04/11/2024 -

TƯ LIỆU

20
Inhaxio Loyola, Linh Thao và Dilexit Nos

Mới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành một Thông Điệp có tên là “Dilexit Nos” (“Người đã yêu thương chúng ta”), nói về Thánh Tâm Chúa Giêsu. Chủ đề được bàn tới, tưởng chừng như đã quá quen thuộc, nhưng hệt như một tiếng chuông, giúp thức tỉnh con người về điều cốt lõi nhất: tình yêu; không phải là bất cứ một kiểu tình yêu nào, nhưng là một tình yêu đúng nghĩa, xuất phát từ Đấng là Tình Yêu (1Ga 4,16). Những khô cằn và vụn vỡ của thế giới nói chung và con người nói riêng được cho là đến từ sự thiếu vắng của tình yêu này, hoặc do tình yêu đã bị hiểu sai, bị lạm dụng.
 

Trái tim, nơi tình yêu phát xuất, cần được chữa lành, vì nó chính là điểm khởi cho những thay đổi cần thiết và triệt để.

Trong Thông Điệp này, Đức Thánh Cha đã đề cập đến một số vị thánh cùng với giáo huấn thiêng liêng của họ để làm rõ điều ngài muốn trình bày. Trong đó, thánh Inhaxio Loyola, vị sáng lập dòng Tên, được nhắc đến ở số 24, 144, 145. Học thuyết về đời sống thiêng liêng của vị thánh này có liên quan gì đến “trái tim”?

Thánh Inhaxio Loyola nổi tiếng nhờ tập sách Linh Thao. Tập sách này tuy vắn gọn, nhưng chứa đựng những giáo huấn quý giá liên quan đến đời sống thiêng liêng mà thánh nhân đã gom góp cả đời, dưới sự huấn luyện của Chúa. Phần lớn quyển sách là những chỉ dẫn giúp thực hiện một cuộc tĩnh tâm trên dưới 30 ngày. Nó chỉ rõ những điều kiện để có thể làm Linh Thao, những bài tập cần thực hành, những phương pháp cầu nguyện cùng với các bước phải theo, những ơn xin… Cùng với đó là những quy tắc súc tích giúp định hướng cho việc phân định các thần, những chỉ dẫn về cách thức chọn lựa bậc sống, cách đối diện với những bối rối, cảm thức cần có đối với Giáo Hội. Mục đích của Linh Thao là giúp bản thân được biến đổi nhờ nhận ra, loại trừ các quyến luyến lệch lạc và chuẩn bị mình để đón nhận ý Chúa. Một câu hỏi được đặt ra: Cái gì nơi phương pháp này góp phần đưa đến sự biến đổi nơi thao viên?

Bên dưới tất cả những chỉ dẫn ngoại tại của Inhaxio trong Linh Thao là một hàm ý nội tại sâu sắc mang tính thần học rất cao. Trong phương pháp thao luyện này, có một yếu tố đóng vai trò vô cùng quan trọng, làm điểm nhắm cho tất cả. Nó là điểm quy chiếu cho mọi nỗ lực bên ngoài: kỷ luật, chương trình, điểm và cách cầu nguyện, đồng hành… Nó chính là yếu tố giúp tạo nên một sự biến đổi thật sự. Bỏ qua hoặc lãng quên yếu tố này, tất cả đều trở nên vô nghĩa, mọi thành quả mà thao viên tưởng là đã thu lượm được chỉ là ảo tưởng. Rốt cuộc, nó là cái gì? Số 24 của Thông điệp đã giúp chúng ta nhận ra yếu tố quan trọng đó: affectus (những tác động trong lòng). Những ai phê bình thánh Inhaxio là con người của lý trí có lẽ đã không dành đủ sự chú ý cho những chỉ dẫn của ngài liên quan đến điều này.

Khi làm Linh Thao, trong quá trình cầu nguyện, thao viên được mời gọi thực hiện những hành vi như suy xét, phân tích, cân nhắc, so sánh…(vốn là những hành vi thuộc về chức năng của lý trí), nhưng tất cả những hành vi này chỉ là bước đầu. Chỉ dừng lại ở những điều này thôi thì chưa đủ để gọi là thao luyện linh hồn. Trong những chỉ dẫn ở đầu sách Linh Thao, Inhaxio đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nếm và cảm những điều nội tâm, chứ không phải là một hiểu biết nào đó về mặt trí khôn (LT 2). Trong phương pháp cầu nguyện với ba tài năng của linh hồn, có vai trò của “ý muốn” (la voluntad), sau khi đã dùng trí nhớ và trí hiểu để nhớ lại và phân tích chất liệu xảy đến ngang qua các chất liệu được cung cấp (LT 50). Ngang qua nghiêng chiều của “ý muốn”, thao viên cảm nhận được sự ngượng ngùng, xấu hổ vì những tội đã phạm (LT 48), biết được những lệch lạc của mình, một cách rõ ràng (LT 21) hay dưới dạng Thiên Thần ánh sáng (LT 332), khơi dậy lòng khao khát để theo Chúa.


Affectus không phải là những cảm xúc tâm lý vui buồn nông cạn, nhưng là một cảm nhận xảy đến trong tận sâu của cõi lòng (hay trái tim, tâm khảm), một đụng chạm đích thực của Chúa.

Chính “cõi lòng” này là nơi mà thao viên phải tìm đến, và nhiệm vụ của người hướng dẫn Linh Thao không gì khác hơn là giúp thao viên thực thi tiến trình “hồi hương” này.

