03/05/2021 -

TỪ CỔ trong SÁCH KINH

601
Từ Cổ trong Kinh Lạy Thánh Mẫu
 
Lạy Thánh Mẫu Maria là Mẹ rất nhân từ,
Mẹ thông ơn Chúa,
xin chữa chúng con cho khỏi tay kẻ dữ,
cùng xin ghé mặt thương xem trong thì lâm tử. Amen

 
- Câu “Mẹ thông ơn Chúa” có từ “thông” là từ Hán Việt nghĩa là “chuyền khắp.” Từ điển Việt-Bồ-La có ba mục từ “thông,” mục từ hợp với Kinh này nghĩa là “truyền.” Hiểu đơn sơ câu này nghĩa là “Mẹ là Đấng chuyển ơn Chúa xuống cho chúng con.”

- Cụm từ trong thì lâm tửcó từ “thì” đồng nghĩa với từ “thời” nghĩa là “lúc, giai đoạn, khoảng thời gian”; “thì” là cách phát âm tương ứng của “thời.” Nghĩa nôm na của cụm từ này là “xin Mẹ để mắt trông nhìn đến con lúc con lâm tử (lúc con sắp lìa cõi đời này).” Nói đến “thì” “thời” chúng ta có thể nhớ đến hai câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu:

“Trai thời trung hiếu làm đầu,
Gái thời đức hạnh là câu trau mình”

Vì không hiều “thì” “thời”, “thời” đồng nghĩa với “thì” mà các bạn trẻ khi “bình luận” câu thơ này đã không ngần ngại đặt vấn đề “trai thời là gì?”, “gái thời là gì ?.”
 
- Trong Kinh này có cụm từ “lâm tử”: Từ điển tiếng Việt hiện đại giải thích “lâm” nghĩa là “ở vào tình thế không hay cho mình, như lâm nạn.” Nghĩa này không sát mấy với ý nghĩa của lời Kinh. Tự vị Annam Latinh có từ “lâm” nghĩa là “sắp tới, lại gần, xảy đến”; tác giả cũng ghi thêm hai mục từ “lâm chung” và “lâm tử” nghĩa là “cái chết rất gần.” Câu Kinh này chúng ta xin Mẹ cầu cùng Chúa thương chúng ta trong lúc “lâm tử”, lúc cái chết đang rình rập cận kề.
114.864864865135.135135135250