Chuyến tông du lần thứ 46 của Đức Thánh Cha Phanxicô
Từ ngày 26 đến ngày 29 tháng 9 năm 2024, chỉ chưa đầy hai tuần sau khi kết thúc chuyến tông du đến châu Á và châu Đại Dương, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục xách cây gậy lên đường sang đất Luxembourg và Bỉ. Ở trung tâm của lục địa già, nơi tọa lạc các tổ chức quan trọng của châu Âu và thế giới, Ngài đã đi gặp gỡ một xã hội đã bị thế tục hóa, nơi mà Giáo hội Công giáo, vốn trung thành với sứ mạng “phục vụ”, được mời gọi trở nên dấu chỉ của “hy vọng.” Hai khía cạnh này đã được thể hiện qua các khẩu hiệu được chọn bởi Giáo hội của hai quốc gia trong chuyến viếng thăm: “Phục vụ” ở Luxembourg và “Lên đường trong hy vọng” ở Bỉ. Đây là hai khía cạnh bổ sung cho nhau, bởi vì Giáo hội, khi phục vụ tất cả mọi người, bắt đầu với những người yếu thế nhất, mang đến một hy vọng không làm thất vọng và báo trước một tình huynh đệ trọn vẹn và bất tận, mời gọi chúng ta như những người con được Cha yêu thương và đón nhận.
Trong những ngày mà nền hòa bình bị đe dọa nghiêm trọng – điều mà Đức Thánh Cha đã đề cập đến trong nhiều bài phát biểu – ngài nhận thấy một xã hội không chỉ thế tục hóa mà còn bị tổn thương sâu sắc, đặc biệt tại Bỉ khi thảm kịch lạm dụng trẻ em đã làm suy giảm lòng tin vào Giáo hội, hàng Giáo phẩm và các cơ sở giáo dục. Ngoài ra, không thể không nhắc đến những vấn đề nhân học và đạo đức, chẳng hạn như nạn phá thai, an tử và vai trò của phụ nữ trong xã hội đã khiến hố sâu ngăn cách giữa Giáo hội và một đại bộ phận dân chúng dường như ngày càng lớn. Thực tế, trong chuyến đi của Đức Thánh Cha, chỉ có các vấn đề môi sinh và hòa bình là có được tiếng nói chung. Còn với các chủ đề khác, các cuộc đối thoại không dễ đi đến đồng thuận và một số luồng ý kiến đã gây ra những căng thẳng. Về phía mình, Đức Thánh Cha luôn lắng nghe và thể hiện thiện chí đối thoại; liên quan đến vấn đề lạm dụng trẻ em, trong nhiều bài phát biểu Ngài đã thẳng thắn thừa nhận những thiếu sót nghiêm trọng trong lòng Giáo hội. Bên cạnh đó, Ngài sẵn sàng đón tiếp và lắng nghe các nạn nhân, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng chống tệ nạn này trong tương lai.
Luxembourg: “Phục vụ”
Vào sáng ngày 26 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô rời sân bay Fiumicino đến Luxembourg trên một chuyến bay đặc biệt của ITA Airways. Cùng đi với ngài có đoàn tùy tùng và khoảng 60 nhà báo. Nằm ở một vị trí chiến lược quan trọng, từ lâu Luxembourg đã là tâm điểm của các cuộc chiến tranh giành quyền thừa kế và các xung đột khác ở châu Âu. Đại công quốc này đã từng nằm dưới sự cai trị của nhiều cường quốc và giành được độc lập vào năm 1890. Ngày nay, Luxembourg là một trong những nước có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới và là một trong ba trụ sở chính thức của Liên minh châu Âu, nơi đặt Tòa án Công lý, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, Tòa án Kiểm toán Châu Âu và nhiều bộ phận khác của Ủy ban Châu Âu. Luxembourg có dân số 654.000 người, trong đó khoảng 48% là người nước ngoài. Cộng đồng người nước ngoài lớn nhất là người Bồ Đào Nha, chiếm 16% tổng dân số. Người Công giáo chiếm 41,5%.
Nguồn ảnh: Alberto PIZZOLI/AFP
Khi đến sân bay Findel Luxembourg, Đức Thánh Cha được Đại Công tước Henri, Đại Công nương Maria Teresa và Thủ tướng Luc Frieden chào đón. Sau nghi thức đón tiếp tại sân bay, ngài có chuyến thăm hữu nghị đến ngài Đại Công Tước tại Cung điện Đại Công tước và có các buổi nói chuyện với Thủ tướng Luxembourg. Cũng vào buổi sáng đó, Đức Thánh Cha có cuộc gặp mặt với các đại diện chính quyền, xã hội dân sự và đoàn ngoại giao tại Cercle Cité, một tòa nhà lịch sử tại trung tâm thành phố.
Trước sự hiện diện của Đại Công tước và phu nhân, và sau khi nghe bài phát biểu chào mừng của Thủ tướng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày bài phát biểu của mình. Mở đầu, ngài nhắc lại lịch sử gần đây của Luxembourg, quốc gia đã phải chịu đựng “sự xâm lược và tước đoạt tự do cũng như độc lập của mình” [1] trong hai cuộc chiến tranh thế giới ở nửa đầu thế kỷ 20. Đức Thánh Cha tiếp tục chia sẻ rằng sau thế chiến II, đất nước này đã tham gia vào quá trình xây dựng châu Âu, chứng minh rằng:
Vai trò của một quốc gia trên trường quốc tế không phụ thuộc vào diện tích lãnh thổ hay số dân, mà là vào “việc kiên nhẫn xây dựng các thể chế và luật pháp khôn ngoan, điều chỉnh đời sống công dân theo các tiêu chí công bằng và tôn trọng pháp luật, đặt con người và lợi ích chung làm trung tâm, đồng thời ngăn chặn và đối phó với các nguy cơ phân biệt đối xử và loại trừ.”