Đây đích thực là “nhà” của con người, là tâm điểm của chính họ, nhưng trớ trêu thay, lại là nơi mà con người thường không để tâm đến, lãng quên nó và dần dần trở nên xa lạ với nó. Như Đức Thánh Cha đã chỉ ra, Inhaxio cho biết rằng nơi “cõi lòng” của con người thường xuất hiện những “chuyển động” (moción) do các tác nhân khác nhau gây ra (Thiên Chúa hay thần dữ). Những chuyển động này ảnh hưởng rất lớn đến con người, từ thái độ đến cách hành xử. Chính nó là nguyên nhân gây ra niềm vui hay sự bối rối. Bởi thế, con người cần phải phân định, tách biệt rạch ròi những chuyển động ấy. Đây chính là ý nghĩa của phân định thần loại. 

Nhưng quan trọng hơn cả trong tiến trình Linh Thao là cuộc gặp gỡ đích thực với Thiên Chúa, diễn ra nơi “cõi lòng” của mình. Cuộc gặp gỡ đó có thể được diễn tả qua những soi sáng hay đánh động, nhưng tựu trung, đó là sự hoà quyện giữa chính mình với Đấng là Tình Yêu, Đấng tự mình thông truyền chính Ngài cho thụ tạo, “ấp ủ nó trong tình yêu và sự ngợi khen của Ngài, giúp nó sẵn sàng dấn thân vào con đường phù hợp để phụng sự Chúa tốt hơn” (LT 15). Ở điểm này, bản văn Linh Thao xuất hiện từ “abraçar”. Không rõ là Inhaxio muốn nói đến “abrazar” (“ấp ủ”, “ôm ấp”) hay “abrasar” (“đốt nóng”). Cả hai từ đều có ý muốn nói đến một kinh nghiệm thần bí sâu sắc. Từ “ấp ủ” diễn tả một đụng chạm tận chiều sâu của Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu từ mẫu “ôm ấp và nâng niu con thơ” (Is 40,11; 66,13; Tv 131,2; Lc 13,34). Còn với từ “đốt nóng”, theo diễn tả của các nhà thần bí, đó là dấu hiệu của ngọn lửa tình yêu bởi tác động của Thánh Thần.

Tất cả những affectus này diễn tả nơi “cõi lòng” của thao viên, bởi thế, nếu thao viên không đi vào chốn này, sẽ không thể có được nó và cũng sẽ chẳng có cuộc gặp gỡ và biến đổi nào.

Để trợ giúp cho hành trình tiến vào thế giới nội tâm này, ngoài những đòi hỏi ngoại tại như sự thinh lặng và tách biệt, Inhaxio đã đề nghị các cách thức và nội dung cầu nguyện phù hợp. Chẳng hạn như việc đặt mình trước Đấng bị treo trên thập giá và tâm sự với Ngài (LT 53). Thao viên được mời gọi đối diện với một Trái Tim bị đâm thâu để cảm nhận được thế nào là tình yêu đúng nghĩa. Còn việc tâm sự thì được hiểu như là cách “một người bạn nói chuyện với một người bạn, hay tôi tớ đối với người chủ, để xin điều gì đó, để thú nhật một lỗi lầm hay để xin lời khuyên” (LT 54). Buổi tâm sự đưa thao việc vượt ra khỏi khuôn khổ của các chất liệu được cung cấp cho họ trước đó. Thao viên đối diện với Chúa bằng con người thật của mình, để cho những gì chất chứa trong lòng được tự do tuôn trào một cách tự nhiên mà không bị bất cứ thứ gì ngăn cản. Như Đức Thánh Cha giải thích, đây là cuộc đối thoại “giữa trái tim với trái tim” (s.144).

Chỉ có sự gặp gỡ từ tận chiều sâu nhất này của con người với Thiên Chúa mới làm nên một cuộc thay đổi, một cuộc tái sinh, nơi mà tất cả những quyến luyến của con người được nhận ra, điều chỉnh và được đặt để vào đúng trật tự.

Như thế, có thể nói, phương pháp Linh Thao của Inhaxio nhắm đến việc huấn luyện con tim, trước hết là giúp nhận ra vấn đề của nó, sau đó là hướng đến một sự chữa lành nhờ đặt để nó bên cạnh Thánh Tâm Chúa. Sở dĩ thời gian làm Linh Thao theo phương pháp này thường lâu là vì hành trình này cần nhiều thời gian, đặc biệt đối với những ai không có thói quen “nhìn vào trong cõi lòng mình” để tìm gặp Thiên Chúa vốn đang hiện diện nơi đó, nơi Đền Thánh của Ngài (1Cor 2,11; Rm 8,9.11). Linh Thao Inhaxio kết thúc bằng bài thao luyện “Chiêm niệm để được tình yêu” (LT 230-237), dường như để ám chỉ rằng “tình yêu” chính là điểm đến của cuộc thao luyện. Đây là một Tình Yêu được cụ thể hoá bằng hành động nơi công trình tạo dựng, cứu chuộc và thánh hoá; một Tình Yêu mang lấy hình hài con người, để diễn tả với con người rằng “Ngài yêu chúng ta” (Rm 8,37). Linh Thao đã cung cấp cho con người một cách thức để cảm nhận được điều đó, bởi thế, chủ nhân của nó, thánh Inhaxio Loyola, được nhắc đến trong Thông Điệp nói về tình yêu này.


Lm. Phêrô Lê Hoàng Nam, S.J
Nguồn: https://dongten.net/.

114.864864865135.135135135250