Tôi tin kính Đức Chúa Trời,
là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.
Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha, cùng là Chúa chúng tôi,
bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai sinh bởi Bà Maria Đồng Trinh,
chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đinh trên cây Thánh giá,
chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại,
lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng,
ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.
Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần.
Tôi tin có Hội thánh hằng có ở khắp thế này, các thánh thông công.
Tôi tin phép tha tội.
Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen.
- Tự vị Annam Latinh có mục từ “Kinh Tin Kính” trùng với tựa đề của Kinh này, tác giả giải thích “Kinh Tin Kính” nghĩa là “Bản tóm tắt giáo lý của các Tông Đồ.” Từ điển Việt-Bồ-La có mục từ “tin” cùng một nghĩa với “lòng tin, đức tin” được giải thích là “tin bằng con tim”; Tự vị Annam Latinh còn có mục từ “kính tin” đồng nghĩa với “tin kính” nghĩa là “tin.” Thiết nghĩ các mục từ trong hai từ điển này giúp chúng ta hiểu mình đọc câu Kinh với thái độ nào.
- Về đại từ “tôi”: Trong tất cả các Kinh được soạn từ khi đạo Công Giáo được truyền vào Việt Nam, có hai đại từ được sử dụng chính trong các Kinh là: Đại từ chỉ “Chúa, Đức Chúa” đã giải thích trong Kinh Sáng Danh và Các đại từ chỉ người theo đạo, người đọc Kinh là “tôi, chúng tôi.” Từ “tôi, chúng tôi” có nghĩa rất phù hợp với các lời Kinh. Trong Từ điển Việt-Bồ-La có hai lần tác giả nêu mục từ “tôi” với nghĩa là “tôi, bầy tôi, đầy tớ”, lần nào tác giả cũng chú thích thêm đó là “nói cách khiêm hạ. Tự vị Annam Latinh chỉ có một mục từ “tôi” với nghĩa là “tôi, đầy tớ, kẻ bề dưới tự xưng mình như thế, tôi tớ, bề tôi.” Như vậy, nghĩa cổ của từ “tôi” là nghĩa biểu thị sự khiêm hạ và tỏ lòng tôn kính người đối thoại một rõ ràng và đặc biệt.
Có lẽ từ khi tiếp xúc rộng rãi với ngôn ngữ văn hóa Châu Âu, các nét nghĩa cổ của “tôi, và chúng tôi” trong văn hóa Việt Nam đã biến mất. Thay vào đó từ “tôi” trong tiếng Việt hiện đại đã mang nét nghĩa là “từ cá nhân dùng để tự xưng với người ngang hàng hoặc khi không cần tỏ thái độ tình cảm gì.” Nghĩa này hoàn toàn không phù hợp với tâm tình và nghĩa của các lời Kinh. Vì thế, với thời gian đại từ “tôi” trong các Kinh được sửa lại thành “con”, “chúng tôi” được sửa lại thành “chúng con” để cho phù hợp tiếng Việt hiện đại.
Hiểu được nét nghĩa lịch sử của từ “tôi, chúng tôi”, chúng ta dễ đón nhận một số văn bản của đạo Công giáo in đã quá cổ xưa mà đôi khi vẫn được dùng để đọc nơi chung. Nếu gặp từ “tôi, chúng tôi” trong bối cảnh này, chúng ta đừng vội hiểu theo nghĩa hiện đại và đón nhận chúng với nghĩa cổ của chúng.
Tuy nhiên, trong tất cả các Kinh vẫn còn có Kinh Tin Kính và Kinh Thú Nhận đại từ “tôi” được giữ lại. Theo thiển ý và theo cách hiểu mạo muội của cá nhân, việc giữ lại đại từ “tôi” trong hai Kinh này hẳn Giáo hội Việt Nam cũng không muốn xóa đi nét nghĩa cổ của đại từ này là tâm tình xứng hợp khi đọc hai Kinh ấy. Thêm vào đó Giáo hội cũng muốn nhấn mạnh việc tuyên xưng đức tin và việc nhìn nhận tội lỗi đó là việc mỗi cá nhân phải đích thân xác quyết mạnh mẽ, và phải được công bố lớn tiếng “tôi…” (tôi tin kính…, tôi thú nhận…).
Hiểu được nét nghĩa lịch sử của từ “tôi, chúng tôi”, chúng ta dễ đón nhận một số văn bản của đạo Công giáo in đã quá cổ xưa mà đôi khi vẫn được dùng để đọc nơi chung. Nếu gặp từ “tôi, chúng tôi” trong bối cảnh này, chúng ta đừng vội hiểu theo nghĩa hiện đại và đón nhận chúng với nghĩa cổ của chúng.
