hãy nhìn vào khuôn mặt của những người nghèo bị tàn phá bởi chiến tranh, bạo lực và lạm dụng”. Họ nói thêm: “Sự hiện diện tinh tế và tế nhị của họ, những đòi hỏi, lối sống của họ có thể khiến chúng ta thoát khỏi những gì nô lệ hóa và làm vong thân chúng ta”.
 

Hơn 30 tham luận tự do
 

Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông giải thích, sau năm báo cáo, các tham luận tự do đã được đưa ra. Tổng cộng có ba mươi sáu, đi từ tầm quan trọng của giáo dân, bởi vì “tương lai của Giáo hội và Giáo hội tương lai” sẽ phụ thuộc vào “sức sống” của họ (điều này “rõ ràng không làm giảm đi tính chất không thể thiếu được của chức linh mục”), đến vấn đề phụ nữ, một tham luận coi là “thiếu sót” sự kiện là “phụ nữ chỉ được coi là người an ủi chứ không phải là người có thể rao giảng hoặc sự kiện là họ không thể đứng đầu một tổ chức.” Tương tự như vậy, lấy gương của các nhà truyền giáo, trong đó có các nữ giáo dân, những người chăm sóc cho toàn bộ cộng đồng trên khắp thế giới, đại hội đã lặp lại là “có những phụ nữ cảm nhận được tiếng gọi của Chúa và xin được thụ phong”. Và người ta đã yêu cầu “có sự tham gia của phụ nữ vào Nhóm Nghiên cứu về các thừa tác vụ và đặc sủng và kết quả công việc của Nhóm này có thể được thảo luận trong một không gian hiệp hành để cung cấp các lời khuyên và đưa ra sự phân định”.

Đối thoại và lắng nghe
 

Tầm quan trọng của việc “phát triển một linh đạo hiệp hành về việc tích cực lắng nghe, gần gũi, nâng đỡ mà không thành kiến, ngay cả với những người khác biệt, với những người không khiến chúng ta cảm thấy thoải mái” đã được nhắc lại trong các bài tham luận tự do. “Chúng ta không lắng nghe người khác để xem họ có đủ thông minh hay không hoặc họ có đồng ý với tôi hay không, nhưng để xem những người nói có những yếu tố mà tôi có thể học hỏi”, các nghị phụ và nghị mẫu Thượng Hội đồng tuyên bố, trong đó có một số người kêu gọi đối thoại nhiều hơn với các nền văn hóa , triết học và tôn giáo. “Chúng ta phải tôn trọng và thừa nhận người khác, bởi vì đây là điều kết hiệp dân Chúa”. Vẫn về chủ đề lắng nghe, các ngài yêu cầu “lắng nghe sâu xa hơn những người đang ở trong hoàn cảnh nghèo đói và đau khổ cũng như những người cảm thấy bị loại trừ khỏi xã hội và Giáo hội”. Từ đó, những người ly dị, bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người đồng tính luyến ái.
 

 “Mở rộng không gian” phụng vụ
 

Nhắc đến chủ nghĩa giáo sĩ trị, nhấn mạnh rằng “trong Giáo hội không có chủ cũng không có thần dân. Chỉ có một Thầy duy nhất và tất cả chúng ta đều là anh em”. Paolo Ruffini nhấn mạnh, việc đề cập đến chủ đề “lặp đi lặp lại và được hoan nghênh” về phụng vụ, vốn có thể trở thành “tấm gương của tính hiệp hành”, cũng rất “thú vị”. “Thừa tác viên chủ sự nhưng không phải là người cử hành duy nhất”. Cũng có đề xuất rằng “trong phụng vụ chung tiếp theo của các thành viên Thượng Hội đồng, không gian phụng vụ có thể được “mở rộng””.

Từ trái sang phải: Đức cha Randazzo, sơ Xiskya, ĐHY López Romero, Đức cha Rougé
 

Các tham luận của các diễn giả
 

Sau đó, bốn vị khách mời đã phát biểu tại bàn diễn giả trong cuộc họp báo: Đức Hồng y Cristóbal López Romero, Tổng Giám mục Rabat (Morocco) và chủ tịch Cerna (Hội đồng Giám mục Khu vực Bắc Phi), Đức cha Antony Randazzo, chủ tịch Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Công giáo của Châu Đại Dương (FCBCO), Giám mục giáo phận Nanterre (Pháp), Đức Cha Matthieu Rougé, và Nữ tu Xiskya Lucia Valladares Paguaga, đến từ Nicaragua, chuyên gia về truyền thông xã hội và loan báo Tin Mừng kỹ thuật số.
 

