11/05/2021 -

TỪ CỔ trong SÁCH KINH

2173
Từ Cổ trong Kinh Nghĩa Đức Tin
 
Ngày Chúa Nhật hôm nay (hay lễ trọng nào thì đọc: ngày lễ...), chúng con hợp nhau kính lạy thờ phượng Chúa, khong khen cảm tạ ơn Chúa về mọi ơn lành Chúa đã ban cho chúng con, và phạt tạ Chúa vì những tội lỗi chúng con đã phạm mất lòng Chúa, thì chúng con dám xin Chúa hãy khứng ban những ơn cần kíp cho chúng con được rỗi linh hồn. Nên chúng con cả lòng tin vững vàng mọi điều đạo thánh Chúa dạy, nhất là những điều cần kíp này: là có một Đức Chúa Trời phép tắc vô cùng dựng nên trời đất, mà Người có Ba Ngôi: Ngôi Thứ Nhất là Cha, Ngôi Thứ Hai là Con, Ngôi Thứ Ba là Thánh Thần, Ba Ngôi cũng một tính một phép cho nên Ba Ngôi cũng một Chúa mà thôi.

Chúng con tin Ngôi Thứ Hai ra đời làm người sinh bởi Bà Maria đồng trinh, đặt tên là Giêsu; ở thế gian ba mươi ba năm, đoạn chịu chết trên cây Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ, đến ngày thứ ba Người sống lại,
khỏi bốn mươi ngày lên trời, đủ mười ngày lại cho Đức Chúa Thánh Thần xuống trên các Thánh Tông Đồ và Hội Thánh mới lập; ai chẳng thông công cùng Hội Thánh ấy thì chẳng được rỗi linh hồn; mà linh hồn là giống thiêng liêng chẳng hề chết được; và đến ngày tận thế xác loài người ta sẽ sống lại mà chịu phán xét, kẻ lành lên thiên đàng hưởng phúc đời đời, kẻ dữ sa hỏa ngục chịu phạt vô cùng.

Mà chúng con tin các sự ấy mà thôi thì chưa đủ cho được lên thiên đàng; song phải giữ Mười Điều Răn Đức Chúa Trời cùng Sáu Luật Điều Hội Thánh, và làm những việc lành phúc đức.
Nhân vì sự ấy chúng con hằng phải sợ hãi và trốn tránh các tội lỗi, nhất là bảy mối tội đầu, là căn nguyên mọi tội lỗi khác.
Vậy chúng con phải
ân cần lo lắng mà năng chịu các phép Bí Tích Đức Chúa Giêsu đã truyền, là những phương linh nghiệm cho chúng con được nên thánh. Có bảy phép Bí Tích mà thôi; song phép Rửa Tội, phép Mình Thánh Chúa cùng phép Giải Tội là ba phép cần kíp hơn cho chúng con được rỗi.
Ấy vậy, chúng con hằng phải ra sức lo lắng thể nào mà chịu các phép trọng ấy cho nên, cùng tin thật vững vàng mà giữ cẩn thận các điều trước này, thì mới được hưởng
phúc thanh nhàn đời đời kiếp kiếp. Amen.
 
- Trong Kinh này chúng ta gặp cụm từ kính lạy thờ phượng Chúa: nếu tra Từ điển tiếng Việt hiện đại thì cả hai từ này đều không có. Từ điển ViệtBồ-La giải thích kính lạy nghĩa là “thờ lạy”, thờ phượngcũng có nghĩa là “thờ lạy.” Trong tiếng Việt việc ghép hai từ đồng nghĩa để làm tăng mức độ biểu cảm ý nghĩa của từ ngữ mình muốn diễn đạt đó là cách thường thấy, ví dụ: đời đời kiếp kiếp, thiên thu vạn đại, giàu sang phú quý,... Các giáo sĩ thời ấy đã áp dụng cách ghép từ trong tiếng Việt này, có ý nhấn mạnh đến việc thờ lạy Chúa.

- Cụm từ “khong khen cám tạ ơn Chúa”: Từ điển Việt-Bồ-La có mục từ “khen” với nghĩa là “khen”, không có mục từ “khong khen.” Tự Vị Annam Latinh có mục từ “khong khen” với nghĩa là “khen” dưới dạng từ láy, trong đó yếu tố “khong” là yếu tố không có nghĩa. Nếu cụm từ “khong khen cám tạ ơn Chúa” mà bỏ từ láy “khong khen” đi, thay vào đó bằng từ “khen”, thì cụm từ ghép “khen cám tạ” sẽ không đối ứng về mặt âm và không vần, không điệu, rất khó đọc. Các giáo sĩ đã chọn lựa từ rất hợp lý bằng cách ghép từ láy “khong khen” với từ “cám tạ” vừa để bổ trợ với nhau về mặt nghĩa, vừa tạo thành từ ghép song tiết nhịp đôi rất dễ đọc, có nghĩa là “ca khen cám tạ ơn Chúa.”

- Cụm từ “ phạt tạ Chúa”: Từ điển Việt-Bồ-La không có từ “phạt tạ”, Tự Vị Annam Latinh chú thích từ “phạt tạ” có nghĩa là “khiêm tốn xin tha thứ.” Như thế, nghĩa của nguyên câu kinh sẽ là “khiêm tốn xin Chúa tha thứ vì những tội lỗi chúng con đã phạm mất lòng Chúa.”

