Từ khi chiến sự tại Ukraine xảy ra,
- hình ảnh những tòa nhà chung cư bị ném bom, những bệnh viện hứng chịu các trận pháo kích;
- hình ảnh những phụ nữ, trẻ em lũ lượt, tất tả di tản để thoát khỏi vùng chiến lược;
- hình ảnh những linh mục, những nữ tu, những thiện nguyện viên… lái xe từ làng này sang làng khác để mang hàng cứu trợ;
- hình ảnh những nhà xứ, những tu viện mở rộng cửa đón người tị nạn… như trở thành rất quen thuộc.
Nhưng,
thật khó để quay đi, để nhắm mắt, để làm ngơ trước những hình ảnh về cuộc thảm sát thường dân, phụ nữ và trẻ em ở Bucha, một thành phố phía tây bắc thủ đô Kyiv, đã khiến cả thế giới bàng hoàng trước những hành động tàn ác khủng khiếp.
Thật vậy, những hình ảnh này quá đáng sợ đối với Đức Thánh Cha Phanxicô. Để rồi, tại buổi tiếp kiến chung hôm mồng 06/4 vừa qua, ngài đã giơ cao và sau đó đã hôn lên một lá quốc kỳ Ukraine bị bạc màu,mà theo ngài, được “mang đến từ chiến tranh, từ thành phố Bucha tử đạo”. Đồng thời, ngài đã chào đón và mời các trẻ em từ Ukraine đến bên cạnh và tặng cho các em những quả trứng phục sinh bằng sôcôla. Nhìn các em bé tị nạn, như là “một trong những hậu quả của chiến tranh”, Đức Thánh Cha một lần nữa, lập lại lời kêu gọi: “Hãy dừng cuộc chiến này lại! Hãy ngừng tiếng vũ khí! Hãy ngừng gieo rắc cái chết và sự hủy diệt!”
Đức Thánh Cha hôn lá quốc kỳ Ukraine từ Bucha, khi ngài gặp những người tị nạn Ukraine trong buổi tiếp kiến chung hôm 6. 4 tại Vatican. |
Dù thế, cuộc chiến vẫn tiếp diễn,
- tiếng còi báo động hàng ngày trên khắp đất nước cảnh báo nguy cơ của các cuộc tấn công tên lửa mới;
- chẳng thể đếm được có bao nhiêu người đã chết; bao nhiêu khí tài quân sự đã bị đốt cháy bên vệ đường; bao nhiêu tên lửa đã tàn phá thành phố, làng mạc;
- và với quá nhiều tàn tích, quá nhiều nước mắt, quá nhiều mất mát, thì dường như cuộc chiến chẳng dẫn đến kết quả gì ngoài sự cay đắng, hận thù, và đổ nát.
Khi phải chịu đựng những đau khổ; khi bị đẩy vào một cuộc chiến mà mình không tìm kiếm; và khi phải đối mặt với sự tàn bạo không thể hình dung.
Vì, chỉ ít tuần lễ trước đây,
- những khu vườn vẫn còn tuyết bao phủ, hứa hẹn sự xanh tươi sẽ trở lại khi nắng lên, thì giờ đây ngổn ngang những tử thi được lấp đất vội vàng, chào mời những côn trùng thay vì những đoá hoa và cánh bướm mùa xuân;
- những con phố đây đó những đôi tình nhân trẻ ngồi bên nhau, những người dân thư thả đón xe buýt đi làm; thì giờ đây là một đống hoang tàn, đổ nát, cháy lẹm;
Thì, câu hỏi mang tính cốt lõi,hiện sinh, lại một lần nữa, được vang lên, không phải chỉ nơi những người Ukraine, mà còn có thể, nơi bất cứ ai:
Thiên Chúa ở đâu, và tại sao Ngài lại cho phép những điều đó xảy ra?
***
Chúng ta đang bước vào Tuần Thánh, tuần lễ tưởng niệm mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô.
Hằng năm, khi cử hành cuộc Thương khó của Đức Kitô, chúng ta dễ dàng hình dung phần kết của câu chuyện - tường thuật về ngôi mộ trống -Người đã sống lại!
Nhưng năm nay, trong sự hiệp thông của Nhiệm thể Chúa Kitô, thì cuộc khổ nạn của Đức Kitôkhông dừng lại ở Giêrusalem, mà là ở ngay trên các đường phố của Ukraine, chính Chúa Kitô lại bị tước đoạt, lại bị tra tấn, lại bị đóng đinh, lại bị giết chết một lần nữa. Vào tuần trước, tuần này, tuần tới,…
Thậm chí, nếu cuộc chiến ở Ukraine kết thúc vào ngay hôm nay, hoặc ngày mai, thì:
- Làm thế nào để xoa dịu nỗi đau khi họ không thể chôn cất người thân, bạn bè một cách tươm tất, xứng với phẩm giá mà mỗi người xứng đáng được nhận?
- Làm thế nào để an ủi một đất nước, khi mà cuộc sống của người dân bỗng nhiên bị biến thành địa ngục, nơi không có thị trấn nào được dung tha khỏi sức công phá của bom đạn?
- Làm thế nào để một dân tộc có thể tha thứ khi họ bị tổn thương nặng nề, gia đình tan tác, tha hương, và cuộc sống đời thường bị lãng phí một cách vô ích?
Do đó, có lẽ việc dừng lại:
- với ngày Thứ Năm Tuần Thánh của những cảm giác hoang mang, hụt hẫng, và thất vọng mà những môn đệ Chúa Giêsu cảm nghiệm khi họ chứng kiến thày bị phản bội, bị bắt và bị kết án là điều dễ cảm nhậnhơn;
- với ngày Thứ Sáu Tuần Thánh của sự hiệp thông cùng một nỗi thống khổ, và cảm giác bị Thiên Chúa bỏ rơi của Chúa Giêsu trên thập giá là điều dễ dàng hơn;
- với ngày Thứ Bảy Tuần Thánh của sự cầu nguyện trong kiên nhẫn, khiêm tốn và tin tưởng là điều dễ thực hiện hơn.
Vì biết rằng, việc đi đến phần cuối câu chuyện có hậu là điều xa vời…
***
Tình yêu là một mầu nhiệm. Đau khổ cũng là một mầu nhiệm. Hay nói cách khác, Đau khổ và Tình yêu là cùng một mầu nhiệm - mầu nhiệm cứu độ, mà Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Kitô, Con Một của Ngài.
Đau khổ, cho dù ở trên đồi Canvê, 2000 năm trước, hay ở bất cứ đâu mà phận người chạm phải, có cùng khuôn mặt của Tình yêu ở giữa sự dữ: một Tình yêu có sức thanh luyện và giải thoát khỏi tội lỗi; một Tình yêu có sức tha thứ để vượt thắng hặn thù; một Tình yêu hiến trao để mang lại sự sống; để rồi, như là những môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta phải luôn chống lại sự dữ, bất công, tội lỗi, nhưng chúng ta cũng phải ôm lấy nỗi khổ đau, thử thách, mất mát của chính mình, của anh chị em, để đi theo và nên giống Thầy Chí Thánh: Đức Giêsu Kitô, Đấng Phục sinh từ trong cõi chết!
Nếu thế,
Phải chăng, Tuần thánh năm nay, với chúng ta, có một tên gọi khác – Ukraine?
Tác giả: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Theo: catholicworldreport.com và ncronline.org (08/4/2022)