Kinh nghiệm tại các giáo phận, quốc gia và châu lục
 

Bốn diễn giả kể lại kinh nghiệm về tính hiệp hành trong môi trường của chính họ: các giáo xứ, giáo phận, quốc gia, châu lục. Trước hết, Đức Hồng y Lopéz Romero đã kể lại kinh nghiệm ở Châu Phi của “một nữ tu đã tạo ra một phong trào trao đổi, suy tư, về tính hiệp hành” và là người “một mình đã làm nhiều hơn các hội đồng giám mục”. Đức Hồng y nói thêm rằng các cuộc họp hiệp hành khác nhau ở Maroc đã cho phép chính các Kitô hữu “khám phá ra chúng ta là ai, số lượng ít nhưng thuộc về hơn 100 quốc gia: một sự phong phú phi thường nhưng cũng có những khó khăn trong việc sống hiệp thông”.
 

“Các thực hành hiệp hành” ở Nanterre
 

Đức cha Matthieu Rougé cũng nói về “các thực hành hiệp hành” ở Nanterre, nhưng muốn tập trung nhiều hơn vào đại hội hiện tại đang diễn ra tại Vatican: “Chúng tôi rất vui mừng được gặp lại nhau, điều này liên quan đến cường độ mà chúng tôi đã trải qua trong khóa họp đầu tiên . Mỗi người đến với những nghi ngờ và lo sợ , rồi với phương pháp trò chuyện trong Thánh Thần, chúng tôi đã sống một kinh nghiệm thiêng liêng sâu sắc mà chúng tôi cố gắng chia sẻ trong các giáo phận của mình”. Những lời của Đức Thánh Cha cũng giúp ích rất nhiều: “Thượng hội đồng không phải là một Nghị viện”. Đức Cha mỉm cười nói : “Năm ngoái ngài đã nói điều đó hai lần, năm nay chỉ một lần, vì ngài nghĩ chúng tôi đã hiểu”.
 

Sự mong manh của các quốc gia Châu Đại Dương
 

Từ trung tâm Châu Âu, Đức Tổng Giám mục Randazzo hướng sự chú ý của mình đến vùng đất rộng lớn của Châu Đại Dương, “một khu vực rộng lớn của hành tinh” nhưng “mong manh”, bao gồm các khu vực như Papua New Guinea, nơi được Giáo hoàng đến thăm gần đây, Quần đảo Solomon và các quần đảo khác nhau của Thái Bình Dương, đôi khi có cảm giác bị bỏ rơi. Ngài nói, đó là một “niềm vui lớn lao” khi “nhìn thấy niềm hạnh phúc trên khuôn mặt của mọi người” khi Đức Thánh Cha đến Port Moresby, “nhận ra rằng Đức Thánh Cha đã dành thời gian đến đây từ Rôma, băng qua cả thế giới để đến được một trong những những khu vực mong manh nhất trên Trái đất nhưng lại giàu tài nguyên thiên nhiên”. Đức Giám mục đã tố cáo một “sự tham lam” nào đó của các quốc gia phát triển, những người đến và yêu cầu các thỏa thuận và thỏa hiệp từ các quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương để có được kim loại, tài nguyên quý giá, cây cối. Ngài tố cáo điều này phá hủy tài nguyên thiên nhiên và toàn bộ cộng đồng phải chịu thiệt hại. Ngài cũng có suy nghĩ cho những người di cư vượt biển Châu Đại Dương để đến những quốc gia ổn định hơn, “bởi vì họ phải bỏ nhà cửa vì nước dâng cao và các đảo chìm”. Đức cha Randazzo nhấn mạnh: “Chúng ta không được quên các dân tộc Châu Đại Dương trong hành trình hiệp hành của mình”. Đối với họ, “khái niệm về tính hiệp hành không phải là điều gì xa lạ, mà trái lại, đó là điều họ đã biết và áp dụng hàng ngàn năm: đến với nhau và lắng nghe nhau với sự tôn trọng”. Họ nói về đại dương, rừng rậm, câu cá và cả về đức tin. Thật không may, các chủ đề được quyết định bởi “những người giàu xác định điều gì là quan trọng” hoặc “các vấn đề mánh khóe” đôi khi lại chiếm ưu thế.
 

Nói không với các mô hình kinh doanh trong Giáo hội
 

Về chủ đề này, chủ tịch FCBCO – được các nhà báo đặt câu hỏi – đã chỉ trích xu hướng đi theo các mô hình kinh doanh của Giáo hội: “Tôi không vui lắm khi nghe về mạng lưới… Đó là ngôn ngữ của doanh nhân. Ngôn ngữ của chúng ta là ngôn ngữ của sự hiệp thông, của sự ở bên nhau. Chúng ta có nguy cơ trở nên giả tạo đến mức loại trừ mọi người.”
 

