Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần.
Như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen.
Như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen.
- Trong Kinh này chúng ta gặp từ “sáng”, từ này trong tiếng Việt hiện đại chỉ có nghĩa của tính từ và danh từ. Tuy nhiên, trong tiếng Việt cổ từ thế kỷ XVII cho đến thế kỷ XIX nó còn có thêm nghĩa của động từ. “Sáng” nghĩa động từ là “làm cho rõ, làm cho tỏ rạng, làm cho hiểu biết” và nét nghĩa Hán Việt của từ “sáng” lúc bấy giờ còn có nghĩa là “dựng nên, làm ra, tạo nên” nghĩa này đã làm nên các tổ hợp từ “sáng tạo, sáng chế, sáng kiến.”
Mở đầu câu Kinh này, các giáo sĩ lúc bấy giờ đã ứng dụng cấu trúc ngữ pháp Châu Âu, lược bỏ chủ ngữ, đưa động từ lên đầu câu để nhấn mạnh hoạt động cần thực hiện, câu trở thành câu mệnh lệnh. Cha Đắc Lộ đã lấy ví dụ trong sách Ngữ pháp tiếng Việt của Cha như sau: “Nếu tôi nói ‘chèo đi cho mạnh’ thì có nghĩa là ‘anh hãy chèo mạnh’.” Nghĩa là khi lược chủ từ, đưa động từ lên đầu câu, thì câu thành câu mệnh lệnh. Như vậy, cụm từ “sáng danh…” khởi đầu trong câu Kinh này biến câu thành câu mệnh lệnh nghĩa là “hãy làm cho danh Chúa tỏ rạng, hãy làm cho danh Thiên Chúa được nhiều người hiểu biết….”
- Trong câu Kinh này có ba từ “đức Chúa”: “Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần.” Từ điển ViệtBồ-La có mục từ “đức” được tác giả giải thích: “Đây là tước hiệu danh giá tột đỉnh.” Các Giáo sĩ ban đầu đã hội nhập văn hóa và ứng dụng tước hiệu này với các danh xưng cao nhất nước lúc bấy giờ, đức vua, đức chúa, đức chúa bà, đức lão, đức thái quốc,… vào các danh xưng trong đạo. Chính vì vậy mà từ “đức” được ghép với danh xưng dành cho Chúa, sau Chúa có Đức Mẹ và Đức thánh Thiên Thần, ngoài ra các Thánh không được gọi bằng danh xưng có kèm với từ “đức.”
- Về từ “Chúa”: Tưởng cũng nên thắc mắc để biết thêm, tiếng Việt lúc bấy giờ đã có các từ Hán Việt chỉ người đứng vị trí cao nhất nước như: vua, vương, đế, thượng đế, thiên tử, thiên vương…; có các từ chỉ các đấng thiêng liêng như: thần, thần linh, thần thánh, thánh… Tại sao các Giáo sĩ không chọn các từ Hán Việt đương đại chỉ cấp bậc cao nhất đang thịnh hành lúc bấy giờ mà lại chọn từ “chúa” là một từ Hán Việt cổ; tại sao các vị không chọn các từ ngữ có tính chất linh thiêng mà lại chọn từ “chúa.” Đàng khác, tương đương với từ “chúa” (từ Hán Việt cổ vào Việt Nam trước thế kỷ IX) có từ “chủ” (Hán Việt đương đại vào Việt Nam từ thế kỷ IX đến nay), tại sao các Giáo sĩ cũng không dùng từ “chủ” mà chọn từ “chúa.”
Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cùng lần giở lại lịch sử Việt Nam lúc bấy giờ. Khi các nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân lên đất Việt thế kỷ XVI, tình hình Đại Việt lúc bấy giờ đang xảy ra nội chiến – đất nước chia đôi, các triều đại phong kiến tranh dành địa vị - ngôi báu. Đại Việt khi ấy có vua nhưng là vua bù nhìn. Điều hành và cai trị ở Đàng Ngoài là chúa Trịnh, điều hành và cai trị ở Đàng Trong chúa Nguyễn. Vua đối với dân lúc bấy giờ không có nghĩa gì hết. Cha Đắc Lộ nắm rõ tình hình chính trị này khi đặt chân lên đất Việt, cha đã ghi nhận yếu tố lịch sử này rất rõ qua các mục từ trong Từ điển Việt-Bồ-La như sau:+ “Đức vua” nghĩa là “vị vua không cai trị.”