Đức Thánh Cha sau đó đề cập đến Học thuyết Xã hội của Giáo hội, điều ngài đã khuyến khích bằng cách mở ra hai chủ đề quan trọng: bảo vệ thiên nhiên và tình huynh đệ. Ngài nhấn mạnh rằng “sự giàu có là một trách nhiệm,” và kêu gọi “luôn cảnh giác để các quốc gia nghèo nhất không bị lãng quên,” để họ “có thể được giúp đỡ thoát khỏi tình trạng nghèo đói.”
Nguồn ảnh: Alberto PIZZOLI/AFP
Trong vấn đề cụ thể về nhập cư, Đức Thánh Cha kêu gọi Luxembourg trở thành “một sự trợ giúp và là một tấm gương trong việc chỉ ra con đường phía trước về tiếp nhận và hội nhập người nhập cư và người tị nạn.” Ngài bổ sung thêm bằng việc thừa nhận rằng “Các bạn thực sự là một hình mẫu về điều này.”
Đức Thánh Cha cũng nhắc lại cách thức mà trên lục địa châu Âu trái tim con người “đi lạc lối và quay trở lại những con đường bi thương của chiến tranh,” với nguy cơ đẩy các quốc gia “vào những cuộc phiêu lưu với cái giá nhân mạng khổng lồ, làm sống lại những cuộc thảm sát vô ích.”
Ngài kêu gọi việc kìm hãm sự trượt dài trong chiến tranh bằng những giá trị tinh thần sâu sắc, có khả năng ngăn chúng ta “gục ngã trước sự dại dột” và “tái phạm những sai lầm trong quá khứ.” Ngài nói thêm rằng “Luxembourg có khả năng đặc biệt trong việc thúc đẩy tình hữu nghị và tránh những sai lầm này,” chứng minh “cho mọi người thấy lợi ích của hòa bình vượt xa sự khủng khiếp của chiến tranh.” Với tư cách là người kế vị thánh Phêrô và đại diện cho Giáo hội, “một chuyên gia về nhân loại,” Đức Thánh Cha long trọng nhấn mạnh:
“Nguồn sống này, sức mạnh mới mẻ này để đổi mới cá nhân và xã hội chính là Tin Mừng. […] Chỉ có Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô mới có khả năng biến đổi sâu sắc tâm hồn con người, giúp họ làm điều tốt ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất, dập tắt hận thù và hòa giải các bên xung đột”.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc đến khẩu hiệu của chuyến viếng thăm Luxembourg – “Phục vụ” – và nhấn mạnh rằng điều đó “liên quan trực tiếp đến sứ mạng của Giáo hội”, nơi mà phục vụ là “phương cách sống cần được thực hiện mỗi ngày”.
Vào buổi chiều bận rộn tại Luxembourg, Đức Thánh Cha gặp gỡ cộng đồng Công giáo tại Nhà thờ Đức Bà, được xây dựng bởi các linh mục Dòng Tên vào đầu thế kỷ 17 và được Giáo hoàng Piô IX nâng lên cấp nhà thờ chính tòa vào năm 1870.
Nguồn ảnh: AFP
Trước sự hiện diện của nhiều thế hệ trong gia đình Đại Công tước, sau lời chào từ Tổng Giám mục Luxembourg, Hồng Y Jean-Claude Hollerich, S.J, đã có nhiều bài chia sẻ từ các đại diện cộng đồng Công giáo và một màn trình diễn múa mang tên Laudato Si’, lấy cảm hứng từ cuộc đời của Thánh Phanxicô. Sau đó, Đức Thánh Cha chia sẻ suy tư của mình, bắt đầu bằng việc nhắc lại Năm Thánh Đức Mẹ, trong đó Giáo hội Luxembourg kỷ niệm bốn thế kỷ tôn kính Đức Mẹ, “Đấng an ủi những người đau khổ”, bổn mạng của đất nước. Sau đó, ngài suy ngẫm về ba từ: “phục vụ”, “sứ mạng”, và “niềm vui”. Về “phục vụ”, Đức Thánh Cha khuyến khích thực hiện với lòng hiếu khách, nối tiếp truyền thống hàng thế kỷ của đất nước trong lĩnh vực này. Ngài nhấn mạnh: “Tôi khuyến khích các bạn hãy trung thành với truyền thống của mình, trân trọng những giá trị mà các bạn đang có, và tiếp tục làm cho đất nước trở thành một mái nhà thân thiện cho những ai gõ cửa tìm kiếm sự giúp đỡ và lòng hiếu khách.”
Về “sứ mạng”, Đức Thánh Cha nhắc lại lời của Hồng Y Tổng Giám mục, người đã nói về “sự chuyển mình của Giáo hội Luxembourg trong một xã hội thế tục.” Đề cập tới khái niệm “sự chuyển mình”, Đức Thánh Cha khẳng định rằng Giáo hội, trong một xã hội thế tục, phải “phát triển, trưởng thành và lớn lên”. Ngài kêu gọi:
“Chúng ta không thể khép mình trong nỗi buồn, sự cam chịu hoặc oán hận. Trái lại, chúng ta phải chấp nhận thử thách trong khi vẫn trung thành với các giá trị trường tồn của Giáo hội. Chúng ta nên một lần nữa khám phá và trân trọng những giá trị này như những con đường cho việc truyền giáo, vượt xa cách tiếp cận mục vụ đơn thuần để chuyển sang sứ mạng rao giảng”, điều được thể hiện qua “khát vọng chia sẻ niềm vui gặp gỡ Đức Kitô càng nhiều người càng tốt”.
