07/02/2025 -

TƯ LIỆU

4
3 cuốn Kinh Thánh được bảo tồn lâu đời nhất trên thế giới

Những cuốn Kinh Thánh cổ này là những hiện vật lịch sử vô giá. Chúng tiết lộ cách các cộng đoàn đầu tiên tổ chức, truyền tải và bảo tồn các bản văn và truyền thống của mình.
 

Kinh Thánh, như chúng ta biết ngày nay, là kết quả của một quá trình biên soạn, tranh luận và truyền bá lâu dài. Thay vì là một cuốn sách thống nhất, duy nhất ngay từ đầu, nó xuất hiện như một tập hợp các bản văn - các câu chuyện lịch sử, luật lệ, thi ca, lời ngôn sứ và thư từ - được viết trong nhiều thế kỷ bằng tiếng Do Thái, tiếng Aram và tiếng Hy Lạp. Những văn bản này được lưu hành trong nhiều cộng đoàn khác nhau trước khi cuối cùng được tập hợp thành các quy điển (canon) được các truyền thống tôn giáo khác nhau công nhận.
 

Quá trình xác định những cuốn sách nào được coi là có thẩm quyền thì rất phức tạp. Trong Kitô giáo, các hội đồng và nhà thần học đầu tiên đã tranh luận về những bản văn nào thuộc về quy điển. Một số tác phẩm được chấp nhận rộng rãi, trong khi những tác phẩm khác vẫn nằm ngoài lề. Điều này dẫn đến sự tồn tại của các văn bản bổ sung được gọi là sách Ngụy thư (Apocrypha) hoặc sách Đệ nhị Thư quy (deuterocanonical), tùy thuộc vào truyền thống. Trong khi Kinh Thánh Tin Lành thường không bao gồm những cuốn sách này, thì các thư quy Công giáo và Chính thống giáo bao gồm các tác phẩm như Tôbia, Khôn ngoan và 1&2 Maccabê. Các cộng đoàn Kitô giáo khác, chẳng hạn như Giáo hội Chính thống giáo Ethiopia, lưu giữ các bộ sưu tập bản Kinh Thánh thậm chí còn rộng lớn hơn.
 

Lịch sử về chất liệu của Kinh Thánh cũng phức tạp không kém. Sự chuyển đổi từ cuộn giấy sang bản viết tay (định dạng giống như sách) đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các bản văn Kinh Thánh. Những cuốn Kinh Thánh lâu đời nhất còn tồn tại cung cấp những hiểu biết có giá trị về quá trình truyền tải các bản văn này, cách tổ chức của chúng và bối cảnh văn hóa mà chúng được tạo ra. Sau đây là ba trong số những cuốn Kinh Thánh lâu đời nhất còn được bảo quản trên thế giới, mỗi cuốn đều là một hiện vật đặc biệt có ý nghĩa về mặt tôn giáo, ngôn ngữ và lịch sử.
 

1. Kinh Thánh Ethiopia (khoảng năm 330-350 CN)
 

Được coi là cuốn Kinh Thánh hoàn chỉnh lâu đời nhất được biết đến, bản Kinh Thánh Ethiopia được viết bằng tiếng Ge’ez, một ngôn ngữ Semit cổ vẫn được sử dụng trong nghi lễ của người Ethiopia. Không giống như quy điển Kinh Thánh phương Tây, bản Kinh Thánh Ethiopia có 81 quyển, bao gồm các văn bản không có trong các truyền thống Kitô giáo khác, chẳng hạn như sách Enoch, Jubilees và 1 Meqabyan.
 

Bản Kinh Thánh này phản ánh sự phát triển độc đáo của Kitô giáo ở Ethiopia, nơi đức tin này trở thành quốc giáo vào thế kỷ thứ IV dưới thời Vua Ezana. Giáo hội Chính thống giáo Tewahedo Ethiopia duy trì một quy điển bảo tồn các truyền thống Do Thái và Kitô giáo ban đầu, một số trong số đó đã bị thất lạc ở nơi khác. Các bản viết tay thường được đóng bằng da, viết trên giấy da động vật và được lưu giữ trong các thư viện của tu viện.

kt2
 Giáo hội Chính thống giáo Tewahedo Ethiopia duy trì một quy điển bảo tồn các truyền thống Do Thái và Kitô giáo ban đầu,
một số trong số đó đã bị thất lạc ở nơi khác.
Kanokwann | Shutterstock

 

Bản Kinh Thánh Ethiopia cung cấp cái nhìn hiếm hoi về cách các cộng đoàn Kitô giáo ban đầu bên ngoài đế quốc Rôma biên soạn và truyền bá các bản văn thánh. Sự tồn tại của nó trong bối cảnh tu viện xa xôi đã giúp bảo vệ thư quy đặc biệt này khỏi những thay đổi vốn định hình các truyền thống Kinh Thánh khác.

