26/11/2024 -

TƯ LIỆU

8
Máu và các hy tế Cựu ước
Đã bao giờ bạn quyết tâm đọc cuốn Kinh thánh từ đầu đến cuối?

Lấy cuốn Kinh thánh ra khỏi kệ, thổi sạch bụi, bạn bắt đầu đọc từ trang đầu tiên. Việc đọc sách Sáng thế và Xuất hành xem ra khá trôi chảy. Nhưng rồi bạn sa lầy khi bắt đầu đọc sách Lêvi.

Sách Lêvi mở ra cho chúng ta một thế giới đầy lạ lẫm: toàn bộ cuốn sách nói về nghi thức sát tế thú vật và về việc đổ máu chúng. “Người ấy sẽ sát tế con bò tơ trước nhan Ðức Chúa” (Lv 1,5).

Thật lúng túng, bạn ngừng đọc và đặt cuốn Kinh thánh trở lại kệ sách cho đến khi bạn quyết tâm đọc nó lần tới. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều người nắm rõ hai cuốn đầu tiên nhờ việc đọc đi đọc lại. Nhưng họ khó lòng vượt qua được sách Lêvi.

Thực ra, những nội dung trong sách Lêvi lại rất quan trọng đối với các Kitô hữu chúng ta.

Toàn bộ các thuật ngữ then chốt mà Tân ước dùng để mô tả cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu đều được rút ra từ hệ thống hy tế Cựu ước. Như thế, hiển nhiên là để hiểu được hy tế của Đức Kitô, chúng ta cần nắm bắt phần nào về việc hiến tế thú vật trong Cựu ước.

Mục đích của hy tế

Trước tiên là một vài điểm cơ bản cần nhớ. Hoạt động phụng tự trong đền thờ Do Thái đặt trọng tâm vào lễ vật hiến tế. Mục đích của hy lễ Cựu ước là mang lại “sự đền tội”: một tiến trình giao hòa tội nhân với Thiên Chúa.

Sách Lêvi quả quyết với chúng ta rằng máu huyết là điều thánh thiêng, bởi lẽ sự sống thánh thiêng mà máu tương đương với sự sống: “Vì mạng sống của mọi xác thịt là máu nó… Các ngươi không được ăn huyết của bất cứ xác thịt nào” (Lv 17,14).

Vì không thể dùng máu người làm lễ tế nên phải thay thế bằng máu của các con vật dùng để sát tế. Có một vài hình thức hiến tế thú vật dùng cho mục đích này.

Loại lễ tế thường gặp nhất đó là “hy lễ kỳ an”, hay được gọi chính xác hơn (như trong Kinh thánh bản Giêrusalem) là “lễ tế hiệp thông” (x. Lv 3,1tt). Trong lễ tế hiệp thông, điều được nhấn mạnh không nằm ở cái chết, nhưng là sự sống.

Sự sống của con vật hiến tế được trao nộp (đổ ra) nhằm để được biến đổi, để được sẻ chia. Việc dâng lễ vật hiến tế nhất thiết giả định việc người dâng lễ thành tâm ao ước được giao hòa với Thiên Chúa.

Đây là bản tóm vắn gọn về hy lễ hiệp thông.

Hy lễ bắt đầu bằng việc người dâng lễ tiến đến bàn thờ cùng với con vật chịu sát tế. Người ấy đặt hai tay trên đầu tế vật để đồng hóa chính mình với nó. Người ấy có ý muốn nói rằng, “sự sống sắp bị trao nộp đây cũng chính là sự sống của tôi”.

Kế đến, người ấy sát tế nó bằng cách cắt vào cổ và để máu chảy vào các chỗ chứa trên bàn thờ.

Tiếp đó, công việc của vị tư tế bắt đầu. Ông đưa một phần máu, là sự sống bị trao nộp, đến gần hơn với sự hiện diện của Thiên Chúa bằng cách rảy chúng lên trên và xung quanh bàn thờ.

Sau nữa, ông đặt một phần thịt trên ngọn lửa thánh để thiêu cháy.

Như một biểu tượng, mục đích của việc toàn thiêu không phải là sự hủy diệt nhưng để biến đổi. Dưới dạng làn khói ngày càng ngút cao, thịt của con vật hiến tế được nâng lên trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhờ cách ấy, Thiên Chúa đón nhận phần sự sống được hiến dâng cho Ngài.

Đến cuối lễ tế hiệp thông, một phần thịt đang thiêu trên lửa thánh được lấy ra khi vẫn còn ăn được. Người tiến dâng lễ vật sẽ ăn phần này. Như thế, người này cùng dùng bữa với Thiên Chúa, và sự xá giải giữa Thiên Chúa với người ấy được diễn ra.

Nơi cộng đoàn dân Do Thái cổ thời, việc dùng chung một bữa ăn mang ý nghĩa rất sâu sắc. Họ tin rằng việc chia sẻ bữa ăn với người khác sẽ tạo ra một mối liên kết bền chặt với người đó.

Đối với họ, mối liên kết này mạnh mẽ tới mức, nếu bạn đã dùng bữa với tử thù của mình, thì bạn không bao giờ làm hại đối phương nữa được nữa. Ngày nay, dù không nghĩ đến chuyện cùng dùng bữa với với những kẻ không đội trời chung, nhưng chúng ta vẫn tin rằng việc chia sẻ bữa ăn sẽ làm cho tình bằng hữu thêm thắm thiết.