Nguồn ảnh: Christophe Olinger
Cuối cùng, về “niềm vui”, Đức Thánh Cha lấy cảm hứng từ lời chứng của một bạn trẻ về những kỷ niệm sống động tại Ngày Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Lisbon, nhấn mạnh:
“Các con có thấy? Đức tin của chúng ta là như vậy: đầy niềm vui, ‘nhảy múa,’ vì nó nói rằng chúng ta là con cái của một Thiên Chúa, Đấng là bạn của chúng ta, Đấng muốn chúng ta hạnh phúc và hiệp nhất, và Đấng vui mừng hơn nữa khi nhìn thấy ơn cứu độ của chúng ta. Hãy mang trong mình niềm vui của Tin Mừng; điều này giúp chúng ta tin tưởng và trưởng thành rất nhiều.”
Để minh họa cho điều này, Đức Thánh Cha nhắc đến truyền thống “Rước kiệu mùa xuân” ở Luxembourg để tưởng nhớ công việc của Thánh Willibrord, một nhà truyền giáo từ vùng đất Luxembourg. Vào dịp này, người dân thành phố Echternach “tràn ngập các đường phố và nhảy múa qua các quảng trường, cùng với những khách hành hương và du khách cùng tham gia. Hơn nữa, cuộc rước trở thành một điệu nhảy đoàn kết lớn lao”.
Tại nhà thờ Đức Bà, Đức Thánh Cha đã ước muốn dâng kính “Hoa hồng vàng” [2] trước tượng Đức Mẹ, “Đấng an ủi những người đau khổ”, và ban phép lành cho tất cả những người hiện diện. Trong khoảng tám giờ đầy cảm xúc tại Luxembourg, sự kiện kết thúc khi ngài tới sân bay, chào Đại Công tước Luxembourg và Thủ tướng, trước khi lên máy bay Luxair để đến Brussels.
Bỉ: “Lên đường trong hy vọng”
Kể từ thế kỷ 16, Bỉ đã lần lượt nằm dưới sự cai trị của Tây Ban Nha, Habsburg, và sau đó là Napoléon. Sau giai đoạn thuộc Hà Lan trong 15 năm dưới thời William I của Orange, Bỉ giành độc lập vào các năm 1830-1831, trở thành một chế độ quân chủ lập hiến do Leopold I của Saxe-Coburg trị vì.
Trong hai cuộc chiến tranh thế giới, đất nước này bị Đức chiếm đóng. Sau thế chiến II, Bỉ đã chứng kiến sự phát triển kinh tế nhanh chóng, một phần nhờ vào làn sóng nhập cư từ các quốc gia như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Thổ Nhĩ Kỳ. Bỉ cũng là một trong những thành viên sáng lập Benelux vào năm 1948, Cộng đồng Than Thép Châu Âu năm 1952, và Cộng đồng Kinh tế Châu Âu năm 1957. Trong vài thập niên tiếp theo đó, Brussels trở thành trung tâm của các tổ chức châu Âu.
Kể từ khi Bỉ giành độc lập, một trong những vấn đề lớn nhất của đất nước này là vấn đề ngôn ngữ, dẫn đến cơ cấu thể chế hiện tại với sự phân chia thành ba vùng (Flemish, Walloon và thủ đô Brussels) và ba cộng đồng (nói tiếng Pháp, nói tiếng Flemish, và nói tiếng Đức). Dân số Bỉ là 11.618.000 dân, trong đó, theo báo cáo về Giáo hội tại Bỉ được công bố năm 2023, 50% tự nhận mình là người Công giáo, với tỷ lệ tham dự thánh lễ Chúa Nhật vào năm 2022 đạt khoảng 8,9%, ít nhất một lần mỗi tháng. [3] Người ta biết rõ rằng trong các thập kỷ qua, xã hội Bỉ đã trải qua một sự chuyển biến sâu sắc về văn hóa và tôn giáo, với xu hướng dần thế tục hóa, thể hiện qua sự sụt giảm số người đi lễ nhà thờ và ơn gọi, cùng với sự gia tăng số người Công giáo không đồng tình với các giáo huấn của Giáo hội, chẳng hạn trong các lĩnh vực đạo đức và sinh học.
Sự sụt giảm số người Công giáo cũng dẫn đến việc đóng cửa hoặc chuyển giao nhiều nhà thờ cho các giáo phái Kitô giáo khác, chủ yếu là Chính Thống giáo. Sự phát triển này đi đôi với những thay đổi lớn về luật pháp trong các lĩnh vực như phá thai, được hợp pháp hóa năm 1990; kết thúc sự sống, với việc hợp pháp hóa an tử năm 2002; và hôn nhân dân sự đồng giới được hợp pháp hóa năm 2003.