2. Codex Sinaiticus (khoảng năm 330–360 CN)

Codex Sinaiticus (bản Kinh Thánh Sinai) là một trong những bản viết tay Kinh Thánh quan trọng nhất từng được phát hiện. Được viết bằng tiếng Hy Lạp trên giấy da, nó chứa đựng phần lớn Kinh Thánh tiếng Hebrew (trong bản dịch tiếng Hy Lạp được gọi là Bản Bảy Mươi - Septuagint) và bản sao hoàn chỉnh sớm nhất của Tân Ước.

 

kt3
 Cấu trúc của bản viết tay rất ấn tượng, với chữ viết rõ ràng, thống nhất được sắp xếp thành bốn cột trên một trang
- một định dạng hiếm thấy đối với các bản viết tay cổ.
Domaine public


Được phát hiện vào thế kỷ XIX tại Tu viện St. Catherine ở Bán đảo Sinai, Codex Sinaiticus cũng bao gồm các bản văn sau này bị loại khỏi quy điển, chẳng hạn như Thư của Barnabas và Người mục tử của Hermas. Những bổ sung này cung cấp cái nhìn sâu sắc có giá trị về sự đa dạng của nền văn chương Kitô giáo thuở ban đầu.
 

Cấu trúc của bản viết tay rất ấn tượng, với chữ viết rõ ràng, thống nhất được sắp xếp thành bốn cột trên một trang - một định dạng hiếm thấy đối với các bản viết tay cổ. Các trang của nó tiết lộ các bản sửa lỗi và ghi chú bên lề, bằng chứng về công việc hợp tác của nhiều người ghi chép. Ngày nay, bản viết tay được chia sẻ cho Thư viện Anh quốc, Đại học Leipzig, Thư viện Quốc gia Nga và Tu viện St. Catherine.
 

3. Codex Vaticanus (khoảng năm 300-325 CN)
 

Được lưu giữ tại Thư viện Vatican, Codex Vaticanus (bản Kinh Thánh Vatican) là một trong những bản viết tay lâu đời nhất và hoàn chỉnh nhất của Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Giống như Codex Sinaiticus, nó chứa hầu hết bản Septuagint và Tân Ước, mặc dù một số phần bị mất do hư hỏng.
 

Được viết trên giấy da mịn với độ chính xác đặc biệt, Codex Vaticanus nổi tiếng với nét chữ thanh lịch và ít họa tiết trang trí. Bố cục văn bản của nó phản ánh công việc cẩn thận của những người chép Kinh Thánh chuyên nghiệp, có thể được thực hiện tại Alexandria, một trung tâm học thuật Kitô giáo ban đầu.

kt4
 Được viết trên giấy da mịn với độ chính xác đặc biệt,Codex Vaticanus nổi tiếng với nét chữ thanh lịch và ít họa tiết trang trí.
Public domain


Bản viết tay này đã có tại Thư viện Vatican ít nhất là từ thế kỷ XV, nhưng lịch sử trước đó của nó không rõ ràng. Việc bảo quản nó cung cấp dữ liệu quan trọng cho việc phê bình bản văn, giúp các học giả so sánh các biến thể giữa các bản viết tay Kinh Thánh cổ đại và tái tạo sự phát triển của văn bản Kinh Thánh theo thời gian.
 

Những cuốn Kinh Thánh cổ đại này là những hiện vật lịch sử vô giá. Chúng không chỉ tiết lộ bản thân các bản văn mà còn tiết lộ cách các cộng đoàn đầu tiên tổ chức, truyền tải và bảo tồn chúng. Sự khác biệt về nội dung, ngôn ngữ và định dạng trên các bản viết tay này phản ánh sự đa dạng của các truyền thống Kitô giáo ban đầu và lịch sử phức tạp của cuốn Kinh Thánh như một tài liệu văn hóa và tôn giáo.
 

Thông qua các bản văn này, chúng ta có được cái nhìn sâu sắc về sự tiến triển của tổ chức tôn giáo, sự lan truyền của chữ viết và nghệ thuật của những người ghi chép Kinh Thánh thời cổ xưa. Chúng nhắc nhở chúng ta rằng lịch sử của Kinh Thánh không chỉ là về những từ ngữ trên một trang giấy mà còn về những con người và nền văn hóa đã truyền tải những từ ngữ đó qua nhiều thế kỷ.


Tác giả: Daniel Esparza - Nguồn: Aleteia (04/02/2025)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Nguồn: 
https://giaophanvinhlong.net/

114.864864865135.135135135250