19/01/2025 -

TƯ LIỆU

11
Đại kết và hòa giải dân tộc

Trong sắc lệnh mới nhất về Năm Thánh 2025, Hy vọng không làm thất vọng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dành một số để nói về phong trào Đại Kết (Ecumenism). Do đó ngài mong ước sẽ có một cuộc cử hành đại kết trong Năm Thánh [1]. Với ước mong này, cả Giáo hội đang cử hành “Tuần Đại Kết” bắt đầu từ ngày 18 đến ngày 25 tháng 1 năm 2025.

Đại kết là thuật ngữ chỉ những nỗ lực của Giáo Hội Kitô giáo, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, nhằm tiến tới việc hiệp nhất trong một Đức Tin sung mãn vào Đức Kitô. Hội Thánh mà Chúa Giêsu thiết lập, qua dòng lịch sử đã bị phân chia thành: Công giáo Rôma, Chính thống Giáo (1054), Tin Lành (1519), và Anh Giáo (1535). Thế nhưng, tận thâm tâm, các môn đệ đích thực của Chúa Giêsu luôn được thúc đẩy tiến đến sự hiệp nhất [2]. Họ luôn cố gắng thực hiện những gì có thể để nên một như Chúa Giêsu mong muốn và chính Chúa Giêsu cũng cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các môn đệ (Ga 17,21). Ước mơ làm sao để họ cùng nhau làm việc, gặp gỡ và cầu nguyện với nhau.

Quý vị thân mến,

Cho phép tôi chuyển hướng đề tài một chút để phù hợp với bối cảnh đại kết tại Việt Nam. Tôi đang nói đến sự khác nhau giữa vùng miền, văn hóa, thời cuộc và xu hướng chính trị. Cũng là người Việt Nam, nhưng rõ ràng người Bắc có phần khác với người miền Nam và Miền Trung. Sự khác biệt này bị đẩy đến cực điểm với cuộc nội chiến ròng rã 20 năm trời. Sau cuộc chiến này, người từ ba miền dường như khó thể hòa hợp nếu không muốn nói là còn quá nhiều chia rẽ. Thật may vì sau ngày thống nhất đất nước, ngay trong lòng Giáo hội Công giáo đã khơi lên những chương trình hàn gắn để cùng nhau xây dựng Giáo hội và Đất nước: Sống phúc âm giữa lòng dân tộc.

Có thể nói ngày 1 tháng 5 năm 1980 mở ra một cuộc hòa giải mang tính chiến lược với Thư Chung đầu tiên của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) gởi Dân Chúa trong cả nước. Nội dung bức thư khá dài, nhưng chúng ta có thể tóm gọn trong một câu: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” [3] Thực ra lời hiệu triệu này được HĐGMVN kín múc từ nguồn mạch của Tin Mừng mà Công đồng Vatican II ghi nhận lại:

“Dân mới được Chúa Kitô thiết lập để thông dự vào sự sống, bác ái và chân lý, được Người sử dụng như khí cụ cứu rỗi cho mọi người, và được Người sai đi khắp thế giới như ánh sáng trần gian và như muối đất.” [4]

Tuy lời mời gọi này không có gì sai, nhưng đặt trong bối cảnh hoang mang lúc bấy giờ, không ít người hoài nghi về tính thực dụng của lời này. Nhiều người còn sốc hơn khi trong Thư Chung này, các Giám mục viết: “Trước khi bế mạc Đại hội, chúng tôi đã vào lăng kính viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đã đến yết kiến Thủ tướng Chính phủ.” [5]


Thật thú vị khi chúng ta liên hệ biến cố năm 1975 và sự kiện Năm Thánh 2025. 50 năm với rất nhiều nỗ lực hòa giải dân tộc từ cả hai phía: Giáo hội và Nhà nước. Lần cử hành năm Thánh 1975 chắc không ai để tâm đến vì biến loạn của thời cuộc. Năm 2000 có vẻ rộn ràng hơn. Cả Giáo hội và Nhà nước đều bước vào Thiên niên kỷ thứ Ba với nhiều hứa hẹn. Nhớ ngày đó tôi thường nhìn thấy huy hiệu với 5 con chim bồ câu màu sắc khác nhau, đan cánh xen nhau để cùng nhau tiến bước vào trang mới của lịch sử với nhiều niềm vui, sự an bình, sự hoà hợp. Phía Nhà nước cũng từ từ đón nhận Giáo hội một cách chân thành hơn. Cả hai đều hiểu nhau nhiều hơn kể cả ở cấp độ ngoại giao cũng như tình đồng bào. Tôi có thể kể ra một trong những thành quả lớn nhất trong tiến trình hòa giải này: ngày 23/12/2023, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski làm Đại diện Tòa Thánh Vatican thường trú tại Việt Nam [6]. Cả Giáo hội Việt Nam lẫn Nhà nước Việt Nam đều vui mừng với món quà to lớn này.