Từ Luxembourg, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hạ cánh xuống sân bay quân sự Melsbroek gần Brussels vào chiều muộn ngày 26 tháng 9. Ngài được Vua Philip và Hoàng hậu Mathilde chào đón. Lễ đón diễn ra ngay tại sân bay quân sự. Vào sáng ngày hôm sau, 27 tháng 9, Đức Thánh Cha đã đến Lâu đài Laeken, nơi ở của Hoàng gia, nằm ở vùng ngoại ô Brussels. Ngài được một đội hộ tống cưỡi ngựa tháp tùng từ cổng đến lối vào chính của lâu đài, nơi diễn ra chuyến thăm hữu nghị với Vua và sau đó là cuộc gặp với các đại diện chính quyền và xã hội dân sự tại phòng Grande Galerie. Mở đầu cuộc gặp, Vua Philip và Thủ tướng Alexander De Croo đã phát biểu chào mừng Đức Thánh Cha. Cả hai đều đề cập đến vụ bê bối lạm dụng tình dục trong Giáo hội và các nạn nhân của việc nhận con nuôi cưỡng bức . [4] Về vấn đề này, nhà vua cho biết ông nhận thức được các nỗ lực của Giáo hội tại Bỉ trong việc hỗ trợ các nạn nhân và yêu cầu rằng công việc này cần được tiếp tục “một cách kiên trì và không ngừng nghỉ.” [5] Trong khi đó Thủ tướng Bỉ sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ hơn. Ông phát biểu: “Hôm nay, lời nói thôi không đủ. Cần phải có các hành động cụ thể. Các nạn nhân phải được lắng nghe, họ phải là trung tâm. Họ có quyền được biết sự thật. Những tội ác phải được thừa nhận và công lý phải được thực thi.” Ông nhấn mạnh thêm: “Để có thể hướng tới tương lai, Giáo hội phải đối mặt với quá khứ của mình.” [6]
Trong bài phát biểu của mình – với nhiều đoạn nằm ngoài văn bản chuẩn bị sẵn – Đức Thánh Cha Phanxicô đã thẳng thắn đề cập đến những vấn đề được Vua và Thủ tướng nêu ra. Tuy nhiên, trước tiên, ngài muốn nhấn mạnh vai trò của Bỉ, quốc gia sau thế chiến II đã trở thành “một địa điểm tự nhiên để thiết lập các tổ chức quan trọng của châu Âu. Điều này là do Bỉ nằm trên ranh giới giữa các khu vực nói tiếng Đức và La tinh, nằm giữa Pháp và Đức, hai quốc gia tiêu biểu nhất cho các lý tưởng dân tộc đối lập dẫn đến xung đột. Nó xuất hiện như một nơi lý tưởng, gần như là sự tổng hòa của châu Âu, từ đó bắt đầu công cuộc tái thiết về mặt thể chất, đạo đức và tinh thần.” Dựa trên những kinh nghiệm lịch sử, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh: “Châu Âu cần Bỉ để tiếp tục con đường hòa bình và tình huynh đệ giữa các dân tộc.”
Ngài nói thêm rằng điều này càng trở nên quan trọng hơn vào thời điểm mà “có vẻ như một cuộc thế chiến đang đến gần”. Trước tình hình này, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng:
“Sự hòa hợp và hòa bình là một nhiệm vụ và một sứ mạng, một sứ mạng không ngừng nghỉ cần được đảm nhận, được quan tâm với sự kiên trì và nhẫn nại”.
Ngài nói: “Lịch sử là magistra vitae (người thầy của cuộc sống), nhưng thường bị phớt lờ, và lịch sử Bỉ kêu gọi châu Âu trở lại con đường của mình, khám phá lại bản sắc thực sự và một lần nữa đầu tư vào tương lai bằng cách mở lòng với sự sống và hy vọng, vượt qua ‘mùa đông của dân số’ và những đau khổ của chiến tranh.” Đức Thánh Cha sau đó nói về tình hình và vai trò của Giáo hội, thẳng thắn đề cập đến các vấn đề lạm dụng trẻ em và nhận con nuôi cưỡng bức. Về vấn đề đầu tiên, ngài nói:
“Tôi đề cập đến các trường hợp đau thương của lạm dụng trẻ em – điều mà Vua và Thủ tướng cũng đã nhắc đến – một thảm họa mà Giáo hội đang kiên quyết và dứt khoát đối mặt bằng cách lắng nghe và đồng hành cùng những người bị tổn thương, đồng thời triển khai một chương trình phòng ngừa trên toàn thế giới. Thưa anh chị em, đây là điều đáng xấu hổ! Thật đáng xấu hổ khi chúng ta phải đối mặt với tình huống này, xin tha thứ và giải quyết vấn đề.”
Về việc nhận con nuôi cưỡng bức, Đức Thánh Cha cũng bày tỏ quan điểm rõ ràng: “Tôi rất đau lòng […] bởi một hiện tượng khác. Đó là việc ‘nhận con nuôi cưỡng bức’ xảy ra tại Bỉ từ những năm 1950 đến 1970. Trong những câu chuyện đầy cảm xúc này, chúng ta thấy trái đắng của những hành động sai trái và tội phạm đã bị trộn lẫn với những quan điểm, thật không may, đang chi phối trong mọi tầng lớp xã hội vào thời điểm đó. Điều này phổ biến đến mức nhiều người tin rằng họ đang làm điều gì đó tốt đẹp cho cả đứa trẻ và người mẹ.”
Trong lời kết, Đức Thánh Cha trở lại chủ đề hòa bình: “Tôi cũng cầu nguyện rằng những người đang điều hành chính phủ sẽ biết cách đón nhận trách nhiệm, rủi ro và danh dự của hòa bình, biết cách tránh những nguy cơ, sự ô nhục và sự phi lý của chiến tranh.” Cuối cùng, ngài nhắc lại khẩu hiệu của chuyến thăm Bỉ, “Lên đường trong hy vọng”, và cầu xin ơn này của Chúa Thánh Thần xuống trên tất cả mọi người.
Vào chiều ngày 27 tháng 9, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các giáo sư đại học tại Đại học Công giáo Katholieke Universiteit Leuven (KU Leuven), cùng với Đại học Công giáo Louvain (Université Catholique de Louvain), bắt đầu lễ kỷ niệm 600 năm thành lập trường. Trên thực tế, đại học này được thành lập bởi sắc chỉ Sapientiae immarcessibilis của Đức Giáo Hoàng Martin V vào ngày 9 tháng 12 năm 1425. Đây là trường đại học Công giáo lâu đời nhất thế giới còn tồn tại và hiện có hơn 60.000 sinh viên. Buổi gặp gỡ được mở đầu bởi hiệu trưởng Luc Sels, người đã có một bài phát biểu dài giới thiệu KU Leuven như là “một trung tâm tư duy phản biện giúp truyền cảm hứng và thách thức cộng đồng Công giáo. Một trung tâm tư duy phản biện, với thế giới quan Kitô giáo làm điểm khởi đầu, cũng không ngại thách thức xã hội.” [7] Ngài cũng đề cập đến vấn đề người tị nạn, quyền đạo đức của Giáo hội và trường đại học trong các vấn đề như vai trò của phụ nữ và sự chấp nhận người đồng tính.