Sự xá giải thực hiện nhờ việc tiến dâng hiến tế bằng thú vật chịu hạn định trong phạm vi của điều mà chúng ta gọi là những tội nhẹ. Nó không áp dụng cho các tội trọng, tội mà một bản dịch Kinh thánh cổ đã gọi cách thích đáng là “những tội đã phạm cùng với sự kiêu ngạo”[1].

Ý nghĩa đối với các Kitô hữu

Tất cả những điều này liên hệ gì đến các Kitô hữu chúng ta?

Thiên Chúa đặt trọng tâm việc thờ phượng của dân Ngài thời Cựu ước vào hy tế bởi đó là một phần thiết yếu của lịch sử cứu độ mà Ngài thực hiện. Ngài chuẩn bị chúng cho hy tế tối hậu và hoàn hảo do Con của Ngài sẽ dâng lên để đền tội cho nhân loại.

Như thánh Phaolô tuyên bố, “Đức Kitô yêu chúng ta, và vì chúng ta, đã trao nộp chính mình làm hy lễ tiến dâng Thiên Chúa” (Ep 5,2; x. Hr 9;10).

Hãy xem cách mà Đức Giêsu, Chúa chúng ta biểu lộ toàn bộ các chiều kích của hy lễ hiệp thông trong Cựu ước. Ngài thực hiện một vai trò tam diện: người dâng hy tế, tế phẩm và tư tế.

Ở phần đầu tiên của hy tế bằng thú vật, người dâng hy tế đến cùng với tế vật của mình, rồi đồng hóa mình với tế vật ấy. Nơi hy tế thập toàn của Chúa chúng ta, Ngài đến giữa chúng ta qua mầu nhiệm Nhập thể, và nhờ đó, đồng hóa cách hoàn hảo và thực sự (chứ không mang tính biểu tượng) chính Ngài với mọi người.

Ở phần thứ hai của hy tế bằng thú vật, người dâng hy tế trao nộp mạng sống của con vật. Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng chính mạng sống của mình bằng “cái chết mà Ngài tự nguyện chấp nhận”, như chúng ta đọc thấy trong Kinh nguyện Thánh thể II.

Ở phần thứ ba của hy tế bằng thú vật, vị tư tế đưa một phần máu huyết, là sự sống được trao nộp, đến gần hơn với sự hiện diện của Thiên Chúa bằng cách rảy trên bàn thờ. Đức Giêsu Kitô, vị Tư tế Thượng phẩm, đã đưa toàn bộ sự sống mà Ngài hiến dâng đến chỗ viên mãn nơi sự sống Thiên Chúa.

Ở phần thứ tư của hy tế bằng thú vật, một phần thịt của tế vật được thiêu trên ngọn lửa thánh, không phải để bị tiêu hủy nhưng là để được biến đổi. Bằng cái chết và cuộc thăng thiên, Đức Giêsu Kitô đã trở nên tự do trước mọi giới hạn ràng buộc về không gian lẫn thời gian.

Giờ đây, Ngài dành trao trọn vẹn cho mọi người ở mọi thời: quá khứ, hiện tại và tương lai. Sự sống của Con Thiên Chúa đã bị trao nộp, để được biến đổi, để được chia sẻ.

Sau cùng, hãy đến với bữa ăn hiệp thông. Bí tích Thánh thể là bữa ăn hiệp thông của chúng ta. Chúng ta cùng chia sẻ bữa ăn với Thiên Chúa, không thuần túy mang nghĩa biểu tượng như trong hy tế Cựu ước, nhưng theo nghĩa chính xác của việc này. Thiên Chúa trong Đức Kitô trao ban chính bản thân Ngài– Mình và Máu, Linh hồn và Thần tính – để làm lương thực thần thiêng nuôi dưỡng chúng ta.

Tiến đến trong Đức tin

Lãnh nhận ân huệ là chính Đức Kitô trong Bí tích Thánh thể không đơn thuần như một tùy chọn dành cho chúng ta. “Nếu các ngươi không ăn thịt và uống máu Con Người, các ngươi không có sự sống nơi mình” (Ga 6,53).

Chúng ta tiến đến Hy tế Thánh trong đức tin. Nhưng cho dù đức tin của chúng ta có thể sâu sắc đến đâu đi nữa, chúng chỉ có thể đón nhận trọn vẹn Đức Giêsu Kitô theo cách thế mà Ngài đã chuẩn bị cho chúng ta.

Giờ đây, bạn đã sẵn sàng một lần nữa thử đọc Kinh thánh từ đầu đến cuối rồi chứ? Hãy tiến lên và vượt qua sách Lêvi trên hành trình của mình hướng đến sách Khải huyền.

https://www.simplycatholic.com/ 
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
Nguồn: https://www.hoangcatholic.com/

--------------------------------
[1] [Ng.d] Cựu ước đề cập điều này trong sách Dân số 15,30-31, hiện nay thường được dịch là tội trọng. Có thể tham khảo một số bản dịch Kinh thánh trước đây sử dụng cách dịch cũ, chẳng hạn: American Standard Version – 1901 (Numbers 15 ASV) hay Jewish Publication Society – 1917 (Numbers 15 JPS).
114.864864865135.135135135250