Chúng ta, nghĩa là cả nhân loại đang trong Năm Thánh 2025. Chắc chắn HĐGMVN vẫn tiếp tục theo đuổi con đường hòa giải và hiệp nhất này. Đừng quên Bí tích Hòa giải luôn được nhấn mạnh trong khi cử hành Năm Thánh. Bí tích Hòa giải bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của chúng ta. Chúng ta luôn được Thiên Chúa tha thứ mọi lỗi lầm, đó là sự thật. Với trải nghiệm thiêng liêng này, thiết tưởng đây cũng là lý do để chúng ta không mệt mỏi tha thứ cho anh chị em mình. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng: “mong sao các vị thừa sai tiếp tục là công cụ hòa giải và giúp chúng ta nhìn về tương lai với niềm hy vọng tha thiết phát xuất từ lòng thương xót của Chúa Cha.” [7] Tôi tin rằng những ai sống tâm tình của bí tích này cũng đều hướng đến một tinh thần cởi mở hơn, đón nhận hơn và sẵn sàng nhìn nhận anh chị em mình là con cái của Thiên Chúa. 

 

Cũng là người Việt Nam, chúng ta có chung dòng máu Việt. Tuy có những khác biệt, nhưng thực ra khác biệt ấy lại làm phong phú cuộc sống của phận người. Không ai là một hòn đảo giống với mọi hòn đảo còn lại. Thay vào đó, nếu chúng ta cùng nhau hy vọng, cùng nhau biết cách hướng đến những giá trị chung, công cuộc hòa giải và hiệp nhất hoàn toàn có thể thực hiện được. Vậy cụ thể là gì?

 

Trong tài liệu “Spes Non Confundit, Hy vọng không làm thất vọng”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh các việc cần làm trong Năm Thánh 2025 để khơi dậy niềm hy vọng Kitô giáo. Trong những hướng dẫn này, tôi nghĩ mỗi người tín hữu có thể áp dụng để hướng đến một Việt Nam thống nhất hiệp nhất về nhiều khía cạnh. Dưới đây là 5 việc quan trọng:

  1. Thắp lên hy vọng qua sự hòa giải và hoán cải


Hòa giải bao giờ cũng khởi đi từ cá nhân. Nhiều cá nhân hoán cải sẽ dẫn đến một cộng đoàn hoán cải. Do đó, trong Năm Thánh này, Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta lãnh nhận bí tích Hòa giải và sống tinh thần hoán cải. Trong đó, hành hương cũng được xem như điểm khởi đầu của hoán cải cá nhân và cộng đoàn; đây cũng là bước thiết yếu để khôi phục niềm hy vọng [8]. Người hành hương có nhiều cơ hội gặp gỡ và thấy được những nét khác biệt của các vùng miền. Khác biệt trong hiệp nhất có thể đọng lại trong tinh thần của người hành hương.
 

Thật thú vị khi hoán cải còn giúp chúng ta lấy lại niềm tin vào bản thân, vào Giáo hội và Xã hội [9]. Với tinh thần hoán cải, chúng ta có thể tái lập các tương quan vốn đã hoặc đang rạn nứt. Hòa bình có thể được kiến tạo ngay trong những mỗi tương quan giữa đời thường. Đây chẳng phải là cách sống Năm Thánh hiệu quả sao? 

Sau cùng, lịch sử Việt Nam trải qua nhiều biến cố dẫn đến sự chia rẽ giữa tôn giáo, chính trị, văn hóa. Việc hòa giải dân tộc cần lấy cảm hứng từ lòng thương xót và sự kiên nhẫn trong hy vọng. Điều này bao gồm tha thứ quá khứ, thúc đẩy sự đối thoại và hành động vì lợi ích chung. 