Nguồn ảnh: REUTERS/Stephanie Lecocq
Về phần mình, Đức Thánh Cha Phanxicô, trong bài phát biểu đã nhắc đến các trường đại học như “những nơi thúc đẩy các ý tưởng mới và kích thích cho cuộc sống con người, tư duy và các thách thức của xã hội, tức là những không gian sáng tạo.” Ngài tiếp tục rằng theo nghĩa này, “trường đại học tạo ra văn hóa; nó tạo ra các ý tưởng, nhưng trên hết, nó thúc đẩy khao khát tìm kiếm sự thật, phục vụ sự tiến bộ của nhân loại,” luôn ghi nhớ nhu cầu “biến việc đào tạo học thuật và văn hóa trở thành một không gian sống động, bao hàm cuộc sống và nói lên ý nghĩa của cuộc sống.”
Các trường đại học Công giáo được “kêu gọi mang lại đóng góp quyết định như men, muối và ánh sáng của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô và Truyền thống sống động của Giáo hội, luôn cởi mở với những bối cảnh và quan điểm mới” – Đức Thánh Cha trích dẫn Tông Huấn Veritatis Gaudium, số 3.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn đối với KU Leuven vì cam kết tiếp nhận người tị nạn, điều này được minh chứng qua một video được trình chiếu trong buổi họp: “Khi một số người kêu gọi gia cố biên giới, các bạn, với tư cách là một cộng đồng đại học, đã mở rộng vòng biên. Cảm ơn các bạn. Các bạn đã mở rộng vòng tay chào đón những con người bị tổn thương bởi đau khổ.” Sau khi kết thúc cuộc gặp gỡ với các giáo sư đại học, Đức Thánh Cha trở về Brussels, nơi ngài gặp gỡ tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh với một nhóm gồm 17 nạn nhân bị lạm dụng tình dục. Cuộc gặp kéo dài khoảng hai giờ và kết thúc vào khoảng 9 giờ tối.
Sáng ngày 28 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến nhà thờ Saint-Gilles, nơi ngài gặp gỡ những người nghèo và người vô gia cư được cộng đồng giáo xứ trợ giúp, và dùng bữa sáng cùng họ. Sau đó, ngài tiếp tục chương trình chính thức, đi đến Vương cung Thánh đường Thánh Tâm (Sacred Heart Basilica) ở Koekelberg, một trong năm nhà thờ lớn nhất thế giới.
Việc xây dựng nhà thờ này bắt đầu vào năm 1905 nhưng bị gián đoạn trong hai cuộc chiến tranh thế giới và chỉ hoàn thành vào năm 1971, mặc dù Đức Giáo Hoàng Piô XII đã nâng nhà thờ lên cấp tiểu vương cung thánh đường từ năm 1952. Tại đây, Đức Thánh Cha gặp gỡ các Giám mục, Linh mục, Phó tế, tu sĩ nam nữ, các chủng sinh và những người làm công tác mục vụ. Sau lời chào của Tổng Giám mục Luc Terlinden, chủ tịch Hội đồng Giám mục Bỉ, đại diện của các nhóm tham dự đã chia sẻ chứng từ và có những bài hát tạo nên bầu không khí hồi tâm và cầu nguyện. Đức Thánh Cha sau đó đã có một bài suy niệm xoay quanh ba từ: “truyền giáo”, “niềm vui”, và “lòng thương xót”.
Nguồn ảnh: Daniel Ibáñez/CNA
Ngài chỉ ra trước tiên “con đường đầu tiên cần thực hiện là truyền giáo” và nhận định rằng “những thay đổi trong thời đại của chúng ta và cuộc khủng hoảng đức tin mà chúng ta đang trải qua ở phương Tây đã thúc đẩy chúng ta quay trở lại với những điều cốt yếu, đó là Tin Mừng, để tin vui mà Chúa Giêsu mang đến cho thế giới có thể được công bố lại cho mọi người, làm tỏa sáng tất cả vẻ đẹp của nó.” Đức Thánh Cha nói tiếp: “Chúng ta đã chuyển từ một Kitô giáo ổn định trong một khuôn khổ xã hội thân thiện sang một Kitô giáo ‘thiểu số,’ hay đúng hơn, một Kitô giáo sống chứng nhân. Điều này đòi hỏi sự can đảm trong việc hoán cải trên quy mô Giáo hội, để bắt đầu những biến đổi mục vụ liên quan đến các phong tục, mô hình và ngôn ngữ đức tin, sao cho chúng thực sự phục vụ cho công cuộc truyền giáo”. Đề cập đến hành trình hiệp hành, Đức Thánh Cha cho biết:
“Trung tâm của hành trình này phải là câu hỏi: Làm thế nào để chúng ta trình bày Tin Mừng cho một xã hội không còn nghe thấy nó hoặc đã quay lưng lại với đức tin?”Về “niềm vui” – con đường thứ hai cần tiến bước, Đức Thánh Cha mô tả: “Trên hành trình này, chúng ta không đơn độc và ngay cả trong những tình huống nghèo khó, tội lỗi, hay đau khổ, Thiên Chúa vẫn gần gũi, chăm sóc chúng ta và không để cái chết có tiếng nói cuối cùng”. Ngài mời gọi mọi người hãy có một thái độ chung: “Hãy để việc giảng dạy, cử hành, phục vụ và hoạt động tông đồ của các bạn làm toát lên niềm vui từ trái tim, vì điều này sẽ gợi nên những câu hỏi và thu hút ngay cả những người ở xa đức tin.”