- Tiếp đến là cụm từ “thì xin Chúa hãy khứng ban những ơn cần kíp”: từ “khứng” trong Từ điển Việt-Bồ-La có nghĩa là “muốn” và nghĩa mà từ điển tiếng Việt hiện đại ghi chú là “ưng, thuận.” Nghĩa trong Từ điển Việt-Bồ-La là nghĩa chủ động “muốn”, nghĩa trong tiếng Việt hiện đại là nghĩa thụ động “ưng, thuận.” Nghĩa trọn vẹn của câu cách dễ hiểu là “xin Chúa muốn (chủ động theo ý Chúa) ban những ơn cần kíp cho chúng con.” Có thể hiểu thêm nghĩa của câu Kinh: ơn ban là những gì tùy thuộc vào tình thương và lòng nhân lành của Chúa, do ý Chúa “muốn” chứ không phải do chúng con “kèo nài” và Chúa chỉ có việc “ưng, thuận” hay bằng lòng thôi.

- Cụm từ “cả lòng” đã giải thích trong “Kinh Ăn Năn Tội” . “Cả lòng tin vững vàng” nghĩa là dồn hết lòng tin vào Chúa, tin cách vững vàng mạnh mẽ.

- Cụm từ “Ba Ngôi cũng một tính, một phép”: Từ điển Việt-Bồ-La có từ “phép” với bốn nét nghĩa khác nhau, nghĩa từ “phép” trong cụm từ này là “quyền năng” đây là nghĩa mà từ điển tiếng Việt hiện đại không có. Chúng ta cũng gặp từ “phép” với nghĩa “quyền năng” trong cụm từ “phép tắc” đã giải thích trong Kinh Cậy. Cụm từ “Ba Ngôi cũng một tính, một phép” nghĩa là: Ba Ngôi cùng một bản tính, cùng một quyền năng như nhau. Từ điển Việt-Bồ-La cũng giải thích “tính” có nghĩa là bản tính, bản thể. Chúng ta cũng gặp nghĩa từ “phép” này trong cụm từ “phép lạ” nghĩa là thể hiện quyền năng cách lạ lùng.

- Cụm từ “khỏi bốn mươi ngày lên trời”: Từ điển Việt-Bồ-La giải thích từ “khỏi” nghĩa là “đã vượt qua, đã qua”, tác giả lấy ví dụ: “khỏi hai ngày” nghĩa là “đã qua hai ngày, như vậy khỏi bốn mươi ngày lên trời” nghĩa là “qua bốn mươi ngày, lên trời.”

Trọn vẹn câu Kinh là: “Chúng con tin Ngôi Thứ Hai ra đời làm người sinh bởi Bà Maria đồng trinh, đặt tên là Giêsu; ở thế gian ba mươi ba năm, sau đó chịu chết trên cây Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ; đến ngày thứ ba Người sống lại; qua bốn mươi ngày, lên trời...” Qua câu Kinh này, chúng ta gặp cả vấn đề về ngữ pháp và việc đặt dấu ngắt câu; nhưng tôi tạm dừng ở việc dùng Từ điển Việt-Bồ-La để soi sáng ý nghĩa các từ ngữ cổ; còn phần về việc giải thích ngữ pháp và việc dùng dấu ngắt câu của tiếng Việt thế kỷ XVII, tôi sẽ dành giải thích và gởi đến độc giả trong các nghiên cứu sau này.

- Cụm từ “linh hồn là giống thiêng liêng”: từ “giống” trong tiếng Việt thế kỷ XVII cũng có những nét nghĩa như trong tiếng Việt hiện đại, nhưng kết hợp “giống thiêng liêng” lại là kết hợp của tiếng Việt thế kỷ XVII. Tiếng Việt hiện đại chỉ có kết hợp “loài thiêng liêng” không ai nói “giống thiêng liêng” cả; mặc dù nghĩa như nhau, nhưng bối cảnh kết hợp và chọn lựa từ của hai giai đoạn lịch sử hoàn toàn khác nhau.

- Cụm từ “nhân vì sự ấy” nghĩa là “bởi vậy, vì vậy”, cụm từ này chúng ta có thể gặp trong rất nhiều Kinh cũng như các chặng đàng Thánh Giá trong các sách Kinh.

- “Vậy chúng con phải ân cần lo lắng”: Từ “ân cần” trong tiếng Việt hiện đại chẳng có nét nghĩa nào phù hợp với câu Kinh. Từ điển Việt-Bồ-La giải thích ân cần” nghĩa là “chăm chỉ.” Nghĩa của câu Kinh là “chăm chỉ siêng năng chịu các phép Bí Tích Đức Chúa Giêsu đã truyền.”

- Cụm từ “phương linh nghiệm”: nếu tra từ điển tiếng Việt hiện đại chúng ta sẽ hiểu cụm từ này nghĩa là “phương cách có hiệu quả, hiệu nghiệm”, nhưng nếu hiểu theo nghĩa này thì ý nghĩa của câu Kinh sẽ rất hạn hẹp. Từ điển Việt-Bồ-La giải thích phương linh nghiệm” là “phương thức siêu nhiên.” Câu Kinh: “là những phương linh nghiệm cho chúng con được nên thánh” nghĩa là “những phương thức siêu nhiên giúp chúng con được nên thánh.”

- Chúng ta cũng gặp lại từ “chịu” với nét nghĩa tích cực trong cụm từ “chịu các phép trọng”, là nét nghĩa mà chỉ trong tiếng Việt thế kỷ XVII mới có.

- Cụm từ “hưởng phúc thanh nhàn”: Từ điển Việt-Bồ-La giải thích “thanh nhàn” nghĩa là “không thay đổi, vững bền”, “phúc thanh nhàn” nghĩa là phúc vững bền, không thay đổi. Chúng ta gặp lại kiểu ghép các từ đồng nghĩa để làm gia tăng nét nghĩa muốn diễn tả “hưởng phúc thanh nhàn đời đời kiếp kiếp” nghĩa là “hưởng phúc vững bền mãi mãi.”
114.864864865135.135135135250