Phúc thật tám mối:
Thứ nhất: ai có lòng khó khăn, ấy là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.
Thứ hai: ai hiền lành, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được đất Đức Chúa Trời làm của mình vậy.
Thứ ba: ai khóc lóc, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được yên ủi vậy.
Thứ bốn: ai khao khát nhân đức trọn lành, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được no đủ vậy.
Thứ năm: ai thương xót người ấy là phúc thật, vì chưng mình sẽ được thương xót vậy.
Thứ sáu: ai giữ lòng sạch sẽ ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được thấy mặt Đức Chúa Trời vậy.
Thứ bảy: ai làm cho người hòa thuận, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời vậy.
Thứ tám: ai chịu khốn nạn vì đạo ngay, ấy là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.
- Từ điển Việt-Bồ-La ghi chú một mục từ “phúc thật tám mối” nghĩa là “tám đầu mối phúc lạc chân thật”, hiểu nôm na là “tám đầu mối đem lại hạnh phúc chân thật” và đây là ý nghĩa trọn vẹn sâu sắc của Kinh này.
- Trong Kinh này chúng ta gặp một cấu trúc ngữ pháp lặp đi lặp lại rất hay của tiếng Việt thế kỷ XVII, nhưng về phần ngữ pháp tôi sẽ gởi đến quý vị trong các bài nghiên cứu sau. Các cụm từ “ấy là”, “vì chưng” lặp đi lặp lại trong tám mối phúc: từ “ấy là” có nghĩa “chính là”, “vì chưng” có nghĩa “bởi vì”, chúng ta có thể thay thế vào lời Kinh và sẽ thấy dễ hiểu thêm.
- Từ “khó khăn” trong tiếng Việt hiện đại không phù hợp với lời Kinh. Từ điển Việt-Bồ-La giải thích “khó khăn” nghĩa là “nghèo khó”, “khó khăn” với nghĩa “nghèo khó” đồng nghĩa với những câu đầu tiên Tin Mừng Matthêu chương 5. “Có lòng khó khăn” nghĩa là “có tinh thần nghèo khó chính là phúc thật.”
- Trong Kinh này chúng ta gặp cụm từ “chịu khốn nạn vì đạo ngay”: từ “khốn nạn” trong tiếng Việt hiện đại có nét nghĩa “hèn mạt, không còn nhân cách, đáng khinh bỉ, nguyền rủa” không phù hợp chút nào với lời Kinh. Từ điển Việt-Bồ-La và Tự Vị Annam Latinh giải thích “khốn nạn” nghĩa đơn giản là “khó nhọc, cực khổ” mà thôi. Từ “khốn nạn” đã thay đổi nghĩa nhiều trong tiếng Việt hiện đại, làm cho câu Kinh thay đổi nghĩa nếu không hiểu theo nghĩa gốc.