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói về “lòng thương xót” như là con đường thứ ba để tiến bước:
“Tin Mừng, khi được đón nhận và chia sẻ, được nhận lãnh và trao ban, sẽ dẫn chúng ta đến niềm vui, vì nó giúp chúng ta khám phá rằng Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót, luôn cảm thông với chúng ta, nâng đỡ khi chúng ta vấp ngã và không bao giờ rút lại tình yêu của Ngài.”
Nhắc lại chứng từ của một tuyên úy nhà tù mà ngài nghe được trước đó, Đức Thánh Cha muốn nhấn mạnh rằng lòng thương xót là từ khóa dành cho các tù nhân: “Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không xa cách những vết thương và sự ô uế của chúng ta. Ngài biết rằng tất cả chúng ta đều có thể phạm sai lầm, nhưng không ai là một sai lầm. Không ai là mất mát mãi mãi. Chắc chắn rằng cần phải tuân theo tất cả các con đường của công lý trần thế và các quy trình nhân văn, tâm lý và hình sự liên quan; nhưng hình phạt phải là một phương thuốc, phải dẫn đến sự chữa lành.” Buổi gặp gỡ kết thúc trong bầu không khí vui tươi và ấm áp với bài hát Salve Regina và phép lành cuối cùng của Đức Thánh Cha.
Sau cuộc gặp gỡ tại Vương cung Thánh đường Thánh Tâm, trong khuôn khổ chương trình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến hầm mộ nhà thờ Đức Mẹ Laeken, nơi chôn cất nhiều thành viên của Hoàng gia Bỉ. Đức Thánh Cha được Vua Philip và Hoàng hậu Mathilde chào đón, ngài dừng lại trong cầu nguyện trước mộ của Vua Baudouin. Vua Baudouin, được biết đến như một nhà cầm quyền Công giáo nhiệt thành, đã trị vì từ năm 1951 cho đến khi qua đời vào năm 1993 và, vào năm 1990, đã thoái vị trong 36 giờ để không ký vào đạo luật hợp pháp hóa việc phá thai. Trước những người hiện diện trong hầm mộ hoàng gia, Đức Thánh Cha kêu gọi họ nhìn vào tấm gương của Vua Baudouin trong một thời kỳ mà “những đạo luật tội ác” đang được thông qua, và hy vọng rằng quá trình phong chân phước cho vua sẽ được khởi động. [8]
Chiều ngày 28 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các sinh viên tại Đại học Công giáo Louvain (Université Catholique de Louvain, UC Louvain). Trường đại học này nằm ở Ottignies-Louvain-la-Neuve, một đô thị cách Brussels 30 km; trường có hơn 30.000 sinh viên và tách ra khỏi Đại học Leuven vào năm 1968, sau các cuộc biểu tình của những người theo chủ nghĩa dân tộc Flemish yêu cầu xóa bỏ bộ phận nói tiếng Pháp của trường. Chắc chắn rằng, UC Louvain đang cùng với KU Leuven kỷ niệm 600 năm thành lập trường, vì dù có sự chia tách vào năm 1968, cả hai trường đều công nhận một lịch sử chung bắt đầu từ năm 1425. Đáng chú ý là chính lễ kỷ niệm lần thứ sáu này là lý do chính thức cho lời mời và chuyến thăm của Đức Thánh Cha.
Cuộc gặp gỡ với các sinh viên đã diễn ra tại đại sảnh của trường. Sau lời chào ngắn gọn của hiệu trưởng Françoise Smets, một lá thư do sinh viên, các nhà nghiên cứu và giáo sư của trường soạn thảo đã được đọc. Lá thư chủ yếu phản ánh về môi trường, nhưng cũng đề cập đến vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, những người mà theo ý kiến đã được nêu ra là hiện diện hạn chế ở các vị trí có trách nhiệm và thường bị lãng quên trong các đóng góp trí thức của họ. [9] Đức Thánh Cha bắt đầu bài phát biểu của mình bằng cách nói rằng ngài cảm nhận được trong những lời mà ngài nghe thấy “đam mê và hy vọng, khát vọng công lý, sự tìm kiếm sự thật”, và ngài ấn tượng bởi những câu hỏi đầy lo lắng về tương lai. Sau đó, Đức Thánh Cha thừa nhận “sự tàn bạo và kiêu ngạo của cái ác phá hủy môi trường và con người”, và chiến tranh là “một biểu hiện tàn bạo của điều này; cũng như tham nhũng và các hình thức nô lệ hiện đại”. Ngài tiếp tục nhấn mạnh ba thái độ: “lòng biết ơn”, “sứ mạng” và “lòng trung thành”. Lòng biết ơn là thái độ của người biết rằng chúng ta đang sống trong một ngôi nhà được ban cho:
“Chúng ta không phải là chủ nhân, chúng ta là khách và là người hành hương trên trái đất này. Lòng biết ơn là thái độ của những người biết rằng chúng ta có mặt trên thế giới này để bảo vệ vẻ đẹp của nó và nuôi dưỡng nó vì lợi ích của tất cả, đặc biệt là cho thế hệ mai sau.”
