15/05/2021 -

TỪ CỔ trong SÁCH KINH

779
Từ Cổ trong Kinh Mười Bốn Mối
 
Thương người có mười bốn mối
Thương xác bảy mối:
Thứ nhất: cho kẻ đói ăn.
Thứ hai: cho kẻ khát uống.
Thứ ba: cho kẻ rách rưới ăn mặc.
Thứ bốn: viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc.
Thứ năm: cho khách đỗ nhà.
Thứ sáu: chuộc kẻ làm tôi
Thứ bảy: chôn xác kẻ chết.
Thương linh hồn bảy mối:
Thứ nhất: lấy lời lành mà khuyên người.
Thứ hai: mở dạy kẻ mê muội.
Thứ ba: yên ủi kẻ âu lo.
Thứ bốn: răn bảo kẻ có tội.
Thứ năm: tha kẻ dể ta.
Thứ sáu: nhịn kẻ mất lòng ta.
Thứ bảy: cầu cho kẻ sống và kẻ chết.               
 
- Tựa đề Kinh này là “Kinh Mười Bốn Mối”, chúng ta gặp từ “mối”: từ này có nét nghĩa hoàn toàn không tìm thấy trong từ điển tiếng Việt hiện đại. Từ điển Việt-Bồ-La ghi nhận mối” nghĩa là “điều” hay “khoản.” Nghĩa là “thương người có mười bốn điều, thương xác bảy điều, thương linh hồn bảy điều.” Nghĩa thứ hai của từ “mối” là “đầu mối” từ đó phát sinh ra những điều tiếp theo. Từ “mối” trong “Kinh Cải Tội Bảy Mối”, “Kinh Phúc Thật Tám Mối” dưới đây cũng có hai nghĩa như vậy.

- Trong suốt Kinh này chúng ta gặp từ “kẻ” là từ khiến chúng ta rất dễ dị ứng, bởi vì hiện nay từ “kẻ” thường đi kèm với những từ có sắc thái tiêu cực như “kẻ cướp”, “kẻ gian”, “kẻ thù.”.. Nhưng vào thời Từ điển Việt-Bồ-La từ “kẻ” có nét nghĩa trung tính nghĩa là “người.” Chúng ta cũng thấy câu tục ngữ “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” có từ “kẻ” cũng mang nét nghĩa trung tính là “người” như trong Từ điển Việt-Bồ-La ghi nhận vậy.

- Cụm từtù rạc” đã giải thích trong Kinh Bởi Lời.

- Chúng ta cũng gặp cụm từ “cho khách đỗ nhà: Từ “đỗ” trong Từ điển Việt-Bồ-La nghĩa là “ở lại”; “cho khách đỗ nhà” nghĩa là “cho khách ở lại trong nhà mình.” Tác giả từ điển còn ghi chú thêm “đỗ quán” nghĩa là “ở lại quán”; “chẳng đỗ lâu” nghĩa là “không ở lại lâu.”.. Tuy nhiên, nếu chỉ cho “khách” theo nghĩa hiện nay, nghĩa là “những người trong quan hệ với chủ nhà” thì câu Kinh này cũng thường thôi, vì khách của mình thì mình phải cho họ ở lại trong nhà mình thì có gì lạ đâu. Nhưng, từ “khách” thời Từ điển Việt-Bồ-La có nghĩa là “người ngoài”, “người muốn trú trọ”, nói cách nôm na là người lỡ đường không có quan hệ gì với chủ nhà cả, người dưng. Như vậy “cho khách đỗ nhà” mới là mối phúc, mới là thương người, còn nếu đón tiếp “khách” của mình, đó là phép xã giao lịch sự bình thường không phải là việc làm biểu lộ lòng thương người tự nguyện nữa.

- Cụm từ chuộc kẻ làm tôi”: Từ “làm tôiTừ điển Việt-Bồ-La dịch là “làm đầy tớ, làm gia nhân, làm người phục dịch.” Từ “chuộc” nghĩa là “mua lại, chuộc lại.” Vào thời phong kiến những người nghèo, những người tầng lớp dưới bị bán làm nô lệ, phục dịch cho người giàu và những tầng lớp trên trong xã hội. “Chuộc kẻ làm tôi” nghĩa là dùng tiền của mình để mua lại những người làm đầy tớ để cho họ được tự do. Câu Kinh này trong bối cảnh hiện nay phải hiểu là nâng đỡ, cứu giúp những người nghèo khổ, giải thoát những ai bị áp bức...

- Cụm từ mở dạy kẻ mê muội: Từ điển Việt-Bồ-La không có từ “mở dạy”, nhưng có từ “mở đạo” nghĩa là “dạy đạo.” Mở dạy” là từ ghép hai từ đồng nghĩa (‘mở’ cũng là ‘dạy’), để chỉ một nghĩa duy nhất là “dạy.” Từ “mê muội” có nghĩa là “dốt nát, ngu muội” (‘muội’ cũng là ‘ngu’). Hiểu nôm na là giúp đỡ những ai thiếu điều kiện học hiểu, những người không có cơ hội đến trường, không có phương tiện để hiểu biết những điều cần thiết.

- Cụm từ “răn bảo”: răn” có nghĩa là “khuyên.” Chúng ta cũng gặp lại từ này trong tiếng Việt hiện đại “khuyên răn” (“răn” cũng có nghĩa là “khuyên”).

- Trong Kinh này chúng ta gặp từdể” nghĩa là “khinh.” Tiếng Việt hiện đại có từ “khinh dể” ghép hai yếu tố đồng nghĩa để làm tăng mức độ biểu cảm, nhưng qua thời gian yếu tố “dể” đã mờ và gần như mất nghĩa.

- Từ “nhịn” trong cụm từ “nhịn kẻ mất lòng ta”: Từ điển tiếng Việt hiện đại ghi từ “nhịn” với hai nghĩa: 1.Tự ý để cho qua, không thỏa mãn nhu cầu nào đó của bản thân như nhịn đói, nhịn khát... 2.Dằn xuống không để biểu hiện sự phản ứng ra ngoài ví dụ như cố nhịn cười... Với hai nghĩa này trong tiếng Việt hiện đại không diễn tả được nghĩa của câu Kinh. Từ điển Việt-Bồ-La ghi ba nghĩa của từ “nhịn” như sau: 1.nhịn: chịu đựng cách kiên trì; 2.nhịn: nhẫn nại (kiên trì, bền bỉ chịu đựng...); 3.nhịn: dung thứ (rộng lượng tha thứ). Với ba nghĩa này của từ “nhịn” theo Từ điển Việt-Bồ-La câu Kinh sâu sắc và ý nghĩa tuyệt vời.
114.864864865135.135135135250