  1. Đón nhận và giúp đỡ người nghèo và người di cư

Đây có thể là điều rất gần với tiến trình hòa giải để hiệp nhất. Khi kinh tế thị trường phát triển, dòng người di cư trong và ra ngoài nước ngày càng tăng. Trong bối cảnh này, Giáo hội không chỉ hướng đến con cái mình để chăm lo về đời sống thiêng liêng. Cơ hội truyền giáo, giúp đỡ người không cùng tôn giáo cũng trở nên khẩn thiết hơn. Đây cũng là cơ hội để gặp gỡ người nghèo hoặc người di cư hơn. Chẳng phải kinh nghiệm Giáo hội giúp người nghèo trong thời Covid-19 đã thay đổi cái nhìn của nhiều người về các cộng đoàn Công giáo sao? Họ thán phục tinh thần quả cảm và tình thương của những tình nguyện viên dành cho mọi người. Nhân chứng luôn có sức lan tỏa để nối lại những tương quan đổ vỡ hoặc đang rạn nứt.

  1. Xây dựng hòa bình và kêu gọi đối thoại

Trong tài liệu chúng ta đang đề cập, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh đến đối thoại quốc tế để tìm kiếm hòa bình hoặc hòa giải. Tuy vậy trong bối cảnh Việt Nam vốn trải qua những giai đoạn căng thẳng do chiến tranh, phân biệt về ý thức hệ, và khác biệt tôn giáo, đã có những vết thương. Thậm chí những vấn đề này vẫn còn tồn tại trong một số mối quan hệ giữa các nhóm cộng đồng, chính trị và tôn giáo. Đối thoại như là chìa khóa để mở cánh cửa cho nhau. Trên bình diện ngoại giao, Giáo hội đang và sẽ làm rất tốt. Ở cấp độ cá nhân, hãy mạnh dạn chia sẻ và đối thoại với mọi người. Đừng quên hòa giải dân tộc đòi hỏi sự can đảm để nhìn lại quá khứ, nhưng không phải để khơi lại mâu thuẫn mà để hiểu, chấp nhận và hướng đến tương lai tốt đẹp chung.

 

Ở đây chúng ta thậm chí cần hòa giải giữa các thế hệ. Đặc biệt, người lớn tuổi và giới trẻ cần hiểu nhau hơn, qua việc chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết. Giáo hội có thể tổ chức các buổi gặp gỡ giữa thế hệ để khơi dậy sự hiểu biết lẫn nhau. Bên cạnh đó, hòa giải trong cộng đồng với các sáng kiến hỗ trợ người nghèo, tham gia các hoạt động xã hội chung, hoặc phối hợp giải quyết những vấn đề cấp bách tại địa phương, như môi trường, an sinh xã hội. Đây là vấn đề chung cho mọi người Việt Nam. Chúng ta đang trên con thuyền, nên cùng nhau chèo chống thì tốt hơn là chia rẽ.

  1. Đồng hành và truyền cảm hứng cho giới trẻ

Thực tế là thế hệ thời chiến dần qua đi. Hy vọng qua mỗi thế hệ, việc hòa giải ngày càng nhanh chóng hơn. Điều này cần mọi người chung tay, nhưng rõ ràng vai trò của người trẻ là rất quan trọng. Đức Giáo Hoàng Phanxicô dành một Tông Huấn (Chúa Kitô Sống), để chia sẻ với người trẻ về nhiều góc nhìn khác nhau. Mục đích là giúp người trẻ Công giáo thực sự yêu mến Chúa hơn, quan tâm đến Giáo hội hơn, và dấn thân vào vận mệnh chung của Đất nước.  

 

Ai cũng biết người trẻ là hiện thân của niềm hy vọng; nhưng họ thường đối mặt với những thách thức lớn như thất nghiệp, sự thiếu ổn định, và những ảo tưởng hủy hoại như ma túy, bạo lực, hoặc cảm giác vô nghĩa (sống ảo). Trong bối cảnh này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi Giáo hội tiếp tục truyền cảm hứng cho giới trẻ bằng những cách thật gần gũi, lắng nghe và khích lệ họ, để giúp họ khám phá vẻ đẹp và ý nghĩa của cuộc sống trong Chúa Kitô [10]. Giáo hội đang nỗ lực trong tiến trình này. Thật tốt khi Giáo hội cần tổ chức các chương trình dành riêng cho giới trẻ để lắng nghe những băn khoăn, thắc mắc của họ về cuộc sống, niềm tin và các giá trị. Các buổi trò chuyện hoặc diễn đàn đối thoại là cơ hội để người trẻ cảm nhận được sự quan tâm. Ngược lại, người trẻ cũng can đảm tham gia vào đời sống của Giáo hội, sau đó là Xã hội để sống đức tin giữa lòng dân tộc, giữa bạn bè của mình.