Theo ngài, lòng trung thành là thái độ của những người chấp nhận thử thách của sự phát triển toàn diện, “liên quan đến tất cả mọi người trong mọi khía cạnh của cuộc sống: thể chất, đạo đức, văn hóa, xã hội và chính trị.” Đức Thánh Cha sau đó nhấn mạnh rằng ngài quan tâm đến vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, bắt đầu từ việc công nhận phẩm giá của họ, vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa, cùng với nam giới: “Bắt đầu từ giá trị chung này, văn hóa Kitô giáo luôn được làm mới, trong các bối cảnh khác nhau, sứ mạng và cuộc sống của nam và nữ và sự tồn tại lẫn nhau vì nhau, trong sự hiệp thông.” Giáo hội chính nó cũng là phụ nữ, Đức Thánh Cha nhắc lại, và trung tâm của sự kiện cứu độ là “lời ‘xin vâng’ của Đức Mẹ, một người phụ nữ đã đón nhận sự nhập thể của Con Thiên Chúa.”
Đức Thánh Cha dành phần cuối của bài phát biểu để nói về ý nghĩa của việc học: làm thế nào để học, tại sao phải học và học cho ai, và kết luận: “Chúng ta học để có thể giáo dục và phục vụ người khác, trước tiên là với sự phục vụ của năng lực và thẩm quyền”, trong đó “văn bằng đại học chứng minh khả năng phục vụ cho lợi ích chung.” Cuối cùng, Đức Thánh Cha khuyến khích các sinh viên bằng những lời này:
“Các bạn sinh viên thân mến, các bạn có muốn tự do không? Hãy là những người tìm kiếm và làm chứng cho sự thật! Hãy tìm cách trở nên đáng tin cậy và nhất quán qua những sự chọn lựa đơn giản trong cuộc sống hàng ngày”.
Sau cuộc gặp gỡ với các sinh viên, Đức Thánh Cha ra ngoài sân thượng trước đại sảnh, nơi ngài nhận được món quà là một chiếc mũ calotte, chiếc mũ đặc trưng mà sinh viên tại các trường đại học Công giáo ở Bỉ hay đội. Sau đó, ngài ngồi trên xe điện nhỏ đi gặp gỡ và chào các sinh viên có mặt trong sân trước tòa nhà. Cùng lúc đó, trong một cử chỉ gây bối rối, UC Louvain đã phát hành một thông cáo báo chí cảm ơn Đức Thánh Cha và công nhận sự đồng tình với những gì ngài đã nói về khủng hoảng khí hậu và sinh thái, nhưng cũng bày tỏ “việc không hiểu và không đồng tình” với quan điểm của ngài về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội và xã hội. [10]
Sau đó, Đức Thánh Cha đã đến Collège Saint-Michel ở Brussels để gặp gỡ riêng với các thành viên của Dòng Tên có mặt tại Bỉ, Luxembourg và Hà Lan. Kết thúc cuộc gặp gỡ mang tính cách gia đình này, trong một sáng kiến ngoài chương trình chính thức, ngài đã đến chào các bạn trẻ gồm khoảng 6.000 người đang tập trung cho sự kiện Hope Happening ở Palazzetto gần Sân vận động, nơi ngài sẽ chủ sự Thánh lễ vào ngày hôm sau.
Chúa nhật 29 tháng 9, ngày cuối cùng của chuyến tông du, Đức Thánh Cha Phanxicô đã từ biệt nhân viên và những người tài trợ của Tòa Sứ thần Tòa thánh và đến sân vận động King Baudouin. Tại đây, trước sự hiện diện của khoảng 35.000 tín hữu, ngài đã chủ sự Thánh lễ, trong đó có nghi thức phong chân phước cho Tôi Tớ Chúa, Ana de Jesús, một nữ tu dòng Cát Minh Chân Trần, cùng dòng với thánh Teresa Avila, nữ đan sĩ đã qua đời tại Brussels vào ngày 4 tháng 3 năm 1621. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã chia sẻ về Tin Mừng ngày hôm đó: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” (Mc 9,42). Ngài sau đó quay lại vụ bê bối lạm dụng trẻ em, nói rằng: “Hãy nghĩ đến điều gì sẽ xảy ra khi những đứa trẻ bị làm gương mù, tổn thương, bị lạm dụng bởi những người lẽ ra phải chăm sóc chúng, những vết thương đau đớn và bất lực trước tiên trong các nạn nhân, nhưng cũng trong gia đình và cộng đồng của họ. […] Trong Giáo hội có chỗ cho tất cả mọi người, tất cả, tất cả, nhưng mọi người sẽ bị phán xét và không có chỗ cho lạm dụng, không có chỗ cho việc che đậy lạm dụng.” Những lời này đã nhận được nhiều tràng pháo tay từ cộng đồng tham dự, rõ ràng là rất xúc động trước sự thẳng thắn của Đức Thánh Cha.
Cuối buổi lễ, trước khi đọc kinh Angelus, Đức Thánh Cha đã cảm ơn Đức Tổng Giám mục Malines-Brussels, Vua và Hoàng hậu Bỉ, và Đại Công tước và Đại Công nương Luxembourg vì sự hiện diện và sự đón tiếp trong suốt chuyến đi. Ngài cũng gửi lời cảm ơn đến những người đã đến từ Hà Lan, Đức và Pháp. Đức Thánh Cha cũng nhắc đến “Ngày di dân và tị nạn thế giới”, hy vọng rằng hiện tượng di cư sẽ được xem là “một cơ hội để cùng nhau trưởng thành trong tình huynh đệ”, nhìn thấy “khuôn mặt của Chúa Giêsu nơi mỗi anh chị em di dân”. Ngài cũng không quên tình hình nghiêm trọng ở Trung Đông khi nói rằng: “Tôi tiếp tục theo dõi với nỗi buồn và sự quan ngại lớn lao về sự leo thang và mở rộng xung đột ở Lebanon”. Cuối cùng, ngài xác nhận ý định bắt đầu quá trình phong chân phước cho Vua Baudouin, mong rằng “tấm gương của ngài như một người đàn ông của đức tin sẽ soi sáng những người lãnh đạo”.