Tuy nhiên, trong tất cả các Kinh vẫn còn có Kinh Tin Kính và Kinh Thú Nhận đại từ “tôi” được giữ lại. Theo thiển ý và theo cách hiểu mạo muội của cá nhân, việc giữ lại đại từ “tôi” trong hai Kinh này hẳn Giáo hội Việt Nam cũng không muốn xóa đi nét nghĩa cổ của đại từ này là tâm tình xứng hợp khi đọc hai Kinh ấy. Thêm vào đó Giáo hội cũng muốn nhấn mạnh việc tuyên xưng đức tin và việc nhìn nhận tội lỗi đó là việc mỗi cá nhân phải đích thân xác quyết mạnh mẽ, và phải được công bố lớn tiếng “tôi…” (tôi tin kính…, tôi thú nhận…).
- Trong Kinh này có cụm từ “ngục tổ tông” thật là khó hiểu và khó giải thích, vì ngoài nghĩa từ ngữ nó còn mang nghĩa thần học tín lý. Trong giới hạn của tập sách, tôi chỉ dừng lại ở việc giải thích từ ngữ. Từ điển Việt-Bồ-La giải thích “ngục” nghĩa là “nhà giam.” Tự vị Annam Latinh có mục từ “tổ tông” đồng nghĩa với từ “tổ tiên”, nhưng trong ngữ cảnh này từ “tổ tông” phải được hiểu là gồm những người từ Adam – Eva cho đến Chúa Giêsu. Chúng ta có thể hiểu nôm na cụm từ “ngục tổ tông” là nơi giam cầm những người công chính đã chết trước khi Chúa Giêsu đến. Khi Chúa Giêsu đến, Ngài đem Tin Mừng cứu độ cho các linh hồn bị giam cầm nơi “ngục tổ tông” đó (x.1Pr 3,1819). Một cách dùng hình ảnh “ngục” (nơi giam giữ) để nói về tình trạng của những người ăn ngay ở lành đã chết trước khi được Chúa Giêsu cứu chuộc bằng mầu nhiệm chết và phục sinh của Chúa đó là: Nhiều nhà thờ xưa ở Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Đông vẽ cảnh Chúa Giêsu Phục Sinh ra khỏi mồ, một tay dắt ông Ađam, một tay dắt bà Eva vào cõi sống, như Chúa hứa với người trộm lành: “Ngay hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).
- Trong Kinh này có các cụm từ “bởi trong kẻ chết mà sống lại”, “bởi trời.” Tiếng Việt hiện đại giải thích từ “bởi” là kết từ chỉ nguyên nhân, nghĩa này không hợp với nghĩa của lời Kinh. Từ điển Việt-Bồ-La giải thích từ “bởi” với nét nghĩa chỉ không gian, nghĩa là “từ.” Từ điển có thêm các mục từ “bởi đâu” nghĩa là “từ đâu”; “bởi đâu mà về” nghĩa là “từ đâu mà về.” Với các mục từ này chúng ta có thể hiểu các cụm từ “bởi trong kẻ chết mà sống lại”, “bởi trời” cách dễ dàng: “bởi trong kẻ chết mà sống lại” nghĩa là “từ trong kẻ chết mà sống lại”, “bởi trời” nghĩa là “từ trời.”
- Câu “Tôi tin các Thánh thông công”: từ “thông công” thật là khó hiểu. Từ điển Việt-Bồ-La có mục từ “thông công” được cha Đắc Lộ giải thích là “sự thông công, sự thông hiệp của các thánh.” Tác giả Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giải thích “thông” nghĩa là “chung”, “thông công” nghĩa là “công chung.” Theo Giáo hội Công giáo, tín điều “Các Thánh thông công” có ý nói lên niềm tin vào sự liên lạc siêu nhiên mật thiết, sống động bằng sự thông chia công phúc giữa các phần tử trong Giáo Hội lữ hành với các Thánh trên trời và với các linh hồn ở luyện ngục. Vì chính bởi mối liên hệ mật thiết giữa các Thánh, chúng ta và các linh hồn ở luyện ngục, mà chúng ta mới có thể xin lễ, làm việc lành, cầu nguyện cho nhau được, và mới có thể nhờ công nghiệp của nhau được! Hành động này được gọi là “thông công.”
- Trong Kinh này có câu “Tôi tin phép tha tội”, từ “phép” trong câu này sẽ được giải thích trong Kinh Bảy Phép Bí Tích.