  1. Khôi phục niềm tin vào các giá trị Kitô giáo

Chúng ta đều biết điều này: Hy vọng (đức cậy) cùng với đức tin và đức mến kết thành bộ ba “nhân đức đối thần”. Hòa giải không thể thiếu ba nhân đức này. Cụ thể, giáo hoàng Phanxicô đề nghị rất đơn sơ, dễ thực hiện ba nhân đức này: “chúng ta phải tràn đầy niềm hy vọng (x. Rm 15,13) để làm chứng một cách khả tín và hấp dẫn về đức tin và tình yêu trong lòng chúng ta; nhờ đó chúng ta vui tươi trong đức tin, nhiệt thành trong đức mến; sao cho mỗi người có thể trao đi dù chỉ là một nụ cười, một cử chỉ thân tình, một cái nhìn huynh đệ, một sự lắng nghe chân thành, một sự phục vụ vô vị lợi.” [11]

 

Nếu diễn tả được vài điều trên đây, thiết tưởng công cuộc hòa giải dân tộc có thể sớm nhìn thấy hoa trái. Những gợi ý này được đặt trên một nền tảng rất chắc chắn của ba nhân đức đối thần. Theo đó, Giáo hội không mệt mỏi giúp con cái mình sống trưởng thành hơn, giúp họ hiểu rõ các giá trị Kitô giáo và ý nghĩa của chúng trong đời sống thực tế. Các giá trị như trung tín, yêu thương, và hy sinh cần được nhấn mạnh để củng cố mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Do đó, nếu theo đuổi và sống các giá trị Kitô giáo, chúng ta không chỉ sống hạnh phúc hơn, mà còn góp phần xây dựng một xã hội công bằng, yêu thương và hòa bình.

 

Với năm điểm trên đây, ước gì quý vị có thể tìm thấy cho mình con đường để đến với tha nhân. Năm Thánh là cơ hội để hoán cải, để hàn gắn vết thương lòng. Ở góc nhìn quốc gia, đã có những vết thương luôn âm ỉ trong nhiều thế hệ, nhiều năm qua. Tín hiệu đáng mừng là vết thương này dần được chữa lành, với sự tham gia của nhiều người. Thiết tưởng phương thuốc dành cho người tín hữu không gì khác hơn là hy vọng vào tương lai tươi sáng. Hy vọng với Thiên Chúa và với nhau.

 

Năm Thánh cũng là lúc Đức Giáo Hoàng Phanxicô thông điệp của Công đồng Vaticanô II: “Lúc nào Giáo hội cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích dưới ánh sáng Phúc Âm; như vậy mới có thể giải đáp một cách thích ứng với từng thế hệ những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai hậu cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy.” [12] Dấu chỉ hy vọng đầu tiên phải thành hiện thực là hòa bình. Trước khi có hòa bình, ý thức và thực hành hòa giải và hiểu nhau hơn thực sự cần thiết. Hơn nữa, trên con đường này, chúng ta không cô đơn, không sợ mất định hướng khi áp dụng vào bối cảnh đất nước và con người Việt Nam.

 

Để kết thúc, tôi trích nguyên văn lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Cộng đồng Kitô giáo phải là những thành phần đầu tiên ủng hộ một liên minh xã hội vì niềm hy vọng, một liên minh mang tính đón nhận và phi ý thức hệ, hoạt động hướng tới một tương lai tràn ngập tiếng cười của nhiều trẻ em.” [13] Đây chẳng phải là hoa trái của hòa giải với tinh thần Kitô giáo sao?


Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.
Nguồn: 
https://dongten.net/

 

[1] Spes Non Confundit, hy vọng không làm thất vọng, số 20

[2] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Từ Điển Công Giáo, mục từ Đại Kết

[3] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-chung-1980-cua-hoi-dong-giam-muc-viet-nam-17699

[4] Hiến chế tín lý về Giáo hội 9,1.

[5] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-chung-1980-cua-hoi-dong-giam-muc-viet-nam-17699

[6] https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2023-12/bo-nhiem-dai-dien-giao-hoang-thuong-tru-tai-viet-nam.html

[7] Spes Non Confundit, hy vọng không làm thất vọng, số 23

[8] Spes Non Confundit, số 5

[9] Spes Non Confundit, số 10

[10] Spes Non Confundit, số 13

[11] Spes Non Confundit, số 18

[12] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 4.

[13] Spes Non Confundit, số 9

114.864864865135.135135135250