Cuối kinh Angelus, Đức Thánh Cha đã từ biệt gia đình Hoàng gia Bỉ và gia đình Đại Công tước Luxembourg và đến sân bay quân sự Melsbroek, từ đó, sau nghi thức chia tay, ngài lên chuyến bay đặc biệt của Brussels Airlines trở về Rome. Vậy là chuyến tông du lần thứ 46 của ngài kết thúc.
***
Tại Luxembourg và Bỉ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp một Giáo hội cổ xưa mà một bộ phận lớn dân cư đã gắn bó trong suốt nhiều thế kỷ. Hơn nữa, đây là một Giáo hội mà cho đến thời gian gần đây, đã gửi các nhà truyền giáo ra khắp thế giới với tấm lòng quảng đại. Tuy nhiên, trong những thập kỷ qua, sự thế tục hóa và các vụ bê bối lạm dụng trẻ em đã gây ra những vết thương sâu sắc, dẫn đến việc phải tái cấu trúc Giáo hội và sứ mạng truyền giáo của nó. Đức Thánh Cha thể hiện sự quan tâm đầy đủ về tình hình này và không ngần ngại lắng nghe và đối thoại. Ngài không đưa ra những giải pháp dễ dàng, mà thay vào đó là những tiêu chí để hành động với lòng can đảm và khiêm tốn. Mặc dù vậy, ngài cũng thừa nhận những giá trị vẫn còn ở hai quốc gia được thăm, bao gồm cam kết đối với hòa bình và sự tiếp nhận người di cư, và mời gọi Giáo hội hướng tới một “Kitô giáo sống chứng nhân”, dựa trên phục vụ và hy vọng. Các tín hữu của Luxembourg và Bỉ cảm thấy được xác nhận và khích lệ bởi sự hiện diện của Đức Thánh Cha, và chúng ta chắc chắn rằng họ cũng sẽ trân trọng chứng tá về sự gần gũi và thông điệp của Đức Thánh Cha.
Nguồn: laciviltacattolica
Tác giả: Nuno da Silva Gonçalves, S.J.
Chuyển ngữ: Hoàng Quân | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên
Nguồn: https://dongten.net/
————-
[1]. Những hình ảnh, bài phát biểu, và bài giảng trong thánh lễ của Đức Thánh Cha trong suốt chuyến tông du của Ngài đến Luxembourg và Bỉ có thể tìm thấy ở địa chỉ sau www.vatican.va/content/francesco/en/travels/2024/outside/documents/lussemburgo-belgio2024.html
[2]. Hoa Hồng Vàng (The Golden Rose) một danh hiệu cao quý được các Đức Giáo Hoàng Rôma trao tặng cho các vị vua, các quốc gia hoặc các đền thờ như một dấu hiệu của sự công nhận đặc biệt.
[3]. Cf. https://newsletter.cathobel.be/rapport-annuel-eglise/rapport-annuel-eglise-2023-digital.pdf
[4]. Tại Bỉ, vụ bê bối về việc nhận con nuôi cưỡng bách gần đây đã được đưa ra ánh sáng. Đây là hoạt động được các tổ chức Công giáo thực hiện trong nhiều năm, nhằm thúc đẩy việc nhận con nuôi là những đứa con của các bà mẹ đơn thân. Đáp lại các báo cáo của giới truyền thông vào cuối năm 2023, các giám mục đã bày tỏ sự cảm thông với nỗi đau và chấn thương của các nạn nhân và kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về các tình trạng mà những người phụ nữ liên quan mô tả.
[5]. Bài phát biểu của Đức Vua có thể tìm thấy ở đường link sau www.monarchie.be/fr/agenda/discours-de-sa-majeste-le-roi-des-belges-a-loccasion-de-la-visite-en-belgique-de-sa-saintete
[6]. Về bài phát biểu của Thủ Tướng xem https://fr.euronews.com/my-europe/2024/09/27/le-premier-ministre-belge-denonce-le-comportement-de-leglise-face-aux-dissimulations-dabus/ Euronews mô tả bài phát biểu của thủ tướng Bỉ là một trong những bài phát biểu gay gắt nhất từng được gửi tới Đức Giáo hoàng trong một trong những chuyến công du nước ngoài của Đức Thánh Cha và lưu ý rằng các chuẩn mực ngoại giao thường đòi hỏi giọng điệu khác trong các bài phát biểu trước công chúng.
[7]. Bài phát biểu của Hiệu trường KU Leuven có thể theo link sau www.kuleuven.be/english/visit-pope-francis/speech-for-the-popes-visit-to-ku-leuven-by-rector-luc-sels
[8]. Cf. https://www.vaticannews.va/it/papa/news/2024-09/papa-omaggio-re-baldovino-belgio-tomba-leggi-criminali.html
[9]. Cf. https://fr.euronews.com/my-europe/2024/09/29/le-pape-francois-critique-lors-de-sa-visite-dans-une-universite-catholique-en-belgique
[10]. Đối với thông cáo báo chí của Trường đại học xem https://cdn.uclouvain.be/groups/cms-editors-presse/cp-septembre-2024/20240928_Communique%CC%81UCLouvain_Discours_Pape_reaction.pdf Đức Giáo hoàng Phanxicô khi trả lời câu hỏi của một nhà báo trong chuyến bay trở về Rome, đã bày tỏ sự ngạc nhiên của mình trước việc thông cáo báo chí đó. Những lời của Đức Thánh Cha có thể được tìm thấy tại www.vaticannews.va/en/pope/news/2024-09/pope-francis-press-conference-plane-luxembourg-belgium.html