+ “Đức chúa” nghĩa là “vị vua cai trị.”
+ “Vua trời” nghĩa là “vua của trời”, đây là tước hiệu người ta gán cho vị quỷ thần và người ta nhân danh vị ấy mà thề nguyền.
+ “Chúa” nghĩa là “người cai trị toàn thể vương quốc mà chúng tôi (các nhà truyền giáo) gọi là rex (vua).”
+ “Đức Chúa trời đất” nghĩa là “chúa của trời và đất, tên mà người Đông Kinh gọi Deus (Thiên Chúa).”
+ “Đức Chúa Trời” nghĩa là “Chúa Trời”, là “Thiên Chúa.”
Qua các mục từ này chúng ta ghi nhận được rằng: các danh từ chỉ tước hiệu cao nhất nước của Đại Việt lúc bấy giờ gồm “vua” và “chúa.” Tuy nhiên, tước hiệu “vua” chỉ là tước hiệu bù nhìn, cha Đắc Lộ giải thích nôm na “đó là vị vua không cai trị.” Hai “chúa” cai trị hai vương quốc Đàng Ngoài và Đàng Trong mới thực sự là có danh và có quyền trên dân. Hình ảnh “vua” đối với dân Đại Việt lúc bấy giờ chỉ là “hữu danh vô thực”, có danh nhưng hoàn toàn không có quyền gì. Đó hẳn là lý do các Giáo sĩ đã chọn từ “chúa” thay cho các từ “vua, đế, vương.”
Về từ “chủ” có lẽ Đại Việt lúc bấy giờ đang còn trong chế độ phong kiến, hình ảnh “chủ - tớ” không thích hợp với đại từ mà các Giáo sĩ chọn để chỉ Thiên Chúa mà các vị đang rao giảng. Mặc dù từ “chủ” gốc Hán là từ đồng nghĩa hoàn toàn với từ “chúa.” Và, hẳn các Giáo sĩ không chọn từ “chủ” đơn giản vì lúc đó dân Đại Việt không dùng từ “chủ” để chỉ người đứng vị trí cao nhất nước mà dùng từ “chúa.” Hơn nữa, từ “chúa” lúc bấy giờ là từ Hán Việt cổ đã nhập hệ vào tiếng Việt sâu đến nỗi người ta không còn coi đó là từ gốc Hán nữa. Thiết nghĩ với các bối cảnh trên, từ “chúa” xem ra thích hợp hơn với các từ “vua, đế, vương, chủ.”
Mặt khác, vì muốn truyền giảng một đạo mới, đạo ấy nói về “Thiên Chúa yêu thương sinh xuống làm người như chúng ta – trừ tội lỗi.” Vì thế nên các Giáo sĩ thuở ấy hẳn cũng tránh các từ có tính cách thần linh cao siêu, cách xa với con người để gọi Thiên Chúa. Các Giáo sĩ muốn truyền giảng một Thiên Chúa gần gũi, một Thiên Chúa điều khiển con người, Ngài làm chủ trên sinh mạng từng người.
Từ “chúa” biểu thị đấng uy quyền, đấng tối cao điều khiển dân nước, nhưng “chúa” lại là một người từ giữa dân, sống với dân hiểu dân và dẫn dân đi trong an bình. Có lẽ hiểu bối cảnh khi đạo Công Giáo vào Việt Nam, hiểu lịch sử Việt Nam lúc bấy giờ, chúng ta hiểu được sự hội nhập văn hóa và cách chọn từ ngữ để truyền đạo của các nhà truyền giáo thật thâm thúy và sâu sắc.
Các nét nghĩa của từ “chúa” trong tiếng Việt hiện đại sẽ được hiểu sâu sắc hơn, nếu chúng ta kết hợp với bối cảnh Đạo Công giáo đến Việt Nam lúc bấy giờ và nếu chúng ta gắn kết với các nét nghĩa của từ “chúa” trong từ điển Hán Việt của Thiều Chửu hoặc của Đào Duy Anh. Hiện nay từ “chúa” trong tiếng Việt hiện đại dường như nét nghĩa bị thu hẹp lại, chỉ để nói đến “Thiên Chúa trong Thiên Chúa giáo” mà thôi.