“Sự tai tiếng thực sự” là việc loại trừ phụ nữ
 

Liên quan đến việc truyền chức cho phụ nữ, một chủ đề được lặp đi lặp lại trong nhiều năm, Đức cha Randazzo nhấn mạnh rằng “chỉ một thiểu số nhỏ, đặc biệt là ở phương Tây, mới gắn bó với nó”. Theo ngài, “sự tai tiếng” thực sự là “phụ nữ thường bị phớt lờ trong Giáo hội”, hay tệ hơn là “bị gạt ra ngoài lề, là nạn nhân của bạo lực, thậm chí là bạo lực gia đình, bị loại khỏi thế giới lao động”. “Đó là một sự tai tiếng chống lại Tin Mừng!”, ngài quả quyết.
 

Tầm quan trọng của truyền giáo kỹ thuật số
 

Về vai trò của phụ nữ, Sơ Xiskya nhấn mạnh đến tính cấp bách của công việc truyền giáo kỹ thuật số, vốn đang thay đổi giống như sứ mạng “thể chất” đang thay đổi trong kỷ nguyên công nghệ mới và trí tuệ nhân tạo. Sơ tuyên bố: “65% dân số thế giới đi theo con đường kỹ thuật số”, “sự nghèo đói về thể chất cũng được tìm thấy trên mạng xã hội”. Nữ tu giải thích, kể từ khi bắt đầu Thượng hội đồng, các văn phòng đã được thành lập trong các hội đồng giám mục, các cuộc họp đã được tổ chức với các nhà truyền giáo từ 67 quốc gia, và kinh nghiệm của các nhà truyền giáo kỹ thuật số – nhiều hơn ở Châu Mỹ Latinh so với ở Châu Âu – được chia sẻ. Những nhà truyền giáo này cố gắng đồng hành và gần gũi với “những người ở xa, những người tìm kiếm sự thật và lang thang bị thương tích trên thế giới, đôi khi vì những trải nghiệm tồi tệ với Giáo hội”.
 

Đối mặt với các vấn đề
 

Đức Hồng y López Romero cũng nói về sự phong phú của tiến trình hiệp hành: “Thượng hội đồng này vô cùng phong phú. Giáo Hội của chúng ta vẫn còn quá Châu Âu hóa, Tây phương hóa. Chúng ta phải cùng nhau sống cuộc hành trình này để Giáo hội trở nên công giáo hơn, phổ quát hơn”. Ngài đưa ra ví dụ về một giám mục Châu Phi trong một giáo phận có nhiều ơn gọi và lễ rửa tội, “người đã chỉ trích một giám mục Châu Âu vì muốn dạy cho ngài một bài học trong khi các nhà thờ của vị đó trống rỗng”. Tất nhiên, “người châu Âu chúng ta phải học cách khiêm tốn, nhưng người châu Phi cũng không được huênh hoang vì thành công không phụ thuộc vào số lượng. Chúng ta phải giúp đỡ nhau sống Tin Mừng”. Ngài nói tiếp : “Sẽ có tiến, lùi, chạm trán, xung đột, nhưng chúng ta phải thể hiện sự trưởng thành để có sự kiên nhẫn, người tiến nhanh chờ đợi người đi chậm hơn… Có vấn đề là tốt, phải đối mặt chứ không được che giấu”.
 

Phản ứng với Fiducia Supplicans
 

Cuối cùng, cũng có cuộc thảo luận về tuyên ngôn Fiducia Supplicans, trong đó đưa ra lời chúc lành cho những người cùng giới tính, điều này gây ra những phản ứng trái ngược ngay cả trong Giáo hội Châu Phi. Đó là một tài liệu, Đức Hồng y người Maroc nhấn mạnh, “đáng lẽ phải đi qua con đường hiệp hành, nó không đến từ Thượng Hội đồng mà từ Bộ Giáo lý Đức tin. Hội đồng Giám mục của tôi đã quyết định khác, chúng tôi không được hỏi ý kiến. Lục địa châu Phi đã lên tiếng mà không hỏi ý kiến ​​toàn bộ châu Phi. ĐHY Lopéz cho biết : Chủ tịch Secam (Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar) “thực sự đã xin lỗi chúng tôi”. Đây cũng là tính hiệp hành và việc học hỏi nó “không hề dễ dàng”.


Tý Linh
(theo Salvatore Cernuzio – Vatican News)
Nguồn: https://xuanbichvietnam.net/

114.864864865135.135135135250